Thuyết minh về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

Xuất bản: 02/05/2024 - Tác giả:

Văn bản thuyết minh về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, lập dàn ý chi tiết và tham khảo 4+ bài văn mẫu thuyết minh giới thiệu nội dung tác phẩm Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam.

Hướng dẫn thuyết minh về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam kèm dàn ý chi tiết và TOP 4+ bài văn thuyết minh hay đặc sắc nhất giúp em tham khảo trước khi làm bài thuyết minh, giới thiệu tác phẩm Dưới bóng hoàng lan.

Dàn ý thuyết minh tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

1. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm Dưới bóng hoàng lan và tác giả Thạch Lam.

2. Thân bài

a) Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm

- Tác giả Thạch Lam:

+ Thạch Lam (1910 - 1942) sinh ra trong một gia đình công chức, gốc quan lại đã đến hồi sa sút, tuy sinh ra và học tập tại Hà Nội nhưng thuở nhỏ sống ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

+ Ông là người thông minh, trầm tĩnh, điềm đạm, đôn hậu và tinh tế.

+ Sau khi đỗ Tú tài, ông thôi học về làm báo với anh và gia nhập Tự lực văn đoàn.

+ Quan điểm sáng tác: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".

+ Phong cách sáng tác: Sáng tác của Thạch Lam thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật, của lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời.

- Tác phẩm "Dưới bóng hoàng lan":

+ Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ: Truyện được sáng tác khi tác giả ở phố huyện Cẩm Giàng và được in trong Tuyển tập Thạch Lam.

+ Tóm tắt nội dung chính: “Dưới bóng hoàng lan” là truyện ngắn không có cốt truyện, gồm có 4 nhân vật: hai bà cháu, cô thôn nữ Nga và cây hoàng lan. Truyện kể về một lần trở về quê thăm bà của nhân vật Thanh - mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, những hình ảnh quen thuộc hiện lên và bên cạnh mái tóc của bà, mùi hương hoàng lan nơi vườn và bên tóc mai của Nga khiến chàng trai trẻ xốn xang. Nhưng câu chuyện vẫn khép lại trong cảnh Thanh trở về tỉnh.

+ Bố cục:

  • Phần 1 (từ đầu đến “Nghe quen quá mà Thanh không nhớ được”): Thanh trở về nhà thăm bà thăm nhà trong tâm trạng hạnh phúc, nghẹn ngào.

  • Phần 2 (tiếp theo đến “ngồi ở bên đèn”): Biểu hiện tình cảm của Thanh và Nga.

  • Phần 3 (còn lại): Thanh tạm biệt mọi người trở lại tỉnh làm việc.

b) Giới thiệu tóm tắt nội dung tác phẩm

- Thanh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân yêu duy nhất của Thanh đó là bà => Tuổi thơ của Thanh là một cuộc sống vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che của người bà.

=> Với chàng thanh niên ấy, người bà vừa là người cha, người mẹ và cũng là người thân duy nhất.

- Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn.

+ “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”.

+ Dù xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê thì ngôi nhà ấy vẫn chẳng có sự đổi thay nào, tựa như tình yêu thương nơi người bà vậy.

+ “ …cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa” -> Sự tĩnh lặng của căn nhà bỗng gợi lên trong Thanh biết bao tư vị, khiến anh “…trở nên nghẹn họng”.

=> Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở Thanh một tình yêu quê hương da diết chỉ qua những dòng đầu tiên của tác phẩm, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà mà trên tất cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng.

=> Mỗi lần về thăm quê, Thanh không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra và lớn lên

+ “… Khi Thanh từ giã cái bức nóng của phố xã, bước chân vào ngôi nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương mến sau hai năm xa cách.

+ Sự chăm sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt phảng phất đâu đây đem đến chàng sự nhẹ nhõm… Đó là sự nhẹ nhõm của tâm hồn con người luôn yêu quê, hướng về quê hương.

c) Giá trị nội dung và nghệ thuật

- Nội dung: “Dưới bóng hoàng lan” là áng văn êm đềm về kỉ niệm của hai bà cháu, câu chuyện tình cảm đẹp đẽ giữa Thanh và Nga; những giây phút bình lặng bên gia đình, quê hương thân thuộc.

- Ca ngợi câu chuyện tình cảm đẹp đẽ giữa Thanh và Nga

- Những giây phút bình lặng bên gia đình, quê hương thân thuộc.

- Nghệ thuật:

+ Không có cốt truyện, không có những tình tiết li kì, gay cấn.

+ Lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba, đậm tính trữ tình

+ Ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh và cảm xúc.

3. Kết bài

- Tác phẩm là câu chuyện về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước mang những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc

TOP 5 bài thuyết minh về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan hay và ngắn gọn

Thuyết minh Dưới bóng hoàng lan ngắn nhất mẫu số 1

Tác phẩm "Dưới bóng hoàng lan" của nhà văn Thạch Lam là một trong những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhóm Tự lực văn đoàn, ghi dấu ấn trong lòng độc giả với nhiều tác phẩm khác như "Gió đầu mùa", "Hai đứa trẻ", "Ngày mới"... Thạch Lam được biết đến là một cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945.

Tác phẩm "Dưới bóng hoàng lan" được sáng tác trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời kỳ phong kiến suy vong, chịu áp bức từ thực dân Pháp. Tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn, xoay quanh câu chuyện về cuộc sống của người nông dân và sự chia ly, nhớ nhung của bà và cháu. Nội dung của tác phẩm là câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, sự hy sinh và niềm hi vọng. Thanh mồ côi cha mẹ, ở với bà từ nhỏ, chàng trở về gặp lại ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa có cây hoàng lan, gặp lại người bà hiền hậu và cô gái xinh xắn từng chơi đùa với mình thuở ấu thơ, sau hai năm xa cách. Hôm sau, Thanh ra đi mang theo những kỉ niệm đẹp đẽ và dịu êm, cùng với hương hoàng lan thoang thoảng, ngọt ngào. Thạch Lam đã kết hợp các yếu tố biểu đạt như hình ảnh sinh động, ngôn ngữ sâu lắng để tạo nên một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Tác phẩm mang giá trị tư tưởng cao, khuyến khích lòng yêu thương, sự hiểu biết và hy sinh cho gia đình. Đồng thời, qua câu chuyện, Thạch Lam muốn gửi gắm thông điệp về ý nghĩa của việc quan trọng của việc gìn giữ và phát triển truyền thống gia đình.

Tác phẩm 'Dưới bóng hoàng lan' không chỉ là một câu chuyện cảm động về gia đình mà còn là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn học dân tộc. Với giá trị nghệ thuật và ý nghĩa sâu sắc, tác phẩm đã khẳng định được vị trí quan trọng trong lòng người yêu văn học Việt Nam.

Thuyết minh Dưới bóng hoàng lan mẫu số 2

Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, cũng là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam những năm 1930- 1945.

Tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm văn chương của Thạch Lam lại thấm đượm những giá trị nhân văn sâu sắc, những câu chuyện của đời sống vô cùng bình dị được nhà văn đưa vào tác phẩm với những điểm nhấn tạo thành những tác phẩm có giá trị, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bao thế hệ độc giả xưa - nay.

“Dưới bóng hoàng lan” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lan, cốt truyện nhẹ nhàng, khung cảnh làng quê gần gũi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những cái độc đáo, mới lạ mà nhà văn Thạch Lam mang đến, đó chính là hương vị của con người, của tình người. Những tình cảm ngỡ như đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng thầm kín, có sức lay động mạnh mẽ đến tâm thức, trái tim của người đọc, người nghe.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Truyện ngắn còn là một khung cảnh đơn sơ, giản dị nhưng đầy chất thơ, thấm đượm hương vị của tình người.

Thanh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân yêu duy nhất của Thanh đó là bà, tuổi thơ của Thanh là một cuộc sống vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự che chở của người bà. Do đó, với chàng thanh niên ấy mà nói, người bà vừa là người cha, người mẹ, cũng là người thân duy nhất của anh. Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều dừng lại trên bậc cửa”.

Dù xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê thì ngôi nhà ấy vẫn chẳng có sự đổi thay nào, tựa như tình yêu thương nơi người bà vậy “ …cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Sự tĩnh lặng của căn nhà bỗng gợi lên trong Thanh biết bao tư vị, khiến anh “…trở nên nghẹn họng”. Chỉ qua những dòng đầu tiên của tác phẩm thôi nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở Thanh một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà trên tất cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng.

Vì vậy mà mỗi lần về thăm quê, Thanh không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên. “…Khi Thanh từ giã cái bức nóng của phố xá, bước chân vào ngôi nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương mến sau hai năm xa cách. Sự chăm sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt phảng phất đâu đây đem đến chàng sự nhẹ nhõm….”. Đó là sự nhẹ nhõm của tâm hồn con người luôn yêu quê, hướng về quê hương.

Các trang văn của Thạch Lam luôn vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại có sức lay động đến bình dị. Theo bước chân Thanh, người đọc như được hòa nhập làm một với nhân vật, cùng trải qua bao trạng thái, cảm xúc, từ bồi hồi, mừng rỡ đến hạnh phúc ngập tràn khi gặp lại người bà. Chỉ một câu nói của bà “Đi vào trong nhà không nắng cháu” khiến cho người đọc xúc động khôn nguôi, sự quan tâm dù rất nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tình cảm, tấm lòng bao la của người bà đối với Thanh, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất.

Vì vậy mà dù đã khôn lớn, trưởng thành nhưng khi ở bên bà Thanh luôn cảm thấy mình như một đứa nhỏ, được yêu thương, chăm sóc bởi bà: “Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng. Tuy vậy, chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng, cũng như những ngày chàng còn nhỏ”.

Thế mới nói tình cảm gia đình, mà ở đây là tình bà cháu thật vĩ đại, thiêng liêng, nó làm cho con người ta cảm thấy nhỏ bé, tâm hồn như được trở về tuổi thơ để đón nhận từng cử chỉ, từng quan tâm của những người mà ta yêu quý nhất. Trở về thăm nhà sau hai năm xa quê, gặp lại bà, được nhận những yêu thương, quan tâm của bà, Thanh có cảm giác như được trở về với tuổi thơ “…tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng”.

Sự xa cách của thời gian cũng không thể làm đổi thay những cảnh vật ngôi nhà, càng không tác động được đến thứ tình cảm thiêng liêng, bền vững của tình bà cháu “…Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ”. Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó.

Sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, theo tôi đó chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa. Dù sau đó Thanh vẫn tiếp tục phải lên đường, Nga ở lại, mỗi năm lại tự cài lên mái tóc của mình bông hoa hoàng lan như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa đi được đến hồi kết nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.

Chất thơ của truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” còn được thể hiện rõ nét qua nhân vật người bà. Người bà tuy xuất hiện không hẳn nhiều nhưng qua vài chi tiết, những hành động, những lời nói quan tâm ta có thể cảm nhận trọn vẹn được tình cảm bao la của người ba dành cho người cháu yêu thương của mình.

Từ lời quan tâm “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đến lời thúc giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi “Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?….”. Sợ cháu mệt, bà sửa gối chiếu, dùng phất trần để phủi bụi trên giường, bà giục cháu nghỉ ngơi còn mình thì xuống bếp nấu ăn vì sợ cháu đói.

Người bà quan tâm từng việc nhỏ nhặt nhất của người cháu. Đối với Thanh khi ở bên bà lúc nào cũng có cảm giác được che chở, được quan tâm thì đối với bà, người cháu dù có lớn khôn đến đâu thì với bà lúc nào cũng là một đứa nhỏ cần được yêu thương, chăm sóc: “…Ở đấy, bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Tình yêu thương của bà giản dị nhưng thật thiêng liêng, cao quý biết bao!

Từng cử chỉ, hành động của bà đều khiến ta cảm động, bà luôn ân cần chăm sóc cho Thanh “Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi, gió quạt nhẹ trên mái tóc chàng”. Tuy chỉ được miêu tả qua một câu ngắn ngủi nhưng ta dường như còn cảm nhận được ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp, hiền từ của người bà. Ánh mắt ấy là cả trời yêu thương, quan tâm đến đứa cháu làm cho Thanh “...cảm động ứa nước mắt”, còn đối với người đọc như được trở về với những kí ức bên người bà, mỉm cười hạnh phúc với những kỉ niệm thân yêu của chính mình.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời.

Thuyết minh Dưới bóng hoàng lan mẫu số 3

Thạch Lam là một nhà văn của nhóm Tự lực văn đoàn, ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, ghi dấu ấn trong lòng người đọc, có thể kể đến như tác phẩm gió đầu mùa, Hai đứa trẻ, Ngày mới,… Văn của Thạch Lam sáng tác thường có nội dung đơn giản, ẩn chứa trong đó là vẻ đẹp của cuộc sống thường nhật, chính điều này đã thu hút được các độc giả, bởi khi đọc những tác phẩm do ông sáng tác, mỗi người đều sẽ tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn mình.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan cũng mang phong cách nghệ thuật trên của Thạch Lam. Truyện được in trong Tuyển tập Thạch Lam, có nội dung chính xoay quanh lần về thăm quê của Thanh, được gặp lại bà và nhớ lại kỉ niệm hồi thơ ấu với cây hoàng lan trồng trong vườn, cũng như bắt đầu một mối tình dưới bóng hoàng lan cùng Nga, người bạn hàng xóm. Tôi vô cùng yêu thích tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, nó đã mang tới cho tôi những cảm xúc đặc biệt, không giống với những tác phẩm khác tôi từng đọc.

Mở đầu truyện, tôi đã cảm thấy được sự sung sướng, hạnh phúc vô bờ của nhân vật Thanh khi xa quê lâu ngày và được trở về thăm nhà. Khung cảnh yên bình của mái ấm thân thuộc hiện ra trước mắt Thanh, cũng chính là xuất hiện trước mắt độc giả. Nhà Thanh có con đường lát gạch Bát Tràng, bức tường hoa và mùi lá tươi mát của vườn cây,… Tất cả đã khiến cho Thanh thấy bao nhiêu sự ồn ào của cuộc sống đều ngừng lại ở bậc cửa. Thanh bắt đầu gọi bà, nghe được tiếng gọi bà từ vườn chống gậy trúc đi lên.

Bà đã già, mái tóc bạc phơ, hai bà cháu mừng rỡ khi gặp lại nhau. Tuy Thanh đã lớn, trở thành một chàng trai to lớn, còn bà thì đã “gầy còng”, nhưng khi ở với bà Thanh vẫn mãi chỉ là cậu nhóc chưa lớn, được bà yêu thương, săn sóc từng chút một. Bà bảo anh đi vào không nắng, dọn dẹp lại giường cho cháu nghỉ ngơi, rồi thấy cháu ngủ bà buông màn, quạt đuổi muỗi cho cháu. Những hành động và lời nói đầy yêu thương của bà dành cho Thanh đã khiến anh xúc động đến rưng rưng cả mắt.

Tình bà cháu của Thanh và bà khiến người đọc như tôi thấy thật cảm động, tình thân này có lẽ cũng không khác với tình mẫu tử là mấy, là tình cảm quý giá trong cuộc sống này để an ủi Thanh mỗi khi nhớ nhà, mệt nhọc vì cuộc sống xô bồ. Nằm ngắm vườn cây xanh mát, nhớ lại những kí ức thời ấu thơ với cây hoàng lan ở trong vườn, chắc Thanh cảm thấy bình yên hơn bao giờ hết. Rồi khi nghe thấy tiếng của ai đó dưới bếp cùng bà nấu cơm, Thanh chưa nhớ ra là ai, chính cây hoàng lan đã giúp anh giật mình nhớ ra và chạy xuống bếp.

Người đó chính là Nga, em hàng xóm cùng anh lớn lên, giờ Nga rất xinh xắn trong tà áo trắng trung học và mái tóc đen nhánh. Thanh coi Nga như một người thân mật mỗi lần về thăm nhà sẽ gặp và có khi ngỡ Nga là em gái mình nữa. Nhưng khi bắt đầu ra vườn đi dạo dưới bóng hoàng lan, nhớ lại kỉ niệm xưa cùng Nga nhặt hoa hoàng lan, thấy tia nắng vương trên tóc Nga, tim của Thanh đã rung động nhẹ nhàng. Rồi đến sau bữa cơ, hai người lại ra vườn đi dạo, Thanh thấy mùi hoàng lan vương trên tóc Nga, được Nga bày tỏ “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”, Thanh đã đáp lại bằng câu hứa hẹn mai kia sẽ về ở đây nhiều hơn.

Có lẽ một chuyện tình đẹp đã bắt đầu dưới bóng cây hoàng lan. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc dịu dàng của tình yêu đôi lứa đang tràn về trong Thanh và Nga, tình cảm của họ thật nhẹ nhàng và sâu lắng làm sao. Cho đến tối khi tiễn Nga về, Thanh đã trực tiếp bày tỏ tình cảm bằng cái nắm tay thật lâu với Nga.

Sau khoảnh khắc đó, Thanh đã biết được trái ngọt của tình yêu ra sao, đã bắt đầu cảm nhận được niềm hạnh phúc mới. Tình yêu của Thanh và Nga cứ đến như cơn gió dịu êm như vậy, người đọc chắc hẳn cũng đều cảm nhận được tình yêu đó đẹp như thế nào? Bởi chúng ta ai cũng từng có một mối tình đầu trong sáng như Thanh và Nga.

Hôm sau Thanh lại phải lên tỉnh, mang theo chiếc vali đầy ắp quà quê bà chuẩn bị cho. Anh buồn vì lại phải xa nhà nhưng lại vui vì vẫn có tổ ấm, nơi bà chờ anh về mỗi khi mệt mỏi. Và lần này đi, còn có thêm người thương đợi anh, là cô Nga. Chắc hẳn những điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Thanh khi xa nhà lập nghiệp.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của tác giả Thạch Lam đã mang đến cho người đọc cảm giác thật bình yên với cốt truyện nhẹ nhàng, xoay quanh tình thân, tình yêu đôi lứa, trước sự chứng kiến của cây hoàng lan. Đọc và phân tích truyện Dưới bóng hoàng lan, tôi cảm thấy như được gột rửa tâm hồn theo từng câu văn đơn giản nhưng xoa dịu lòng người của tác giả, qua đó, tôi nhận ra, bình yên không hề ở xa ta, mà ở ngay trong những điều thân thuộc nhỏ bé xung quanh mình. Vậy nên chúng ta hãy trân trọng cuộc sống, yêu thương mọi người xung quanh mình nhiều hơn.

Thuyết minh Dưới bóng hoàng lan mẫu số 4

Thạch Lam là cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam vào những năm 1930 - 1945, đồng thời cũng là một trong những cây bút chính của nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm của ông tuy không nhiều, nhưng văn chương của ông luôn thấm được tình người, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. “Dưới bóng hoàng lan” là tác phẩm tiêu biểu, giúp độc giả có thể dễ dàng hình dung được phong cách sáng tác riêng biệt của ông. Đến với tác phẩm, ta thấy tâm hồn mình như lắng lại, gột rửa những ưu phiền, lo âu, thanh lọc tâm hồn, nuôi dưỡng tinh thần.

Từ tập truyện ngắn “Nắng trong vườn” Thạch Lam đã từng viết rằng: “cái đẹp man mác khắp vũ trụ, lẩn khuất khắp hang cùng ngõ hẹp, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở những chỗ không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc trông nhìn và thưởng thức”. Có thể thấy, dù sự nghiệp sáng tác chỉ kéo dài khoảng 5 - 6 năm, nhưng với sự tinh tế, ngòi bút giàu cảm xúc và tài hoa, cái tên Thạch Lam đã ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng độc giả. Văn chương của ông tuy nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng vẫn luôn bám sát thực tại, thông qua những điều giản đơn bày tỏ cái nhìn lạc quan với thế giới.

“Dưới bóng hoàng lan” là câu chuyện xoay quanh nhân vật Thanh - cùng những người anh yêu thương trong một lần trở về quê hương. Câu chuyện khắc họa nên khung cảnh làng quê mộc mạc, giản dị, nhưng thấm đẫm tình người, lay động trái tim nhạy cảm của độc giả. Thanh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh chỉ còn người thân duy nhất đó là bà, có thể nói, bà vừa là người cha, vừa là người mẹ, nuôi nấng chăm sóc anh trưởng thành từng ngày. Dù mồ côi cha mẹ, nhưng với tình yêu của bà cũng đủ để bù đắp những mất mác, giúp anh có một tuổi thơ đầy tình thương và tình người.

Sau hai năm xa xứ, khi trở về quê hương, bắt gặp những khung cảnh thân thương, mộc mạc, anh đã nhận ra được giá trị của tình thân. Mỗi khi về lại quê hương, trong lòng anh luôn háo hức và bồi hồi như những ngày đầu. Căn nhà đó, người bà thân thương vẫn ở đó, nhưng sự thiếu vắng anh đã khiến mọi thứ trở nên hoang vắng, hiu quạnh “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”. Dù vậy, khi anh đi hay về, mọi thứ vẫn như lúc ban đầu, gian cũ vẫn như vậy, y như lúc anh đi, khung cảnh ấy khiến anh cảm thấy nghẹn ngào, dâng trào xúc cảm. Tất thảy những điều trên cho thấy nỗi xúc động, tình yêu quê hương da diết của người con xa xứ. Ngôi nhà gắn bó rất đậm sâu trong kí ức tuổi thơ của anh, hơn tất cả là vì đó là nơi có người bà mà anh yêu thương hết mực.

Khi gặp lại bà, anh đã cất lên hai tiếng “Bà ơi”. Chỉ đơn giản là cách gọi thân mật nhưng lại có thể khiến độc giả nghẹn ngào, xúc động. Bà vẫn ở đó, vẫn luôn chờ anh về. Anh nhớ lại khi còn bé, được bà chăm sóc từng bữa ăn đến giấc ngủ, luôn hiền từ bảo bọc, che chở anh. Đứa cháu ấy nay đã lớn khôn, nhưng với bà, anh vẫn mãi là đứa cháu nhỏ bé của bà. Hình ảnh bóng dáng gầy còng của bà đối lập với dưới người thẳng cao lớn của Thanh càng làm nổi bật lên khung cảnh che chở, chăm lo của bà với cháu. Mùi hương của cây hoàng lan khiến Thanh nhớ lại những kí ức khi con bé. Không những vậy, đó còn là hương vị của sự yên bình, êm ả, khiến anh nhớ mãi không quên.

Dưới ngòi bút đầy xúc cảm và tinh tế, có thể thấy trang văn của Thạch Lam luôn như vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng sâu lắng, lay động lòng người. Người bà tuy chỉ xuất hiện qua vài chi tiết, nhưng thông những hành động và lời nói, có thể cảm nhận được trọn vẹn tình cảm bà cháu thắm thiết. Bên cạnh đó, độc giả còn có thể cùng nhân vật trải qua mọi cung bậc cảm xúc từ nghẹn ngào, bồi hồi, xúc động đến hạnh phúc khôn nguôi khi Thanh gặp lại bà. Ngoài ra, tình yêu trong sáng, thuần khiết giữa Thanh và Nga cũng khiến người đọc phải rung động. Thông qua những đoạn đối thoại nhưng vẫn có thể dễ dàng cảm nhận được tình ý, lời yêu chưa từng được nói ra.

Sự xuất hiện của Nga khiến Thanh ngỡ ngàng, đồng thời cũng vui sướng khi nhận ra giọng nói quen thuộc của Nga. Dù có cách xa, nhưng giữa hai người vẫn tồn tại cảm xúc rung động mãnh liệt khi gặp nhau. Thanh vẫn như vậy, vẫn ân cần, chu đáo chăm sóc Nga. Cả hai cùng ngắm cây hoàng lan trong vườn, ôn lại những câu chuyện cũ, trao cho nhau những lời ngọt ngào. Khi Nga tỏ tình Thanh, anh đã nhẹ nhàng, tinh tế cài lên mái tóc Nga một bông hoa hoàng lan, hành động ấy như một lời hứa hẹn, lãng mạn và tinh khôi. Dù chuyện tình chưa đi đến hồi kết nhưng khoảnh khắc ấy đã làm độc giả lay động lòng người, rung cảm trước đoạn tình cảm trong sáng, thuần khiết của họ.

Nỗi bâng khuâng, lưu luyến của Thanh được miêu tả qua chi tiết khi anh lên đường đi. Thanh không đi ngay, mà lại ngoảnh lại, ngắm nhìn cây hoàng lan cùng mọi cây khác trong vườn, ngắm nhìn ngôi nhà thân thuộc. Anh biết khi anh đi, mọi thứ vẫn còn đó, bà vẫn ở mong ngóng anh về, “biết rằng Nga vẫn sẽ đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước”, nhưng anh vẫn thấy buồn.

Với giọng văn dịu dàng, tha thiết, ngôn ngữ giản dị, tinh tế, gần gũi, cách kể chuyện nhẹ nhàng, đan xen giữa quá khứ và thực tại, Thạch Lam đã thành công khắc họa nên một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy xúc cảm. Qua đó, ông cũng mang đến những bài học quý giá về trân trọng cuộc sống. Chúng ta hãy biết yêu thương và trân quý từng phút giây khi ở cạnh những người thân yêu của mình. Bởi đó chính là khoảnh khắc bình yên nhất, êm đềm nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Đồng thời hãy luôn cố gắng để đạt được những mục tiêu của bản thân và sống một cuộc đời an nhiên, tự tại, như bạn mong muốn.

Thuyết minh Dưới bóng hoàng lan mẫu số 5

Khi nhận xét về Thạch Lam, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết rằng: “Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc…Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời.”. Quả đúng là như vậy, đọc trang văn của Thạch Lam, độc giả luôn có cảm giác thư thái và nhẹ nhàng. Trong truyện “Dưới bóng hoàng lan”, chúng ta như được đắm mình vào không gian bình dị, thân thuộc, nơi mà ở đó luôn có những người thân yêu chờ ta trở về.

Câu chuyện xoay quanh về một lần thăm nhà của nhân vật Thanh. Thanh đi làm ăn xa trên tỉnh, nay anh mới về thăm bà. Trong khung cảnh bình dị của ngôi nhà, những hình ảnh quen thuộc hiện lên trong tâm trí anh. Dưới bóng hoàng lan, anh nhớ về kỉ niệm ấu thơ khi bên bà. Cũng vào lần về lần này, anh gặp lại Nga, người bạn thuở thơ ấu. Anh và Nga đã có một mối tình chớm nở.

Sau vài ngày ở nhà, anh trở lại tỉnh để tiếp tục công việc. Vào ngày đi, anh nghĩ mình sẽ trở về thường xuyên. Điểm đặc biệt là tác phẩm không có cốt truyện. Dẫu vậy, nó vẫn khiến cho người đọc không thể rời mắt hay bỏ ngang bởi lời văn quá đẹp đẽ và thơ mộng. Văn bản cho thấy giá trị của tình cảm gia đình đối với mỗi cá nhân. Điều này được thể hiện rõ qua cảm nhận của nhân vật Thanh.

Cảm xúc của Thanh khi trở về nhà là tâm trạng của người con đi xa nay được trở về với mái nhà, gia đình thân yêu. Lúc bước vào khu vườn của bà, anh cảm thấy “mát hẳn người”. Khung cảnh quê hương hiện lên thật tươi đẹp, thanh bình qua hình ảnh “ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió” cùng “mùi lá non phảng phất”.

Anh thong thả đi dọc “tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà”. Bước lên thềm, nhìn vào nhà, anh thấy “bóng tối dịu và man mát”. Khi đã quen rồi, Thanh thấy mọi thứ không có gì thay đổi, vẫn y nguyên như ngày anh đi. Cảnh tượng ấy khiến anh không thể nói thành lời, mãi mới cất được tiền gọi khẽ “bà ơi”. Tất cả đã tạo nên sự khác biệt giữa không gian bên trong và bên ngoài khu vườn.

Không gian bên trong là không gian của kí ức ngọt ngào, của tình yêu thương và sự ấm áp. Đó là điều mà không gian xô bồ, hỗn loạn bên ngoài khu vườn không bao giờ có được. Cảm nhận được sự khác biệt ấy, Thanh thấy tâm hồn mình được nâng đỡ, xoa dịu sau những ồn ào, mệt mỏi của đời sống phố thị.

Trong khoảnh khắc gặp lại bà, Thanh như vỡ òa cảm xúc, “Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.”. Ở bên bà, anh cảm thấy mình thật nhỏ bé. Dường như, có sự đối lập giữa một bên là dáng người của Thanh còn một bên là cái lưng còng của bà. Tuy nhiên, nó không khiến cho Thanh cảm thấy xa cách, mà trái lại, anh cảm thấy mình được chở che.

Mỗi lần trở về, Thanh đều cảm thấy bình yên và thong thả vì anh biết ở nhà luôn có bà chờ mong, “Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Dù đã lớn, nhưng trong con mắt của bà, Thanh vẫn là cậu bé ngày nào. Bà vẫn “không thôi phẩy chiếc phất trần lên đầu giường”, “sửa chiếu và xếp lại gối”.

Trong khoảnh khắc, mùi hương của cây hoàng lan làm anh nhớ lại kí ức thời thơ bé, “Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau.”. Nghĩ về quá khứ, Thanh thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhõm “như vừa tắm ở suối”.

Nỗi xúc động càng trào dâng khi Thanh nhận được tình yêu thương của bà. Biết bà đi vào, anh giả vờ nằm ngủ. Bà tới gần “săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi”. Hành động của bà chan chứa biết bao nỗi thương yêu. Thấu hiểu được tình cảm của bà, anh nằm yên, không dám động đậy, chờ cho đến khi bà đi ra. Tình thương vô bờ ấy khiến Thanh “cảm động gần ứa nước mắt”. Dòng cảm xúc miên man đan xen giữa quá khứ và hiện tại cho thấy Thanh cũng là một người rất nhạy cảm, tinh tế.

Bên cạnh tình cảm gia đình, ta còn thấy được tình cảm lứa đôi vô tư, trong sáng. Tình cảm của Thanh và Nga cũng có sự pha trộn giữa kỉ niệm đẹp thời thơ ấu với những ngọt ngào, ý nhị của tình yêu. Khi nghe thấy điệu cười quen thuộc, anh “lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao”. Bóng cây hoàng lan đã gợi nhắc anh về cô bé Nga ngày trước.

Anh không chần chừ “chạy vùng xuống nhà ngang rồi vui vẻ gọi “cô Nga””. Thanh vô tư ăn cơm cùng Nga, có lúc còn lầm tưởng Nga là em ruột của mình. Dẫu vậy, ở Thanh cũng có chút ngại ngùng của người con trai biết yêu. Khi cùng Nga đi dưới bóng hoàng lan, anh “nhớ lại đôi bàn chân xinh xắn, lấm tấm cát” của Nga ngày còn nhỏ rồi bất giác mỉm cười.

Dắt Nga đi thăm vườn, Thanh cảm thấy mái tóc Nga thoảng thoảng mùi hoàng lan. Nghe thấy câu nói của Nga, Thanh không biết nói gì, vít cành lan ở trong tay để cô tìm hoa. Những ngượng ngùng ấy đã được thổi bùng lên thành cảm xúc thương yêu. Trước hôm về tỉnh, Thanh tiễn Nga ra cổng. Anh đã cầm lấy tay Nga và để yên trong tay mình. Trong khoảnh khắc ấy, Thanh cảm thấy có điều gì đó dịu ngọt trong tâm hồn.

Có lẽ, nỗi bâng khuâng, lưu luyến của nhân vật được thể hiện rõ nhất khi Thanh lên tỉnh. Anh không đi ngay mà ngoảnh lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Anh thấy nửa vui nửa buồn. Anh biết rằng căn nhà vẫn ở đó, vẫn có hình dáng bà thân thuộc mong ngóng anh. Thanh còn nghĩ đến cả Nga, “biết rằng Nga vẫn sẽ đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước”.

Hình ảnh cây hoàng lan trở đi trở lại trong văn bản chứa đựng nhiều ý nghĩa. Hình ảnh này có thể hiểu là hình ảnh cây hoàng lan trong vườn, cũng có thể hiểu là hình ảnh người bà tảo tần, giàu tình yêu thương. Bà cũng như cây hoàng lan, tỏa bóng che chở cho cháu, che chở cho cả mối tình đầu tiên giữa cháu và cô bé Nga cạnh nhà. Hoàng lan chứng kiến sự trưởng thành của hai đứa như bà trông thấy cháu trưởng thành, lớn khôn trong vòng tay yêu thương.

Với ngôn từ tinh tế, lối kể chuyện nhẹ nhàng, giọng văn tha thiết, dịu dàng, cùng sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại, Thạch Lam đã đưa người đọc trở về tuổi thơ tươi đẹp với người bà ấm áp và hình ảnh quê hương thân thuộc. Tác phẩm như một lời nhắc nhẹ nhàng đối với những đứa con xa nhà lâu ngày chưa trở về thăm quê.

-/-

Trên đây là mẫu dàn ý chi tiết và #5 bài văn mẫu thuyết minh về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan do Đọc tài liệu sưu tầm và tổng hợp, các em có thể dựa vào đó kết hợp với những hiểu biết của mình về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan để viết thành một bài thuyết minh hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt!

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu 11 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM