Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến

Xuất bản: 15/02/2023 - Cập nhật: 20/03/2023 - Tác giả:

Viết bài văn (khoảng 400 chữ) thuyết minh thuật lại một sự kiện (lễ hội) mà em từng tham dự hoặc chứng kiến. Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và tổng hợp văn mẫu tham khảo.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và một số bài văn hay cho đề bài "Viết bài văn (khoảng 400 chữ) thuyết minh thuật lại một sự kiện (lễ hội) mà em từng tham dự hoặc chứng kiến."

Dàn ý Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến

1. Mở bài

Giới thiệu về sự kiện em muốn thuyết minh

2. Thân bài

Tóm tắt diễn biến sự kiện theo trình tự thời gian:

- Thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện ở đâu?

- Những ai có mặt tham gia sự kiện?

- Hoạt động chính diễn ra trong sự kiện?

  • Diễn biến từng hoạt động ra sao? Có gì đặc sắc?
  • Em ấn tượng hay thích hoạt động nào nhất?

- Ý nghĩa của sự kiện em thuyết minh

3. Kết bài

Khái quát ngắn gọn ý nghĩa của sự kiện và cảm nghĩ của em.

Tham khảo thêm: Soạn Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (Cánh Diều)

Tham khảo Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến

Dưới đây là tổng hợp Top 5 bài văn hay thuyết minh một sự kiện (lễ hội), hy vọng các bài văn mà Đọc tài liệu gửi tới sẽ giúp các em học sinh có được những gợi ý hữu ích cho bài thuyết minh của mình. Mời các em cùng tham khảo:

Bài mẫu 1

Một cái Tết nữa sắp đến. Trong những ngày này, việc chuẩn bị chào đón năm mới diễn ra náo nhiệt ở khắp mọi nơi. Học sinh trường tôi cũng tổ chức hội chợ xuân truyền thống trong sân trường.

Hội chợ này đã được nhà trường chuẩn bị suốt hai tuần. Các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp, cùng với hội phụ huynh và nhiều học sinh, sau mỗi buổi học, lại cùng bắt tay vào các công việc như: trang trí sân khấu chính, dựng các gian hàng, sắp xếp các vật dụng cần thiết, tập nấu các món ăn cổ truyền, sắm sửa các món hàng truyền thống của địa phương,… Đây là hoạt động thường niên của nhà trường, nhưng năm nay là năm đầu tiên tôi được tham gia nên cảm thấy rất hào hứng.

Sáng ngày 20 tháng Chạp, gần như toàn bộ các thầy cô giáo và học sinh cùng nhiều phụ huynh đã có mặt trong sân trường. Mọi người ai vào việc nay hết sức khẩn trương. Đúng 8 giờ, lễ khai mạc chính thức bắt đầu. Sau màn tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu của hai bạn dẫn chương trình, thầy Hiệu trưởng lên sân khấu phát biểu khai mạc hội chợ. Liền sau đó là một số tiết mục văn nghệ chào mừng như: hát múa quạt, nhảy sạp, hát dân ca,… Ấn tượng nhất là màn sân khấu hoá các tác phẩm văn học dân gian, trong đó vở kịch Bánh chưng, bánh giầy được khen ngợi hơn cả. Vở kịch giúp tôi hình dung rõ hơn, sinh động hơn về nguồn gốc của loại bánh cổ truyền trong ngày Tết truyền thống của người Việt. Đồng thời, các gian hàng cũng chính thức mở cửa chào đón người mua với nhiều mặt hàng phong phú. Có lớp bán bánh trôi, bánh chay; có lớp bán bánh chưng, bánh tét, bánh giầy; lại có lớp bán con tò he hay các sản phẩm gốm thủ công xinh xắn; cũng có lớp bán mũ nan, nón lá, tăm tre; thậm chí có lớp bày bán cả các bức thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ,… Các mặt hàng rất phong phú, đẹp mắt nhưng giá cả lại rất rẻ, vừa với túi tiền của đa số học sinh. Đó cũng là những món đồ mà trong những ngày thường, nhiều người không dễ tìm mua. Nhiều thứ tôi được thấy lần đầu tiên và phải hỏi kĩ người bán mới biết tên và cách dùng. Không chỉ có các gian hàng cố định, trong sân trường còn xuất hiện cả những gánh hàng rong y như những gánh hàng rong ở quê mà thỉnh thoảng tôi còn được nhìn thấy. Mọi người tham gia đều cố gắng đi hết các gian hàng, hoặc dừng lại ở những gánh hàng rong và mua cho mình một món đồ gì đó để ăn hoặc làm kỉ niệm. Tiếng rao hàng, tiếng trả giá, tiếng cười nói râm ran cả sân trường.

Cứ như thế, hội chợ kéo dài đến 6 giờ chiều mới tan. Ai cũng có vẻ mệt nhưng đều rất vui vẻ.

Hội chợ lần này đã để lại cho tôi ấn tượng rất sầu sắc. Qua hội chợ, tôi biết thêm được nhiều món đồ mà ngày xưa tổ tiên ta đã làm ra và sử dụng. Tôi cũng được sống trong một bầu không khí rộn rã, vui tươi, đầy màu sắc. Nó cho tôi cảm nhận được sự đầm ấm, yên vui của những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Nhất định, đây sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời học sinh của tôi.

Bài mẫu 2 - Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến

Với tuổi học trò, ai cũng có cái nao nao của ngày khai trường. Nhưng ngày khai trường của ngôi trường THCS của tôi làm tôi có những ấn tượng đẹp và những ấn tượng đó sẽ đọng mãi ở trong lòng.

Ngày đầu tiên khai trường, đó là một ngày nắng ấm , bao trùm lên cảnh vật. Khí trời ấm áp… Theo thông báo của nhà trường, từ tối hôm qua tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết với tâm trạng vui vẻ và xôn xao khó tả. Bởi trước mắt tôi lúc này là một khung trời mới: bạn bè, thầy cô, trường lớp… đều mới tinh.Trong những năm trước, sau ba tháng hè nghỉ học, chúng tôi lại trở về mái trường thân quen với những hàng cây, ghế đá,..in đậm bao kỹ niệm của những lần nô đùa cùng bè bạn. Còn năm nay, tôi đã bước chân vào một ngôi trường mới với một sự khởi đầu mới.

Tham khảo thêm: Soạn Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện - Kết nối tri thức

Đầu tiên là buổi lễ diễn hành được diễn ra, từng lớp đi qua khán đài được các thầy cô nêu lên những thành tích nổi bật của năm qua, đặc biệt là chào đón những học sinh lớp 6 như chúng tôi bước vào năm học đầu tiên của những năm học cấp hai. Sau lễ diễu hành, nghi lễ chào cờ diễn ra thật trang nghiêm. Tiếp theo, cô giáo tổng phụ trách lên tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu và mời cô giáo phó hiệu trưởng nhà trường lên đọc thư của Chủ tịch nước. Những lá thư như vậy tôi nghe đã nhiều lần trong mỗi lễ khai giảng trước đây khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng có lẽ hôm nay là lần đầu tiên tôi cảm thấy xúc động đến vậy. Giây phút xúc động nhất của tôi là khi nghe cô giáo hiệu trưởng nhà trường đọc diễn văn khai giảng, phát động thi đua chào mừng năm học mới và đánh trống khai trường. Chiếc trống được đặt trên sân khấu hôm nay thật đẹp, màu nâu gụ bóng loáng, được trang trí hoa văn đẹp mắt, đặc biệt là mặt trống. Dùi trống lại được làm điệu bằng chiếc khăn đỏ quấn quanh núm. Tiếng trống vang lên, tâm hồn tôi như được bay bổng. Hòa cùng tiếng trống âm vang đó là giọng nói trầm ấm của một cô giáo đọc lời bình tiếng trống từ phía trong cánh gà. Những lời lẽ thật hào hùng, đi sâu vào lòng người, nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ tới quá khứ vinh quang của dân tộc để phấn đấu cho tương lai. Tôi có thể thấy rõ sự xúc động trong giây phút này, cũng giống như tôi. Tiếng trống ấy rồi sẽ theo các em đi suốt cuộc đời. Tiếng trống âm vang mà trầm ấm bay lên những ngọn cây, luồn trong những làn gió, vắt vẻo trên những đám mây của bầu trời thu tháng chín. Tôi chợt nghĩ tiếng trống khai trường có thể đại diện cho mùa thu Việt Nam lắm chứ, hay ít ra là mùa thu đối với riêng tôi và các bạn học sinh.

Phần cuối cùng trong buổi lễ, cũng là phần thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của học sinh trong trường là văn nghệ chào mừng. Chương trình văn nghệ gồm năm tiết mục với đủ thể loại: hát, múa, thể dục nhịp điệu vô cùng đặc sắc. Tôi xem các màn biểu diễn mà không khỏi trầm trồ thán phục trước tài năng của các học sinh trường mình. Toàn bộ học sinh và các thầy cô cũng như các vị đại biểu đều không rời mắt khỏi sân khấu trước các tiết mục rất hấp dẫn này. Nhiều người bày tỏ niềm tin tưởng vào sự giáo dục toàn diện nhà trường dành cho các em học sinh .

Đối với tôi, đây là lễ khai giảng mà tôi nhớ nhất vì tôi đã bước sang một trang mới của cuộc đời, trưởng thành hơn, yêu trường yêu lớp hơn nữa.

Bài mẫu 3 - Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến

Một trong những sự kiện mang tính toàn cầu là “Giờ Trái Đất”. Sự kiện này đã có những tác động tích cực liên quan đến môi trường của Trái Đất.

Năm 2004, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Ô-xtrây-li-a tìm kiếm phương pháp truyền thông mới để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào hoạt động tuyên truyền. Đến năm 2005, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Ô-xtrây-li-a cùng công ty Lê-ô Bớc-net Xít-ni xây dựng ý tưởng về dự án “Tiếng tắt lớn”. Nhà quảng cáo Lê-ô Bớc-net đặt tên cho chiến dịch là “Giờ Trái Đất” vào năm 2006. Sau đó, một lễ khai mạc sự kiện giờ trái đất được tổ chức tại Xít-ni, Ô-xtrây-li-a vào ngày 31 tháng 3 năm 2007. Cho đến ngày 29 tháng 3 năm 2008, chiến dịch được tổ chức ở 371 thành phố, thị trấn, hơn 35 quốc gia, 50 triệu người và trong đó có Việt Nam. Một năm sau đó (2009), hơn 4000 thành phố, 88 quốc gia trên thế giới tham gia tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ.

Sự kiện “Giờ Trái Đất” ra đời với mục đích đề cao việc tiết kiệm điện năng, giảm lượng khí thải đi-ô-xít các-bon - một khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, sự kiện này cũng thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Từ đó khẳng định quan điểm cho rằng mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng ngày càng tốt hơn.

Sự kiện “Giờ Trái Đất” diễn ra với rất nhiều hoạt động có ý nghĩa như tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một tiếng đồng hồ, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông xanh, tuyên truyền vận động bạn bè, người thân hưởng ứng chiến dịch… Những hành động tuy nhỏ bé nhưng đã đem lại những tác động tích cực đến Trái Đất.

Như vậy, sự kiện “Giờ Trái Đất” có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên… cho nhân loại. Đồng thời nâng cao ý thức, khuyến khích mọi người cùng thực hành lối sống sống bền vững, không sử dụng năng lượng lãng phí.

Tham khảo thêm: Soạn Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện trang 91 Chân trời sáng tạo

Bài mẫu 4 - Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười, tháng ba"

Hằng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, tất cả mọi người dân trên khắp mọi miền tổ quốc lại cùng hướng về vùng đất Phú Thọ - nơi lễ hội Đền Hùng diễn ra, để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng dựng nước.

Theo lịch sử ghi lại, lễ hội Đền Hùng đã có từ lâu đời. Ngay từ thời Đinh, Lý, Tiền Lê, thời Trần thì nhân dân khắp cả nước đều tụ hội về đây lễ bái gửi lòng cảm tạ thành kính đến công ơn của mười tám đời vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước. Lễ hội ấy được giữ gìn cho đến ngày nay và trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, cũng từ đấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm được xem là một ngày quốc lễ của nước ta. Vào những năm lẻ, lễ hội Đền Hùng do tỉnh nhà Phú Thọ tổ chức, những năm chẵn do Trung ương phối hợp với Bộ văn hóa thể thao du lịch cùng uỷ ban tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức. Dù tổ chức theo quy mô lớn hay nhỏ thì phần hội và phần lễ vẫn diễn ra vô cùng long trọng và linh đình, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng chính thức được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại" vào năm 2002 đã chứng minh cho sức sống lâu bền và giá trị độc đáo của lễ hội này. Nhiều địa phương trên cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội,...đã tổ chức lễ hội này như một nét đẹp để giáo dục con cháu mai sau không quên đi nguồn cội dân tộc và cố gắng học tập dựng xây đất nước để đến đáp công lao dựng nước của ông cha.

Phần lễ gồm lễ rước kiệu và lễ dâng hương. Lễ hội rước kiệu vừa được diễn ra trong không khí đầy long trọng với những cờ, lộng, hoa đầy màu sắc. Trong làng, ai ai cũng phấn khởi và sắm cho mình bộ trang phục truyền thống để tham dự phần lễ. Đoàn đại biểu trung ương, tỉnh, thành phố đều tập trung tại một địa điểm cùng đoàn xã tiêu binh rước vòng hoa tới chân núi Hùng. Đoàn đại biểu đi sau kiệu lễ, kiệu lễ được chuẩn bị chu đáo từ trước. Chặng đường rước kiệu lên đền có tiếng nhạc phường bát âm, có đội múa sinh tiền tạo nên vẻ trang trọng của một nghi lễ dân tộc. Sau khi tới đền, đoàn người kính cẩn dâng lễ vào thượng cung, mọi việc đều tiến hành rất cẩn thận, chi tiết và nhanh chóng. Sau đó, đại biểu đại diện bộ Văn hóa thay mặt cho lãnh đạo tỉnh và nhân dân cả nước trịnh trọng đọc chúc căn lễ tổ, mọi người ai nấy đều chăm chú lắng nghe trong nỗi niềm đầy xúc động và thành kính. Tất cả đều thành tâm dâng lễ với ước nguyện mong tổ tiên phù hộ cho con cháu quê nhà.

Tiếp đến là lễ dâng hương, mỗi người con đến với cùng đất này đều mong muốn thắp lên đền thờ nén nhang thành kính, nhờ hương khói nói hộ tâm nguyện của lòng mình với tổ tiên. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ, gốc cây nơi đây đều được coi là linh thiêng. Với những người ở xa không về được hoặc không có điều kiện đến đây, tới ngày này họ vẫn dành thời gian để đi lễ chùa thắp nén hương tưởng nhớ nguồn cội, đâu đâu cũng đông đúc, náo nhiệt và tưng bừng.

Xong phần lễ là đến phần hội, nếu lễ mang sự trang nghiêm thì phần hội mang đến nét vui vẻ, thoải mái cho mỗi người. Ở phần hội, nhiều trò chơi dân gian được diễn ra như chọi gà, đu quay, đấu vật hay đánh cờ tướng,.. thu hút mọi người tham gia, các đội chơi ai cũng mong phần thắng mang về danh dự cho quê mình. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi hiện đại cũng được lồng ghép hài hòa đáp ứng thị hiếu, đam mê sở thích của mọi lứa tuổi. Đặc biệt, không thể thiếu được trong dịp lễ này là các hình thức dân ca diễn xướng, hát quan họ hay kịch nói được diễn ra bằng hình thức thi tài giữa các làng, các thôn nhằm giao lưu văn hóa, văn nghệ. Những lời ca mượt mà êm ái trong từng làn điệu Xoan - Ghẹo đầy hấp dẫn mang đậm dấu ấn vùng đất Phú Thọ. Giữa trung tâm lễ hội được trưng bày khu bảo tàng Hùng Vương lưu giữ những di vật cổ của thời đại các vua Hùng xưa, tạo điều kiện cho những người đến thăm quan tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm. Ngoài ra, trong khu vực diễn ra lễ hội, nhiều mặt hàng lưu niệm được bày bán cho du khách mua làm quà kỉ niệm, các dịch vụ văn hóa phẩm hay ăn uống với những món ăn truyền thống và hiện đại cũng được tổ chức linh hoạt.

Hiện nay, khi đất nước phát triển hơn, nhà nước không chỉ chăm lo đến đời sống vật chất và còn cố gắng để phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp. Báo chí, đài truyền hình, thông tấn xã vẫn là cầu nối tuyệt vời đưa những giá trị tín ngưỡng đến với tất cả đồng bào trên mọi miền tổ quốc và nhân dân thế giới biết và hiểu hơn về những nét đẹp của lễ hội truyền thống dân tộc Việt.

Bài mẫu 5 - Viết bài văn thuyết minh lại một sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến

Hằng năm, trên khắp mọi miền của đất nước, rất nhiều lễ hội được tổ chức. Và lễ hội Chử Đồng Tử là một trong số đó.

Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 (Âm lịch) tại đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch) thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Về nguồn gốc của lễ hội thì theo truyền thuyết thì vào đời Hùng Vương thứ mười tám, tại làng Chử Xứ, có chàng trai tên là Chử Đồng Tử. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, chàng sống cùng với cha. Họ chỉ có một chiếc khố để mặc chung. Khi cha mất, Chử Đồng Tử thương cha nên đã quấn khố chôn cha, còn mình đành ở không.

Một hôm, Chủ Đồng Từ đang mò cá dưới sông thì nhìn thấy một đoàn thuyền sang trọng đi tới. Đó là đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung, con gái Vua Hùng. Chàng hoảng hốt chạy tới khóm lau để trốn, rồi lấy cát phủ lên mình. Nào ngờ, công chúa lại chọn chỗ bãi sông đẹp làm nơi dừng chân và sai người quây màn nơi khóm lau mà tắm. Nước dội làm cát trôi đi, để lộ ra một chàng trai tuấn tú. Công chúa Tiên Dung rất đỗi bàng hoàng. Nhưng khi biết được gia cảnh của chàng trai, nàng rất cảm động và cho rằng đây là duyên phận nên đã quyết định lấy Chử Đồng Tử làm chồng.

Hai vợ chồng Chử Đồng Từ quay về kinh, tìm thầy học đạo rồi đi khắp nơi truyền dạy cho nhân dân nhiều nghề như trồng lúa, dệt vải. Sau này, cả hai đều hóa lên trời. Tuy vậy, Chử Đồng Tử vẫn hiển linh giúp nhân dân đánh giặc.

Nhân dân ghi nhớ công ơn Chử Đồng Tử đã lập đền thờ bên bờ sông Hồng. Ngoài ra, họ còn nô nức làm lễ, mở hội để tưởng nhớ ông.

Lễ hội giữ được nhiều nghi lễ rất độc đáo. Nổi bật là lễ rước Thành Hoàng làng của chín làng thuộc Tổng Mễ xưa về đền Đa Hoà. Lễ rước diễn ra rất đặc sắc với sự tham gia của đoàn thuyền rồng khổng lồ lướt sóng ra giữa dòng sông Hồng lấy nước về lễ Thánh. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều tiết mục văn nghệ được biểu diễn.

Lễ hội mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Không chỉ vậy, lễ hội còn thể hiện được tấm lòng hiếu thảo, đề cao vai trò của người thầy thuốc, phản ảnh ước mơ bình dị của người dân trong xã hội phong kiến là khát vọng được tự do yêu đương, tự do hôn nhân vượt khỏi lễ giáo gò bó.

Như vậy, lễ hội Chử Đồng Tử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

-/-

Chúc các em học tốt Ngữ Văn 6 với tài liệu trên cùng những bài văn mẫu lớp 6 mà Đọc tài liệu đã chọn lọc và tổng hợp để gửi tới các em.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM