Trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí Cánh diều

Xuất bản: 21/08/2024 - Tác giả:

Trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí Cánh diều trang 104 được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

1. Định hướng

a) Trong phần Viết, các em đã được hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hình thức và nội dung của hai tác phẩm kí. Ở phần Nói và nghe, các em chuyển nội dung bài viết thành bài thuyết trình.

b) Để trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí, các em cần lưu ý:

- Xem lại dàn ý và bài viết đã thực hiện ở phần Viết, suy nghĩ kĩ để tìm ý hoặc bổ sung ý mới, điều chỉnh dàn ý cho mạch lạc, phù hợp; chọn điểm trọng tâm/yêu thích để tập trung khi trình bày, tạo điểm nhấn cho bài thuyết trình.

- Xác định mục đích, bối cảnh, đối tượng nghe thuyết trình để có hình thức trình bày phù hợp.

2. Thực hành

Bài tập (trang 103 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Hãy so sánh nghệ thuật trần thuật của các tác giả qua hai đoạn trích “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm” (Đặng Thuỳ Trám) và “Một lít mước mắt” (Ki-tô A-ya).

a) Chuẩn bị

- Đọc lại hai đoạn trích Nhật kí Đặng Thuỳ TrâmMột lít nước mắt và các tài liệu có liên quan đến tác giả, tác phẩm.

- Đọc lại dàn ý đã chuẩn bị ở phần Viết.

- Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video clip, máy chiếu, màn hình (nếu có).

- Để bài thuyết trình thêm phong phú, sinh động, thu hút, các em cần chú ý:

+ Nêu vấn đề cho người nghe cùng thảo luận và tham gia vào việc nhận xét, góp ý.

+ Cung cấp thêm tài liệu và nguồn tham khảo cho các bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về hai tác phẩm nhật kí.

b) Tìm ý và lập dàn ý

Xem lại dàn ý và bố cục ở phần Viết, cân nhắc bổ sung ý mới (nếu có).

c) Nói và nghe

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục c (trang 42); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

* Bài nói tham khảo:

Kính chào thầy cô và các bạn, em là Nguyễn Văn A. Hôm nay, em xin được trình bày về sự khác biệt trong nghệ thuật trần thuật của hai tác phẩm: "Nhật kí Đặng Thùy Trâm" (Đặng Thùy Trâm) và "Một lít nước mắt" (Kito Aya).

Trần thuật là phương thức mà người viết sử dụng để kể chuyện, miêu tả và thể hiện quan điểm, cảm xúc của nhân vật. Mỗi tác giả đều có cách sử dụng nghệ thuật trần thuật riêng biệt để tạo dấu ấn cho câu chuyện của mình. Bằng việc so sánh nghệ thuật trần thuật giữa hai đoạn trích trên, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự khác biệt và ý nghĩa mà nó mang lại.

Đầu tiên, về điểm nhìn trần thuật, cả hai đoạn trích đều sử dụng ngôi kể thứ nhất, cho phép người đọc tiếp cận trực tiếp với suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật chính. Trong "Nhật kí Đặng Thùy Trâm," người kể chuyện là bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ghi chép lại những ngày tháng làm việc đầy gian khổ nơi chiến trường chống Mỹ. Trong khi đó, trong "Một lít nước mắt," người kể chuyện là Kito Aya, một nữ sinh trung học Nhật Bản, chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ khi đối mặt với căn bệnh thoái hóa tiểu não.

Cả hai tác giả đều là những cô gái trẻ, sống trong những hoàn cảnh đặc biệt và có tình cảm sâu sắc với gia đình. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở hoàn cảnh và tâm trạng của mỗi nhân vật. Thùy Trâm là một bác sĩ chiến trường, tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cao đẹp, trong khi Aya là một cô gái trẻ đang đối diện với sự khắc nghiệt của bệnh tật, nhưng vẫn duy trì được nghị lực sống mạnh mẽ.

Về thủ pháp trần thuật, cả hai đoạn trích đều sử dụng kết hợp giữa kể chuyện, miêu tả, nghị luận và trữ tình. Trong "Nhật kí Đặng Thùy Trâm," thủ pháp này giúp khắc họa rõ nét khung cảnh chiến tranh và công việc của bác sĩ Trâm. Những đoạn trần thuật kết hợp miêu tả, như “Những ngày bận rộn trong công tác dồn dập, thương nặng, người ít, mọi người trong bệnh xá đều hết sức vất vả...,” không chỉ tạo nên hình ảnh sống động về cuộc sống nơi chiến trường mà còn thể hiện tâm hồn nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng.

Ngược lại, trong "Một lít nước mắt," thủ pháp trần thuật giúp làm nổi bật hoàn cảnh đau khổ của Aya khi đối diện với bệnh tật. Những chi tiết như “Mình thì đang biết đi bỗng chuyển sang bò, giờ gần như cả ngày, cứ như mình bị thoái hóa vậy” thể hiện sâu sắc sự tuyệt vọng nhưng cũng không kém phần nghị lực của Aya.

Tóm lại, qua việc so sánh nghệ thuật trần thuật trong hai đoạn trích "Nhật kí Đặng Thùy Trâm" và "Một lít nước mắt," ta thấy được những nét tương đồng và khác biệt đáng chú ý. Điều này không chỉ giúp hiểu rõ hơn giá trị nội dung mà còn làm nổi bật giá trị nghệ thuật độc đáo của mỗi tác phẩm.

Phần trình bày của em đến đây là kết thúc, em rất mong nhận được phản hồi từ thầy cô và các bạn để bài làm của em thêm hoàn thiện hơn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục d (trang 42); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM