Để có thể trình bày lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ, các em có thể tham khảo những bài văn mẫu trình bày lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ, hy vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập với văn bản cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn.
Dàn ý bài văn trình bày lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ
1. Mở bài:
- Giới thiệu sơ lược về Bác và lối sống giản dị, thanh bạch dù trên cương vị tối cao của đất nước.
2. Thân bài:
* Sự giản dị trong lối sống của Bác thể hiện qua các phương diện:
- Trong cách ăn:
+ Bữa ăn chỉ có vài ba món rau, dưa, khi ăn Bác không để rơi một hạt cơm nào
+ Dịp lễ tết, có món gì lạ, ngon Bác đều mời anh chị phục vụ ăn cùng
+ Thức ăn còn lại Bác sắp xếp tươm tất, Bác không muốn để người khác ăn phần thừa của mình.
- Trong cách mặc:
+ Bộ quần áo cũ sờn vai, đôi dép lốp đã mòn
+ Được tặng nhiều quần áo mới nhưng Bác đem tặng lại những chiến sĩ, đồng bào thiếu thốn
- Trong cách ở:
+ Ở nhà sàn, căn phòng bày trí đơn giản nhưng gọn gàng ngăn nắp “nhà lá đơn sơ một góc vườn/gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn”
+ Những ngày ở Việt Bắc Bác sống trong hang đá, cuộc sống cháo bẹ, rau măng nhưng vẫn lạc quan.
+ Khi đất nước thống nhất Người được đón về dinh chủ tịch nhưng Người vẫn muốn sống ở ngôi nhà sàn đơn sơ.
+ Bác giản dị, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt, tự trồng rau, nuôi cá, nếu có chi tiêu gì cũng trích từ lương của mình.
- Sự giản dị của Bác còn thể hiện trong lời nói và bài viết:
+ Khi sáng tác văn, thơ Bác đặt ra câu hỏi viết cho ai và viết như thế nào. Bác sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày rất gần gũi với người dân.
+ Lúc người đọc Tuyên Ngôn độc lập, Người đã dừng lại và hỏi một câu rất thân tình “Tôi nói mọi người có nghe rõ không?”
3. Kết bài:
- Khẳng định lại lối sống giản dị, thanh bạch của Bác
- Rút ra bài học về tính giản dị cho học sinh và mọi người.
Top 3 bài văn hay trình bày lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ
Dưới đây là một số bài văn trình bày lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày.
Lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ mẫu số 1:
Trong bao nhiêu con đường có thể hình thành nên nhân cách của con người, tự rèn luyện cho mình một lối sống là cả một quá trình bạn tìm hiểu xã hội và chính bản thân. Bởi vì xã hội là môi trường còn bản thân bạn là hạt giống. Cũng không khó để bắt gặp trong cuộc sống này một lối sống mà ta thường gọi là "lối sống giản dị" của con người. Có bao giờ bạn tự hỏi: Thế nào là lối sống giản dị chưa?
Theo quan niệm của tôi, lối sống giản dị là biết chấp nhận cuộc sống hiện tại nhưng vẫn có những ước mơ. Ước mơ đó chỉ là những điều mà khả năng của ta có thể làm được. Trong cuộc sống, ta luôn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người cả về phong cách và lối sống. Không kiêu ngạo, bon chen, ghen tị hay sống xa hoa, đua đòi những của cải vật chất vô nghĩa. Ta không nghĩ nhiều cho bản thân và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần thiết.
Nhưng tóm lại, lối sống giản dị luôn là điều cần có ở mỗi con người, đó là một đức tính tốt đẹp, ko nhất thiết chỉ có người ở nông thôn mới sống giản dị hay người ở thành phố thì ko thể sống giản dị. Lối sống đó là một cách sống ko khoa trương, ko chú trọng quá nhiều ở hình thức bên ngoài. Nói như thế cũng ko có nghĩa là cứ ăn mặc luộm thuộm lôi thôi rồi tự xưng là người sống giản dị được. Giản dị trong mỗi điều kiện, hoàn cảnh lại có những cách biểu hiện khác nhau. Có người sống giản dị chân chính đúng với bản chất của mình và tất nhiên cũng có người sống giản dị một cách giả tạo. Nhưng "bản chất rồi sẽ lộ ra", nếu giản dị ko phải là đức tính của họ thì họ sẽ ko thể sống mãi với cái vỏ bọc đó được. Lối sống giản dị ko phải là cuộc sống đơn giản, cứ lặp đi lặp lại, nhàm chán như nhiều người đã nghĩ. Trái lại, sống giản dị giúp người ta có thể thoải mái, thư thái về mặt tâm hồn. Bởi lẽ khi ta đã sống đơn giản thì sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ cho nhiều vấn đề khác quan trọng hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, ta còn được nhiều người yêu mến, kính trọng. Lối sống giản dị bao gồm nhiều phương diện khác nhau: ăn mặc, giao tiếp, sở thích cá nhân, cách cư xử…
Giản dị trong cách ăn mặc là không bận những trang phục quá cầu kì hay trở nên khác người khi đi ra đường. Ăn mặc đúng theo thời đại và đơn giản như quần jean, áo thun hay quần tây, áo sơ mi. Trang phục ấy phải luôn hòa hợp với mọi người xung quanh. Giản dị trong cách ăn mặc cũng không có nghĩa là trở nên quá bê tha, cẩu thả và lôi thôi. Khi giao tiếp hay cư xử với người khác, ta luôn dùng từ ngữ dễ hiểu và lời lẽ đầy thiện cảm. Cư xử một cách đúng đắn và chuẩn mực đạo đức. Không nên “trọng phú khinh bần” hay cư xử một cách thô bạo. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình như ông bà, cha mẹ, thầy cô thì nên “gọi dạ bảo vâng” cũng như khi nói chuyện với bạn bè, những người đồng trang lứa hay những người nhỏ hơn mình thì nên chọn từ ngữ và cách cư xử thích hợp nhất…Từ xưa ông cha ta cũng đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ hay danh ngôn nói về điều này như:
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Khi nói đến lối sống giản dị thì không ai lại không nghĩ tới chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế ta có thể học tập rất nhiều ở Bác kính yêu lối sống ấy. Nói về sự giản dị của Bác, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến đôi dép cao su và bộ quần áo ka ki. Đôi dép cao su được Bác dùng hơn 20 năm đến khi mòn gót phải lấy một miếng cao su khác vá vào, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ lại. Còn bộ quần áo ka ki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo. Những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay”. Thế đấy, cuộc sống giản dị của Bác tuy rất đơn sơ, mộc mạc nhưng toát lên vẻ thanh thoát, lịch lãm mà không kiểu cách của một con người sống vì dân vì nước suốt cả cuộc đời. Và Bác cũng rất xưng đáng là một tấm gương sáng cho mọi người ngày hôm nay.
Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” dùng để chỉ hình thức bên ngoài không quan trọng bằng bản chất bên trong của con người. Sống khiêm tốn, thật thà, giản dị hay sống xa hoa, bon chen, đua đòi theo vật chất, danh lợi là tùy cách nhận thức của mỗi người. Nhưng sống sao cho đẹp lòng người, sống có ích và không cảm thấy hối tiếc thì thật sự là một điều rất khó. Bởi thế chúng ta hãy chọn cho mình một cách sống tốt nhất bằng cách cùng tạo dựng cho bản thân một “lối sống giản dị” riêng.
Lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ mẫu số 2:
Sinh thời nhà thơ Tố Hữu đã dùng những vần thơ của mình để nổi bật lối sống đầy giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân ta từ già đến trẻ, dù bất cứ ai cũng đều gọi Người một tiếng thân thương - Bác Hồ. Hai tiếng gọi trìu mến đó đã phần nào thể hiện sự gần gũi của đồng bào ta dành cho Bác. Đó chính là tình cảm kính trọng và tin yêu nhất dành cho Người – vị cha già dân tộc.
Nói về Bác có lẽ chúng ta sẽ phải dùng không biết bao nhiêu trang giấy bao nhiêu câu chữ để miêu tả hết về một con người, một nhân cách vĩ đại của cả dân tộc. Trong thời chiến lẫn khi đất nước hòa bình Người cũng chưa bao giờ bỏ đi thói quen tiết kiệm, lối sống giản dị khiêm nhường. Thậm chí nó còn trở thành một trong những điều đầu tiên mà Người dạy lại cho con cháu sau này.
Trong những năm tháng kháng chiến cần lao đầy gian khổ, Bác - một vị lãnh đạo tối cao của dân tộc nắm trong tay cả vận mệnh tổ quốc thế nhưng cuộc sống của Người vẫn rất bình dị. Hồi còn ở chiến khu Việt Bắc, Người sống trong hang Pác Bó, ăn cháo bẹ rau măng và tinh thần vẫn luôn “sẵn sàng”. Chắc hẳn sẽ chẳng ai quên những vần thơ Người đã viết trong bài “Tức cảnh Pác Bó”:
“Sớm ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Trong những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua đó, Người vẫn thể hiện một tâm hồn lạc quan phơi phới. Bữa ăn của Người chỉ vài món rau dưa đơn giản, và Người tuyệt đối không bao giờ để lãng phí cả một hạt cơm nhỏ. Không chỉ trong bữa ăn hàng ngày mà trang phục của Người cũng vô cùng đơn sơ. Tủ quần áo chỉ vài chiếc áo sờn vai, chiếc dép lốp đã bao lần sửa đi vá lại,…
Con người của Bác giản dị không chỉ thể hiện ở cách sống mà còn cả thái độ sống. Bác không hề muốn cầu cạnh hay làm phiền ai. Ăn xong, bát đũa luôn được xếp ngay ngắn vào trong khay thức ăn, đồ ăn thừa xếp lại tươm tất. Điều đáng trân trọng ở vị lãnh tụ này đó chính là Bác luôn chia thức ăn thành nhiều phần nhỏ rồi gắp riêng không bao giờ có ý nghĩ “để người khác dùng thức ăn thừa của mình”. Chỉ một việc làm tưởng chừng nhỏ bé đó thôi nhưng nó thể hiện tấm lòng sự trân trọng công lao của người dân lao động sản xuất.
Trong thời chiến đã vậy đến khi hòa bình lặp lại Bác trở về thủ đô trong sự đón tiếp nồng hậu của đồng bào cả nước. Bác đã từ chối căn nhà sang trọng dành cho Chủ tịch nước mà thay vào đó Người chọn cho mình một căn nhà sàn cũ của anh thợ điện làm chỗ nghỉ ngơi. Ngôi nhà sàn ấy chỉ vỏn vẹn có 3 phòng, chiếc giường ngủ khiêm tốn nằm trong góc bàn. Tuy nhiên dưới bàn tay khéo léo sắp xếp của Người, ngôi nhà ấy lúc nào cũng thoáng gió mát mẻ và gọn gàng.
Nhà thơ Tố Hữu có dịp đến thăm nhà Bác đã có những vần thơ sau:
“Nhà bác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói đơn chăn gối
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”
Phía trước ngôi nhà sàn chính là ao cá, là vườn cây trái do chính tay Bác vun trồng. Những cây bưởi, cây vú sữa là tình cảm mà đồng bào khắp nơi gửi tặng đến Người. Ở cương vị một chủ tịch nước, một người nắm quyền lực tối cao thế nhưng bước đến nơi đây ta mới cảm nhận hình như đó là không gian sống của một lão nông tri thức gắn bó chan hòa cùng với thiên nhiên vườn tược.
Tuy được nhận lương cao nhất thời bấy giờ thế nhưng có bao giờ Bác sử dụng những đồng lương ấy cho chính mình đâu. Bác dùng nó để giúp đỡ dân nghèo, gửi đi để chăm sóc chiến sĩ biên phòng, chiếc chổi lông gà mà Bác dùng cũng được Người ghi lại để trừ vào tiền lương hàng tháng. Chính cuộc sống giản dị đó đã khiến Người tìm được niềm vui, sự thanh bạch và an nhiên giữa cuộc đời. Người đã từng có những vần thơ để miêu tả niềm vui cuộc sống của mình: Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.
Ôi đến đây ta không còn thấy một vị lãnh tụ vĩ đại đứng trên vạn người nữa mà trở về đúng nghĩa một thi nhân ẩn dật, cuộc sống an nhàn mà đầy ý vị. Đó phải chăng chính là cách Người tìm được niềm vui trong những năm tháng đầy cam go quyết liệt của cả dân tộc? Nói về Bác, nhân cách của Bác có lẽ sẽ chẳng còn từ nào diễn tả hết. Chỉ biết đó là một tấm gương sáng đời đời để biết bao con cháu soi vào. Tình yêu thương, đức tính giản dị của Người chính là những động lực để các con noi theo và hãnh diện.
“Ôi cuộc đời Bác cứ thương ta
Thương một đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ mẫu số 3:
Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc Việt Nam, người đã đời đời gắn bó, chiến đấu cùng nhân dân trong hai cuộc kháng chiến trường kì không ngại gian lao, không cần sự đền đáp. Bác đã hiến trọn cuộc đời mình cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam. Ở Người hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp mà thế hệ chúng ta cần nên noi theo và học hỏi. Một trong số đó là lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Người.
Thật vậy, trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta, công lao của Bác Hồ dành cho đất nước là vô cùng to lớn được toàn dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ. Đặc biệt với lứa tuổi học sinh thì công ơn đó lại càng sâu nặng. Vì thế, ai ai cũng ra sức học tập, cố gắng tiếp thu nhiều hơn những phẩm chất tốt đẹp của Người. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, lối sống giản dị vô cùng có ích, giúp cho mọi người biết sống giản dị, phù hợp với lứa tuổi, với hoàn cảnh gia đình.
Lối sống giản dị của Người được thể hiện trong tất cả mọi việc, trong từng bữa cơm, trong từng phong cảnh sống.
Bữa cơm chỉ có vài ba món đơn giản, căn nhà cũng chỉ có vài ba phòng nhưng lúc nào cũng gió lộng, hòa hợp với thiên nhiên. Tuy nó đơn sơ, mộc mạc nhưng được Bác dành nhiều tình cảm cho tất cả các vật dụng trong đó. Từ chiếc bàn, chiếc ghế, cái giường ngủ của Bác nữa. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Nhà Bác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.
Tất cả những vật dụng chỉ có thế nhưng Bác vẫn làm việc và sống vui vẻ với hoàn cảnh hiện tại của mình. Nỗi băn khoăn lớn nhất của Bác chỉ mong sao dân tộc ta thoát khỏi vòng lệ thuộc của các nước phương Tây để có một cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc. Bác luôn luôn quan tâm và gần gũi, cởi mở với người khác. Trong thời phong kiến, vua chúa đều có rất nhiều người hầu, kẻ hạ; những món ăn toàn là sơn hào hải vị, tất cả đều được chuẩn bị thật tốt, không một chút sai sót nào. Nhưng đối với Bác thì không phải thế! Vì vậy, người giúp việc của Bác chỉ đếm trên đầu ngón tay, Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi là những người may mắn được chăm sóc và gần gũi với Bác nhất. Thế nhưng, những gì Bác tự làm được thì Bác không cần ai giúp. Bác đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Bác đã làm việc và chịu không ít khó khăn trên đất khách. Thế nhưng, sự giản dị của Bác vẫn còn mãi. Dù Bác đã làm gì, từ một đầu bếp, một người cào tuyết, đốt lò hay khi đã là lãnh tụ, Bác vẫn là Bác, vẫn chiếc áo kaki sờn màu cùng với đôi dép cao su đã gắn bó với Bác, trên mọi nẻo đường. Chính vì điều đó mà hình ảnh của Bác sẽ đời đời khắc sâu trong trái tim của người dân Việt Nam.
Với mọi người Bác rất quan tâm và luôn chăm sóc cho những người xung quanh. Lối sống giản dị của Bác còn được thể hiện qua cả lời ăn, tiếng nói. Bác là người luôn nghĩ cho người khác. Bác thức trọn đêm để chờ tin thắng trận, nhường phần ăn của mình cho chiến sĩ bị bệnh. Bác thật là nhân hậu, cao cả. Không chỉ có thế, Bác cũng thường xuyên quan tâm đến các em nhi đồng. Bác khuyên mọi người phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Các cấp lớn hơn thì phải chăm lo cho dân cho nước. Bác là một người giản dị chính trực, công bằng trong mọi việc. Một vị lãnh tụ lại biết xuống ruộng làm việc cùng mọi người, chỉ dẫn tận tình về sâu, bệnh của cây lúa cho người nông dân được biết. Nếu như trong cuộc sống có những kẻ tham ô, hối lộ, làm những việc đổi trắng thay đen thì Bác Hồ phê phán nhưng cũng cho họ cơ hội sửa chữa. Bác đã đi xa nhưng lời dặn dò lo cho dân, cho nước, phải biết xây dựng đất nước phát triển thì vẫn luôn còn mãi.
Là người con của dân tộc Việt Nam, mọi người phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để xây dựng một đất nước phồn thịnh và phát triển hơn. Đặc biệt, lối sống giản dị phải được mọi người áp dụng trong học tập, trong cả công việc của mình. Bởi vì, đó là phẩm chất tốt mà mỗi con người chúng ta cần có.
-/-
Vừa rồi là nội dung chi tiết một số mẫu bài văn trình bày lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ - Văn mẫu lớp 7 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn cảm nhận hay và sâu sắc. Chúc các em học tốt !