Trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa

Xuất bản: 01/03/2023 - Tác giả:

Kể chuyện sáng tạo trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa, tham khảo một số bài văn mẫu đóng vai bà đỡ Trần kể lại câu chuyện Con hổ có nghĩa

Tài liệu hướng dẫn trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn gồm những gợi ý chi tiết cách làm và một số bài văn hay kể lại nội dung truyện Con hổ có nghĩa theo cách sáng tạo.

Lập dàn ý trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa

1. Mở bài:

- Giới thiệu về bản thân (bà đỡ Trần), giới thiệu về câu chuyện Con hổ có nghĩa

2. Thân bài:

* Câu chuyện hổ đực đến nhờ mình đỡ đẻ cho hổ cái

- Đêm đó, con hổ cái đang chuẩn bị sinh con nhưng khó sinh
- Tôi bỗng nghe tiếng gõ cửa đầy thúc giục.
- Hổ đực đến nhà tìm tôi và cõng tôi đến chỗ hổ cái cầu xin giúp đỡ
- Tôi đồng ý đỡ đẻ cho hổ cái
- Hổ đực đào bạc dưới gốc cây trả ơn tôi
- Nhờ có mười lạng bạc biết ơn của hổ mà năm đó tôi sống sót qua nạn đói.

* Câu chuyện về con hổ ở Lạng Giang

- Có một bác tiều phu ở huyện Lạng Giang đang kiếm củi dưới sườn núi, thấy dưới thung lũng rất xa cây cỏ lay động không ngừng.
- Bác đến xem và thấy một chú hổ trán trắng đang cúi đầu lấy chân móc họng, đào bới đất, nhảy lên, vật xuống, một chiếc xương bò to đang chắn họng con hổ.
- Bác tiều phu giúp hổ lấy chiếc xương bò ấy ra.
- Hổ trả ơn cứu mạng của bác tiều phu bằng cách biếu bác một con nai rừng.
- Nhiều năm sau khi bác tiều phu qua đời, chú hổ ấy đã đến nhảy quay quanh quan tài
- Từ đó, mỗi năm vào dịp giỗ bác tiều phu, chú hổ lại mang dê hoặc lợn rừng đến để ngoài cửa.

3. Kết bài:

- Bày tỏ cảm xúc của mình với con hổ có nghĩa ấy.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo một số mẫu bài văn hay trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa dưới đây nhé.

Top 4 bài văn hay trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa

Trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa mẫu 1

Tôi là một người sống ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, vì tôi làm nghề đỡ đẻ nên mọi người thường gọi tôi với cái tên thân mật là bà đỡ Trần.Vì làm nghề này hơn nửa đời người nên tôi có nhiều kinh nghiệm, mà theo như lời mọi người thì tôi rất “mát tay”, bao nhiêu ca đỡ đẻ, dù khó khăn nhường nào thì tôi đều giúp họ sinh sản an toàn, mẹ tròn con vuông. Chính vì vậy mà dù con cái của họ đã lớn nhưng mỗi dịp đầu năm họ lại mang theo gà, mang gạo đến nhà tôi tạ ơn. Được sự tin tưởng, tín nghiệm của mọi người như vậy khiến tôi rất vui. Hôm ấy, khi trời về khuya gần chìm vào giấc ngủ thì tôi nghe tiếng gõ cửa dồn dập.

Tôi nghĩ rằng có ai đó chuẩn bị sinh nên mới vội vàng đến tìm tôi lúc đêm khuya như vậy. Tôi vội vàng mặc thêm áo khoác rồi ra mở cửa, nhưng hoàn toàn trái ngược với những tưởng tượng trước đó của tôi, trước mắt không phải khuôn mặt của một người nào, mà xuất hiện một con hổ to lớn, khuôn mặt dữ tợn. Tôi chưa kịp kêu lên thì con hổ đã mang tôi chạy thẳng vào rừng, đến một hang đá nó chợt dừng lại, thả tôi xuống đất, tôi vì quá sợ hãi nên đã chạy nhanh vào một góc hang, trốn chạy ánh nhìn dữ tợn của nó. Lúc này, tiếng gầm của một con hổ khác đã thu hút sự chú ý của tôi. Nhìn xuống thì thấy con hổ này nhỏ bé hơn con hổ mang tôi đến đây, bụng nó chướng lớn và đang nằm quằn quại đau đớn dưới đất.

Với những kinh nghiệm của mình, tôi có thể thấy con hổ cái này chuẩn bị sinh nở, giờ đang trở dạ nên mới đau đớn, quằn quại như vậy. Tuy nhiên, vì sợ hãi nên tôi không dám lại gần, càng không dám có những hành động quá khích nào khác. Nhưng khi đang chìm trong mớ suy nghĩ hỗn độn thì con hổ vừa đưa tôi đến đã dùng chân của mình chạm nhẹ và cánh tay của tôi, nhìn tôi đầy khẩn trương như muốn tôi giúp đỡ con hổ kia vậy. Biết rằng con hổ này không hề có ý làm hại mình mà chỉ mong muốn được tôi đỡ đẻ cho hổ mẹ kia nên tôi nhanh chóng lấy thuốc mang theo bên mình, hòa với nước suối gần đó, rồi cho hổ mẹ uống để giảm bớt sự đau đớn.

Sau đó tôi xoa tay trên bụng hổ mẹ và giúp nó sinh con. Hơn một canh giờ sau, cuối sùng hổ con được sinh ra, đó là một con hổ đực khỏe mạnh, xinh xắn. Tôi khẽ quệt nhẹ tầng mồ hôi trên trán, đứng sang một bên nhìn cảnh hổ đực đang chơi đùa cùng với hổ con, hổ mẹ vì mệt mỏi mà nằm xoài dưới mặt đất nhưng khuôn mặt vẫn ánh lên những tia hạnh phúc. Bỗng nhiên tôi có cảm giác xúc động không thôi, tuy chỉ là những con vật nhưng chúng vẫn đối xử với nhau thân tình như những con người thực sự.

Khi tôi đang định lặng lẽ ra về, trả lại không gian riêng cho gia đình nhà hổ thì con hổ đực tiến tới bên tôi, dẫn tôi đến một gốc cây lớn gần đó, rồi dùng hai chân trước của mình đào lên một thỏi bạc lớn, đưa cho tôi. Tôi không muốn nhận nhưng trước sự chân thành của con hổ, tôi đành nhận lấy rồi trở về nhà. Con hổ nhìn theo bóng dáng của tôi đến khi khất sau núi. Không lâu sau đó, ngôi làng nhỏ của tôi bị mất mùa, lại thêm dịch bệnh, đói kém mà rất nhiều người phải bỏ mạng. Nhờ có thỏi bạc mà con hổ cho tôi ngày ấy mà tôi có thể vô sự sống qua thời kì khó khăn này.

Qua sự việc lần này tôi thấy các loài vật cũng có tình cảm, chúng biết yêu thương, báo đáp như những con người bình thường. Việc thoát khỏi thời kì mất mùa này tôi càng cảm thấy biết ơn sự tình nghĩa nơi con hổ. Câu chuyện về con hổ có nghĩa không chỉ có một mình tôi chứng kiến, trải nghiệm, mà đó cũng là câu chuyện cảm động của một người tiều phu ở huyện Lạng Giang tỉnh Lạng Sơn. Người tiều phu trong một lần lên rừng kiếm củi thì thấy tiếng động lạ phát ra từ một lùm cây, tò mò lại gần thì phát hiện ra một con hổ đang quằn quại đau đớn dưới mặt đất.

Chứng kiến sự việc này khiến người tiều phu rất sợ hãi, tôi có thể hiểu cảm giác lúc đó của ông ấy, nhưng sự tò mò, tình thương đã ngăn bước chân của người tiều phu, ông ta đến gần nói với con hổ rằng ông ta sẽ giúp đỡ nó, chỉ cần nó không làm hại đến ông. Hiểu được những gì người tiều phu nói nên con hổ gật đầu liên hồi, sau đó há to miệng để người tiều phu có thể thấy khúc xương vướng ở trong cổ họng của nó. Không chần chừ, người tiều phu vươn tay vào miệng con hổ lấy ra một khúc xương bò lớn. Sau đó ông ta đã vui vẻ nói đùa với con hổ, rằng khi nào có đồ ăn ngon hãy nhớ mang đến nhà chia sẻ cùng mình.

Vài ngày sau, nghe tiếng gầm của hổ ngoài sân, người tiều phu chạy ra thì phát hiện có một con nai rừng nằm đó, vậy là con hổ vẫn nhớ lời nói đùa ấy của ông. Quả là một con hổ tình nghĩa. Nhiều năm sau đó, người tiều phu qua đời, mọi người lo hậu sự cho ông vô cùng chu đáo, nhưng vừa hạ huyệt thì bỗng nhiên xuất hiện một con hổ trắng to lớn, nó đến bên mộ dụi đầu vào mộ và ở đó liền ba ngày ba đêm không đi đâu. Tình cảm của con hổ dành cho người tiều phu làm cho tôi rất cảm động. Tuy chỉ là những con vật, lại là những con vật dữ bị mọi người e sợ nhưng chúng đều sống rất tình nghĩa hơn bất cứ con người nào.

Trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa mẫu 2

Tôi là người phụ nữ họ Trần, kiếm kế sinh nhai bằng việc đỡ đẻ. Quê tôi ở huyện Đông Triều - một huyện vùng núi hẻo lánh. Làng tôi nghèo nên cũng thưa thớt dân cư, công việc của tôi vì thế cũng không quá vất vả. Có biết bao đứa trẻ được tôi bế bồng lúc mới sinh, vậy nhưng có lẽ kì lạ nhất vẫn là lần tôi đỡ đẻ cho một con hổ.

Một đêm nọ, tôi bỗng nghe tiếng gõ cửa đầy thúc giục. Kinh nghiệm làm nghề bao năm cho tôi biết rằng có lẽ đây sẽ là một ca sinh khó. Tôi hốt hoảng ra mở cửa nhưng chẳng thấy ai, trong thâm tâm lấy làm lạ lùng lắm. Với sự hoài nghi trở vào nhà, tôi thiết nghĩ mình không nên đóng cửa vì có lẽ người ta sẽ quay lại nhờ giúp đỡ. Chưa kịp định hình, tôi bỗng thấy một con hổ vụt vào nhà cõng tôi đi. Vì quá sợ hãi nên tôi ngất đi không hay biết gì. Tỉnh dậy, tôi thấy con hổ dùng một chân ôm lấy tôi chạy như bay, hễ có bụi rậm thì lại rẽ lối chạy vào rừng sâu. Tôi sợ hãi, lo lắng nhưng đành phó mặc cho số phận.

Một lát sau hổ dừng lại và nhẹ nhàng đặt tôi xuống đất, tôi nhìn thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất bèn cho rằng nó định ăn thịt mình, trong lòng run rẩy lo sợ. Thế nhưng lát sau, con hổ đực giơ một chân lên và cầm lấy tay tôi, nhìn hổ cái và nhỏ nước mắt. Tôi thấy lạ, nhìn kĩ bụng hổ cái thì thấy động đậy, bằng kinh nghiệm của mình tôi cho rằng nó sắp sinh. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, tôi liền hòa với nước suối cho hổ uống, xoa bóp bụng hổ như một ca đỡ đẻ thông thường. Lát sau, hổ sinh ra một chú hổ con dễ thương, hổ đực mừng rỡ vui đùa với con, còn hổ cái mệt mỏi nằm phục xuống đất. Tôi thở dài vì mình vừa hoàn thành công việc một cách trọn vẹn.

Thế rồi tôi bỗng thấy hổ đực quỳ xuống một gốc cây, lấy chân đào bới đất không ngừng. Lát sau, tôi thấy một cục bạc trắng lóe lên. Hổ ngước nhìn tôi với ánh mắt biết ơn và chân không ngừng trỏ vào cục bạc. Tôi biết rằng nó có ý tặng mình bèn cầm lấy. Tôi theo cách dẫn đường của hổ trở về nhà. Gần đến nơi thấy trời sắp sáng, tôi không muốn dân làng đồn đoán bèn cất lời chào: "Xin chúa rừng quay về". Như hiểu ý tôi, hổ cúi đầu vẫy đuôi trở về. Đi khá xa, tôi nghe thấy một tiếng gầm lớn như một lời chào tạm biệt. Về đến nhà, tôi đặt thỏi bạc lên cân thì thấy được hơn mười lạng. Quê tôi mọi năm được mùa, vậy mà năm đó nạn đói bỗng nhiên xảy ra, nhà nhà người người bỏ mạng, may nhờ có thỏi bạc đó mà tôi sống sót qua cơn khó khăn.

Ít lâu sau tôi lại được nghe người hàng xóm kể một câu chuyện lạ cũng liên quan đến hổ. Có một người kiếm củi ở huyện Lạng Giang đang bổ củi dưới sườn núi, thấy dưới thung lũng rất xa cây cỏ lay động không ngừng. Lấy làm lạ, bác tiều đến xem và thấy một chú hổ trán trắng, cúi đầu lấy chân móc họng, đào bới đất, nhảy lên, vật xuống. Bác nhìn kĩ thì thấy một chiếc xương bò to đang chắn họng hổ ta. Bác tiều do uống rượu say nên càng bạo, bảo với hổ nếu không cắn thì sẽ lấy giúp chiếc xương ra. Thấy hổ cầu cứu, bác đã giúp hổ lấy ra chiếc xương bò mắc ở cổ. Khi ra về, bác dặn hổ nếu có món gì lạ thì chớ quên nhau. Một đêm, bác nghe thấy tiếng hổ gầm, sáng hôm sau thấy có một con nai chết gần đó. Nhiều năm sau khi bác tiều phu qua đời, người ta thấy có con hổ trán trắng đến nhảy quay quanh quan tài, mỗi năm vào dịp giỗ bác lại mang dê hoặc lợn rừng đến để ngoài cửa.

Mỗi một câu chuyện gắn liền với một chú hổ khác nhau nhưng đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc không nói lên lời. Thì ra chúa sơn lâm không hề đáng sợ như tôi nghĩ, nó cũng có cảm xúc, có lòng biết ơn giống như con người. Lòng tốt không ở đâu xa, khi ta làm việc tốt thì luôn luôn được giúp đỡ. Tôi luôn tin là vậy.

Trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa mẫu 3

Tôi họ Trần, người huyện Đông Triều, làm nghề đỡ đẻ đã mấy chục năm nay. Kể ra thì cũng có đến hàng trăm đứa trẻ trong vùng được hai bàn tay tôi đón ra chào đời.

Một đêm nọ, tôi đã lên giường đi ngủ, chợt nghe có tiếng gõ cửa dồn dập rất lạ. Tôi mở cửa ra nhìn thì chẳng thấy một ai. Vừa định quay vào nhà thì một con hổ lao tới cõng tôi chạy vào rừng. Tôi sợ quá ngất đi.

Tỉnh dậy, tôi nhìn thấy một con hổ cái đang lăn lộn, móng vuốt của nó cào bới liên tục trên mặt đất. Tưởng hổ sắp ăn thịt mình, tôi khiếp hãi đứng im, không dám nhúc nhích.

Chợt con hổ đực cầm lấy tay tôi, mắt nó nhìn tôi như van lơn, cầu khẩn. Tôi nhìn kĩ bụng hổ cái thì thấy như có cái gì đang động đậy. Với kinh nghiệm của nghề làm bà đỡ, tôi biết là nó sắp sinh con. Sẵn có thuốc luôn mang theo trong túi, tôi hòa với nước suối cho hổ cái uống rồi xoa bụng cho nó. Lát sau, nó sinh được một chú hổ con xinh xắn. Hổ bố mừng lắm, âu yếm đùa giỡn với con; còn hổ mẹ mệt mỏi nằm phục xuống trên mặt cỏ.

Rồi hổ bố đi đến một gốc cây to, lấy chân đào bới và lôi lên một cục bạc lớn. Nó đưa cho tôi với ý tạ ơn. Tôi nhận cục bạc rồi theo hổ bố đi ra khỏi rừng. Được một quãng, tôi nói: Xin chúa rừng hãy quay về! Hổ bố cúi đầu vẫy đuôi, tỏ vẻ tiễn biệt và cứ đứng nhìn theo. Đi đã khá xa, tôi quay lại thì hổ bố gầm lên một tiếng rồi trở vào rừng. Về nhà, tôi cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, nạn đói diễn ra khắp nơi. Nhờ số bạc mà hổ trả ơn, tôi sống được qua kì đói kém.

Năm sau, tôi nghe nói ở bên Lạng Giang có người tiều phu cũng cứu được một con hổ thoát nạn. Hôm ấy, bác ta đang bổ củi ở sườn núi thì thấy dưới thung lũng phía xa, cây cỏ lay động không ngớt. Lấy làm lạ, bác vác búa đến xem thì hóa ra là một con hổ trán trắng đang giãy giụa, nhảy lên, vật xuống, thỉnh thoảng lại lấy tay móc họng. Từ miệng nó, máu me, nhớt dãi trào ra trông phát khiếp.

Bác tiều phu nhìn kĩ thì thấy có khúc xương mắc ngang họng nó. Bàn chân hổ thì to, càng móc khúc xương càng vào sâu. Bác tiều phu uống rượu để lấy can đảm rồi trèo lên cây kêu lớn :

- Này hổ ! Cổ họng ngươi đau phải không ? Đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho !

Hổ nghe thấy liền nằm phục xuống, nhìn bác tiều cầu cứu. Bác tiều mạnh bạo thò tay vào họng hổ, lấy ra một khúc xương bò to tướng. Thoát nạn, hổ liếm mép, nhìn bác tiều với ánh mắt biết ơn rồi lẳng lặng bỏ đi. Bác tiều nói với theo :

- Này hổ ! Nhà ta ở thôn... Hễ có miếng gì ngon thì nhớ nhau nhé !

Bẵng đi một thời gian, một đêm nọ, bác tiều nghe có tiếng hổ gầm dài mà sắc. Mở cửa ra, thấy có một con nai nằm trước nhà, bác biết là hổ trả ơn.

Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi dân làng chôn cất bác thì bỗng nhiên hổ trán trắng xuất hiện. Mọi người sợ hãi bỏ chạy. Từ xa, họ thấy hổ dụi đầu vào quan tài và chạy mấy vòng quanh mộ, rồi bỏ vào rừng.

Từ đó về sau, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ bác tiều là hổ lại mang dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa ngôi nhà của bác. Tuy là loài vật nhưng những con hổ này rất có nghĩa có tình, biết quý trọng và báo đáp công ơn ân nhân của chúng.

Trong vai bà đỡ Trần kể lại truyện Con hổ có nghĩa mẫu 4

Tôi họ Trần, sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, làm nghề đỡ đẻ nên mọi người trong vùng gọi là bà đỡ Trần. Hơn nửa đời đỡ đẻ cho người, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm và công đức. Song trong thời gian ấy, tôi lại được chứng kiến câu chuyện đầy cảm động về một con hổ có nghĩa có tình.

Một đêm trăng sáng vằng vặc, tôi vốn đã đi nghỉ từ lâu lại chợt có tiếng gõ cửa dồn dập, thôi thúc xem chừng có việc gấp gáp lắm. Tôi vội ra mở cửa, nhìn ngó xung quanh xem ai lại gọi cửa giờ này thì bất ngờ thấy một con hổ to lớn dữ tợn từ đâu lao tới cõng tôi đi. Tôi hoảng sợ chết khiếp. Nằm trên lưng hổ, tôi thấy nó dùng một tay ôm mình chạy như bay, tay kia hễ có bụi rậm gai góc thì rẽ lối chạy. Nó đưa tôi vào tận rừng sâu, cây cối um tùm rậm rạp. Tôi sợ hãi không dám nhúc nhích, len lén nhìn quanh thì thấy một con hổ cái đang lăn lộn trên mặt đất. Móng vuốt của nó cào tung cả đất bên cạnh. Kinh nghiệm đỡ đẻ bấy lâu mách bảo tôi hổ cái đang đau bụng sắp sinh. Nhưng nghĩ hổ muốn ăn thịt mình nên tôi sợ hãi đứng im, không dám nhúc nhích.

Cứ đứng như vậy một lúc, hổ đực chợt cầm tay tôi rồi đưa ánh mắt cầu xin giúp đỡ nhìn hổ cái. Nhìn kỹ bụng hổ cái, tôi càng chắc chắn nó đang chuyển dạ. Sẵn có thuốc mang theo bên mình, tôi nhanh chóng hòa với nước suối cho hổ cái uống. Không sợ hãi như trước, tôi ngồi hẳn xuống, cẩn thận xoa bóp bụng cho nó. Lát sau, hổ cái sinh ra một chú hổ con thật xinh xắn, đáng yêu. Hổ đực thấy vậy liền tiến tới, nó mừng rỡ đùa giỡn với con trông lành tính như người, không chút thú tính của chúa sơn lâm hung dữ. Hổ cái sinh song quá mệt mỏi không có sức đứng lên, chỉ nằm phủ phục bên cạnh.

Cho rằng việc mình đã xong, tôi định bụng tìm đường trở về lại thấy hổ đực tới bên một gốc cây gần đó, dùng chân đào lên một cục bạc lớn. Nó chậm rãi trao cho tôi. Chắc hẳn nó muốn tạ ơn tôi giúp hổ cái nên tôi cũng không từ chối, vui lòng nhận bạc. Không để tôi loay hoay, hổ đực cảm ơn tiền tôi ra tận bìa rừng. Tôi từ biệt nó để trở về. Nhưng khi đã cách bìa rừng khá xa, tôi lại nghe tiếng nó gầm lên vang dội. Năm ấy, trời làm mất mùa, biết bao người trong vùng và khu vực lân cận chết đói. May mắn thay nhờ cục bạc hổ tặng đêm ấy, tôi sống qua được kì đói khát khổ cực.

Cũng cùng dạo ấy, tôi nghe chuyện ở bên huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang có bác tiều phu ngày ngày vào rừng đốn củi để đổi gạo nuôi thân. Nghe đâu một hôm, đang chặt củi trên sườn núi cao, bác chợt thấy cỏ cây lay động dữ dội dưới thung lũng. Lấy làm lạ, bác ta liền vác búa xuống xem. Bác nấp vào một chỗ kín đáo,  kinh hoàng chứng kiến cảnh con hổ trán trắng đang vật vã nhảy lên, nhảy xuống, cào bới đất tứ tung. Thỉnh thoảng nó lại thò tay vào móc họng. Từ miệng nó, máu me, dãi nhớt trào ra vô cùng đáng sợ. Bác tiều nhìn kỹ trong họng hổ thì thấy một khúc xương khá lớn mắc kẹt ở đó. Hổ càng móc khúc xương lại càng vào sâu hơn, phỏng chừng mất mạng oan uổng.

Lấy dũng khí bác tiều bèn đem rượu đeo bên người, uống xong mới hỏi: "Cổ họng người đau phải không ? Đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho! " Kỳ lạ là hổ không tấn công lại nằm phục xuống, há miệng nhìn bác cầu cứu. Bác tiều dũng cảm thò tay vào sâu trong họng nó, lấy ra một khúc xương bò to như cánh tay. Hổ thoát chết, liếm mép, nhìn bác tiều một lúc rồi lặng lẽ bỏ đi. Bác tiều chỉ nói với theo: "Hổ ơi! Nhà ta ở thôn mỗ ... Hổ kiếm được miếng gì ngon thì nhớ ta nhé! "

Ấy vậy mà mấy hôm sau, đang đêm bác tiều lại nghe ngoài cửa có tiếng gầm dài và sắc lẹm. Sáng ra, ngay trước cửa nhà bác có một con nai. Hóa ra hổ trán trắng vẫn nhớ lời bác, săn được nai liền đem đến để tạ ơn cứu mạng.

Ngày tháng qua đi, mười năm sau, bác tiều phu già rồi chết. Hàng xóm góp vào làm tang cho bác. Lúc sắp hạ huyệt, một con hổ trán trắng bỗng nhiên xuất hiện, nhảy nhót, dụi cả đầu vào quan tài, gầm lên mấy tiếng dài rồi bỏ đi khiến mọi người hoảng sợ vỏ chạy. Từ đó về sau, năm nào cũng thế, cứ ngày giỗ bác tiều phu là dân làng lại thấy trước cửa nhà bác có một con dê hay một con lợn. Biết hổ trắng đem đến, ai cũng thầm khen con vật có nghĩa có tình.

Câu chuyện ấy càng khiến tôi cảm động nghĩa tình của một con vật. Chúng chỉ là động vật nhưng đôi khi còn trọng tình trọng nghĩa hơn cả con người.

-/-

Dựa trên những gợi ý tham khảo và một số bài văn mẫu do Đọc Tài Liệu cung cấp trên đây, hi vọng các em sẽ có cho mình một bài văn kể lại truyện Con hổ có nghĩa hay và đủ ý nhất. Đừng quên tham khảo những bài văn mẫu lớp 7 khác do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM