Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam

Xuất bản: 24/07/2019 - Tác giả: Giangdh

[Văn mẫu 8] Viết bài tập làm văn số 5 lớp 8 đề 6: Thuyết minh về một sản phẩm một trò chơi mang bản sắc Việt Nam bao gồm những bài văn hay nhất

Giới thiệu một sản phẩm một trò chơi mang bản sắc Việt Nam là bài làm mà Đọc tài liệu muốn gửi đến các em tham khảo để giúp các em hoàn thành tốt bài làm của mình trong bài viết tập làm văn số 5.

Đề bài:

Giới thiệu về một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam

Dàn ý thuyết minh về trò chơi dân gian

I. Mở bài

  • Dẫn dắt và giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: trò chơi dân gian( gọi tên trò chơi mà bạn muốn thuyết minh)

II. Thân bài

  • Nguồn gốc của trò chơi là gì? (vd: từ xa xưa)
  • Đặc điểm trò chơi( kéo co, trốn tìm,…)
  • Cách thức và luật chơi
  • Đối tượng tham gia trò chơi:
  • Tất cả mọi người có nhu cầu giải trí bằng hình thức của trò chơi đó
  • Ý nghĩa của trò chơi dân gian:
  • Giải trí, tạo niềm vui cho con người
  • Nét văn hóa truyền thống của dân tộc

III. Kết bài

  • Khẳng định lại ý nghĩa của trò chơi dân gian trong đời sống tinh thần của con người.

Đọc tài liệu vừa giới thiệu đến bạn dàn ý giới thiệu về một trò chơi dân gian để các em tham khảo. Từ đây các em đã có thể tự mình triển khai những ý riêng để có một bài văn hoàn chỉnh. Để bổ sung thêm vốn từ ngữ, các em có thể tham khảo những bài văn mẫu mà chúng tôi đã biên tập dưới đây.

----------

Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam

Bài văn mẫu 1

Thuyết minh về trò chơi dân gian thả diều

Việt Nam là một vùng quê của những truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa. Trong suốt quá trình phát triển của một nghìn năm lịch sử, trong đời sống sinh hoạt lâu đời của người dân, không chỉ những phong tục tập quán, những bản sắc văn hóa mang dấu ấn của Việt Nam được hình thành mà những trò chơi dân gian cũng vô cùng phong phú và độc đáo, những trò chơi này cũng góp phần thể hiện được những nét đẹp về văn hóa cũng như những nét đẹp về tinh thần, tâm hồn của con người Việt Nam. Một trong những trò chơi dân gian tiêu biểu mà ta có thể kể đến, đó chính là trò chơi thả diều.

Thả diều là một trò chơi dân gian độc đáo của con người Việt Nam, trò chơi này được hình thành trong quá trình sinh hoạt và lao động của người Việt Nam. Xuất hiện từ rất sớm và trò chơi độc đáo này vẫn được duy trì và phát triển cho đến tận ngày hôm nay. Khi xưa, cùng với nhịp độ của cuộc sống sinh hoạt thường ngày, ông cha ta không chỉ lo lao động, làm ăn sinh sống mà còn rất chú trọng đến đời sống tinh thần của mình, mà cụ thể nhất có thể kể đến, đó chính là sự sáng tạo các trò chơi dân gian, một trong số đó là thả diều. Đây là cách thức giải trí độc đáo của ông cha ta sau mỗi giờ lao động đầy mệt mỏi, là cách lấy lại sức lực sau những lo toan của cuộc sống, của áp lực cơm – áo – gạo – tiền.

Thả diều là trò chơi mà trong đó người chơi sẽ dựa vào sức gió của tự nhiên, đưa những cánh diều bay lên cao, sự kết nối của người chơi đối với con diều là thông qua một sợi dây dù đủ dài để đưa con diều bay lên tận trời xanh. Sợi dây sẽ giúp con người điều khiển con diều của mình bay đến độ cao nào hay bay đến nơi nào mình mong muốn. Khi thu diều lại thì người chơi cũng cuộn từ từ sợi dây dù này lại, con diều sẽ gần mặt đất hơn, và cuối cùng sẽ hạ cánh để được người chơi xếp lại, mang về nhà. Nguyên lí sử dụng của các con diều này là dựa vào sức gió. Vì vậy mà hôm nào trời không có gió thì không thể chơi thả diều.

Nhưng nếu trời có gió nhưng người chơi không có kĩ năng thả, không biết cách đưa con diều bay ngược chiều gió để lên không trung thì con diều cũng không bay được như mong muốn của chúng ta. Về cấu tạo của chiếc diều thì bao gồm phần khung diều, thường thì những phần khung diều này sẽ được làm bằng tre hoặc bằng gỗ, đây là phần chống đỡ cho con diều, giúp con diều có những hình dáng nhất định và có thể bay lên. Những chiếc tre hay gỗ dùng để làm khung diều này phải thật mảnh, dẻo dai bởi nếu quá nặng, to thì sẽ làm cho con diều trở nên nặng nề, từ đó khó có thể bay lên, hoặc bay được nhưng cũng không cao. Còn nếu như phần khung này có mềm, không có độ dẻo dai thì khi có gió lớn thì con diều sẽ bị gió thổi làm cho gãy khung.

Bộ phận thứ hai của diều đó là phần nguyên liệu phụ để trang trí cho con diều cũng là bộ phận giúp con diều có thể đón được gió và bay lên cao. Thông thường, phần áo diều này thường được làm bằng giấy báo, vải mỏng hoặc có thể bằng ni lông. Ngày nay, sự phát triển của đời sống tinh thần đã đòi hỏi tính thẩm mỹ cao hơn, do đó mà những con diều được trang trí với những màu sắc vô cùng bắt mắt, hình dáng con thuyền cũng được chế tạo thành nhiều kiểu khác nhau, có thể là diều hình con chim, con bươm bướm, chim phượng hoàng... Bộ phận không thể thiếu đó chính là dây dù. Dây dù buộc vào con diều để những người chơi có thể điều khiển con diều, nâng lên hay hạ xuống theo ý thích của mình, dây dù có thể làm bằng những sợi dây gai mỏng nhưng có độ bền cao, độ dài của dây này cũng từ tám đến mười mét.

Những con diều thường được mang đi thả vào những buổi chiều có gió, nhưng gió này chỉ vừa đủ để diều bay lên, không quá lớn, bởi nếu vậy con diều sẽ bị gió thổi cuốn đi mất. Thời điểm người ta đi thả diều đông nhất, đó chính là tầm chiều tà, vì lúc này thời tiết sẽ rất mát mẻ, lại có gió. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, cứ buổi chiều đến là mọi người sẽ tụ tập nhau lại đến một khu đất trống, hút gió để cùng nhau thả diều. Hình ảnh những cậu bé chăn trâu thổi sáo, thả diều có lẽ đã quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Sự sáng tạo của con người là không có giới hạn, cùng là con diều dùng để thả nhưng người ta có thể tạo cho nó rất nhiều màu sắc, hình dáng, thậm chí những con diều này còn phát ra những âm thanh du dương, êm ái. Con diều này được người ta gọi là diều sáo, theo đó thì những chiếc sáo nhỏ được thiết kế đặc biệt sẽ gắn lên thân của mỗi con diều. Để khi diều bay lên cao, có gió thì những con diều này sẽ tự động phát ra tiếng sáo.

Trò chơi thả diều là một trò chơi dân gian đã có từ rất lâu đời, người ta có thể chơi thả diều vào những lúc rảnh rỗi, giúp giải tỏa những căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Đặc biệt, ngày nay diều vẫn thu hút đông đảo sự yêu thích của rất nhiều người, hàng năm vẫn có rất nhiều các hội thi thả diều lớn được tổ chức, được rất nhiều người lựa chọn, tham gia.

Tham khảo thêm: Top 10 bài văn hay thuyết minh về trò chơi dân gian lớp 8

Bài văn mẫu 2

Bài văn thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam lớp 8

Việt Nam là một nước đang phát triển và có đời sống vật chất cũng ngày càng tiến bộ. Nhưng không thể phủ nhận đời sống tinh thần dân ta quả thật phong phú và đa dạng từ xa xưa dần dần theo dòng chảy thời gian nó trở thành một nét văn hóa , trong đó có trờ chơi kéo co.

Trò chơi kéo co theo như lời kể thì nó đã có từ rất lâu rồi, từ thời cổ đại ở Ai Cập. Vào những năm 2500 trước công nguyên, trên những ngôi mộ cổ ở Ai Cập có những hình vẽ về một cuộc thi kéo co. Dần dần nó trở thành một trò chơi được ưa chuộng, lan sang Trung Quốc, Hy Lạp,.. Ở Tây u, lịch sử kéo co bắt đầu từ năm 1000 sau Công Nguyên. Các chiến binh Viking thường chơi một trò chơi có tên gọi là "kéo da", trong đó người ta dùng da động vật như da trâu, bò, dê,... thay cho dây thừng để chơi kéo co.

Trò chơi kéo co là một môn thể thao và là một trò chơi dân gian phổ biến trong đời sống. Trò chơi này là một trò chơi mang tính đồng đội cao và nó trọng sức mạnh. Và đặc biệt luật chơi cũng cực kì đơn giản, dễ hiểu đối với tất cả mọi người và ai có đủ sức khỏe cũng có thể tham gia. Khi chơi, ta cần chuẩn bị một chiếc dây thừng to, chắc chắn, độ dài vào khoảng 10 mét hoặc có thể hơn. Cùng với đó là một chiếc khăn được buộc giữa chiếc dây, chiếc dây chính là dấu hiệu chiến thắng trong cuộc đọ sức. Kéo co được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau tù vào tập tục văn hóa của mỗi vùng nhưng về cơ bản, số người tham dự không giới hạn và chia làm hai phe sao cho số lượng người tham gia ở mỗi phe là bằng nhau. Người chơi dùng hết sức lực của mình kéo sợi dây thừng sao cho chiếc khăn buộc giữa dây nghiêng về phía mình và vượt qua vạch giới hạn của mình trước thì bên đó thắng. Trong một cuộc thi đầu kéo co, người ta cử ra một trọng tài, trọng tài sẽ là người phân định thắng thua giữa hai đội chơi. Trong quá trình chơi , đòi hỏi người tham gia phải kéo hết sức lực, tinh thần đoàn kết cao,và khi kéo có thể bị đau rát tay do ma sát với sợi dây thừng,.. nhưng bỏ qua những mệt mỏi, khi ta chiến thắng sẽ rất vui vẻ.

Đối tượng tham gia trò chơi thường là những thanh niên khỏe mạnh, có sự hiếu thắng, tham gia cuộc thi kéo co để đọ sức và khẳng định mình. Có thể là nam cũng có thể là nữ. Trò chơi kéo co đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền , được nhiều người dân đón nhận. Trò chơi kéo co còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.

Hiện nay có một vấn đề nổi cộm đó là trò chơi dân gian này đang dần bị lãng quên bởi thế hệ trẻ. Những đứa trẻ say mê với những trò chơi điện tử, mải mê với những bộ phim 3D kịch tính mà quên đi trò chơi truyền thống của dân tộc, không màng đến trò chơi dân gian đã trở thành di sản phi vật thể, là đời sống tinh thần của ông cha ta khi trước. Bởi lẽ đó, chúng ta nên thức tỉnh, rời xa những trò chơi điện tử dù chỉ một ngày để tham gia chơi kéo co, lúc ấy ta mới nhận ra những niềm vui và sự thỏa mãn khi chiến thắng.

Kéo co- một di sản phi vật thể, một trò chơi gần gũi với con người Việt Nam. Trò chơi dân gian ấy luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần con người mà chúng ta phải luôn nhớ về và giữ gìn nó.

Gợi ý thêm cho bạn: Top 3 bài văn hay thuyết minh về trò chơi dân gian

Bài văn mẫu 3

Văn mẫu 8 giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam

Chiếc nón có từ bao giờ? Mỗi lần thấy bà, thấy mẹ đội nón, tôi cứ bâng khuâng về câu hỏi ấy.

Cái nón quê kiểng bình dị thật ưa nhìn. Xương nón làm bằng tre, nứa, được vót tròn óng chuốt, được kết thành những vòng tròn có đường kính khác nhau theo khuôn nón. Cái chóp nón lúc nào cũng hướng về trời cao. Lá lợp nón là sản phẩm của núi rừng. Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, Tây Nguyên, u Minh... là nguồn vô tận về lá nón. Lá cọ, lá kè cũng để làm nón. Chiếc nón mới làm ra lại được quết một lớp mỏng dầu rái (thảo mộc), óng ánh, vừa bền vừa đẹp.
Dáng hình chiếc nón cũng nhiều vẻ. Nó ba tầm quai thao của các cô gái Kinh Bắc trong lễ hội mùa xuân: hội Lim, hội chùa Dâu, hát Quan Họ. Lại có chiếc nón của các bà, các cô đội lúc làm đồng, vừa chắc bền, vừa tiện lợi. Che nắng mưa, làm quạt,... Các cô thôn nữ làm duyên sau vành nón ấy. Chiếc nón thanh nhẹ còn che chở cho đôi má hồng, má lúm đồng tiền thêm xinh thêm đỏm.

Ai đã sáng tạo ra chiếc nón bài thơ xứ Huế? Lá nón trắng nõn nà; bài thơ mờ tỏ ẩn hiện. Chiếc quai nón bằng lụa thanh tao. Vành nón nghiêng nghiêng, dịu dàng, e lệ, thầm kín của cô gái miền núi Ngự sông Hương. Chả thế mà du khách, các cậu khóa ngẩn ngơ:

“ Học trò xứ Quảng ra thi,

Gặp cô gái Huế bước đi không dành”.

Còn có chiếc nón dấu anh lính thú đời xưa, mà khi xem phi ta mới biết:

“Ngang lưng thì thắt bao vàng,

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài”...

Mẹ em bảo nước ta nắng lắm mưa nhiều. Chiếc nón là vật dụng thân thiết của mọi người, nhất là nhà nông. Vừa rẻ, vừa tiện lợi. Nhẹ nhàng dễ mang theo. Có nhiều làng nghề thủ công làm nón nổi tiếng xưa nay từng được truyền tụng qua ca dao, dân ca:

“Muốn ăn cơm trắng, cá mè,

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông

hay:

“ Hỡi cô đội nón ba tầm,

Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang.

Phiên rằm chợ chính Yên Quang,

Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua".

Chiếc nón làng Găng, chiếc nón bài thơ xứ Huế đã trở thành món quà lưu niệm của khách phương xa. Nghe nói trong phòng khách của nhà thơ Xi-mô-lốp (Nga) có chiếc điếu cày và chiếc nón bài thơ mà ông đã mang từ Việt Nam về. Và trong chúng ta, ai đã từng được xem điệu múa nón, hẳn đều tưởng như đàn bướm sặc sỡ đang rập rờn bay trong ngàn hoa. Hình ảnh cô nữ sinh Huế ngày xưa tưởng như gặp trong mộng:

“Những nàng thiếu nữ sông Hương,

Dạ thơm là phấn, má hường là son.

Tựu trường chân sút thon thon,

Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời”.

(Tựu trường - Nguyễn Bính)

Ngày nay, ở các đô thị, hầu như không thấy học sinh đội nón đến trường. Mà chỉ thấy những chiếc mũ vải đủ màu sắc xinh xinh. Nhưng trên đường làng, giữa các phiên chợ miền quê, chiếc nón lá màu trắng xinh xinh thanh nhẹ vẫn thấy nhiều và ưa nhìn, dễ mến. Các bà, các mẹ, các cô thôn nữ... làm sao rời được chiếc nón quê hương?

Trên con đường phát triển, công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày một phong phú hơn, sang trọng hơn. Những giậu cúc tần, luỹ tre xanh, đồng lúa chín, con trâu hiền lành, tiếng sáo diều,... và chiếc nón ba tầm, chiếc nón bài thơ sẽ còn mãi trong tâm hồn nhân dân ta. Những câu hát bài ca về chiếc nón bình dị, quê kiểng ấy vẫn là sợi nhớ sợi thương giăng mắc trong hồn người, man mác và bâng khuâng có bao giờ vơi...

--------------

Trên đây là một số bài văn mẫu thuyết minh giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam mà Đọc tài liệu đã biên tập. Hy vọng với tài liệu này phần nào giúp các em có thêm nhiều nội dung bổ sung vào bài thêm phong phú. Chúc các em học tốt môn văn mẫu 8

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM