Thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng

Xuất bản: 09/05/2024 - Tác giả:

Các bước làm bài văn thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, mẫu dàn ý chi tiết kèm theo bài văn mẫu tham khảo giới thiệu về một loài động vật hoang dã đang có nguy cơ bị tuyệt chủng

Thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, tìm hiểu về những đặc điểm sinh học độc đáo, tình hình phân bố, nguyên nhân và mức độ nguy cấp cũng như các biện pháp bảo vệ loài động vật đó.

Hướng dẫn viết bài văn thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng

Dưới đây là chi tiết trình tự các bước để làm một bài văn thuyết minh về một loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, các em nên tham khảo thật kĩ trước khi viết nhé.

I. Thu thập và chọn lọc thông tin

- Xác định loài động vật hoang dã mà em muốn thuyết minh: có thể chọn loài vật nổi tiếng, có đặc điểm sinh học độc đáo và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.

- Tìm kiếm và thu thập thông tin về loài động vật đó từ nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, tạp chí, internet, phim tài liệu,... Đặc biệt lưu ý đến các yếu tố:

+ Đặc điểm sinh học: Ngoại hình, kích thước, môi trường sống, tập tính, chuỗi thức ăn,...

+ Phân bố: Khu vực địa lý, số lượng cá thể còn lại trong tự nhiên...

+ Nguyên nhân nguy cấp: tình trạng săn bắn, buôn bán trái phép, mất môi trường sống, biến đổi khí hậu,...

+ Biện pháp bảo vệ: Các chương trình, dự án bảo tồn đã và đang được thực hiện...

II. Xây dựng dàn ý chi tiết thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng

1. Dàn ý chung ngắn gọn

a) Mở bài: 

b) Thân bài:

Giới thiệu chung về loài động vật, tên khoa học, đặc điểm nổi bật, tình trạng nguy cấp.

- Đặc điểm sinh học: Mô tả chi tiết ngoại hình, kích thước, tập tính, sinh sản, vai trò trong hệ sinh thái.

- Môi trường sống: Giới thiệu về môi trường sống của loài vật, sự thích nghi với môi trường.

- Nguyên nhân nguy cấp: Phân tích các yếu tố đe dọa sự tồn tại của loài vật, tác động của con người đến môi trường sống.

- Biện pháp bảo vệ: Trình bày các nỗ lực bảo tồn loài vật, các dự án, chương trình bảo vệ, thành tựu và thách thức.

c) Kết bài: Khẳng định lại tầm quan trọng của việc bảo vệ loài động vật, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ động vật hoang dã, đưa ra thông điệp, bài học hoặc dự đoán về tương lai của loài vật.

2. Dàn ý chi tiết

a) Mở bài

- Giới thiệu về loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng mà em sẽ thuyết minh.

- Lý do vì sao hiện nay loài đó có nguy cơ tuyệt chủng.

b) Thân bài

* Giới thiệu chung về loài động vật

- Tên gọi, tên khoa học.

- Đặc điểm nổi bật về ngoại hình, môi trường sống.

- Tình trạng nguy cấp hiện tại.

Ví dụ: Giới thiệu về tê giác Java còn được gọi tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus), là một trong năm loài động vật guốc lẻ còn sống sót của họ Tê giác, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng.

* Đặc điểm sinh học

- Ngoại hình, kích thước, màu sắc.

- Tập tính sinh hoạt, cách thức săn mồi, sinh sản.

- Vai trò trong hệ sinh thái.

- Sự thích nghi với môi trường sống.

* Môi trường sống

- Khu vực địa lý phân bố.

- Đặc điểm môi trường sống (rừng rậm, sa mạc, vùng núi, biển cả,...).

- Sự thay đổi của môi trường sống theo thời gian.

* Nguyên nhân nguy cấp

- Săn bắn, buôn bán trái phép.

- Mất môi trường sống do khai thác rừng, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường.

- Biến đổi khí hậu, thiên tai.

- Dịch bệnh.

* Đề xuất biện pháp bảo vệ

- Các chương trình, dự án bảo tồn của chính phủ, tổ chức quốc tế, cộng đồng địa phương.

- Nghiên cứu khoa học, nhân giống, thả về tự nhiên.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng, tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã.

- Xây dựng khu bảo tồn, vườn quốc gia.

c) Kết bài

- Khẳng định lại tầm quan trọng của việc bảo vệ loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng đó

- Đưa ra thông điệp, bài học, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

3. Dàn ý thuyết minh về loài gấu trúc lớn (Ailuropoda melanoleuca)

a) Mở bài

- Giới thiệu về loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng: Gấu trúc lớn

- Lý do vì sao hiện nay gấu trúc lớn có nguy cơ tuyệt chủng.

b) Thân bài

* Giới thiệu chung về loài gấu trúc lớn:

- Biểu tượng quốc gia của Trung Quốc, được yêu mến trên toàn thế giới.

- Loài gấu đặc biệt với bộ lông đen trắng dễ nhận biết.

- Đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và tỷ lệ sinh sản thấp.

* Đặc điểm sinh học của Gấu trúc lớn:

- Ngoại hình: Bộ lông đen trắng đặc trưng, thân hình tròn trịa, đuôi ngắn.

- Kích thước: Gấu trúc trưởng thành cao khoảng 1,2 - 1,5m, nặng 70 - 150kg.

- Tập tính: Sống đơn độc, hoạt động về đêm, di chuyển chậm chạp.

- Thức ăn: Chủ yếu là tre, trúc (chiếm 99% khẩu phần), đôi khi ăn thêm trứng, côn trùng, động vật nhỏ.

- Sinh sản: Khả năng sinh sản thấp, thời gian mang thai kéo dài, gấu trúc con rất yếu ớt khi mới sinh.

- Vai trò trong hệ sinh thái: Phát tán hạt tre, trúc, giúp duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái rừng.

* Môi trường sống

- Phân bố: Chủ yếu ở các vùng núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc của Trung Quốc.

- Đặc điểm môi trường sống: Rừng tre, trúc rậm rạp ở độ cao 1.200 - 3.100m, khí hậu ôn đới mát mẻ.

- Sự thay đổi môi trường sống: Mất môi trường sống do nạn phá rừng, mở rộng đất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng.

* Nguyên nhân nguy cấp

- Mất môi trường sống: Đây là nguyên nhân chính đe dọa sự tồn tại của gấu trúc.

- Tỷ lệ sinh sản thấp: Gấu trúc khó sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, số lượng gấu trúc con sinh ra ít và tỷ lệ sống sót thấp.

- Săn bắn: Mặc dù đã có luật bảo vệ nhưng tình trạng săn bắn trái phép vẫn xảy ra.

* Biện pháp bảo vệ

- Xây dựng khu bảo tồn: Trung Quốc đã thành lập hơn 50 khu bảo tồn thiên nhiên cho gấu trúc.

- Nghiên cứu khoa học: Tìm hiểu về tập tính, sinh sản của gấu trúc để áp dụng vào công tác bảo tồn.

- Nhân giống: Thực hiện các chương trình nhân giống gấu trúc trong điều kiện nuôi nhốt, tăng cường tỷ lệ sinh sản và sống sót.

- Trồng rừng: Khôi phục và mở rộng diện tích rừng tre, trúc, tạo môi trường sống cho gấu trúc.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của việc bảo vệ gấu trúc.

- Hợp tác quốc tế: Trung Quốc hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ gấu trúc.

c) Kết bài

- Gấu trúc lớn là loài động vật quý hiếm, cần được bảo vệ để duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái.

- Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ gấu trúc khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.

III. Viết bài văn thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng

- Lựa chọn và sắp xếp các ý trong thân bài cho phù hợp với loài động vật và nội dung bạn muốn truyền tải.

- Sử dụng ngôn ngữ thuyết minh: Ngôn ngữ chính xác, khách quan, khoa học, kết hợp với yếu tố miêu tả để bài viết sinh động, hấp dẫn.

- Trình bày rõ ràng, mạch lạc, bám sát dàn ý, sắp xếp thông tin logic, sử dụng các từ ngữ chuyển tiếp để tạo sự liên kết.

- Bổ sung thêm các dẫn chứng, số liệu cụ thể để tăng tính thuyết phục cho bài viết.

IV. Chỉnh sửa và hoàn thiện bài văn

Đọc lại bài viết và thực hiện các công việc sau đây:

- Kiểm tra lại nội dung, bố cục, cách diễn đạt.

- Sửa lỗi chính tả, ngữ pháp nếu có.

- Đảm bảo thông tin chính xác và truyền tải nội dung hiệu quả.

Danh sách 15 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên hành tinh

Các em có thể lựa chọn một trong số các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao được thống kê dưới đây để tìm hiểu và viết bài văn thuyết minh.

Một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao

Một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao (Ảnh: khoahoc.tv )

1. Báo đốm

- Tên khoa học: Panthera pardus directionalis

- Trong khi hầu hết báo hoa mai sống ở châu Phi, thì phân loài quý hiếm này đã tìm cách sống sót ở vùng Viễn Đông Nga. Chúng đang bị đe dọa do săn trộm bất hợp pháp, chỉ còn 84 cá thể được cho là sống trong tự nhiên ngày nay.

2. Tê giác đen

- Tên khoa học: Diceros bicornis

- Tê giác đen có thể được tìm thấy ở Namibia và ven biển Đông Phi. Trong thế kỷ 20, chúng bị săn trộm để cưa lấy sừng khiến ​​số lượng tê giác đen giảm đáng kể, từ năm 1960 đến 1995, số tê giác đã giảm đi 98%. Hiện còn 5.000 cá thể tê giác đen đang tồn tại, nhưng nạn săn trộm vẫn là mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của chúng.

3. Đười ươi

- Tên khoa học: Pongo pygmaeus

- Trong 60 năm qua, dân số đười ươi đã giảm 50%. Loài này được chia thành ba phân loài dựa trên nơi chúng sống trên đảo Borneo: phía Tây Bắc, Đông Bắc và ở trung tâm. Đười ươi Tây Bắc Borneo bị đe dọa nhiều nhất do nạn phá rừng và săn bắn. Hiện tại chỉ còn 1.500 cá thể. WWF đã hợp tác chặt chẽ với các mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã để bảo đảm an toàn cho đười ươi.

4. Khỉ đột sông Cross

- Tên khoa học: Gorilla gorilla diehli

- Đây là loài khỉ đột sống giới hạn ở những ngọn đồi và núi rừng của khu vực biên giới Cameroon-Nigeria tại đầu nguồn của sông Cross (Nigeria). Do phá rừng, khỉ đột sông Cross hiện đang sống gần gũi với con người và vì thế có nguy cơ bị săn trộm bất hợp pháp.

5. Khỉ đột miền Đông

- Tên khoa học: Gorilla beringei graueri

- Đây là loài lớn nhất trong bốn phân loài khỉ đột, sống ở vùng đất thấp phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), chủ yếu ăn hoa quả. Tình trạng bất ổn dân sự ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi loài này sinh sống, đã dẫn đến sự thu hẹp môi trường sống của chúng. Việc săn trộm cũng là một vấn đề.

6. Rùa biển Hawksbill

- Tên khoa học: Eretmochelys imbricata

- Chủ yếu được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới và gần các rạn san hô, rùa biển đã sống ở vùng biển của chúng ta trong 100 triệu năm qua và chúng là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển. Chúng giúp duy trì sự sống của các rạn san hô bằng cách loại bỏ bọt biển. Mặc dù được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, rùa Hawksbill bị đe dọa nhiều nhất bởi buôn bán động vật hoang dã. Ô nhiễm, thu thập trứng quá mức và phát triển kinh tế ven biển cũng góp phần vào sự suy giảm của chúng.

7. Tê giác Java

- Tên khoa học: Rhinoceros sondaicus

- Với số lượng còn khoảng 68, tê giác Java là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong số năm loài tê giác. Chúng từng sống ở khắp vùng đông bắc Ấn Độ và Đông Nam Á, nhưng giờ chỉ có thể được tìm thấy ở Công viên quốc gia Ujung Kulon, ở Indonesia. Hiện tại, nơi đây là cơ hội sống sót duy nhất của tê giác Java, vì vậy điều quan trọng là chúng phải được bảo vệ khỏi mọi mối đe dọa.

8. Đười ươi

- Tên khoa học: Pongo tapanuliensis

- Là sinh vật có trí thông minh cao, đười ươi chia sẻ 96,4% gen của loài người. Chúng được biết đến với bộ lông màu đỏ đặc biệt và được coi là động vật sống trên cây lớn nhất. Đười ươi có ba loài: Bornean, Sumatra và Tapanuli và chúng sống đơn độc trong các khu rừng đất thấp. Chúng được biết đến như là "người làm vườn" của rừng, giúp phân tán hạt giống và vì vậy chúng rất quan trọng đối với môi trường sống. Phá rừng, săn bắn trái phép và mất môi trường sống đã dẫn đến sự đe dọa tuyệt chủng của đười ươi, trong đó loài đười ươi Tapanuli có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất khi chỉ có 800 cá thể còn sống.

9. Voi Sumatra

- Tên khoa học: Elephas maximus sumatranus

- Được tìm thấy ở Borneo và Sumatra, voi Sumatra có chung môi trường sống với tê giác, hổ và đười ươi Sumatra. Tuy nhiên, nạn phá rừng là một vấn đề lớn ở Sumatra, ​​hơn hai phần ba diện tích rừng thấp ở đây bị chặt phá trong 25 năm qua. Săn trộm ngà voi cũng là một vấn đề, mặc dù loài voi ở đây có ngà nhỏ hơn các loài khác. Năm 2017 Trung Quốc đã cấm buôn bán ngà voi, vì thế nhu cầu ngà voi đã giảm.

10. Đười ươi Sumatra

- Tên khoa học: Pongo abelii

- Loài đười ươi Sumatra sống gần như độc nhất trong những cây rừng nhiệt đới ở Sumatra. Loài này hiện bị co cụm ở phía bắc của đảo do phát triển nông nghiệp, các đồn điền dầu cọ và hỏa hoạn. Một con đường lớn được xây dựng ở phía bắc Sumatra có thể đang đe dọa một trong những khu vực sinh sống cuối cùng còn lại của loài này.

11. Tê giác Sumatra

- Tên khoa học: Dicerorhinus sumatlingsis

- Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất trong số các loài tê giác còn sống và là loài tê giác duy nhất ở châu Á có hai sừng. Hiện tại chúng chỉ được tìm thấy ở Borneo và Sumatra, mặc dù chúng từng sống ở phía đông dãy Hy Mã Lạp Sơn, miền đông Ấn Độ và Thái Lan trước khi bị tuyệt chủng ở những khu vực đó. Vì nạn săn trộm do nhu cầu sừng tê giác tăng lên, môi trường sống bị mất, số cá thể tê giác Sumatra đã giảm xuống chỉ còn 80 con.

12. Hổ Sunda

- Tên khoa học: Panthera tigris sondaica

- Những con hổ Sunda được phân biệt bởi các sọc đen dày trên bộ lông màu cam của chúng. Hiện chỉ còn 400 cá thể, tất cả đều sống trên đảo Sumatra. Các nhà bảo tồn lo lắng rằng nạn phá rừng và săn trộm (chiếm 80% số ca tử vong của hổ) có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng, tương tự như những gì đã xảy ra với đồng nghiệp Javan và Balani của chúng.

13. Cá heo Vaquita

- Tên khoa học: Phocoena sinus

- Vaquita là một loài cá heo đặc hữu của Vịnh California. Với số lượng chỉ còn 10 cá thể, Vaquita là động vật có vú dưới biển hiếm nhất thế giới. Chỉ được phát hiện vào năm 1958, chúng hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng do đánh bắt cá bất hợp pháp - cứ năm con cá heo Vaquita thì có một con chết trong lưới đánh cá.

14. Khỉ đột miền tây

- Tên khoa học: Gorilla gorilla gorilla

- Số lượng chính xác của khỉ đột vùng đất thấp phía Tây chưa được biết do môi trường sống xa xôi của chúng trong rừng nhiệt đới châu Phi. Chúng được tìm thấy ở Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Equatorial Guinea, Gabon và Cộng hòa Congo. Theo WWF, mặc dù có số lượng đông nhất trong số các phân loài khỉ đột, quần thể khỉ đột ở vùng đất thấp phía Tây đã giảm 60% trong 25 năm qua do săn trộm, săn bắn thịt và bệnh tật như dịch Ebola.

15. Cá heo không vây nước ngọt

- Tên khoa học: Neophocaena asiaeorientalis ssp. Asiaeorientalis

- Với số lượng ít hơn 2.000 cá thể, loài cá heo không vây sống ở nước ngọt này được biết đến với trí thông minh có thể so sánh với một con khỉ đột và "nụ cười" tinh nghịch của nó. Chúng được tìm thấy ở sông Dương Tử, Trung Quốc, nhưng đánh bắt quá mức và ô nhiễm có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng. Loài này từng cùng sống trên một dòng sông với cá heo Baiji, trước khi cá heo Baij bị tuyệt chủng vào năm 2006.

(Nguồn: Báo Nhân dân)

* Ngày 20/12/2013, tại phiên họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), ngày 03/03 hàng năm được chọn là ngày Động vật Hoang dã Thế giới, viết tắt là WWD (World Wildlife Day). Ngày 03/03 cũng đánh dấu mốc quan trọng khi Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, hay còn gọi là Công ước CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora), được ký kết năm 1973.

Ngày Động vật Hoang dã Thế giới 03/03

Ngày 03/03 được chọn là ngày Động vật Hoang dã Thế giới

Bài văn mẫu thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng

Thuyết minh về Gấu trúc: Kho báu quốc gia của Trung Quốc

Gấu trúc, với bộ lông trắng đen đặc trưng và dáng vẻ tròn trịa đáng yêu, không chỉ đơn thuần là một loài động vật, mà còn là biểu tượng quốc gia của Trung Quốc và là đại sứ của hòa bình, tình hữu nghị, một trong những loài động vật được yêu thích nhất thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài đáng yêu ấy là một loài vật với lịch sử tiến hóa độc đáo và đang phải đối mặt với nhiều thách thức để sinh tồn. Hành trình sinh tồn của chúng, từ những khu rừng tre trúc hiểm trở đến các trung tâm bảo tồn hiện đại, là một câu chuyện đầy bí ẩn và cảm hứng.

Gấu trúc sở hữu một vẻ ngoài không thể nhầm lẫn. Bộ lông dày, mềm mại với hai màu đen trắng tương phản tạo nên ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Vùng mắt, tai, chân và vai được phủ màu đen, trong khi phần còn lại của cơ thể là màu trắng. Sự kết hợp này không chỉ tạo nên vẻ ngoài đáng yêu, mà còn giúp gấu trúc ngụy trang trong môi trường sống tự nhiên, giữa những tán lá tre và tuyết trắng trên núi cao. Kích thước của gấu trúc trưởng thành cũng khá ấn tượng. Chúng có chiều dài từ 1,2 đến 1,9 mét và nặng từ 70 đến 160 kg. Cơ thể tròn trịa, đầu to với đôi tai tròn xoe và chiếc đuôi ngắn củn càng làm tăng thêm vẻ đáng yêu. Bàn chân của gấu trúc có 5 ngón và một "ngón cái giả" đặc biệt giúp chúng cầm nắm tre trúc, thức ăn chính của chúng, một cách dễ dàng.

Dù sở hữu hệ tiêu hóa của loài ăn thịt, 99% khẩu phần ăn của gấu trúc lại là tre trúc. Chúng có thể dành đến 14 giờ mỗi ngày để ăn, tiêu thụ khoảng 12 - 38 kg tre trúc. Để xử lý lượng thức ăn khổng lồ này, gấu trúc sở hữu một hệ thống tiêu hóa đặc biệt với dạ dày khỏe và ruột ngắn. Tuy nhiên, việc chỉ ăn tre trúc khiến gấu trúc phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, do đó chúng cũng bổ sung vào khẩu phần ăn của mình các loại thực vật khác, côn trùng và thậm chí cả động vật nhỏ.

Gấu trúc là loài động vật sống đơn độc và hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Chúng di chuyển chậm chạp và dành phần lớn thời gian để ăn, ngủ và nghỉ ngơi. Gấu trúc là những nhà leo trèo cừ khôi và thường leo lên cây để tránh kẻ thù hoặc nghỉ ngơi. Mùa sinh sản của gấu trúc diễn ra vào mùa xuân, và gấu trúc mẹ thường sinh một hoặc hai con non. Gấu trúc con khi mới sinh rất nhỏ, chỉ nặng khoảng 100 gram và hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ để được chăm sóc và nuôi dưỡng. Gấu trúc mẹ dành nhiều thời gian và công sức để chăm sóc con non, dạy chúng những kỹ năng sinh tồn cần thiết.

Do môi trường sống bị thu hẹp, tỷ lệ sinh sản thấp và chế độ ăn đặc biệt, gấu trúc được xếp vào danh sách các loài nguy cấp. Các nỗ lực bảo tồn đã được triển khai trong nhiều năm, bao gồm việc mở rộng khu bảo tồn, trồng tre trúc, nghiên cứu về sinh sản của gấu trúc và hợp tác quốc tế. Gấu trúc không chỉ là một loài động vật quý hiếm, mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa và sinh thái quan trọng. Chúng là biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị ở Trung Quốc và trên toàn thế giới. Gấu trúc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái rừng tre trúc, giúp phân tán hạt giống và kiểm soát sự phát triển của tre trúc.

Với vẻ ngoài đáng yêu, tập tính độc đáo và vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, gấu trúc xứng đáng được bảo vệ và trân trọng. Sự tồn tại của chúng là minh chứng cho sự đa dạng sinh học của hành tinh và là lời nhắc nhở về trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường và các loài động vật hoang dã.

Thuyết minh về con Tê tê: Sinh vật bọc giáp kỳ lạ

Tê tê là một trong những loài vật đẹp đẽ và vô cùng thú vị, tê tê là động vật có vú duy nhất trên thế giới có vảy. Các móng vuốt lớn và dài của chúng cho phép chúng đào hang dưới lòng đất để trú ngụ và đào ổ kiến, mối mọt để ăn, đồng thời cũng giúp xới lên và tạo độ thoáng khí cho đất. Điều này cải thiện chất lượng dinh dưỡng của đất và hỗ trợ cho quá trình phân hủy, cung cấp một lớp đất nền tốt cho thảm thực vật tươi tốt phát triển.

Tê tê hay còn gọi là trút hoặc xuyên sơn, (tiếng Anh: Pangolin) là các loài động vật có vú thuộc Bộ Tê tê (Pholidota) (từ tiếng Hy Lạp cổ đại φολῐ́ς, "vảy sừng"). Chỉ còn một họ còn sinh tồn, Họ Manidae, gồm ba chi: Manis, Phataginus và Smutsia. Chi Manis bao gồm 4 loài được tìm thấy ở châu Á, trong khi chi Phataginus và Smutsia mỗi chi chỉ gồm 2 loài sống ở Châu Phi Hạ Sahara. Những loài này có kích thước từ 30 đến 100 cm. Một số loài tê tê đã bị tuyệt chủng cũng được biết đến.

Thân tê tê có lớp vảy lớn bằng keratin - chất liệu tương tự móng tay và móng chân bảo vệ và cứng bao phủ da của chúng; chúng là động vật có vú duy nhất được biết đến với đặc điểm này. Chúng sống trong những hốc cây rỗng hoặc hang, tùy theo loài ở các miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Tê tê là loài sống về đêm, và chế độ ăn uống của chúng bao gồm chủ yếu là kiến và mối chúng bắt được bằng cái lưỡi dài của chúng. Vào ban ngày, chúng cuộn tròn thành quả bóng để ngủ. Chúng thường là động vật sống đơn độc, chỉ gặp nhau để giao phối và sinh ra một lứa từ một đến ba con và nuôi trong khoảng hai năm.

Tê tê bị đe dọa bởi nạn săn trộm (để lấy thịt và vảy của chúng, được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc), và nạn phá rừng nặng nề đe dọa môi trường sống tự nhiên của chúng. Chúng là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Kể từ tháng 1 năm 2020, trong số 8 loài tê tê, 3 loài (Manis culionensis, M. pentadactyla và M. javanica) được đánh giá là có nguy cơ bị tuyệt chủng; 3 loài (Phataginus tricuspis, Manis crassicaudata và Smutsia gigantea) được đánh giá là loài nguy cấp; 2 loài (Phataginus tetradactyla và Smutsia temminckii) được đánh giá là dễ bị tổn thương trong sách đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Tên tê tê bắt nguồn từ tiếng Mã Lai "pengguling", có nghĩa là "con cuộn tròn". Tuy nhiên, tên hiện đại trong tiếng Mã Lai chuẩn là tenggiling; trong khi trong tiếng Indonesia, nó là trenggiling; và trong ngôn ngữ Philippines, nó là goling, tanggiling, hoặc balintong (với cùng nghĩa).

Toàn thân tê tê có lớp vảy cứng bao bọc, chồng lên nhau giống như những tấm vảy, chỉ chừa phần phía bụng. Khi mới sinh ra, vảy tê tê mềm nhưng dần cứng lại khi chúng trưởng thành. Chúng được làm bằng keratin, cùng một chất liệu giống móng tay của con người và móng vuốt dài và cứng, và có cấu trúc và thành phần khác với vảy của loài bò sát. Bề ngoài cơ thể có vảy tương đương với hình nón thông. Mép vảy sắc và nhọn để giúp việc phòng thủ. Nó có thể cuộn tròn lại thành một quả bóng khi bị đe dọa, với những lớp vảy chồng lên nhau đóng vai trò như một chiếc áo giáp, trong khi nó bảo vệ khuôn mặt của mình bằng cách nhét nó dưới đuôi. Các vảy sắc nhọn, cung cấp thêm khả năng phòng thủ khỏi những kẻ săn mồi. Chúng còn tự vệ bằng cách xịt dung dịch axit hôi từ tuyến gần hậu môn, tương tự như chất phun của chồn hôi. Tê tê có móng dài và cứng; móng hai chân trước được dùng để phá tổ côn trùng tìm thức ăn, đào hang vào các gò kiến và mối và để leo trèo. Vì móng dài nên chúng không đi bằng cách đạp chân xuống đất mà ngược lại, tê tê di chuyển bằng cách co hai chân trước lại và giẫm lên mu bàn chân. Miệng chúng không có răng; thức ăn chủ yếu là kiến và mối. Chúng dùng lưỡi dài (có thể lên đến 40 cm, đường kính chỉ 0,5 cm) với nước dãi rất dính để bắt mồi. Lưỡi nằm trong lồng ngực, giữa xương ức và khí quản. Phần đuôi tê tê có khả năng cầm nắm, để giúp vịn vào cành cây khi leo trèo. Các loài tê tê đo được từ 30 đến 100 cm. Con cái thường nhỏ hơn con đực. Chúng làm ổ trong những hốc cây rỗng hay đào hang sâu dưới đất.

Tê tê ăn côn trùng. Chúng ăn hầu hết nhiều loài kiến và mối khác nhau và có thể bổ sung bởi các loại côn trùng khác, đặc biệt là ấu trùng. Chúng hơi đặc biệt và có xu hướng chỉ tiêu thụ một hoặc hai loài côn trùng, ngay cả khi nhiều loài có sẵn. Một con tê tê có thể tiêu thụ 140 đến 200 gram (5 đến 7 ounce) côn trùng mỗi ngày. Tê tê là cơ quan điều tiết quan trọng của quần thể mối trong môi trường sống tự nhiên. Tê tê có thị lực rất kém và bị thiếu răng. Chúng chủ yếu dựa vào khứu giác và thính giác, ngoài ra còn có những đặc điểm cơ thể khác giúp chúng ăn kiến và mối. Cấu trúc bộ xương của chúng rất chắc chắn và hai chân trước khỏe, hữu dụng khi xé các gò mối. Chúng sử dụng móng vuốt phía trước khỏe của mình để đào sâu vào cây, mặt đất và thảm thực vật để tìm con mồi, sau đó sử dụng chiếc lưỡi dài để thăm dò bên trong các đường hầm của côn trùng và lấy con mồi. Cấu trúc của lưỡi và dạ dày là chìa khóa giúp tê tê kiếm được và tiêu hóa côn trùng. Nước bọt dính khiến kiến và mối dính vào chiếc lưỡi dài khi chúng săn trong đường hầm của côn trùng. Không có răng, tê tê cũng không có khả năng nhai; tuy nhiên, trong lúc kiếm ăn, chúng ăn phải những viên đá nhỏ tích tụ trong dạ dày. Phần dạ dày này được gọi là mề, và được bao phủ bởi các gai keratin. Những chiếc gai này hỗ trợ thêm cho quá trình nghiền nát và tiêu hóa con mồi của tê tê. Một số loài, chẳng hạn như tê tê cây, sử dụng chiếc đuôi cứng cáp của chúng để treo trên cành cây và tước vỏ cây, để lộ tổ côn trùng bên trong.

Tê tê sống đơn độc và chỉ gặp nhau để giao phối. Con đực to hơn con cái, nặng hơn tới 40%. Mặc dù thời gian giao phối không xác định được, nhưng chúng thường giao phối một lần mỗi năm, thường là vào mùa hè hoặc mùa thu. Thay vì con đực tìm kiếm con cái, con đực đánh dấu vị trí của chúng bằng nước tiểu hoặc phân và con cái sẽ tìm chúng. Nếu có sự cạnh tranh về con cái, con đực sẽ sử dụng đuôi của chúng làm vũ khí để tranh giành cơ hội giao phối với con cái. Thời gian mang thai khác nhau tùy theo loài, khoảng 120-150 ngày, đẻ lứa từ một (tê tê châu Phi) đến ba con (tê tê châu Á). Chúng thường đẻ một con, ít khi hai. Tê tê con có trọng lượng từ 80-450g. Lúc mới sinh vảy mềm, màu trắng. Sau một vài ngày, chúng cứng lại và sẫm màu giống những con trưởng thành. Trong giai đoạn sinh trưởng, con mẹ ở cùng với con cái trong hang. Chúng bám vào đuôi mẹ, khi gặp nguy hiểm con mẹ giấu con dưới bụng và cuộn tròn người lại, nhưng cũng có loài tê tê ẩn trong hang đến 2-4 tuần thì mới ra ngoài. Khi được một tháng tuổi, chúng lần đầu tiên rời hang cưỡi trên lưng mẹ. Chúng thôi sữa ở khoảng ba tháng, ở giai đoạn này con non bắt đầu ăn côn trùng và đến hai tuổi thì trưởng thành, có thể sinh sản được.

Các loài tê tê ở cả châu Phi lẫn châu Á đều bị con người săn bắn lấy thịt. Tại Trung Quốc thịt tê tê được coi là cao lương bổ trong Đông y, giúp điều hòa lưu huyết và tăng lượng sữa cho sản phụ nên bán rất được giá. Chúng cũng được dùng như một chất khử trùng và có thể được sử dụng cho bệnh sốt và bệnh ngoài da, hoặc dùng bên ngoài chà lên da bị trầy xước của bệnh nhân, hoặc nghiền nát và tiêu hóa. Các phần của cơ thể chúng, đặc biệt là các loài Đông Nam Á bị nhập khẩu một mức độ lớn trong thị trường ngầm đến Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Ngoài săn bắn cùng với nạn phá rừng, phá hoại môi trường sống của chúng, đã làm giảm số lượng tê tê, nhất là loài Manis gigantea do bị săn bắn quá mức. Tê tê là loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ thuộc Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Hãy chung tay tuyên truyền, lên tiếng bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Thuyết minh về Tê giác Java: Cuộc chiến sinh tồn của kỳ lân thời hiện đại

Tê giác Java, một trong những loài động vật có vú lớn nhất và hiếm nhất trên thế giới, đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cận kề. Với số lượng cá thể ước tính chỉ còn vài chục con, tê giác Java là biểu tượng của sự mong manh và thách thức trong công cuộc bảo tồn động vật hoang dã.

Tê giác Java có kích thước nhỏ hơn tê giác Ấn Độ, với chiều dài khoảng 2 - 4 mét và chiều cao vai khoảng 1,5 - 1,7 mét. Chúng sở hữu một chiếc sừng duy nhất nên được gọi là tê giác một sừng, thường ngắn hơn 25 cm và lớp da màu xám với nhiều nếp gấp tạo thành những mảng giáp bảo vệ. Tê giác Java từng phân bố rộng rãi ở Đông Nam Á, nhưng hiện nay chỉ còn tồn tại trong một khu vực nhỏ của Vườn quốc gia Ujung Kulon, Indonesia. Chúng ưa thích môi trường rừng nhiệt đới rậm rạp, gần nguồn nước và bãi bùn lầy. Tê giác Java là loài động vật sống đơn độc, hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Thức ăn của chúng bao gồm lá cây, cành cây, trái cây và mầm non. Tê giác Java sinh sản chậm, với thời gian mang thai kéo dài 16 tháng và khoảng cách giữa các lần sinh từ 4 đến 5 năm.

Tê giác Java phải đối mặt với nhiều mối đe dọa bao gồm: nạn săn bắn trộm, mất môi trường sống, số lượng cá thể thấp, sinh sản chậm. Sừng tê giác được sử dụng trong y học cổ truyền và làm đồ trang sức, dẫn đến nạn săn bắn trộm nghiêm trọng. Nạn phá rừng và chuyển đổi đất rừng sang mục đích nông nghiệp đã thu hẹp môi trường sống của tê giác Java. Với số lượng cá thể ít ỏi, tê giác Java dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh và thiên tai. Tỷ lệ sinh sản thấp khiến cho quần thể tê giác Java khó phục hồi.

Các tổ chức bảo tồn quốc tế và chính phủ Indonesia đang nỗ lực để bảo vệ tê giác Java: Tăng cường tuần tra và chống săn bắn trộm, mở rộng và bảo vệ môi trường sống, nghiên cứu và theo dõi quần thể tê giác, chương trình nhân giống nuôi nhốt.

Cuộc chiến sinh tồn của tê giác Java vẫn còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, những nỗ lực bảo tồn không ngừng nghỉ cùng với sự quan tâm của cộng đồng quốc tế mang đến hy vọng mong manh cho loài "kỳ lân thời hiện đại" này. Bảo vệ tê giác Java không chỉ là bảo vệ một loài động vật, mà còn là bảo vệ sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của hành tinh.

Thuyết minh về Sao la - Kỳ lân châu Á ẩn mình trong rừng sâu

Sao la, một loài động vật móng guốc hiếm hoi và bí ẩn, được mệnh danh là “kỳ lân châu Á” bởi vẻ ngoài độc đáo và sự xuất hiện hiếm hoi của chúng. Phát hiện lần đầu vào năm 1992, sao la vẫn còn là một bí ẩn đối với giới khoa học và đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.

Sao la có kích thước tương đương với một con linh dương, với chiều cao vai khoảng 80 - 90 cm và cân nặng từ 80 - 100 kg. Chúng sở hữu bộ lông nâu sẫm với những đốm trắng đặc trưng trên mặt, cổ và chân. Điểm nổi bật nhất của sao la là cặp sừng dài, thẳng và song song, có thể dài tới 50 cm ở con đực. Sao la sinh sống trong các khu rừng rậm rạp, hiểm trở dọc theo dãy Trường Sơn, trải dài từ Việt Nam đến Lào. Chúng ưa thích môi trường rừng nguyên sinh với độ dốc cao, gần nguồn nước và thảm thực vật phong phú. Sao la là loài động vật nhút nhát và sống đơn độc, hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Thức ăn của chúng bao gồm lá cây, chồi non, trái cây và nấm. Sao la sinh sản chậm, với thời gian mang thai khoảng 9-10 tháng và thường chỉ sinh một con non mỗi lần.

Sao la phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao do nhiều yếu tố: Săn bắn, bẫy thú, mất môi trường sống, số lượng cá thể thấp. Sao la bị săn bắt để lấy thịt, sừng và các bộ phận khác được sử dụng trong y học cổ truyền. Sao la thường vô tình mắc bẫy được đặt để săn bắt các loài động vật khác. Nạn phá rừng, xây dựng đập thủy điện và phát triển cơ sở hạ tầng đã thu hẹp và chia cắt môi trường sống của sao la. Với số lượng cá thể ít ỏi, sao la dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh và các yếu tố ngẫu nhiên. Các tổ chức bảo tồn quốc tế và chính phủ các nước trong khu vực đang nỗ lực để bảo vệ sao la: Thành lập khu bảo tồn và hành lang sinh thái, tăng cường tuần tra và chống săn bắn, nghiên cứu và theo dõi quần thể sao la, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ sao la.

Nói tóm lại,sao la là một loài động vật quý hiếm và có giá trị bảo tồn cao. Việc bảo vệ sao la không chỉ là bảo vệ một loài động vật, mà còn là bảo vệ hệ sinh thái rừng nguyên sinh và đa dạng sinh học của khu vực. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, những nỗ lực bảo tồn không ngừng nghỉ cùng với sự quan tâm của cộng đồng quốc tế mang đến hy vọng cho tương lai của “kỳ lân châu Á” này.

-/-

Bài viết trên đây của Đọc tài liệu đã cung cấp cho các em những gợi ý cơ bản nhất để viết được một bài văn thuyết minh về loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng hay và đúng trọng tâm. Hãy dựa vào đó kết hợp với những hiểu biết của em về các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng trên thế giới để viết thành một bài thuyết minh hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt!

Sưu tầm và biên soạn Văn mẫu 11 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM