Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 92 tập 1 KNTT

Xuất bản: 22/12/2022 - Cập nhật: 23/12/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 92 tập 1 KNTT, trả lời các câu hỏi bài tập luyện tập thực hành trang 92 - 93 SGK Ngữ văn 7 tập 1 Kết nối tri thức.

Cùng Đọc tài liệu chuẩn bị Soạn bài Thực hành tiếng việt lớp 7 trang 92 tập 1 Kết nối tri thức - Bài 4: Giai điệu đất nước.

Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 92 tập 1 KNTT

Đọc tài liệu tổng hợp lại lý thuyết chính cho phần thực hành tiếng Việt trang 92 Ngữ văn 7 tập 1 KNTT, các em sẽ theo dõi dưới đây để ghi nhớ và áp dụng cho giải bài tập sau đó.

1. Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh

- Ngữ cảnh là yếu tố giúp cho câu nói trở nên cụ thể, khiến người nghe, người đọc có thể dễ dàng xác định được nhân vật giao tiếp, nội dung giao tiếp, thời gian và không gian giao tiếp.

- Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta thường nói ra những câu, những phát ngôn, chứ không phải là những từ rời rạc. Tại đó, các từ kết hợp với nhau theo những quy tắc và chuẩn mực của ngôn ngữ. Cũng trong câu hoặc phát ngôn cụ thể, người ta mới biết được rằng: Tại trường hợp, hoàn cảnh cụ thể này, từ có nghĩa gì (tức là nó bộc lộ nghĩa nào trong số các nghĩa của nó).

- Đối với người nói (viết): Ngữ cảnh là cơ sở của việc dùng từ, đặt câu, kết hợp từ ngữ.

- Đối với người nghe (đọc): Ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội từ ngữ, câu văn, hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích của lời nói. Ví dụ: Đọc hai dòng thơ sau, chú ý nghĩa của từ thơm:

Thị thơm thì giấu người thơm 
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà.

(Lâm Thị Mỹ Dạ, Chuyện cổ nước mình)

Khi đọc (nghe) chỉ một từ thơm thôi thì ta không thể biết được người viết (nói) muốn dùng nghĩa nào của từ này. Thế nhưng, từng nghĩa một của từ thơm sẽ được xác định nếu ta đặt nó trong ngữ cảnh, xem xét trong sự kết hợp với các từ bên cạnh. Từ thơm trong thị thơm có nghĩa là có mùi hương dễ chịu còn từ thơm trong người thơm lại mang nghĩa là phẩm chất tốt đẹp, thơm thảo, được mọi người yêu mến, ca ngợi.

2. Ôn lại biện pháp tu từ ẩn dụ

- Ẩn dụ là một biện pháp tu từ mà ở đó có các sự vật và hiện tượng được nhắn đến quá việc gọi tên sự vật hiện tượng khác mà ở đó có những nét tương đối giống nhau.

- Ẩn dụ có một tầm quan trọng vô cùng trong câu văn. Biện pháp tu từ ẩn dụ giúp câu văn tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt tạo nên một ấn tượng tốt trong lòng người đọc.

Ví dụ:

Gặp đây mận mới hỏi đào, 
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!

Phép ẩn dụ trong câu ca dao trên là đôi nam nữ tỏ tình nhau nhưng lại không nói tên thật mà mượn hai cái tên là “mận, đào” để hỏi về “vườn hồng” có nghĩa là hỏi cô gái đã có người yêu chưa.

Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 92 tập 1 KNTT ngắn nhất

Câu 1

a.

- Hình ảnh “lộc” trong đoạn thơ có thể hiểu:

+ Lộc của “người ra đồng”: nói về những người lao động, những người ươm mầm cho sự sống, ươm mầm non trên những cánh đồng quê hương. Từ “lộc” cho ta liên tưởng tới những cánh đồng mênh mông với những chồi non nhú lên xanh biếc từ những hạt thóc giống mùa xuân. Từ “lộc” còn mang sức sống, sức mạnh của con người.

+ Lộc của “người cầm súng”: liên tưởng đến những người chiến sĩ, những người cầm súng khi ra trận, trên vai trên lưng có cành lá ngụy trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo cả mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ.

b.

- Từ “đi” theo nghĩa thông thường có thể hiểu là hành động di chuyển bằng đôi chân của con người. Nhưng khi đặt trong bối cảnh đoạn thơ trên có thể hiểu “đi” ở đây là sự phát triển tiến tới không ngừng của đất nước.

c.

- Từ “làm” theo nghĩa thông thường được hiểu là hành động dùng công sức vào những việc khác nhau, nhằm một mục đích nhất định nào đó. Còn từ “làm” trong văn bản có thể hiểu là khao khát được hóa thân vào những sự vật, sự việc trong bài thơ để cống hiến những tinh hoa cho cuộc đời.

Câu 2

- Có thể hiểu từ “giọt” trong câu thơ theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, “giọt long lanh” là những giọt mưa mùa xuân, giọt sương mùa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá như những hạt ngọc.

- Ở đây, giọt long lanh cũng có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụng chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác), từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác “Tôi đưa tay tôi hứng”. Dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, thể hiện mong muốn hoá vào thiên nhiên đất trời. Và trong ngữ cảnh này, em sẽ chọn cách hiểu thứ hai, tức hiểu “giọt” ở đây là âm thanh của tiếng chim, cách hiểu này để lại nhiều giá trị nghệ thuật cho bài thơ hơn và cũng tạo mối liên kết chặt chẽ với câu thơ trước.

Câu 3

- Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ sử dụng nhiều biện pháp tu từ như điệp từ, liệt kê, ẩn dụ trong đó nổi bật nhất là biện pháp tu từ ẩn dụ.

- Biện pháp ẩn dụ được thể hiện qua các hình ảnh như:

+ Con chim, cành hoa, nốt trầm, mùa xuân nho nhỏ đều là những ẩn dụ cho vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và cũng là biểu tượng cho lẽ sống đẹp của con người.

+ Giọt long lanh rơi ẩn dụ cho tiếng chim hót du dương, ca ngợi đất trời.

+ Tuổi hai mươi và khi tóc bạc ẩn dụ cho con người lúc tuổi trẻ và khi tuổi đã cao.

- Biện pháp tu từ ẩn dụ có tác dụng tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho văn bản đồng thời nhấn mạnh vẻ đẹp của mùa xuân cũng như thể hiện khao khát cống hiến mãnh liệt của tác giả đối với quê hương, đất nước.

Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 92 tập 1 KNTT chi tiết

Câu 1 trang 92 SGK Ngữ văn 7 tập 1 KNTT

Giải thích nghĩa của các từ in đậm trong những dòng thơ sau:

a. Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy bên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

b. Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

c. Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Trả lời

a.

- Trong từ điển, từ lộc có nghĩa là chồi lá non.

- Hình ảnh “lộc” trong đoạn thơ có thể hiểu: vừa có nghĩa thực là chồi non, lá non vừa có nghĩa ẩn dụ là may mắn, hạnh phúc. Như vậy, với cách sử dụng từ lộc nhà thơ Thanh Hải đã diễn tả được: Người cầm súng như mang theo sức xuân trên đường hành quân, người ra đồng như gieo mùa xuân trên từng nương mạ. Chính người cầm súng và người ra đồng đã làm nên mùa xuân hạnh phúc cho đất nước.

b.

- Từ “đi” theo nghĩa thông thường có thể hiểu là hành động di chuyển đến chỗ khác bằng đôi chân của con người.

- Nhưng khi đặt trong bối cảnh đoạn thơ trên có thể hiểu “đi” ở đây là sự phát triển tiến tới không ngừng của đất nước. Với việc sử dụng từ đi, nhà thơ đã thể hiện được niềm tin vào bước tiến vững vàng của đất nước trong tương lai.

c.

- Từ “làm” theo nghĩa thông thường được hiểu là hành động dùng công sức vào những việc khác nhau, nhằm một mục đích nhất định nào đó. Còn từ “làm” trong văn bản có nghĩa là hóa thành, biến thành. Nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện ước nguyện hóa thân thành con chim hót, thành một cành hoa... để dâng hiến cho cuộc đời, làm đẹp cho đời.

Câu 2 trang 93 SGK Ngữ văn 7 tập 1 KNTT

Từ giọt trong đoạn thơ sau có nhiều cách hiểu khác nhau. Người cho là giọt sương, người hiểu là giọt mưa xuân và có người lại giải thích là “giọt âm thanh” tiếng chim. Theo em, trong ngữ cảnh này, có thể chọn cách hiểu nào? Vì sao?

Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

Trả lời

Theo định nghĩa trong từ điển, nghĩa của từ giọt trong giọt mưa, giọt nước, giọt sương là chỉ lượng rất nhỏ chất lỏng, có dạng hạt. Trong trường hợp này, dựa trên ngữ cảnh (giọt long lanh) có thể hiểu là giọt âm thanh - tiếng chim hót. Nhưng vì chỉ có từ long lanh - chỉ tính chất sáng, đẹp của giọt mà không có từ chỉ sự vật cụ thể như mưa, sương, nước hay tiếng chim nên có thể gợi liên tưởng đến giọt mùa xuân - sức sống của mùa xuân đang dâng trào, dào dạt.

Câu 3 trang 93 SGK Ngữ văn 7 tập 1 KNTT

Theo em, trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, biện pháp tu từ nào có vị trí nổi bật nhất? Hãy cho biết tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.

Trả lời

- Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ sử dụng nhiều biện pháp tu từ như điệp từ, liệt kê, ẩn dụ trong đó nổi bật nhất là biện pháp tu từ ẩn dụ.

- Biện pháp ẩn dụ được thể hiện qua các hình ảnh như:

+  Con chim, cành hoa, nốt trầm, mùa xuân nho nhỏ đều là những ẩn dụ cho vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và cũng là biểu tượng cho lẽ sống đẹp của con người.

+ Giọt long lanh rơi ẩn dụ cho tiếng chim hót du dương, ca ngợi đất trời.

+ Tuổi hai mươi và khi tóc bạc ẩn dụ cho con người lúc tuổi trẻ và khi tuổi đã cao.

- Biện pháp tu từ ẩn dụ có tác dụng tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho văn bản đồng thời nhấn mạnh vẻ đẹp của mùa xuân cũng như thể hiện khao khát cống hiến mãnh liệt của tác giả đối với quê hương, đất nước.

Xem thêm

-/-

Trên đây là gợi ý trả lời Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 92 tập 1 KNTT đầy đủ nhất, đừng quên tham khảo trọn bộ Soạn văn 7 Kết nối tri thức.

- Tổng hợp các tài liệu và bài học soạn văn 7 -

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM