Trình bày hoàn cảnh ra đời của tổ chức ASEAN và nội dung chính của Hiệp ước Bali (1976)

Xuất bản: 24/04/2020 - Cập nhật: 25/05/2020 - Tác giả:

Trả lời câu hỏi thảo luận 3 trang 32 SGK lịch sử lớp 12, nội dung chính: Trình bày hoàn cảnh ra đời của tổ chức ASEAN và nội dung chính của Hiệp ước Bali (1976)

Trả lời câu  hỏi thảo luận trang 32 sgk lịch sử lớp 12

Câu hỏi

Trình bày hoàn cảnh ra đời của tổ chức ASEAN và nội dung chính của Hiệp ước Bali (1976).

Hướng dẫn trả lời

Dựa vào sgk Lịch sử trang 81 để trả lời.

Đáp án tham khảo

*Hoàn cảnh ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Sự ra đời và phát triển của tổ chức ASEAN:

- Sau khi giành được độc lập, nhiều nước Đông Nam Á bước vào thời kì phát triển kinh tế và văn hóa, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác giữa các nước.

- Các nước Đông Nam Á muốn hạn chế ảnh hưởng và sự can thiệp của các nước lớn ngoài khu vực, nhất là khi cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Đông Dương ngày càng khó khăn và đứng trước nguy cơ thất bại.

- Xu thế khu vực hóa mở rộng, cách mạng khoa học-kỹ thuật diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự thành công của Khối thị trường chung châu Âu.

=> Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan)

*Nội dung của Hiệp ước Bali (2/1976)

Sự khởi sắc của ASEAN được đánh dấu từ Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Inđônêxia) tháng 2-1976, với việc kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Bali). Hiệp ước Bali xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước thành viên:

- Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

- Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;

- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực đối với nhau.

- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

- Hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

Bổ sung kiến thức về ASEAN và hiệp ước Bali

Đọc tài liệu tổng hợp các kiến thức liên quan, mở rộng về ASEAN, Hiệp ước Bali cho các em học sinh ôn tập nội dung kiến thức lịch sử 12 được sâu động, đa dạng nhất.

Câu 1. Hiệp ước Bali 2/1976 có nội dung cơ bản là gì?

Trả lời:

Nội dung cơ bản của Hiệp ước Bali 2/1976 là:

- Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

- Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;

- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực đối với nhau.

- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

- Hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

Câu 2. Thành tựu của ASEAN về các mặt tính tới năm 2018.

Trả lời:

Thành tựu của ASEAN về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực tính từ khi thành lập tới năm 2018 là:

Về thương mại hàng hóa, theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước ASEAN đã tiến rất gần đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với các nước ASEAN-6 (5 nước sáng lập và Bru-nây), 99,2% số dòng thuế đã được xóa bỏ, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam (gọi tắt là các nước CMLV) đã được xóa bỏ tính tới năm 2017. Dự kiến, tới hết năm 2018, tỉ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN sẽ đạt 98,67%. Ngoài tự do hóa thuế quan, các nước ASEAN cũng đang triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp như dự án thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế hải quan một cửa v.v... Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực điện-điện tử, cao su, thực phẩm chế biến sẵn, dược phẩm và thiết bị y tế v.v. Ngoài ra, Việt Nam và các nước ASEAN đã thực thi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về điện và điện tử, về kiểm tra thông lệ sản xuất thuốc tốt; đã ký MRA về nghiên cứu tương đương sinh học, về hệ thống giám định và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến nhằm tạo nên một khu vực sản xuất thống nhất trong ASEAN,

Về thương mại dịch vụ

, tự do hóa thương mại dịch vụ là một trong những ưu tiên quan trọng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Quá trình tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), ký kết vào năm 1995 và tiếp tục được đàm phán nhằm tự do hóa dần dần thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN. Hiện nay, các nước ASEAN đang đặt mục tiêu sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 10 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS-10) trong năm 2018.

Về đầu tư, trước bối cảnh các khu vực cũng như các nước ASEAN ngày càng phải chịu sức cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước đang phát triển khác trên thế giới cũng như trong khu vực, ngày 15/12/1995 tại Thái Lan, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 của ASEAN đã quyết định thành lập Khu vực đầu tư ASEAN (ASEAN Investment Area - gọi tắt là AIA), nhằm tăng cường thu hút vốn và khả năng cạnh tranh để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực ASEAN, nơi có nguồn lao động trẻ, rẻ và dồi dào. Sau nhiều nỗ lực thực thi Khu vực đầu tư ASEAN và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), trong năm 2017, các nước ASEAN đã hoàn tất việc ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi ACIA và tiến tới sớm hoàn thành ký kết Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp định này để tăng cường luồng đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Về hợp tác ngoại khối,

cho tới nay, ASEAN đã ký kết và thực hiện 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm: FTA nội khối ASEAN (AFTA); và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ốt-xtrây-lia và Niu Di-lân. Vào tháng 11 năm 2017, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 31, các nước ASEAN cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hồng Công, Trung Quốc và Hiệp định đầu tư ASEAN-Hồng Công, Trung Quốc. Ngoài ra, hiện tại các nước thành viên ASEAN cũng đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ốt-xtrây-lia và Niu Di-lân nhằm đạt được một hiệp định FTA toàn diện với mức độ cam kết cao hơn các FTA hiện nay giữa ASEAN với các nước đối tác này.

Về thành tựu phát triển kinh tế, trong hơn 50 năm qua, tổng thương mại hàng hóa của các nước ASEAN với thế giới đã tăng từ 10 tỷ đô-la Mỹ/năm lên mức 2.575 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2017. Tổng thương mại dịch vụ tăng từ mức 140 tỷ đô-la Mỹ năm 1999 lên mức kỷ lục 681 tỷ đô-la Mỹ năm 2016. Theo số liệu thống kê sơ bộ, thương mại hàng hóa của ASEAN năm 2017 tăng ở mức 14.2% so với năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 11,6% của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN với tổng giá trị kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 436,8 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 17,1%.

(Theo Bộ Công thương , Thành tựu của ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong Trụ cột Cộng đồng kinh tế của ASEAN, Ngày 16/8/2018)

Câu 3. Vì sao tổ chức ASEAN ra đời?

Trả lời:

Nguyên nhân cũng chính là hoàn cảnh ra đời của tổ chức ASEAN là:

- Sau khi giành được độc lập, nhiều nước Đông Nam Á bước vào thời kì phát triển kinh tế và văn hóa, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác giữa các nước.

- Các nước Đông Nam Á muốn hạn chế ảnh hưởng và sự can thiệp của các nước lớn ngoài khu vực, nhất là khi cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Đông Dương ngày càng khó khăn và đứng trước nguy cơ thất bại.

- Xu thế khu vực hóa mở rộng, cách mạng khoa học-kỹ thuật diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự thành công của Khối thị trường chung châu Âu.

Câu 4. Vai trò của ASEAN là gì?

Trả lời:

ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển khu vực châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới.

Vai trò của ASEAN thể hiện cụ thể qua:

Đóng góp cho nền hoà bình bền vững trong khu vực và thế giới: ASEAN là nhân tố quan trọng bảo đảm hoà bình và ổn định ở khu vực. Trước hết, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN ngày càng gia tăng thông qua nhiều hoạt động đa dạng, trong đó có việc duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, nhất là giữa các vị Lãnh đạo Cấp cao. ASEAN chủ động đề xướng và tích cực phát huy tác dụng của nhiều cơ chế bảo đảm hoà bình và an ninh khu vực như: Tuyên bố Đông Nam Á là Khu vực Hoà Bình, Tự do và Trung Lập (ZOPFAN) năm 1971; Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ký năm 1976 và đến nay đã trở thành Bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo mối quan hệ không chỉ giữa các nước Đông Nam Á mà cả giữa các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài; Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWSZ) năm 1995; Tuyên bố của các bên liên quan về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 2002, là bước quan trọng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển đông…

ASEAN khởi xướng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)

để tạo khuôn khổ thích hợp cho ASEAN và các đối tác bên ngoài tiến hành đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị an ninh ở Châu Á- Thái Bình Dương. ASEAN cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác với nhau và với các đối tác bên ngoài thông qua nhiều khuôn khổ, hình thức và biện pháp khác nhau, nhằm đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai…

ASEAN có vai trò to lớn trong giải quyết tranh chấp Biển đông, ổn định tình hình chính trị khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, giảm căng thẳng và đối đầu giữa các lớn như Trung Quốc và Mỹ. Sự kiện gần đây khi xảy ra tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ASEAN đã thể hiện rõ lập trường và cách thức giải quyết xung đột theo những thoả thuận mà ASEAN và Trung Quốc đã cam kết.

Thúc đẩy tăng trưởng và bền vững kinh tế khu vực và thế giới: Hợp tác vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững là một trong những định hướng ưu tiên của ASEAN. Đến nay, ASEAN đã cơ bản hoàn tất các cam kết về hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (gọi tắt là AFTA), với hầu hết các dòng thuế đã được giảm xuống mức 0-5%. Tiếp đó, ASEAN đã xác định 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập sớm để đẩy mạnh hơn nữa thương mại nội khối. Kim ngạch thương mại nội khối hiện đạt khoảng 300 tỷ USD và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.

Việc thực hiện các thoả thuận về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) đạt những tiến triển quan trọng. Hợp tác ASEAN cũng được đẩy mạnh và mở rộng trong nhiều lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải, hải quan, thông tin viễn thông, tiêu chuẩn đo lường chất lượng…Đồng thời, ASEAN cũng tích cực tăng cường hợp tác kinh tế- thương mại với các đối tác bên ngoài, nhất là việc thiết lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với hầu hết các nước đối thoại của ASEAN, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrâylia và Niu Di Lân…ASEAN cũng coi trọng đẩy mạnh thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhất là thông qua việc triển khai Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về hỗ trợ các nước thành viên mới (Campuchia, Lào, Mianma và Việt nam) hội nhập khu vực.

Hợp tác về sự gắn kết cộng đồng và lợi ích cho người dân: Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá- xã hội ngày càng được mở rộng với rất nhiều chương trình/dự án khác nhau trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ, môi trường, y tế, phòng chống ma tuý, buôn bán phụ nữ và trẻ em, HIV/AIDS, bệnh dịch…Các hoạt động hợp tác này đã hỗ trợ cho các nước thành viên nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề liên quan, đồng thời giúp tạp dựng thói quen hợp tác khu vực, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng ASEAN. ASEAN đang phấn đấu xây dựng một cộng đồng các dân tộc hài hoà đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ. Đảm bảo sự “thống nhất trong đa dạng” trở thành một đặc thù riêng có của ASEAN, một bản sắc khu vực mà các nước ASEAN luôn trân trọng giữ gìn.

Mở rộng quan hệ đối ngoại: Quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển mạnh, thông qua đó ASEAN đã tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ thiết thực từ các đối tác bên ngoài, phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển của Hiệp hội, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy và kết nối các mối liên kết khu vực với nhiều tầng nấc khác nhau ở Châu Á- Thái Bình Dương.

ASEAN đã tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới thông qua khuôn khổ ASEAN+1 với 12 đối tác quan trọng bên ngoài, đồng thời khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực ở Châu Á- Thái Bình Dương như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Ngoài ra, ASEAN còn là nhân tố quan trọng của các khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực khác như Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á-Âu (ASEM) và Diễn đàn Hợp tác Đông Á- Mỹ La Tinh (FEALAC).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được đến nay, ASEAN vẫn là một hiệp hội chưa chặt chẽ, tính liên kết khu vực còn thấp; sự đa dạng vẫn còn lớn, nhất là về chế độ chính trị- xã hội và trình độ phát triển giữa các nước thành viên. ASEAN đề ra nhiều chương trình và kế hoạch hợp tác nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế; tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động cồng kềnh, kém hiệu quả, nhất là việc tổ chức và giám sát thực hiện cam kết.

Bên cạnh đó, việc duy trì đoàn kết và thống nhất ASEAN cũng như vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực thường gặp không ít khó khăn và thách thức, do tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Tình hình nội bộ của một số nước cũng như quan hệ giữa các nước thành viên với nhau thường này sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến đoàn kết, hợp tác và uy tín của ASEAN.

Những vấn đề mới trong vai trò của ASEAN

Bối cảnh địa chiến lược ở khu vực đang thay đổi nhanh chóng, với nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. ASEAN đang ở trong giai đoạn bản lề hướng tới sự hình thành Cộng đồng ASEAN, các nước lớn can dự ngày càng sâu rộng hơn vào hợp tác ở khu vực với sự thay đổi và điều chỉnh trong chiến lược và trong tương tác giữa các nước lớn với nhau và với ASEAN, đặt ra không chỉ cơ hội mà còn nhiều thách thức cho việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

Trong bối cảnh đó, các nước nhấn mạnh ASEAN càng cần củng cố và giữ vững vai trò trung tâm của mình ở khu vực, đặc biệt trên các khía cạnh.

Thứ nhất, dành quyết tâm và nỗ lực cao nhất cho thành công của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bởi thành công của tiến trình này gắn liền với uy tín và vị thế của ASEAN. Một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh kà điều kiện tiên quyết để các nước thành viên tin tưởng và gắn kết hơn với nhau và với ASEAN, dành chọn tâm huyết vì sự phát triển của Hiệp hội và lợi ích chung của khu vực.

Thứ hai, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở các phương tiện và quy mô khác nhau. ASEAN cần tiếp tục đề cao các chuẩn mực và quy tắc ứng xử của ASEAN như Hiến chương ASEAN, TAC, SEANFWZ, DOC…làm cơ sở tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung cho toàn khu vực, thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực đa tầng nấc do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; đồng thời xây dựng nội lực kinh tế mạnh làm cơ sở tăng cường liên kết kinh tế trong và ngoài khu vực.

Thứ ba, củng cố các cơ chế hợp tác nội khối cũng như với các đối tác nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống

, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, thiên tai, dịch bệnh, môi trường. Bên cạnh đó, cùng với sự phụ thuộc ngày càng cao giữa các quốc gia, ASEAN cần một bộ máy tổ chức hiệu quả hơn với sự kết nối thông suốt và nhịp nhàng giữa các cơ quan.

Thứ tư, xây dựng một Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 trên cơ sở tiếp nối và phát huy các thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình tiếp diễn mà năm 2015 chỉ là mốc đánh dấu ASEAN chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn của hợp tác khu vực, hướng tới nền hoà bình bền vững hơn, liên kết và hội nhập kinh tế sâu sắc hơn và phấn đấu vì lợi ích thiết thực hơn cho người dân.

***

Trên đây là phần hướng dẫn trả lời câu hỏi thảo luận 3 trang 32 SGK Lịch sử lớp 12, nội dung chính: Trình bày hoàn cảnh ra đời của tổ chức ASEAN và nội dung chính của Hiệp ước Bali (1976).

Tiếp theo: Câu hỏi thảo luận trang 35 SGK Lịch sử 12

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM