Câu chuyện xảy ra ở địa điểm nào?

Xuất bản: 28/12/2022 - Cập nhật: 28/12/2022 - Tác giả: Cao Mỹ Linh

Câu Hỏi:

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CHIẾN TRANH
(Lược một đoạn: Năm chiến sĩ Giải phóng quân được giao nhiệm vụ tìm đài quan sát. Họ tìm được một Cô nhi viện vốn là một trường học. Các chiến sĩ đóng chốt ở đây và câu chuyện đã xảy ra.)
(1) Ngày hôm ấy, chúng tôi thay nhau trực trên đài quan sát với biết bao nôn nóng khi nghe tiếng pháo từ hướng đông, hướng tây và xa hơn nữa, hướng nam. Đôi lúc mơ hồ vọng đến cả tiếng súng nhỏ. Sẽ đến rất gần một ngày Sài Gòn; ngày mai, ngày kia, hay...?
Nhưng đã xảy ra một chuyện làm đảo lộn công việc của chúng tôi. Bắt đầu là binh nhất Ruân, con chiên xứ đạo gốc Hải Hậu, băn khoăn tìm đến vào lúc cuối chiều:
– Anh ạ, có chuyện này khó hiểu. Em hỏi ma xơ khi nào thì hành lễ, lúc đầu ma xơ làm bộ như không nghe, rồi sau đó bà hỏi: “Mấy ông Giải phóng cũng quan tâm chuyện đó sao? Chúng tôi làm lễ rồi, cảm ơn.”. Em phải nói rằng em là con Chúa, bấy lâu ở rừng chỉ đến thầm với Chúa được thôi, nay có nhà nguyện thì sướng nhất rồi, em muốn đi lễ. Em nói thế, ma xơ nhìn em rất lạ rồi bỏ đi mà không nói gì thêm. Anh thấy không, chúng mình đến đây từ sớm, đã có buổi lễ nào đâu? Không có lễ sáng mà cũng chưa thấy lễ chiều. Em để ý kĩ lắm mà. Ma xơ nói thế thì lạ thật!
Tôi chưa kịp chia sẻ mối nghi hoặc thì tiểu đội trưởng Vinh xuất hiện:
– Báo cáo chủ nhiệm, không ổn đâu! – Vinh hạ giọng.
– Có địch!
Vinh cho biết anh đi kiếm rau dền, rau rệu quanh trường, vừa lúc qua phía sau nhà nguyện thì đột ngột cửa sổ hé mở rồi đóng vội lại ngay. Anh áp sát chân tường và nghe thấy bên trong có tiếng động.
– Anh xem. – Vinh chỉ – Đứng đây mình vẫn nhìn thấy ổ khoá trái đen đen kia. Rõ ràng là...
Ruân đưa thêm ý kiến.
– Có một lúc ma xơ đi ngang chỗ khoá cửa, em để ý thấy bà bước chậm, miệng lẩm bẩm điều gì đó và đôi mắt thì không yên ngó vào một chỗ.
Các chiến sĩ trinh sát của tôi khá đấy. Tôi cũng đã thấy đôi điều ngờ ngợ và giờ đây thì rất nhanh, như một phản ứng nghề nghiệp, tất cả các dữ kiện được xâu lại để bật lên thông tin chủ yếu này: ma xơ Giám đốc đã giấu ai đó – những ai đó – trong nhà nguyện kia vào lúc chúng tôi vừa hành quân đến đây. Ai?
(2) Vậy là cuối cùng, đã đến với chúng tôi một đêm bức bối và hồi hộp lạ thường. Pháo cứ rền lên từng đợt, chớp cứ rung bần bật phía đường chân trời và thân xác chúng tôi thì căng lên hết nỗi. Chúng tôi lắng theo bước chân chiến thắng của đồng đội, chúng tôi lo làm nhiệm vụ được giao, và chúng tôi... Thôi, khỏi cần kể thêm. Khuya, mọi thứ có dịu đi nhưng tuyệt nhiên không một ai muốn chợp mắt.
Lúc đó quãng nửa đêm, trăng hạ tuần chưa qua khỏi ngọn cây. Tôi làm hiệu bí mật theo dõi khi đồng đội phát hiện một bóng đen. Bóng đen từ đầu bên kia dãy nhà men theo chân tường, lợi dụng sự che khuất của các bóng cây, chầm chậm di chuyển về hướng này. Cuối cùng thì bóng đen cũng đến được gốc cây cách nhà nguyện lối chừng mươi bước. Mục đích có thể là đã rõ: tên này, hoặc làm nhiệm vụ đưa tin, hoặc tìm cách mở cửa cho đồng bọn. Nhưng điều tác hại là cả khoảng trước cửa nhà nguyện lại hết sức trống trải, và kẻ phiêu lưu kia đành hầu như án binh bất động nơi gốc cây. Tôi dự kiến bắt sống nhưng chưa kịp hành động thì ngay lúc đó đã đẩy tới một tình huống bất ngờ. Bóng đen bỗng tách khỏi gốc cây, nghe ngóng rồi nhảy lên bậc thềm chỗ cửa nhà nguyện và chắc là bước hụt, y ngã sấp với một tiếng “xoảng”. Rất nhanh, bóng đen đứng vụt dậy, biến mất về hướng ngược lại. Tôi quyết định không đuổi theo.
(3) Buổi sáng, các chiến sĩ thu được từ hiện trường một cặp lồng với cơm canh tung toé, mấy ổ bánh mì và một chiếc dép. Vậy là mục đích của cuộc phiêu lưu ban đêm đơn giản hơn điều chúng tôi tưởng. Tôi cho xếp gọn các thứ, để ngay ngắn trên thềm nhà nguyện.
Ngày làm việc đã trở lại mà không một ai trong Cô nhi viện đi qua hướng này, trong khi các ma xơ thì có vẻ lóng ngóng đứng ngồi chẳng yên. Cũng chẳng có lễ sáng trong nhà nguyện nữa, đương nhiên. Và cũng không một ai trong chúng tôi nhìn thấy ma xơ Giám đốc đâu, bà như giấu mặt vậy. Tất cả giống một sự đồng loã tự tố cáo.
Vào phiên liên lạc sớm với trung đoàn, tôi được nhắc tăng cường cảnh giác và được biết thêm rằng ngày hôm nay – rất có thể là ngày hôm nay – các quân đoàn bộ binh sẽ tiến vào nội đô. Trong báo cáo của mình, tôi cũng đề cập đến tình hình mặt đất nơi tác nghiệp và xin được toàn quyền hành động. Trung đoàn trưởng đồng ý: “Gắng hết sức bắt sống hay gọi hàng. Đừng phung phí cái chết, chiến tranh sắp qua rồi. Vả lại ở đó đang có nhiều trẻ em, phải không?”.
Tôi quyết định đi tìm ma xơ Giám đốc, phải nói chuyện với bà ta trước đã. Tất nhiên sẽ không có thuyết giảng về chính tà, về chỗ đứng, dù ở thời điểm này. Càng không cần “vòng vo Tam quốc”. Tôi nghĩ là mình hiểu bà. Các ma xơ luôn hành động hướng thiện như bằng chứng đây về trại mồ côi. Tình huống mà chúng tôi gặp phải cũng vậy, hẳn vì bà muốn tránh đổ máu. Tôi sẽ nói với ma xơ rằng chúng tôi cũng muốn thế, do đó xin ma xơ vận động những kẻ đang ẩn náu trong nhà nguyện kia buông súng đầu hàng. Cách mạng sẽ khoan dung.
Nhưng tôi được trả lời là ma xơ Giám đốc đang ốm? Không thể chần chừ, tôi nói với một ma xơ khác có vẻ đứng tuổi:
– Xin ma xơ lấy chìa khoá mở căn nhà nguyện kia. Chúng tôi cần kiểm soát trong đó.
– Giê-su (Jesus)! – Bà thốt lên – Nhưng tôi không có chìa khoá. Thứ đó ma xơ Giám đốc giữ.
– Thì ma xơ trình lại với bà ấy yêu cầu của chúng tôi. Từ giờ phút này nhà nguyện bị phong toả, xin ma xơ thu xếp để tất cả mọi người, nhất là trẻ em, chuyển hết về đằng kia. – Tôi tuyên bố.
Ma xơ làm dấu thánh rồi tất bật đi luôn. Nhưng hơn nửa tiếng trôi qua, không thấy bà quay lại. Tuy nhiên, các trẻ em đã được đưa ra khỏi khu vực phụ cận.
Phải hành động ngay. Tôi triệu tập bộ đội, chỉ để một chiến sĩ ở lại đài quan sát. Vinh tới, anh nói mà không biểu hiện một trạng thái nào rõ rệt trên nét mặt:
– Quân đội Sài Gòn đã đầu hàng. Anh nghe đây..
Vinh tăng chiết áp của chiếc đài bán dẫn Sô-ni (Sony) lúc nào cũng cặp kè bên sườn anh. Đập ngay vào tai tôi lệnh hạ vũ khí cho quân đội Sài Gòn của Tổng thống Dương Văn Minh. Tôi cảm nhận cả mình cũng không có cảm xúc rõ rệt nữa khi hướng về đồng đội:
– Chúng ta sẽ đánh trận cuối cùng của chiến tranh.
“Điều gì cũng có thể xảy ra”, ý nghĩ đó lướt nhanh trong khi tôi phân công vị trí chiến đấu cho các chiến sĩ. Mọi sự chấp hành đều lập tức và tuyệt đối.
– Phá khoá gọi hàng! – Tôi ra lệnh.
– Kìa Chủ nhiệm, ma xơ...
Tôi quay lại. Ma xơ Giám đốc bỗng như từ đâu đó hiện ra đi về phía chúng tôi, bước chân lẩy bẩy như khựng lại. Khi bà gắng giơ cao một chùm chìa khoá, hào hển điều chi mà khi đến gần mới nghe rành:
– Xin đừng bắn vô trỏng, trung uý...
Mới chỉ qua một đêm, ma xơ đã gầy rộc hẳn đi. Bà cúi xuống, đôi tay gầy guộc run rẩy lần tìm chiếc chìa khoá nhà nguyện. Có lẽ bà đã đếm qua nó cả chục lần nhưng vẫn tìm, tìm hoài. Cuối cùng thì bà cũng giữ lấy một chiếc, nhìn lên:
- Trung uý để tôi.
Thoắt một cái, động tác của ma xơ bỗng trở nên nhanh hoạt lạ lùng. Bà như khẳng định lại tư thế Giám đốc. Khoá nảy, cửa mở, sau dấu Chúa tuẫn nạn2), bà kêu rành rọt:
– Má đây, ra đi các con...
Và bất đồ đổ ụp dưới chân tôi, bà nấc lên:
– Lạy Chúa, xin các ông đừng giết. Chúng đâu có tội, chúng không có tội...
Thôi rồi! Tôi chợt hiểu tất cả khi từ trong góc tối của nhà nguyện, thất thểu, sợ sệt và hốc hác vì đói, bước ra ba đứa trẻ lai: hai Mỹ đen, một Mỹ Trắng. “Trời! Lại có thể như thế sao, Chúa ơi.”.
– Lấy sữa trong ba lỗ pha cho các cháu mau đi! – Tôi nói với đồng đội trong khi cúi xuống đỡ ma xơ dậy.
Và cũng chỉ nói được đến thế, tôi đã phải xoay người bước nhanh để lẩn trốn những giọt nước mắt của chính mình. “Lại có thể như thế được sao, lại có thể...”.
(VŨ CAO PHAN, in trong Giải nhất văn chương, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998)
Câu chuyện xảy ra ở địa điểm nào?

Đáp án và lời giải

đáp án đúng: A

Câu chuyện xảy ra ở địa điểm bên trong nhà thờ

Cao Mỹ Linh (Tổng hợp)

đề trắc nghiệm ngữ văn 10 mới nhất

X