Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:“PHÉP MẦU” kì diệu của văn học
Sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật gần giống với sự sáng tạo ra sự sống: “Dùng hình tượng là để lấy sự sống tác động vào sự sống, lấy sự sống sinh ra sự sống.”. Nhưng đây là một sự sống đặc biệt, một sự sống bất diệt. Hình tượng văn học có giá trị, một khi ra đời, tham gia vào sinh hoạt xã hội như một con người thực. Người ta tâm sự với Kiều, thương Kiều, khóc Kiều và mê Kiều. Từ những nét mực, trang giấy bỗng hiện lên cả một thế giới đã lùi sâu vào dĩ vãng. Chính cái “phép mẫu” kì diệu ấy đã khiến Go-rơ-ki ngồi đọc truyện ngắn Trái tim bình dị của Phlô-be, cảm thấy như trong quyển sách có một thứ ảo thuật gì khó hiểu; và Go-rơ-ki đã mấy lần giơ tờ giấy ra trước ánh sáng, nhìn qua các dòng chữ để tìm xem có cái bí mật gì ở trong ấy không. [....]
Tác phẩm văn học có sức hấp dẫn làm cho người đọc nhập vào cái thế giới do nhà văn sáng tạo, cùng sống với những nhân vật tưởng tượng như với người thực. Tác phẩm trò chuyện với con người về những sự việc ngoài đời, dần dần dẫn dắt thành ra câu chuyện của người đọc với chính mình. Cái nội dung ở ngoài người đọc chuyển hoá thành chuyện của chính người đọc. Những vấn đề của tác phẩm nêu lên biến thành những vấn đề của chính người đọc tự đặt ra với mình mà suy nghĩ. Mấy câu thơ sau đây của Huy Cận nói về âm nhạc cũng có thể mở rộng cho văn học:
Nhạc giúp ta mở thêm nghìn chiều rộng,
Nghìn chiều sâu nghe lắng cuộc đời,
Âm thanh hay sức mạnh đất trời!
Ổ nhạc sĩ đã thức dậy trong tôi phần tôi sâu thẳm nhất
Để trò chuyện với tôi bằng những lời tôi giấu cất
Trong tận cùng xương tuỷ.
(Người bác sĩ)
“Sự khô mòn của tình yêu thương, sự quen cho những cái không tốt, không đúng, không đẹp, sự lười biếng suy nghĩ, sự tính toán cho mình – những cái đó làm cho con mắt người ta thường ngày mờ đi ít nhiều.”. Phẩm chất của con người, những suy nghĩ, tình cảm khát vọng cao đẹp bị cuộc sống vùi dập, mờ đi. Tác phẩm văn học tốt sẽ có tác dụng làm cho con người như “bừng thức tỉnh, tự nhận thấy rõ tâm hồn mình, thực sự tìm thấy mình” (Nguyễn Đình Thi). [...]
Không nên nghĩ rằng tác động của tác phẩm cũng như sự liên hệ của người đọc bao giờ cũng phải thông qua con đường lô gích. Tác động thẩm mĩ có đặc điểm và quy luật riêng rất uyển chuyển. Thường là trực tiếp, gần như bằng trực giác và bằng liên tưởng rất linh hoạt, chịu sự quy định của rất nhiều yếu tố. Rồi sau đó, ta mới có thể dùng tư duy lô gích để giải thích. Xin lấy một ví dụ, những suy nghĩ của Ta-go (Tagore) khi đọc Sếch-xpia (Shakespeare): “Trong tình yêu thắm thiết của Rô-mê-ô (Romeo) và Giu-li-ét (Juliet), trong tiếng rên xiết điên dại của vua Lia (Lear), trong ngọn lửa ghen ngày càng bùng cháy của Ô-then-lô (Othello), có một cái gì làm cho chúng tôi hăng say và phấn khởi. Cuộc đời bó hẹp của chúng ta đã bị ngăn cách bởi một sự đơn điệu làm cho tình cảm sôi nổi không thể xuất hiện trong cuộc sống xã hội, môi trường hoạt động của chúng ta. Tất cả mọi việc của chúng ta đều lặng lẽ và yên ả. Tất nhiên những trái tim của chúng ta khao khát một nguồn thúc đẩy mãnh liệt của những tình cảm sôi nổi trong văn học Anh. Chúng tôi sung sướng thưởng thức nghệ thuật văn học Anh không phải vì thẩm mĩ mà vì trong sự đình trệ của chúng ta, văn học ấy đem đến một làn sóng mãnh liệt, mặc dầu làn sóng ấy có thể mang tất cả cái gì dơ bẩn từ dưới đáy phơi trần lên trên mặt.”. Tuy Ta-go nói “không phải vì thẩm mĩ”, nhưng rõ ràng chính cái thẩm mĩ đã tạo nên xúc động và suy nghĩ ấy của ông.
(NGUYỄN DUY BÌNH, Dạy văn dạy cái hay - cái đẹp, NVX Giáo dục, 1983)