* Yêu cầu:
- Giới thiệu ngắn gọn những thông tin chính về vấn để được chọn: tác phẩm, tác giả;
nội dung đặt ra liên quan đến chủ đề bài nói.
- Lựa chọn được một hoặc một vài phương diện nổi bật của sự vay mượn trong tác phẩm (như cốt truyện, nhân vật, tình tiết,...) để phân tích, qua đó, nêu những phát hiện về sự vay mượn - cải biến - sáng tạo của tác giả so với nguyên mẫu.
- Đánh giá chung về ý nghĩa của vấn đề đặt ra trong bài nói.
1. Chuẩn bị nói
* Lựa chọn đề tài
Đề tài của bài trình bày có thể là đề tài mà bạn đã thực hiện ở phần Viết. Nên lựa chọn đề tài phù hợp với điều kiện đọc và tra cứu tài liệu tham khảo của bạn.
* Tìm ý và sắp xếp ý
Một số câu hỏi tìm ý:
- Nội dung chính của bài nói là gì? Tác giả, tác phẩm nào sẽ được tập trung phân tích?
- Tác phẩm được chọn chịu ảnh hưởng từ tác phẩm nào có trước? Căn cứ xác định có quan hệ vay mượn - cải biến ở đây là gì?
- Đâu là phương diện cho thấy rõ nhất sự tiếp nhận ảnh hưởng từ nguyên mẫu? Bài nói sẽ nhấn mạnh điểm gì khi đề cập vấn đề này?
- Các biểu hiện chính của việc vay mượn là gì? Nên đánh giá thế nào về mức độ, tính chất của mối quan hệ vay mượn - cải biến ở trường hợp này?
- Tác giả có những sáng tạo nối bật gì khi tiếp nhận ảnh hưởng và vay mượn chất liệu cho sáng tác của mình?
- Việc vay mượn - cải biến - sáng tạo của tác giả nói lên được điều gì về bối cảnh văn học lúc tác phẩm ra đời?
Nếu bài nói được xây dựng dựa trên bài viết đã thực hiện, cần lựa chọn từ bài viết những ý (luận điểm) quan trọng nhất, thể hiện được những tìm tòi, khám phá riêng của mình; đồng thời sắp xếp các ý đã chọn theo một trình tự logic, phù hợp với tính chất của bài nói.
2. Thực hành nói
- Mở đầu: Giới thiệu vấn đề trình bày, đối tượng và phạm vi nội dung sẽ được đề cập.
- Triển khai: Lần lượt trình bày các luận điểm chính, phối hợp nhịp nhàng giữa lời nói và nội dung của các slide trình chiếu (nếu có).
- Kết luận: Tóm lược vấn đề đã trình bày; nêu nhận định, đánh giá khái quát về sự vay mượn - cải biến - sáng tạo của tác giả; ý nghĩa, giá trị thực tế của việc vay mượn - cải biến - sáng tạo được thể hiện trong tác phẩm.
Bài nói tham khảo
Xin chào thầy cô và các bạn, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận vấn đề liên quan đến việc vay mượn – cải biến – sáng tạo trong một tác phẩm văn học. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật.
Văn học là một lĩnh vực nghệ thuật đặc biệt, nơi các tác giả sử dụng ngôn ngữ để thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về thế giới. Trong quá trình sáng tác, các tác giả không chỉ dựa vào vốn sống và cảm xúc của bản thân mà còn vay mượn những yếu tố từ các tác phẩm khác. Tuy nhiên, vay mượn không đồng nghĩa với sao chép. Để tạo nên tác phẩm độc đáo và mang dấu ấn riêng, các tác giả cần cải biến những yếu tố vay mượn và sáng tạo trên nền tảng đó. Vay mượn là việc tiếp nhận những yếu tố từ các tác phẩm khác như cốt truyện, nhân vật, chi tiết, mô típ, hình ảnh, ngôn ngữ... Mục đích của vay mượn là để làm phong phú thêm nội dung và hình thức tác phẩm, tạo sự liên kết với các tác phẩm khác, góp phần thể hiện quan điểm, tư tưởng của tác giả.
Kim Vân Kiều truyện vốn bắt nguồn từ một câu chuyện có thật do Mao Khôn, một người trong quân đội Hồ Tôn Hiến ghi lại trong sách Ký Tiểu Trừ Từ Hải bản mạt. Nguyễn Du dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sáng tác. Ở Trung Hoa, Kim Vân Kiều truyện
không phải là một tác phẩm xuất sắc trong văn học song đối với Truyện Kiều thì lại là một kiệt tác.Hai tác phẩm đều nói về một nhà viên ngoại họ Vương, sống vào năm Gia - Tĩnh triều Minh, có ba người con. Hai người chị gái là Vương Thúy Kiều, Vương Thúy Vân cùng người em trai là Vương Quan. Hệ thống nhân vật, tính cách, cuộc sống có phần tương tự nhau. Hai tác phẩm ít nhiều đều đồng tình với quan niệm người xưa “Hồng nhan bạc mệnh”. Theo quan niệm này, những người có tài, có sắc thường có cuộc sống không như ý muốn. Hai tác phẩm đều nhấn mạnh số kiếp và định nghiệp cuộc đời Thúy Kiều. Định nghiệp có lẽ bắt nguồn từ kiếp trước, đeo đuổi Kiều trong kiếp nhân sinh này.
Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: Câu chuyện của ba nhân vật chính là Kim Trong, Thúy Vân, Thúy Kiều. Truyện Kiều của Nguyễn Du: tác phẩm được ông lấy tên xé nát cõi lòng, xoay quanh cuộc đời Thúy Kiều - người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại mang số phận nghiệt ngã, bi ai.
Kim Vân Kiều truyện
của Thanh Tâm Tài Nhân thuộc thể loại văn xuôi, chủ yếu là cụ thể, chi tiết hóa sự kiện, sự việc nhằm khắc họa chân dung mỗi nhân vật. Tác phẩm là tiểu thuyết chương hồi, kết cấu theo tuyến thời gian theo trình tự mạch lạc. Truyện Kiều của Nguyễn Du thể hiện bằng văn vần. Câu chuyện được tái hiện thông qua ngôn ngữ thơ, vừa có sự chuyển dịch dựa trên tác phẩm cũ, vừa có sự liên kết xây dựng văn bản mới theo vần điệu, nhạc tính, hình ảnh, thể cách của thể thơ lục bát. Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem là đỉnh cao rực rỡ của loại truyện thơ Nôm với khả năng diễn đạt không thua kém gì văn xuôi.Nguyễn Du dựa trên tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà xây dựng hệ thống nhân vật trở nên gần gũi, quen thuộc với người Việt Nam. Tên nhân vật gắn liền với tính cách nhân vật. Nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện với tâm lí khá đơn sơ. Chẳng hạn như cách miêu tả nỗi đau khổ của Kim Trọng khi biết tin Thúy Kiều lưu lạc Càng khóc càng thương, khóc cho đến khi miệng ứa máu tươi, ngất đi rồi tỉnh, tỉnh rồi lại khóc. Ở Truyện Kiều, mọi lời nói, cử chỉ, hành động đều thể hiện được đặc tính riêng cho mỗi nhân vật.
Vay mượn, cải biến và sáng tạo có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau. Vay mượn là nền tảng để cải biến và sáng tạo. Cải biến là cầu nối giữa vay mượn và sáng tạo. Sáng tạo là yếu tố quyết định giá trị của tác phẩm. Việc sử dụng hợp lý các yếu tố vay mượn, cải biến và sáng tạo góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm. Khi vay mượn, cần ghi rõ nguồn gốc để thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả và tác phẩm gốc. Cải biến và sáng tạo là yếu tố thể hiện bản sắc riêng của tác giả. Hiểu được tầm quan trọng của vay mượn, cải biến và sáng tạo giúp chúng ta đánh giá cao giá trị của tác phẩm văn học, đồng thời sáng tạo hiệu quả trong các lĩnh vực khác nhau.
Trên đây là bài trình bày của tôi về việc vay mượn – cải biến trong tác phẩm văn học. Cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
3. Trao đổi, đánh giá