Những nét cơ bản về tình hình kinh tế và chính trị của Nhật Bản trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX

Xuất bản: 28/04/2020 - Cập nhật: 01/06/2020 - Tác giả:

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 57 SGK lịch sử 12: Nêu những nét cơ bản về tình hình kinh tế và chính trị của Nhật Bản trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX

Trả lời câu  hỏi thảo luận trang 57 sgk lịch sử lớp 12

Đọc tài liệu tổng hợp và chia sẻ nội dung câu hỏi thảo luận trang 57 SGK Lịch sử 12 một cách hữu ích thông qua việc chia sẻ tài liệu Soạn sử 12 bài 8 cho các em tìm ra câu trả lời chính xác và ngắn gọn nhất cho từng câu hỏi trong bài học.

Câu hỏi

Những nét cơ bản về tình hình kinh tế và chính trị của Nhật Bản trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX.

Hướng dẫn trả lời

Dựa vào sgk Lịch sử 12 trang 57 để trả lời.

Đáp án tham khảo

*Về kinh tế:

- Từ thập kỉ 90, Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kì suy thoái, tuy nhiên Nhật Bản vẫn duy trì là một trong ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới.

- Khoa học - kĩ thuật: tính đến năm 1992, Nhật Bản đã phóng 49 vệ tinh khác nhau và hợp tác có hiệu quả với Mĩ, Liên Xô.

*Về chính trị: 

- Từ năm 1993-2000, chính quyền Nhật Bản thuộc về các Đảng đối lập hoặc liên minh các Đảng phái khác nhau.

- Tình hình xã hội Nhật Bản có phần không ổn định.

- Đối ngoại: Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mĩ, coi trọng quan hệ với các nước Tây Âu, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước khác trên phạm vi toàn cầu và chú trọng phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Bổ sung kiến thức tình hình kinh tế và chính trị của Nhật Bản trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX

Một số kiến thức mở rộng xoay quanh tình trạng kinh tế của Nhật Bản trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX cho các em học sinh tham khảo và đa dạng hóa dạng câu hỏi cho các em học sinh tiếp cận kiến thức.

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ NHẬT BẢN 1990

Năng suất lao động giảm

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của GDP trên đầu người của Nhật Bản giảm xuống mức thấp trong những năm 1990 có thể là do mức tăng của năng suất tổng nhân tố (TFP) giảm. Sở dĩ mức tăng của TFP ở Nhật Bản thời kỳ 1991-2000 lại giảm mạnh là do chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả. Việc này khiến cho các nhà sản xuất thiếu hiệu quả lại sản xuất được một phần sản lượng nhiều thêm. Chính sách này còn hạn chế đầu tư tăng năng suất. Từ khi Nhật Bản thực hiện Các biện pháp tạm thời ổn định các ngành đặc biệt khó khăn vào năm 1988, ngay năm đó mức tăng TFP chỉ ở mức vô cùng thấp 0,64%. Ba năm trước đó, mức tăng TFP là 2,5%/năm, thế mà sáu năm sau đó, mức tăng chỉ còn là 2,18%/năm. Năng suất lao động giảm còn có thể do phân bổ nguồn lực giữa các ngành thiếu hợp lý - nghĩa là các ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh lại không được đầu tư đúng mức. Còn nguyên nhân khiến có sự không hợp lý trong phân bổ nguồn lực giữa các ngành là thị trường yếu tố sản xuất kém linh hoạt.

Giảm số giờ lao động

Số giờ lao động trong một tuần của một người lao động Nhật Bản giảm đi cũng có thể là một nhân tố khiến mức tăng GDP bình quân đầu người của nền kinh tế này giảm sút. Khi Luật Tiêu chuẩn Lao động của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ năm tài chính 1988, số giờ lao động trung bình một tuần của một lao động Nhật Bản đã giảm từ 44 (5 ngày rưỡi) năm 1988 xuống 40 (đúng 5 ngày) năm 1993.

Nợ đọng

Nợ đọng (bao gồm nợ khó đòi và nợ xấu) đã làm phương hại nền kinh tế Nhật Bản theo hướng làm cho việc phân phối nguồn lực bị bóp méo. Thêm vào đó, nợ đọng tự nó mang những nhân tố khiến cho tình trạng nợ kéo dài.

Các ngân hàng thường có chính sách giãn nợ đối với các khách hàng thiếu khả năng trả nợ của mình. Những khách hàng này thường thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng- những lĩnh vực bị coi là kém hiệu suất từ sau khi bong bóng kinh tế tan vỡ. Hy vọng các khách hàng rồi sẽ trả được nợ nếu không bị phá sản, nên các ngân hàng thường tiếp tục cho khách hàng đang mắc nợ mình tiếp tục vay để khỏi bị phá sản (điều này càng hay xảy ra nếu khách hàng là những người đi vay lớn, và ngân hàng nhận thấy đấy là những khách hàng "too big to fail"). Mặt khác, ngân hàng e ngại rằng, từ chối cho vay sẽ có thể khiến các nhà đầu tư vào ngân hàng suy diễn rằng tình hình kinh doanh của ngân hàng đang không tốt. Điều này làm cho số nợ tăng thêm. Do biết ngân hàng sẽ không dám không cho mình vay tiếp, nên các xí nghiệp khách hàng hiểu mình có một chế ước ngân sách mềm và nảy sinh rủi ro đạo đức. Nỗ lực cải thiện hoạt động kinh doanh của họ tự nhiên giảm đi, và- một cách tự nhiên- họ càng có nguy cơ phá sản. Hậu quả, ngân hàng lại càng phải tiếp tục cho họ vay thêm.

Nợ đọng làm cho chức năng phân bổ nguồn lực bị bóp méo qua nhiều con đường. Cho vay thêm khiến cho nguồn tài chính bị điều chỉnh về khu vực không có hiệu suất, góp phần giữ lao động tại khu vực này, trong khi đó những khu vực có hiệu suất và những ngành nghề mới không được phân bổ đầy đủ nguồn lực tài chính và lao động nên gặp khó khăn trong phát triển hoạt động của mình. Những khách hàng sống dở chết dở vẫn được các ngân hàng giúp duy trì sự sống, nên họ có điều kiện hạ giá bán sản phẩm làm ảnh hưởng đến giá thị trường, tăng lương cho lao động mặc dù năng suất giảm đi. Một kiểu cạnh tranh không lành mạnh đã hình thành.

Mặt khác, cho vay quá mức mà không đòi được vốn và lãi khiến cho bảng cân đối tài sản của các ngân hàng bị xấu đi, khiến họ phải đối mặt với qui chế về mức độ an toàn dựa trên tiêu chí vốn do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ban hành. Vì thế, ngân hàng sẽ trở nên ngại ngùng khi cho vay. Hậu quả, tình trạng đói tín dụng xảy ra cho các xí nghiệp nhỏ và vừa là chính.

Tóm lại, nợ động vừa dẫn đến đầu tư quá mức ở các xí nghiệp hoạt động kém hiệu quả, vừa dẫn đến đầu tư không đủ ở các xí nghiệp có khả năng mở rộng sản xuất. Hai hiện tượng này che lấp lẫn nhau khiến cho tác hại của nợ đọng khó nhận ra được. Và đây là một nguyên nhân nữa khiến nợ đọng lại đẻ ra nợ động.

Đầu tư tư nhân giảm

Nhu cầu đầu tư tư nhân giảm làm tổng cầu giảm có thể là nguyên nhân kinh tế suy giảm. Còn nguyên nhân khiến nhu cầu đầu tư tư nhân giảm là tình trạng đói tín dụng. Nợ xấu khiến cho các ngân hàng ngần ngại cho vay; và điều này ảnh hưởng đến đầu tư. Các xí nghiệp nhỏ, nhất là trong ngành chế tạo, phải đối mặt với tình trạng này nhiều hơn.

Bẫy thanh khoản

Nhà kinh tế học Hoa Kỳ đoạt giải Nobel năm 2008 là Paul Krugman cho rằng chính bẫy thanh khoản đã làm cho nền kinh tế Nhật Bản trì trệ kéo dài. Bẫy thanh khoản xảy ra khi năng lực sản xuất tương lai thấp hơn năng lực sản xuất hiện tại. Già hóa dân số và sinh ít khiến cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản giảm trung bình hàng năm 0,7% trong vòng 30 năm tới và giảm 1% trong vòng 25 năm sau đó. Khi lực lượng lao động giảm nhanh hơn dân số, thì năng lực sản xuất bình quân đầu người của tương lai được dự tính là sẽ giảm đi so với hiện nay. Mặt khác, vấn đề kinh tế dai dẳng của Nhật Bản là do người tiêu dùng muốn tiết kiệm nhiều hơn doanh nghiệp muốn đầu tư. Dự tính về lực lượng lao động trong tương lai giảm sẽ làm giảm lợi tức kỳ vọng của đầu tư. Ngoài ra, vấn đề nợ xấu của khu vực ngân hàng khiến cho họ khắt khe hơn trong phê duyệt các khoản cho vay, nên sẽ có tác động tiêu cực đến đầu tư của doanh nghiệp.

Kích cầu kém

Trong thập niên 1990, trước thực tế nền kinh tế trì trệ triền miên, một số biện pháp kích cầu đã được thực hiện nhằm vực dậy nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng, nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy chính sách kích cầu của Nhật Bản có phát huy tác dụng, nhưng mức độ hiệu quả lại thấp. Nguyên nhân khiến hiệu suất của chính sách kích cầu thấp có thể là:

Chi tiêu công cộng của Chính phủ đã hướng hết vào các công trình công cộng vô bổ.

Chính sách tài chính của Nhật Bản không được thiết kế với mục tiêu tối đa hóa tác động vĩ mô của nó. Đáng lẽ, các gói kích cầu phải chủ yếu dành cho chi tiêu vào mạng lưới an sinh xã hội và giảm thuế tiêu dùng, chứ không nên dựa vào chi cho câc công trình công cộng và giảm thuế chung chung như chính phủ Nhật Bản đã thực hiện.

Phần chi tiêu công cộng do các chính quyền địa phương triển khai không đủ mức đề ra do các chính quyền này đã dùng một phần gói kích cầu để bù đắp thâm hụt ngân sách địa phương. Các công trình công cộng địa phương đã không có tác dụng nâng cao năng suất của vốn đầu tư tư nhân.
Giá trị các gói kích cầu nhỏ, không đủ vực dậy nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ thiếu hợp lý

Thiểu phát và giảm phát trong thập niên mất mát.

Nhiều nhà nghiên cứu phê phán Ngân hàng Nhật Bản đã không thực hiện chính sách tiền tệ hợp lý và đó là một trong những nguyên nhân gây ra thập niên mất mát của nước này.

Ngân hàng Nhật Bản bị phê phán là đã chậm trễ trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất). Đến khi quyết định giảm lãi suất, thì lại giảm không đủ mức; thậm chí còn vội vàng nâng lãi suất ngày khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi vào cuối năm 1993.

Đến mùa hè và thu năm 1995, lãi suất ngắn hạn từ mức trên 2% xuống còn 0,4~0,5%. Khi kinh tế Nhật Bản lại rơi vào suy thoái từ đầu năm 1997, Ngân hàng Nhật Bản đã không còn khả năng giảm lãi suất. Từ năm 1998, nền kinh tế chính thức rơi vào trạng thái giảm phát. Khu vực tư nhân bắt đầu hình thành dự tính rằng xu hướng giảm phát sẽ tiếp tục (tức là dự tính lạm phát mang dấu âm). Hai điều này dẫn đến lãi suất thực tế tăng lên, vì lãi suất thực tế bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi dự tính lạm phát. Đầu tư và tiêu dùng tư nhân bắt đầu giảm càng làm cho khoảng cách giữa tổng cầu và tổng cung càng tăng. Giảm phát càng nghiêm trọng hơn, và đây chính là "bẫy giảm phát" mà Nhật Bản mắc phải. Giảm phát làm cho gánh nặng nợ của xí nghiệp lớn thêm vì nợ quá hạn gia tăng, làm cho lợi nhuận của xí nghiệp giảm vì lãi suất thực tế và tiền công thực tế trở nên cao hơn. Do đó, xí nghiệp trở nên dè dặt trong đầu tư thiết bị khiến cho nhu cầu đầu tư tư nhân giảm làm tổng cầu giảm theo.

Iwata (2000) cho rằng, trong thời kỳ bong bóng kinh tế và thời kỳ bong bóng tan vỡ, cung tiền ở Nhật Bản lên cao xuống thấp rất bất thường, nhưng lãi suất ngắn hạn thì có xu hướng bị cố định. Ông gọi chính sách tiền tệ như vậy của Ngân hàng Nhật Bản là "chính sách tiền tệ đơn điệu", chỉ biết làm cho cung tiền bằng cầu tiền để giữ tỷ lệ lạm phát khỏi tăng, chứ không chịu quan tâm đến những mục tiêu tổng quát hơn như là mức tăng trưởng GDP.

Chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản

Alan Greenspan - nguyên Chủ tịch Fed - cho rằng "Nhật Bản luôn có cách hành xử khác với các nước tư bản chủ nghĩa khác". Greenspan kể rằng ông có nhiều cuộc nói chuyện với Miyazawa Kiichi - nguyên Thủ tướng Nhật Bản và bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - trong đó có giới thiệu kinh nghiệm của Hoa Kỳ về xử lý nợ của các quỹ tín dụng phá sản: cần chấp nhận cho phá sản những tổ chức tài chính hoạt động không hiệu quả và thanh lý tài sản của các tổ chức này. Tuy nhiên, Miyazawa trả lời rằng đó không phải là cách làm của Nhật Bản. Greensapan cho rằng nếu Nhật Bản làm theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ thì giai đoạn điều chỉnh sẽ thu ngắn lại và kinh tế Nhật Bản sẽ trở lại bình thường sớm hơn. Tuy nhiên người Nhật Bản lại chủ ý chấp nhận đình trệ kinh tế... để không phải làm mất mặt các công ty cũng như các cá nhân bị phá sản hay bị sa thải.

(Theo Thập niên mất mát (Nhật Bản) - Wikipedia.org) )

Tại sao nền kinh tế của Nhật Bản thời kỳ 1986 - 1990 được gọi là nền kinh tế bong bóng?

Trả lời:

Nền kinh tế Nhật Bản thời kì 1986 -1990 được gọi là nền kinh tế“bong bóng” là vì:

- Nền kinh tế chủ yếu đầu cơ mua bán bất động sản, cổ phiếu có giá trịcao.

- Nhiều cá nhân,  doanh nghiệp, ngân hàng đã dự trữ một  khối lượng tài  sản “ảo” dưới dạng bất động sản, cổ phiếu chứng khoán.

- Sự tăng giá của các loại tài sản này làm cho nhiều người, công ty trở nên giàu có, sản xuất và chi tiêu đã bị kích thích làm cho tốc độ tăng trưởng cao.

Kinh tế Nhật Bản đứng thứ mấy trên thế giới?

Trả lời:

- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn 1955 – 1973. Từ 1974 đến năm 2006, tốc độ phát triển tuy có chậm lại, nhưng Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

- Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) ngày 7/7, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa năm 2018 của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đạt 20.494,1 tỷ USD.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Quốc (13.608,2 tỷ USD), Nhật Bản (4.970,9 tỷ USD), Đức (3.996,8 tỷ USD) và Anh (2.825,2 tỷ USD).

Vậy tính tới năm 2018, Kinh tế Nhật Bản đứng thứ 3 thế giới tính theo GDP.

Nguyên nhân suy thoái kinh tế Nhật Bản là gì?

Trả lời:

Nguyên nhân của cuộc suy thoái kinh tế Nhật Bản:

Xét về bản chất, cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất của nền kinh tế Nhật Bản mang tính cơ cấu hơn là tính chu kỳ. Theo nhiều nhà kinh tế đó là do một số nguyên nhân quan trọng sau:

1.Sự xì hơi của nền kinh tế bong bóng

Sự xẹp xuống của nền “kinh tế bong bóng” đầu năm 1990 đã tạo ra sức ép nghiêm trọng lên các tổ chức tài chính Nhật Bản và làm giảm động lực chi tiêu của người tiêu dùng cũng như giảm đầu tư kinh doanh. Rất nhiều ngân hàng Nhật Bản phải đối mặt với gánh nặng nợ nần. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Tokyo suy thoái nhanh chóng về giá trị cổ phiếu. Tuy thế, Nhật Bản vẫn có thể loại bỏ được tình hình thiếu vốn sâu sắc này do Nhật Bản có một tỉ lệ tiết kiệm cao, đặc biệt là tỉ lệ đầu tư tương đối cao. Thực tế này được phản ánh trong các khoản thặng dư lớn. Tuy nhiên, các hãng kinh doanh Nhật Bản dường như lại không còn hứng thú tiếp cận với nguồn vốn có chi phí thấp mà đã đem lại cho họ một lợi thế cạnh tranh trong quá khứ.

2. Khả năng sản xuất dư thừa

Nền kinh tế Nhật Bản đang phải gánh chịu tình trạng sản xuất dư thừa. Trong suốt những năm bùng nổ kinh tế của thập kỷ 1980, Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào các nhà máy và trang thiết bị mới. Ngày nay cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, các công ty Nhật Bản đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho khối lượng sản xuất thặng dư lớn của họ. Vì vậy, các công ty Nhật Bản đang phải tiến hành thu hẹp quy mô sản xuất, bao gồm cả phương diện giảm nguồn nhân lực cho dù họ phải đối mặt với các tổn thất tài chính đáng kể. Việc tuyển dụng lao động không ổn định đã làm tăng thêm sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng, hơn nữa còn làm sâu sắc thêm quá trình suy thoái kinh tế nói chung.

3. Sự tăng giá của đồng Yên

Nhật Bản phải đối đầu với một môi trường kinh doanh giao dịch bất lợi. Sự tăng giá của đồng Yên đã làm giảm giá cạnh tranh của hàng hoá Nhật Bản trong mối tương quan với các hàng hoá được sản xuất bởi các hãng nước ngoài. Tính theo sức mua (PPP), giá trị đồng Yên quá cao so với giá trị thực tế. Theo tính toán của Cơ quan Hoạch định Kinh tế Nhật Bản, định giá theo sức mua của đồng Yên là 115¥ trên một đô la đối với hàng hoá giao dịch và 155¥ trên một đô la đối với hàng tiêu dùng. Sự tăng giá quá cao này của đồng Yên được phản ánh trong của tài khoản thặng dư khổng lồ. Năm 1992 số dư tài khoản hiện có bằng đồng đôla Mỹ đã đạt kỉ lục là 130 tỉ đôla. Khoản thặng dư này phản ánh tỉ lệ tiết kiệm rất cao của quốc gia, tuy nhiên lại không cần thiết cho việc tạo nên một đồng Yên có giá quá cao như vậy. Nếu Nhật Bản có thể nhanh chóng xoay vòng khoản thặng dư nước ngoài bằng đồng đôla đã thu được thông qua giao dịch quốc tế thì áp lực lên đồng Yên sẽ không lớn như trong thời kỳ mùa xuân năm 1995. Không may là  ngành tài chính Nhật Bản đã siết chặt chu trình xoay vòng này. Hơn thế, cùng với sự suy giảm lợi nhuận và không ngừng tăng các chi phí tái cơ cấu, các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản có thiên hướng nghiêng về việc chuyển đổi giá trị thu nhập từ đồng đôla sang đồng Yên. Động thái này lại tiếp tục kích thích sự tăng giá của đồng Yên.

Sự phục hồi kinh tế yếu ớt của nền kinh tế Mỹ và Tây Âu cũng đã khiến Nhật Bản khó khăn hơn trong việc chuyển bớt tình hình suy thoái nội bộ của mình ra bên ngoài nền kinh tế như đã từng thực hiện trong quá khứ. Nguy cơ của các căng thẳng kinh tế ngày càng trầm trọng đã cướp đi khả năng thâm nhập của Nhật Bản vào các thị trường Mỹ và Châu Âu. Thực tế là các áp lực chính trị ở Mỹ đang tăng lên, buộc Nhật Bản phải giảm thặng dư thương mại song phương cũng như tự do hoá thị trường nội địa. Nhật Bản tỏ ra bất lực trong việc theo đuổi chiến lược hồi phục kinh tế theo hướng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh trong kinh tế quốc tế cũng đang trở nên kém hơn trước các quốc gia công nghiệp phát triển.

Như vậy, trong suốt thập kỷ 1990, Nhật Bản phải đối mặt với các thử thách vô cùng ghê gớm khi phải nhập khẩu thêm hàng hoá nước ngoài trong khi các ngành sản xuất kinh doanh trong nước đang phải vật lộn để điều chỉnh lại cơ cấu.

***

Trên đây là hướng dẫn trả lời câu hỏi thảo luận trang 57 SGK Lịch sử 12, nội dung: Những yếu tố khiến Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn của thế giới vào nửa cuối thế kỉ XX.

Tiếp theo: Câu 1 trang 57 SGK Lịch sử lớp 12

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM