Nghị luận Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật - Tổng hợp những bài nghị luận hay bàn về ý nghĩa câu nói của nhà văn Nga Bê-lin-xki: "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật".
Đề bài
: Bàn về thơ, nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki đã viết: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.***
Bài văn đạt giải nhất trong kì thi Văn Quốc gia: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật
Những vần thơ Anđécxen, những vần thơ ngân vang từ thung lũng Ôđenzơ, nơi có những hẻm núi sương giăng mờ ảo và những vòm hoa thạch thảo tim tím nên thơ đã gieo vào tâm hồn nhà văn Pauxtôpxki niềm xúc cảm mãnh liệt: “Anđécxen đã lượm lặt hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những bó hoa thơ tuyệt đẹp, chúng an ủi trái tim những người cùng khổ”. Thơ ca, hai chữ kì diệu mà muôn đời vẫn chưa tìm ra một định nghĩa trọn vẹn, hoàn chỉnh.
Thơ là gì ? Thơ bắt nguồn từ đâu ? Thơ có mãnh lực gì khiến cung đàn cảm xúc của triệu triệu con người trên trái đất này không ngừng lay động, thổn thức, xuyến xao? Phải chăng “thơ” ở đây như trong lời bình của nhà văn học Nga V. Bêlinxki vào thế kỉ mười chín: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Từ thủa thơ ca xuất hiện mang đến hơi thở ấm áp cho hành tinh xanh xanh những đại dương và điệp trùng những cánh rừng tươi thắm của chúng ta, có thể nói chưa bao giờ tổng kết được những định nghĩa về thơ. Có người cho thơ là “lơ tơ mơ”, “thơ là sự tuôn trào bột phát những tình cảm mãnh liệt”, thậm chí “thơ là một cái gì mà người ta không định nghĩa được”. Phải chăng vì thế mà thơ thuộc về cõi huyền nhiệm, mông lung, xa vời vợi? Không, theo quan niệm của Bêlinxki, thơ là một khái niệm hết sức gần gũi: “Thơ trước hết là cuộc đời”. Trong câu nói của Bêlinxki, chữ “cuộc đời” như một vì sao được chiếc đòn bẫy “trước hết” bật vào từ thơ, làm sáng lên một ánh sáng lung linh, rạng rỡ. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống. Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông bất tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca cũng như văn chương và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không bám rễ vào cuộc đời, nếu không hút nguồn nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uộc, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những phiến lá xanh tươi phơi phới dưới ánh nắng mặt trời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Lê Quí Đôn từng nói: "Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi non kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được”. Có thể nói cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào tuôn chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác để nuôi dưỡng thi ca. Đến với Chế Lan Viên, một “triết gia thi sĩ”, ta không quên giây phút con người ấy rơi vào hố sâu tuyệt vọng của sự chán chường:
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi giữa trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”
Thế mà cuộc sống mới chan hoà hơi thở nồng ấm của cách mạng đã làm tan mọi băng giá trong trái tim thi sĩ. Người sà vào lòng nhân dân, sung sướng đón nhận nguồn cảm hứng thi ca từ cuộc đời:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
(Tiếng hát con tàu)
Cuộc sống mênh mông và kì diệu làm sao ! Cuộc sống là nơi cung cấp chất liệu cho thơ. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống, cho nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc sống, bóng hình con người. Thơ ca là nơi con người gửi gắm tâm tình, ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư. Thơ ca không thể tách rời cuộc đời. Cuộc đời ban truyền nguồn nhựa sống mãnh liệt cho thơ và thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời, cống hiến cho con người những phút giây tuyệt vời lắng đọng nhiều nỗi suy tư. đến với thơ, người đọc trước hết sẽ bắt gặp tâm tư, nỗi lòng của người cầm bút, sau đó sẽ gặp chính tâm tư của mình bởi thơ là “tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí”. Cùng với văn chương, thơ ca trở nên những nhịp cầu vô hình dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn., những trái tim đến với trái tim để con người cùng sẻ niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, hi vọng. Cuộc đời vốn bao la, vô tận kia như một bức tranh với ba chiều không gian trải dài đến vô cùng. Nhà thơ cũng như những con ong cần mẫn bay lượn trong khu vườn cuộc đời ấy:
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một mật ngọt thành, đời vạn chuyến ong bay
(Chế Lan Viên)
Thơ ca “là cuộc đời”, nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn bóng hình của cuộc đời rộng lớn. Người nghệ sĩ phải tìm đến cuộc đời để hút lấy chất mật tinh tuý nhất, ngọt ngào nhất để tạo nên những vần thơ thật sự có giá trị. Nhà thơ phải biết chắt lọc chất liệu mà cuộc đời cung cấp, từ đó mới tạo nên những vần thơ hay, làm
rung động lòng người đọc. Thi ca gắn liền với cảm xúc. Nhà thơ không thể hiện cuộc đời qua những tình huống, qua những sự kiện như các nhà văn. Nhà thơ giãi bày bằng cảm xúc, bằng ngôn ngữ thi ca, bằng cả “khoảng trắng giữa các ngôn từ”. Thơ ca có giá trị không tách rời sự thoát li, tách rời khỏi cuộc sống, cũng như sự photo copy cuộc sống một cách cứng nhắc, khuôn mẫu. Đọc thơ mà chẳng tìm thấy nỗi lòng nhà thơ, đấy chẳng phải là thơ ca đích thực ! Nếu không có một thiên tài như Nguyễn Du uyên bác, ta không thể có “Truyện Kiều”. Nhưng nếu không có những lầm than cơ cực, đắng cay, tủi nhục cùng với những ước mơ cháy bỏng của nhân dân trong xã hội phong kiến, trong buổi suy vong đầy ngột ngạt, ta cũng không thể có những trang Kiều thấm đượm dòng lệ đầy chất nhân bản sâu xa. Nếu không có một vùng quê Kinh Bắc êm ả, bình dị với những con người chăm chỉ, hiền hoà, mãi mãi ta không thể nào có được nỗi nhớ rạo rực thiết tha của thi sĩ Hoàng Cầm trong bài “Bên kia sông Đuống:
“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
…Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nuối tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
Thơ bao giờ cũng in đậm chữ “đời” trước hết. Cuộc đời không chỉ ban cho nhà thơ nguồn cảm hứng mà cuộc đời còn là nơi khai thác “chất quặng” nguồn từ để tạo nên thơ:
“Vạt áo của nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà cuộc đời rơi vãi
Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”
(Chế Lan Viên)
Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và “cái tôi” nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng “vỏ bào”(Pauxtôpxki). Nhà thơ phải nhặt những hạt “bụi quí” trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên những “bông hồng vàng” quí giá, đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ, theo cách diễn đạt của Pauxtôpxki. Trở lại câu nói của nhà phê bình Bêlinxki, ta thấy đó không phải là cái nhìn phiến diện. “Thơ trước hết là cuộc đời” nhưng cuộc đời chưa phải là tất cả. Bêlinxki rời phím nhấn “cuộc đời” ấn tay vào phím cạnh bên “nghệ thuật”. Như vậy, Bêlinxki đã không phủ nhận vai trò quan trọng của yếu tố làm nên thi ca này. Thiếu nghệ thuật, thơ chỉ còn là hòn ngọc thô không mài không giũa, không thể khơi dậy trong trái tim con người những rung động sâu xa. Thơ có thể ví như cánh diều, cuộc đời tạo cho cánh diều là hình hài sắc vóc còn nghệ thuật là làn gió nâng cánh diều bay bổng trên bầu trời cao rộng, nâng cảm xúc đến mức thăng hoa.
Ta yêu “Truyện Kiều” đâu chỉ vì “đoạn trường tân thanh” xé ruột cất lên từ quãng đời mười lăm năm lưu lạc truân chuyên của cánh hoa Thuý Kiều tài sắc. Người Việt Nam yêu “Truyện Kiều” vì những “ngôn ngữ gấm hoa” giàu sức biểu cảm, vì âm hưởng ca dao dịu dàng, man mác trong lục bát thân thương:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Cảnh mùa thu long lanh, mĩ lệ đọng đầy chất thơ ấy có lẽ còn sống mãi trong lòng người dân đất Việt đến nhiều thế kỉ mai sau. Thơ cất lên từ biển cuộc đời và bay cao từ nguồn gió nghệ thuật. Nghệ thuật làm cho thơ trở nên đẹp đẽ, gieo vào lòng người đọc những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt vời. Một nhà thơ tài năng phải là một người thợ lặn lành nghề lặn sâu vào đại dương cuộc sống, không phải để nhặt nhạnh mảnh san hô tầm thường mà để tìm những viên ngọc trai lấp lánh, những “khối tình con” kết từ máu huyết của loài trai nhẫn nại, cần cù (một ý của Nguyễn Tuân trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”). Nhà thơ chỉ cần rung động trước lớp sóng của cuộc đời thôi ư ? Chưa đủ, như thế anh chỉ có cái tâm mà chưa có cái tài để xứng đáng mang danh hiệu “thi sĩ”. Để viết nên những vần thơ có sức lay động thực sự, có khả năng vượt qua mọi định luật băng hoại của thời gian không thừa nhận cái chết (Satưkhốp Sêđrin), nhà thơ phải
vừa có tài năng và tâm huyết, vừa đắm mình vào cuộc đời, vừa không ngừng tìm tòi khám phá, “khơi những nguồn chưa ai khơi”. Một nhà thơ nước ngoài đã từng thấm thía giá trị cao quí của lao động thi ca:
“Phí tổn ngàn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”
Nhà thơ phải “trả giá cắt cổ” cho ngôn ngữ thơ ca nếu muốn những vần thơ ấy trở nên bất tử. Lao động nghệ thuật là hình thức lao động của trí óc và trái tim. Phải có những rung động mãnh liệt trước cuộc đời và những khám phá, sáng tạo độc đáo ta mới có thơ ca chân chính. Viết về mùa thu, thi sĩ từ cổ chí kim đã dùng bao hình ảnh tuyệt đẹp, từ “Ngô đồng nhất diệp lạc” đến “cúc vàng lưng giậu”, từ “non phơi bóng vàng đến” “trăng sáng như gương”… Thế mà cậu bé Trần Đăng Khoa lại cảm nhận mùa thu theo một cách riêng qua hình ảnh hoa cau giản dị:
“Nửa đêm nghe ếch học bài
Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây
Nghe trời trở gió heo may
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau”
(Hoa cau)
Những cánh hoa cau trắng muốt mỏng manh rụng đầy vại nước làng quê phải chăng là “hoa cau cuộc đời” hoá thành “hoa cau nghệ thuật” trong thế giới thơ phong phú đầy tưởng tượng bay bổng của nhà thơ tí hon dễ yêu, dễ mến ? Hoa cau thoang thoảng thơm mãi con đường thi ca trải rộng, quấn quýt êm đềm trong trái tim những người yêu
thơ…
“Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Ý kiến của Bêlinxki thật xúc động và đầy giá trị ! đến với thơ nghĩa là ta đến với cuộc đời qua lăng kính nghệ thuật của nhà thơ. Thơ ca khơi dậy trong lòng ta lớp lớp những đợt sóng cuộn trào và muôn vàn cung bậc tình cảm: yêu thương, căm giận xót xa, nghẹn ngào, xao xuyến, bâng khuâng,… bởi thơ là đời, thơ là hoa nảy nở từ mảnh đất cuộc đời dào dạt nhựa sống. Thơ không phải là thứ tôn giáo cao siêu huyền bí, cũng không phải là những ghi chép tủn mủn, vặt vãnh vô giá trị về cuộc đời, về con người quanh ta. Thí sĩ không thể làm nên thơ nếu cửa lòng đóng khép, nếu không “mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời” (Nam Cao). Cuộc sống cuộn xoay không một giây dừng lại, thơ ca cũng không ngừng nảy nở sinh sôi, cống hiến cho đời những đoá hoa đẹp nhất. Thi sĩ ơi, anh hãy sáng tác bằng cả nhiệt huyết và tình yêu cháy bỏng của trái tim
mình.
Cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi !
(Chế Lan Viên)
Bắt nguồn từ cuộc sống, qua lăng kính cảm nhận của thi nhân, thơ ca lại trở về với đời, tạo dòng chảy trong trái tim người thưởng thức. Thư ca mang đến cho con người những gì ? Thơ ca phải chăng chỉ để giết thời gian hoặc làm cho người ta bị mê hoặc? Thơ ca chân chính không phải là một loại hình nghệ thuật mang tính chất giải trí đơn thuần. Song hành cùng người bạn cốt văn chương, thơ ca mở ra những ngả đường hướng triệu triệu con người tới cõi chân - thiện - mĩ. Thơ ca đích thực phải là thơ ca khơi dậy những rung động sâu sắc trong tâm hồn con người, làm phong phú thế giới cảm xúc của con người, khiến con người vươn tới ước mơ sống tốt hơn, đẹp hơn. Nhà thơ Thanh Hải đến phút cuối đời trên giường bệnh vẫn khát khao cống hiến cho đời những giọt xuân trong trẻo:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
(Mùa xuân nho nhỏ)
Làm sao lòng ta không rạo rực trước sức sống mãnh liệt, dạt dào của một nhà thơ yêu đời, yêu người tha thiết đến nhường ấy! Nhà thơ đã vượt qua chính mình để làm một nốt trầm lặng lẽ. Mình có ích giữa muôn vàn âm thanh sôi động của cuộc đời muôn màu, muôn vẻ này chưa ? Thơ ca khơi dậy trong con người những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt đẹp, “thanh lọc” tâm hồn con người, chắp cánh cho con người bay tới những ước mơ, khát vọng. Trên cõi hành trình dài đằng đẵng đầy chông gai của đời người, có những lúc dừng chân ngơi nghỉ, ta không thể không nghĩ về cuộc đời, về những điều tốt đẹp. Bao giờ ta còn đồng cảm với tấm lòng thi nhân, khi ấy thơ ca vẫn còn tồn tại sức sống bất diệt, vĩnh cửu. Anđecxen không chỉ là bậc thần tiên tạo nên những trang cổ tích làm say mê biết bao thế hệ con người mà còn là nhà thơ chân chính mà “thơ của ông làm no nê trái tim người dân chẳng khác gì triệu triệu những hạt bụi nước li ti làm bão hoà không khí trên đất đai Đan Mạch. Người nói vì thế mà không ở đâu có cầu vồng rộng lớn và rạo rực như ở nơi này” (Pauxtôpxki).
Thơ ca thật kì diệu và đáng quí! Đã là thi sĩ, một khi cầm bút, anh không được phép phân biệt giữa mình và người, mà phải “viết hết mình cho người” (Tố Hữu). Có như thế thơ ca của anh mới sống mãi mãi với cõi đời này. Thơ là cuộc đời cho nên thơ không chỉ khơi dậy những cảm xúc êm đềm, dịu dàng, êm ái; không chỉ làm lòng ta quặn đau trước những nỗi “đoạn trường”. Thơ ca đồng thời phải mang chức năng “thức tỉnh lương tri đang ngủ” (Eptusencô), phải khiến con người biết căm giận và biết ước mơ. Có những lúc thơ ca biến thành vũ khí độc đáo giúp con người đấu tranh với cái ác để bảo vệ chính nghĩa và cái đẹp của cuộc đời. đấy là giây phút Hồ Chí Minh gửi gắm niềm tin mãnh liệt vào những vần thơ mà xích xiềng không khoá nổi:
Ví đâu có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
Ngược dòng thời gian, ta còn thấy đó là giây phút Lí Thường Kiệt cất tiếng sang sảng đọc tuyên ngôn Nam quốc sơn hà khẳng định chủ quyền độc lập của non sông. Giá trị của thơ ca mới cao cả đến nhường nào! Trở về với hiện tại thơ ca hôm nay, ta bắt gặp những dáng hình thi sĩ trên những ngả đường thơ trải rộng, đang từng bước khám phá, tìm tòi và sáng tạo, đem lại nguồn mới cho thi ca. Phải chăng họ đang đặt chân lên hành trình đến với “Mảnh đất nở hoa dâng tặng người muốn hái” ?
Thi sĩ ơi, dù phải theo ngả nào, có lẽ anh cũng nên tâm niệm: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Ý kiến về thơ của nhà phê bình văn học Nga V.Bêlinxki quả thật đáng để chúng ta suy nghĩ và nghiền ngẫm. Thơ đâu phải là quả bóng bay xa vời vợi nằm ngoài tầm bắt. Thơ ca luôn nồng nàn, ấm áp hơi thở cuộc đời và mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Thơ là dòng sông soi bóng cuộc đời, len vào tâm hồn con người những mạch nguồn cảm xúc dạt dào chảy mãi không thôi. Nhà thơ phải “yêu cuộc đời” và trân trọng “nghệ thuật” mới vun đắp những vần thơ nở ra cánh hoa thơm ngát tô điểm cho cuộc đời và con người.
Ngày xưa, tôi yêu văn thơ Anđecxen bởi nơi ấy bao giờ cũng rung rinh đoá hồng bạch toả hương ngào ngạt bên những nàng công chúa xinh tươi. Nay tôi lại càng say mê những dòng văn đầy nhân ái kia bởi tôi còn cảm nhận được hương vị của cuộc đời, “chất người” ủ kín bên trong.
(Bài làm của bạn Đinh Thị Mĩ Huỳnh,
THPT chuyên Lê Hồng Phong – TP Hồ Chí Minh)
Xem thêm bài văn mẫu chứng minh quan điểm Thơ là hùng biện du dương
Một số bài viết hay khác
Nghị luận Thơ trước hết là cuộc đời mẫu số 1:
Nghệ thuật là một mảnh đất màu mỡ, phong phú nhưng mỗi tác giả phải lao động, đào xới thì mới mong thu được thành quả. Thơ là nghệ thuật, thơ nằm trong mạch nghệ thuật, khiến nghệ thuật chẳng thể đẹp đẽ, tròn trịa nếu thiếu thơ. Nếu như nhà thơ không thực sự sống, cống hiến thì văn thơ chỉ là những nét chữ thẳng băng trên trang giấy. Bàn về thơ, nhà phê bình văn học người Nga Bielinxki cho rằng:”Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Thơ là thành quả của sáng tác văn học phản ánh cuộc sống. Thơ là tiếng nói tâm hồn, thuộc phương diện trữ tình. Thơ lấy điểm tựa là thế giới nội tâm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời, cảm xúc đóng vai trò quyết định làm nguồn cội của mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ Đuy Blây cho rằng: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Cũng như văn học, thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nhưng không phải xây dựng từ óc quan sát, tư duy logic, thơ gắn liền với cảm xúc và tâm hồn. Thơ luôn tìm về với cuộc sống, thơ ở trong cuộc sống nên “ nhà thơ tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc biến chuyển của lịch sử” – Saint John Perse đã viết. Như vậy cho dù ý thức hay vô thức, thơ vẫn chảy trong biển lớn cuộc đời và nhà thơ không thể đứng ngoài dòng chảy ấy. Hơn ai hết, họ phải là người cảm nhận cuộc sống mãnh liệt nhất, sâu sắc nhất.
Thơ bắt nguồn từ cuộc sống, mang bóng hình cuộc đời, con người, chứa đựng tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng, ưu tư, phiền muộn… Thơ không thể tách rời cuộc đời mà cuộc đời truyền nhựa sống mãnh liệt cho thơ, thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời. Thơ ca là cuộc đời nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn cuộc đời mà nhà thơ như con ong hút tinh túy của cuộc đời. Nghệ sĩ tìm đến cuộc đời, chắt lọc tinh túy nhất để làm nên những vần thơ có giá trị, làm rung động lòng người. Thơ ca trước hết là cuộc đời nhưng chưa phải tất cả, bởi nhờ cuộc đời, ta sẽ bước vào lãnh địa của nghệ thuật. Như Sóng Hồng đã nhận định: “Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời”. Thiếu nghệ thuật, bài thơ như một viên ngọc thô chưa được mài dũa, không thể khơi gợi trái tim con người những rung động sâu sắc. Thơ khi ấy chỉ như một khối chữ trên trang giấy.
Thơ như một cánh diều, muốn cánh diều bay cao, bay xa thì cảm xúc của người nghệ sĩ phải được đẩy lên tột cùng của sự thăng hoa, khi ấy người nghệ sĩ phải thực sự sáng tạo. Sáng tạo thi ca là một quá trình phức tạp. Như một ngọn nến, thi nhân tự đốt cháy tâm hồn mới mong thơ tỏa sáng giữa cuộc đời. Vì “ thơ là kết tinh, thơ là ngọc đọng, thơ là phiến kỳ nam trong rừng trầm hương, thơ là hạt minh châu trong biển hạt trai, thơ là tinh hoa trong vườn phương thảo”. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo phải nhạy bén để nhận mọi tín hiệu, mọi làn sóng để phát đi tiếng nói duy nhất đúng đắn, sâu sắc. Người nghệ sĩ cũng phải biết rung cảm trước cuộc đời. Nhà thơ Lê Quý Đôn khẳng định: “Thơ khởi phát từ trong lòng người”.
Gốc của văn chương nói chung, thơ ca nói riêng là tình cảm, nghĩa là người nghệ sĩ phải rung cảm trước hiện thực đời sống thì mới sáng tạo nên nghệ thuật. Một đòi hỏi không thể thiếu đối với người nghệ sĩ chính là phong cách nghệ thuật độc đáo. Bởi đặc trưng của văn học là sự sáng tạo và có tính chất cá thể. Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt không tạo ra tiếng nói và giọng điệu riêng thì đó là sự tự sát trong văn học. Nhà văn Ivan Sergeyevich Turgenev khẳng định: “Cái quan trọng trong tài năng văn học là giọng điệu riêng biệt của chính mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì người nào khác”. Phong cách nghệ thuật có cội nguồn từ cá tính sáng tạo của nhà văn, là sự hợp thành của thế giới quan, tâm lí, khí chất và cá tính sinh hoạt, đôi khi phong cách nghệ thuật cũng mang dấu ấn dân tộc, phong cách thời đại. Đối với độc giả, để đánh giá một tác phẩm, ta không chỉ chú ý đến ngôn từ mà còn khám phá ra chiều sâu tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ gửi gắm để cảm nhận, rung cảm trước cuộc đời, trước vẻ đẹp của thơ ca người nghệ sĩ. Nếu tác phẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố giá trị của văn chương đối với cuộc đời ấy là vẻ đẹp chân- thiện- mỹ và giá trị nhân bản, thì tác phẩm đã trở thành một tác phẩm chân chính. Nhà văn là người cho máu. Văn chương phải xuất phát từ sự yêu thương, đồng cảm giữa con người với con người, tình cảm càng sâu sắc, tác phẩm càng có giá trị.
Nhắc tới thơ với cuộc đời và nghệ thuật, nếu không kể tới “Truyện Kiều” của Nguyễn Du quả là một thiếu sót lớn. Truyện Kiều đặc biệt ở chỗ không kể riêng lẻ cuộc đời của một người nào đó mà kể về cả một xã hội loài người. Xã hội trong “Truyện Kiều” là xã hội hiện thân thu nhỏ của xã hội đương thời - xã hội của đồng tiền. Nguyễn Du đã đề cập đến hai mặt tốt – xấu của đồng tiền. Đại thi hào không có thái độ một chiều hoặc cực đoan khi nói đến đồng tiền, ông đã sáng suốt phát hiện ra tác dụng tích cực của đồng tiền cũng như tác hại ghê gớm của nó thông qua hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Nguyễn Du đã thẳng tay vạch mặt bọn mặt người dạ thú, vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách, bán rẻ lương tâm. Đó là kẻ bán tơ đã vu oan cho gia đình nhà Kiều để Vương Ông và Vương Quan bị bắt; là lũ sai nha tàn bạo đánh đập cha con Vương Ông.
Ta thấy trong Truyện Kiều quyền lực lớn nhất tập trung vào bọn quan lại trong xã hội phong kiến, Nguyễn Du cũng cho thấy cái xấu xa của bọn quan lại không phải là hiện tượng mà là bản chất. Việc vu oan của tên bán tơ chỉ là cái cớ cho bọn sai nha có dịp đi cướp bóc, hành hạ người khác. Khi kéo về cửa quan thì quan cũng chẳng hơn gì bọn sai nha. Viên quan ở đây đúng là một thứ “cướp ngày”, xử kiện chẳng cần biết phải trái, thực hư, chỉ cần khảo tra cho ra tiền: “Có ba trăm lạng việc này mới xong.” Đó là tên buôn người Mã Giám Sinh lừa gạt, đểu cáng, mượn danh nghĩa đi cưới vợ; là mụ Tú Bà chủ lầu xanh, chuyên kiếm chác tiền bạc trên thân thể, nhân phẩm của người phụ nữ; là tên ma cô Sở Khanh tráo trở, nhâng nháo, vô liêm sỉ, chỉ vì tham tiền mà sẵn sàng làm tay sai cho Tú Bà để lừa gạt Thúy Kiều, buộc nàng phải tiếp khách làng chơi. Đó còn là lũ côn đồ Ưng, Khuyển chuyên sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, bắt cóc, đốt nhà… không ghê tay.
Nguyễn Du đã lớn tiếng tố cáo chế độ xã hội lúc bấy giờ trong truyện Kiều với đồng tiền như một con quỷ dữ khiến cho con người ta quên đi bản thân, quên đi cái lương tâm, nhân cách của con người. Đồng tiền và xã hội ấy đẩy gia đình Thúy Kiều vào cảnh cùng đường, khiến nàng Kiều phải bán mình chuộc cha. Chính vì thế nàng càng trân trọng đồng tiền hơn. Nhưng ở đâu đó trong xã hội đồng tiền ấy vẫn còn ẩn hiện tình người. Đó là tình yêu đôi lứa thủy chung, son sắt của Kim Trọng và Thúy Kiều. Đó cũng là chữ “hiếu” mà Kiều đã bán mình để trả. Là tình cảm giữa Từ Hải và nàng Kiều như tri âm, tri kỉ; là tình người với sư Giác Duyên, sư Tam Hợp,…
Có thể thấy, Truyện Kiều là bức tranh xã hội thu nhỏ mà đầy đủ của mọi loại người lúc bấy giờ, bức tranh ấy với những sắc màu khác nhau tô đậm nét vào văn thơ và phong cách của Nguyễn Du. Đặc biệt ở chỗ với 3254 câu, tác giả đã khéo léo sử dụng thể thơ lục bát đậm đà sắc thái dân tộc, gieo vần độc đáo cùng những nhân vật điển hình của mọi tầng lớp lớn nhỏ trong xã hội. Từ tầng đáy của xã hội là Sở Khanh chuyên lừa lọc với “nghề làm chồng gái lầu xanh” cho tới những viên quan, những người có chức có quyền trong xã hội đương thời. Nguyễn Du như lay động, chạm khẽ mà sâu sắc tới những trái tim biết rung động, khiến cho độc giả cứ ngỡ mình sống trong truyện Kiều và chứng kiến toàn bộ cuộc đời của nàng Kiều vậy. Chẳng vậy mà Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào của dân tộc, là danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Quả thực thi nhân là người nhạy cảm hơn ai hết trước mọi sự biến chuyển của cuộc sống, của thời đại. Thi nhân là người truyền đi mọi làn sóng nghệ thuật mãnh liệt nhất làm cho người ta biết yêu từ những điều nhỏ bé nhất tới những thứ lớn lao, cao cả. Tác phẩm thể hiện đầy đủ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế ấy không thể không kể tới “Vội vàng” in trong tập Thơ thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Với “Vội vàng” nhà thơ Xuân Diệu như cho ta sống, sống một cuộc sống thực sự: sống vội vàng. Sống “vội vàng” không phải là sống nhanh cho qua ngày tháng, mà theo quan điểm của tác giả: Sống “vội vàng” là cuộc sống của một tấm lòng tha thiết với cuộc sống, muốn sống vội để hưởng thụ mọi sắc hương của đất trời, muốn sống để yêu đời, yêu người, sống để cống hiến cho đời những mật ngọt tinh túy nhất. Chỉ khi sống như vậy mới thực sự là sống vì “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Con người vẫn luôn khát khao sống, khát khao yêu nồng cháy nhưng thời gian có hạn. Vạn vật chuyển biến, tuổi trẻ cứ vơi cạn đi theo năm tháng. Tác giả nuối tiếc, tiếc vì không được sống thêm không được nhiệt huyết hơn nữa. Có lẽ Xuân Diệu là một nhà thơ có cái nhìn chân thực và đầy mới mẻ về tuổi trẻ của con người.
Có thể thấy, thơ Xuân Diệu đã thể hiện đầy đủ cái tôi của thời đại mới. Dường như cái tôi ấy là ý thức về giá trị nhân bản, nhân văn, quan niệm táo bạo đầy tính cách mạng trước những quan niệm cũ kĩ vốn cản trở việc giải phóng con người trước khao khát tự do. Đó cũng là sự tha thiết với cuộc sống, niềm vui trần thế, khao khát sống tự do mãnh liệt và tâm hồn cuồng nhiệt, rực lửa. Phong cách nghệ thuật ấy được thể hiện sâu sắc trong bài thơ như mở ra một thiên đường ngay trên mặt đất với cách so sánh liên tưởng độc đáo, mới mẻ: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”…, lối đảo ngữ tinh tế tới lạ, phép điệp và phép đối được phát huy triệt để trong cấu trúc câu thơ, các giác quan được huy động tối đa đưa tới những cảm nhận độc đáo, đặc biệt mà chỉ mình thơ Xuân Diệu mới có. Ông luôn tìm tòi, cảm nhận tỉ mỉ từng chút một trong cuộc biến chuyển của thời gian ấy làm cho độc giả như muốn sống cùng, hòa vào cùng nhịp sống “vội vàng” ấy mà say, mà vui theo hương hoa của đất trời cũng bởi giọng thơ sôi nổi, rạo rực, đầy nhiệt huyết của nhà thơ.
Ý kiến của Bielinxki rất đáng để mỗi nhà thơ, độc giả thưởng thức thơ học tập và suy ngẫm. Thơ chẳng thể ở đâu xa, chẳng thể tìm kiếm đâu đó nơi mảnh đất mới mẻ nào đó, mà thơ chính là cuộc đời mà ta đang sống, đang đặt trọn tình yêu vào từng hơi thở. Thơ kì diệu và đáng quý vô cùng, khi nhà thơ cầm bút, không được phân biệt mình với cuộc đời, có như vậy thơ ca mới sống mãi với cuộc đời. Để làm nên những tác phẩm thơ chân chính, sống mãi với nghệ thuật, với cuộc đời thì tài năng và phong cách của nhà thơ luôn luôn trở thành cốt lõi. Thi nhân phải hòa vào cuộc đời, phải yêu cuộc đời, trân trọng nghệ thuật thì mới mong tồn tại và tỏa hương vào vườn hoa nghệ thuật. Độc giả cũng chẳng thể đứng ngoài cuộc đời ấy, họ phải là những người bạn tâm tình, thấu hiểu nhà văn, nhà thơ, phải sống trong cuộc đời và cảm nhận cùng tác giả những vẻ đẹp ấy.
Ý kiến của nhà phê bình văn học Bielinxki như mở ra một góc mới cho nghệ thuật, cho thi nhân và độc giả: cần phải sống trước đã rồi mới làm nghệ thuật. Khi ấy nhà thơ chính là con ong hút mật, chắt lọc tinh túy của cuộc đời, là đóa hoa hồng ngát hương trong vườn phương thảo làm đẹp cho cuộc đời. Nhà thơ – tác phẩm – độc giả có một sợi dây liên kết, làm lay động biết bao trái tim còn ngủ yên trước vẻ đẹp cuộc đời. Họ cảm nhận lẫn nhau, đồng hành và là người bạn tri âm, tri kỉ trên con đường xây dựng nghệ thuật. Chỉ khi tác giả và độc giả cùng cảm nhận, tác phẩm mới sống và làm đẹp hơn, tô điểm cho nền nghệ thuật độc đáo, phong phú mà mỗi tác giả chính là đóa hồng rực rỡ dưới nắng mai.
Có thể bạn quan tâm: Bình luận ý kiến "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên ... đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra
Nghị luận Thơ trước hết là cuộc đời mẫu số 2:
Hơn hai nghìn năm trước, Trang Tử đã có một triết lí rất hay về biển cả: “Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều ra đi từ đó, nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy”. Văn học cũng như những nguồn nước đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Và hàng ngày, tiếng sóng thuỷ triều vẫn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với những trang thơ. Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ? Mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi khi người nghệ sĩ đến đó chở nắng gió cuộc đời tưới mát cho cây. Thơ ca phải gắn cho mình vào nguồn mạch cuộc sống và nhịp nối giữa thơ với cuộc đời chính là tâm hồn, trí tuệ nhà thơ. Nhà phê bình Nga Bê-lin-xki thế kỷ XIX khi bàn về thơ đã viết: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Người làm thơ, bình thơ xưa và nay đả bộc lộ rất nhiều quan niệm về thơ. Có người cho thơ là “thần hứng” (Pla-tông), là “ngọn lửa thần”, là “cơn điên loạn thần thánh”, “Thơ là sự tuôn trào bột phát những tình cảm mãnh liệt”. Riêng với Bê-lin-xki, nhà phê bình không quan niệm thơ ca phải thuộc về một cõi huyền nhiệm, mông lung, diệu vợi; thơ ca lại càng không phải là “một thứ nghe chơi”, là trò đùa của cảm hứng. Thơ gần gũi mà thân thiết biết bao, thơ gắn với cuộc đời ta đang sống thơ phản ánh cuộc đời theo quy luật văn chương. Cái “trước hết của thơ chính là cuộc đời và để cho cuộc đời trong trang sách, thơ còn phải dừng lại “sau đó là nghệ thuật”.
Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung bao giờ cũng đi ra từ cuộc đời, cũng lớn lên từ hiện thực và rồi từ đó cánh diều nghệ thuật sẽ nhờ gió đời mà cất cánh bay cao. Sẽ “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”; sẽ chẳng có thơ khi người làm thơ không tìm được sợi dây giao nối với cuộc đời, không tìm đến những cánh đồng phì nhiêu để từ đấy hạt giống thơ ca được ươm trồng, nảy nở. Lục Du đời Tống - người đã viết hàng trăm câu thơ lúc sắp mất đã tâm sự với con, lời tâm sự của một hồn thơ đi trọn cuộc đời mới hiểu cái lẽ “công phu của thơ là ở ngoài thơ”. Sức nặng của những trang thơ lại chính là cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó để viết lên từ thứ mực được chưng cất từ chính cuộc sống. Gắn với cuộc sống, đấy là đặc trưng thẩm mĩ của văn học, của tác phẩm văn chương mà nhịp nối là nhà văn - chủ thể sáng tạo. Cuộc sống với những hiện tượng phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ, luyện câu mọi giá trị văn chương chỉ còn là thứ kĩ xảo. Danh sĩ Lê Quý Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì vĩ thì không làm thơ được”. Có thể nói cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào nuôi lớn thi ca, cuộc đời là nguồn nhựa sống dạt dào không bao giờ cạn. Còn nhớ Xuân Diệu khi xưa đã “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Niềm khát khao giao cảm với đời của thi nhân tưởng như đóng chặt:
“Ta là một, là riêng, là thứ nhất
Không có ai bè bạn nổi cùng ta”
Thế nhưng cuộc sống mới chan hoà hơi thở ấm nóng của cách mạng đã như những đợt sóng đánh tan toà lâu đài nghệ thuật, đưa nhà thơ trở về với nhân dân, sung sướng đón nhận nguồn cảm hứng thi ca từ cuộc dời đem lại:
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao”.
Cuộc sống mênh mông vô tận sẽ là nơi cung cấp chất liệu cho thơ. Cuộc sống với hơi thở ấm nóng sẽ tô điểm cho những câu thơ, cho nghệ thuật: “Hãy nhặt lấy chữ ở đời mà viết nên trang” (Chế Lan Viên)”. Thơ ca khởi nguồn từ cuộc đời nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc sống, bóng dáng con người. Thơ mang trong mình những buồn vui, đau khổ, rạo rực đắm say. Thơ nói riêng và văn chương nói chung sẽ làm nên nhịp cầu nối trái tim trở về với trái tim, đưa linh hồn đi tìm những điệu hồn đồng điệu.
Khi Pla-tông cho rằng: “Thơ là thần hứng” thì phải chăng đấy chính là sự thần bí hoá thơ ca? Bởi vì không thể có thi sĩ sống ngoài cuộc đời, sống ngoài những buồn vui đau khổ của hiện thực. Những xao động của nắng gió cuộc đời sẽ khơi nguồn cảm hứng và người thi sĩ chỉ ghi lại tiếng lòng của mình trong phút giây rung động, đắm say. Chế Lan Viên - nhà thơ từng “đóng cửa phòng văn hì hục viết" đã tâm sự:
“Bài thơ anh anh lầm một nứa mà thôi
Còn một nửa để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa”
Đó phải chăng là chiêm nghiệm, là ngẫm suy cửa một nhà thơ hơn ai hết hiểu cái lẽ:
“Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bọc vàng mà đời rơi vãi.
Hãy nhặt chữ của đời mà góp nên trang”
Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và “cái tôi” nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng vỏ bào (Pau-tốp-xki). Nhà thơ phải như chàng trai Sa-mét đi nhặt những “hạt bụi” quý trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên “một bông vàng” giá trị, bông hồng vàng đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ.
Tuy nhiên khi Bê-lin-xki nhận xét: “Thơ, trước hết là cuộc đời” thì liệu cuộc đời ấy có phải là toàn bộ cuộc sống bao la vô tận ngoài kia? Thơ ca “là cuộc đời” nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn bóng hình cuộc sống. Nhà thơ cũng như con ong chỉ đi hút lấy chất mật tinh tế để làm nên mật ngọt cho đời:
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật.
Một mật ngọt thành, đổi vạn chuyến ong bay”
Có người suốt nửa đời người làm thơ đã tâm sự “Đừng cậy thời đại oai hùng nếu tâm hồn anh quá bé” (Chế Lan Viên). Không phải cứ miêu tả hiện thực vĩ đại là tác phẩm trở nên kì vĩ. Nguyễn Du trước ta hai thế kỉ từng viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có lẽ phải có cái “tâm” của người cầm bút, phải có sự xúc động cửa nhà thơ trước cuộc đời thì thơ ca mới trở thành thơ ca, thơ ca mới không đơn thuần là hành động chép sử. Tâm hồn nhà thơ chính là “cửa ải” để từ đó hiện thực cuộc sống vào đến trang thơ. Bằng trải nghiệm của lòng mình, bằng sự chấp nhận giữa nhà thơ với cuộc đời, chính hương phấn cuộc đời và tấm lòng nhà thơ sẽ giao thoa mới làm nên nghệ thuật. Trên đỉnh núi O-den-dơ kì diệu, nơi có những vòm hoa thạch thảo tim tím nên thơ, An-đéc-xen đã nhặt lấy những hạt giống trên luống đất người dân cày mà dệt lên những bài ca bất tận. Những phù sa của một dòng sông Mi-xi-xi-pi miền Tây nước Mĩ đã bồi đắp, bồi đắp mãi cho trang văn Mác-tuên. Để rồi đến bây giờ hơi ấm và chất mặn nồng của con người miền Tây vẫn ám ảnh ta, gợi cho ta nhớ về những chuyên phiêu lưu, những cuộc đời ưa mạo hiểm, cả An-đéc-xen, cả Mác-tuên đều tìm đến với cuộc đời, một cuộc đời mà mình từng gắn bó, yêu thương. Và có lẽ chính sự gắn bó sâu nặng ấy đã đem đến thành công trong trang văn, trang nghệ thuật. Thơ ca phải gắn liền với cảm xúc của người làm thơ. Thi sĩ không chỉ viết bằng “những điều trông thấy” mà phải bằng chính “nỗi đau đớn lòng”. Cuộc sống trong xã hội phong kiến xưa đã được Nguyễn Du thể hiện qua Truyện Kiều bằng sự đồng cảm chân thành.
Khi Bê-lin-xki nói: “Thơ trước hết là cuộc đời” thì ẩn đằng sau đấy, điều mà ông không nói thành lời chính là yêu cầu: cuộc đời mang theo dấu ấn cuộc đời phải được ghi lại bằng trải nghiệm, bằng xúc động của nhà thơ. Cuộc sống Kinh Bắc, miền quê yên bình với những con người chăm chỉ, hiền hòa đã bao ngày ngủ yêu trong tâm can Hoàng Cầm; để rồi chỉ đến khi nghe tin làng quê bị chiếm giữ xúc cảm trào dâng và một Bên kia sông Đuống mới thành hình.
“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì”
Cấu trúc thơ hay cấu trúc cảm xúc “bên kia”, “bên này”, quá khứ hay hiện tại cứ đan xen và nhập nhoè trong tiềm thức nhà thơ. Và một bờ sông của ngày xưa lung linh sắc trắng cứ dần hiện hữu.
Chế Lan Viên viết Tiếng hát con tàu khi chưa lên Tây Bắc nhưng chính tình yêu với mảnh đất, con người, chính tiếng lòng thiết tha, rạo rực khiến bài thơ mãi còn nguyên giá trị. Người ta vẫn thấy một ân tình Tây Bắc với những con người Tây Bắc là anh du kích, là em liên lạc, là mế “lửa hồng soi tóc bọc” nhắc nhở ta trong cuộc sống lao động và chiến dấu hôm nay.
“Thơ trước hết là cuộc đời”, Bê-lin-xki đã nói đến gốc rễ, cội nguồn của thơ. Mỗi bài thơ một cây non phải bám rễ vào cuộc đời và nhà thơ bằng xúc cảm, bằng rung động, bằng sự gắn bó với cuộc đời sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho thơ, nuôi lớn những vần thơ.
Nhận định của Bê-lin-xki nhấn mạnh yếu tố “trước hết” của thơ ca chính là cuộc đời. Nhưng bên cạnh cội nguồn sáng tạo là cuộc đời, thơ còn phải tuân theo những quy luật riêng của nó. Xuân Diệu từng biết “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. “Thơ còn là thơ nữa” phải chăng chính là nghệ thuật làm thơ. Phiếm nghệ thuật, thơ chỉ là những hạt ngọc chưa được mài giữa. Thơ ca cũng như những nghệ thuật sẽ làm gió nâng cánh diều mãi mãi bay cao.
Người đọc xưa và nay đã từng để lòng mình nương gửi theo những khúc hát ca dao:
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Người đọc chỉ nương theo hiện thực một cảnh tát nước để lơ lửng cùng với muôn sắc màu lấp lánh của hình ảnh, cùng với chất hữu tình của một cuộc tát nước đêm trăng.
“Sau đó mới là nghệ thuật”: nghệ thuật sẽ làm cho cuộc đời đẹp hơn và thơ chỉ đến với người đọc khi bên trong nó không chỉ có cái đẹp nội dung mà cần cả cái đẹp hình thức. Có không ít nhà thơ trong sáng tạo đã bỏ biết bao sức lực để lựa chọn ngôn ngữ, để lựa chọn bộ cánh cho thơ. Gia Đảo vì băn khoăn hai chữ “thôi”, “xao” mà chút nữa mất mạng. Còn Mai-a-cốp-xki từng nhận xét:
“Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm Radium
Lấy một gam phải mất hàng ngàn năm
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ”.
Nhà thơ phải “trả giá cắt cổ” cho ngôn ngữ thơ ca nếu muốn những vần thơ ấy trở thành nên bất tử, lao động nghệ thuật là hình thức lao động cửa trí óc, con tim. Phải có những rung động mãnh liệt trước cuộc đời và những khám phá sáng tạo độc đáo, ta mới có thơ ca chân chính. Người đọc Truyện Kiều không yêu vì nó phản ánh một Đoạn trường tân thanh xé ruột cắt lên từ quãng đời mười lăm năm lưu lạc. Người ta yêu Truyện Kiều còn bởi là những ngôn từ gấm hoa giàu sắc biểu cảm, vì giọng điệu mượt mà, vì tài nghệ nhà thơ trong những câu thơ vào loại tuyệt bút:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”.
Nếu chỉ cố gắng tìm hiện thực cuộc đời, tâm hồn dân tộc phản ánh trong những câu văn, Nguyễn Tuân không phải không có lúc làm người đọc phải thất vọng. Sở dĩ những trang văn Nguyễn Tuân mãi còn bất tử bởi vì ngòi bút tài hoa, uyên bác bởi tấm lòng nặng nợ với dân tộc đã thăng hoa trong những ngôn từ câu chữ. “Sau đó mới là nghệ thuật”, nghệ thuật thơ trước hết nằm ở hình hài câu chữ, nằm ở ngôn từ sống động hay hình ảnh trong thơ.
Khác với ngành khoa học luôn loại trừ cái cá biệt để tìm đến quy luật, bản chất của đối tượng; nghệ thuật là lĩnh vực của cái riêng, cái độc đáo... Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật người làm thơ phải luôn ý thức: sáng tạo ra cái độc đáo. Không ai đòi hỏi một khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế này, xúc động thế kia. Đấy là công việc của người làm thơ. “Sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể”. Bởi vì mỗi tâm hồn là một “vương quốc riêng” mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ nên thật khó tìm thấy sự trùng lặp trong sáng tạo, Khi nhà văn ý thức được sự thiêng liêng trong hai từ “nghệ sĩ”, người làm thơ cũng phải ý thức được công việc của nhà thơ là phải đi tìm cho mình một cá tính sáng tạo. Bởi vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca. Độc đáo luôn là yêu cầu muôn đời của văn chương, nghệ thuật. Thơ ca viết về mùa thu xưa và nay có rất nhiều. Một “rừng phong hạt móc sa” của Đỗ Phủ, một “giếng ngọc sen tàn bông hết thắm” của Lê Thánh Tông, một mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến, Tản Đà..., có cảm tưởng như biết bao vẻ đẹp về mùa thu đều được nói cả rồi. Vậy mà đến Xuân Diệu, nhà thơ vẫn tìm cho mình một cách nói riêng:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống, lệ ngàn hàng
Đây - mùa thu tới! Mùa thu tới!
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Xuân Diệu không tả mùa thu mà ghi lại cảm nhận, ghi lại khoảnh khắc giao mùa kì diệu với bước đi của thời gian, trong bước chuyển đổi không gian huyền hồ, tinh tế: Đây - mùa - thu - tới. Hiện thực mùa thu khi đi qua tâm hồn Xuân Diệu đã in đậm đấu ấn của một tiếng lòng nồng nhiệt, khao khát: “Xuân và Thu đều là hai bình minh ấm của lòng tôi? Và rồi từ điểm nhìn ấy, con chim hoạ mi Xuân Diệu đậu trong bóng tối để: “hót ra bằng tiếng hót ngọt ngào”.
Thơ phản ánh một cuộc đời, số phận nhưng cuộc đời ấy đã đi qua một tâm hồn một trí tuệ người làm thơ. Vì vậy mà “càng cá thể càng độc đáo càng hay”. Lại nghĩ về Hoàng Cầm trong những vần thơ Bên kia sông Đuống. Vẫn là một cảm hứng về quê hương đất nước tưởng đã quên trong thơ Nguyễn Đình Thi, Vũ Dao, Giang Nam..., thế mà người thơ vẫn tìm thấy cảm hứng riêng, cách thể hiện riêng độc đáo. Phải chăng hiện thực về miền quê đau thương trong kháng chiến đã đi qua tâm hồn người con xa xứ. Và chính nỗi đau ám ảnh nhà thơ, chính tiếng lòng khắc khoải: khấn lạy mẹ, con trở về Kinh Bắc” đưa về cuộc tuần du của Hoàng cầm đẩy chiếc xe thơ trở về Bên Kia sông Đuống.
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”.
Bằng ẩn ức riêng, hiện thực nơi thơ Hoàng Cầm đã cơ hồ dấy lên những miền lưu viễn tâm linh. Lại nhớ đến nước Nga khi mới đến làng Văn, Tsê-khôp đã tự coi mình là môn đệ trung thành của chủ nghĩa hiện thực Lép Tôn-xtôi. Để rồi sau đấy nhà văn tâm sự: “Tôn-xtôi đã đi khỏi không còn ngự trị trong tâm hồn tôi nữa. Trước khi đi ông nói với tôi rằng: từ nay tôi để lại ngôi nhà của anh trống rỗng, tôi đã thoát được khỏi sự ở trọ này. Nhà văn đi tìm mình, đi tìm một cách thể hiện mới: chủ nghĩa hiện thực tâm lí. Và rồi chỉ đến khi đó, những tác phẩm cửa Tsê-khốp mới còn sống mãi trong lòng người đọc.
Khi Bê-lin-xki nói: “Sau đó mới là nghệ thuật” thì có lẽ nhà phê bình muốn khẳng định, dù phản ánh cuộc sống thế nào thơ ca vẫn phải tuân theo quy luật của nó. Thơ vẫn là sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, vừa là sự độc đáo của cá tính sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.
“Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Bê-lin-xki đã hoàn toàn đúng khi định nghĩa về thơ. Có thể đây chưa phải là định nghĩa cuối cùng và duy nhất đúng cho thơ ca nhưng mãi mãi ý kiến đó vẫn còn nguyên giá trị. Nhà thơ hãy đến với cuộc đời rộng lớn ngoài kia để bằng xúc cảm nhặt lấy những tinh chất cuộc đời. Và những tinh chất quý, bằng tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ sẽ làm cho cuộc đời ấy đi vào trong thơ trở nên bất tử, cho tác phẩm thơ và tên tuổi người nghệ sĩ còn sống mãi với thời gian.
Tôi còn nhớ trong Lẵng quả thông của Pau-tốp-xki - nhà soạn nhạc Gri-gô đã sáng tác một bản nhạc tặng cho Đa-nhi khi cô tròn 18 tuổi. Bản nhạc ấy khiến cô nghe thấy tiếng động của biển quê, tiếng tù và lưng núi, tiếng rừng thông vi vu gió thổi... Tất cả đã làm cháy lên trong cô khát khao hạnh phúc: “Hỡi cuộc sống Ta yêu người”, nó giúp chú Nin-xơ hiểu rằng “cuộc đời cháu ông sẽ không trôi qua vô ích”.
Có lẽ tác phẩm nghệ thuật chân chính là như vậy chăng? Nó tưới mát tâm hồn ta, nó giúp ta thấy được cuộc đời ta đang sống. Bằng giai điệu dịu dàng, êm nhẹ, nó sẽ còn vang đọng mãi trong ta những bài ca, những bản tình ca êm ái. Và nên chăng mọi sáng tác thơ ca hãy nên như một bản nhạc của E-đu-a-giơ với sức hấp dẫn “trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Đúng như ý kiến của nhà phê bình Bi-ê-lin-xki: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Nghị luận Thơ trước hết là cuộc đời mẫu số 3:
Nếu như Pau Xtopxki đã từng có niềm xúc cảm mãnh liệt: “Anđécxen đã lượm nhặt hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những bó hoa thơ tuyệt đẹp, chúng an ủi trái tim những người cùng khổ”. Thì sang đến thế kỉ XIX, Belinxki đã khẳng định: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Nhận định của V. Belinxki đã khái quát được một trong những đặc trưng cơ bản nhất của thơ ca. Có lẽ, để giải thích hết sự kì diệu của thơ ca từ khi nó ra đời và gieo vào tâm hồn của người nghệ sĩ những hạt mầm xanh tốt thì vẫn chưa tìm ra được một định nghĩa trọn vẹn, hoàn chỉnh. Chúng ta vẫn thường công nhận một bài thơ hay hoặc xuất sắc, nhưng liệu rằng, ta đã bao giờ trả lời được câu hỏi bình thường nhất: “Thơ là gì? Thơ bắt nguồn từ đâu? Theo quan niệm của Belinxki, thơ ca không phải là điều gì đó xa vời thực tế, mông lung hay trừu tượng, mà là một khái niệm vô cùng gần gũi: “Thơ trước hết là cuộc đời..”. Trong câu nói của Belinxki chữ “cuộc đời” như một vì sao được chiếc đòn bẩy “trước hết” bật vào từ “thơ”, làm sáng lên một ánh sáng lung linh rạng rỡ. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống.
Nếu như giai điệu, âm thanh là chất liệu của âm nhạc, màu sắc, đường nét là chất liệu của hội họa thì “cuộc sống” chính là chất liệu tạo nên thơ ca. Hay nói cách khác tất cả những điều diễn ra trong cuộc sống hang ngày dù bình dị hay phi thường, dù hạnh phúc hay khổ đau đều được phản ánh chân thực nhất trong các tác phẩm thơ ca. Từ ngàn đời xưa, khi đã bắt đầu xuất hiện sự sống, thơ ca đã bám rễ vào cuộc đời, hút lấy nguồn nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong long cuộc sống và đến với người đọc một cách bình dị nhất. Danh sĩ Lê Quý Đôn đã từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi non kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được”. Thơ ca là sự sống. Nếu một tác phẩm thơ ca mà không bắt nguồn từ những vật liệu mưởn ở thực tại thì mãi mãi chỉ là một tác phẩm ngôn từ sáo rỗng, cằn cỗi khô khan. Và nếu thơ ca là một cây đại thụ thì gốc rễ của nó phải được nảy mầm từ hạt giống là cuộc sống muôn hình vạn trạng ngoài kia, được chăm sóc và tưới nước cẩn thận thì mới có thể phát triển và vươn những tán lá xanh rộng lên bầu trời cao vời vợi. Thơ ca gần gũi với cuộc sống của con người tới mức: “Từ bao giờ đến bây giờ, từ Hô-me-rơ đến kinh thi, đến ca dao, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn vói loài người đến ngày tận thế”. Thơ ca khơi dậy trong lòng ta lớp lớp những đợt song cuộn trào và muôn vàn cung bậc tình cảm: yêu thương, căm giận xót xa, nghẹn ngào, lưu luyến, bang khuâng… bởi thơ là đời, thơ là hoa nảy nở từ mảnh đất cuộc đời dào dạt nhựa sống. Như vậy xét đến cùng, cuộc sống là nơi cung cấp chất liệu cho thơ.
Ngày còn bé nghe lời ru của bà của mẹ, và cứ thế ta lớn lên, trưởng thành. Có những câu hát thơ đầy ý vị:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”
Nhớ mùi vị canh rau muống xanh rờn, nhớ bát cà dầm tương bình dị mà sao đậm đà khó quên. Mẹ bồi đắp cho con từ đó một tình yêu quê nhà thân thiết. Và thế là một chút kí ức thân quen lại ùa về trong tâm trí ta qua những vần thơ mộc mạc, chân thành. Chỉ là một bát cơm nhà bình thường mà sao qua câu hát thơ lại trở nên nặng tình nặng nghĩa đến như vậy!
Ta lại cùng trải nghiệm cái khoảnh khắc giao mùa đầy tinh tế trong thơ của Hữu Thỉnh:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
Câu thơ không chỉ đơn thuần là giọng kể mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm về đời người. Nhìn thấy cảnh vật biến chuyển khi thu đến, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã “đứng tuổi”. Phải chăng mùa thu của đời người là sự khép lại những tháng ngày sôi nổi với những bất thường bồng bột của tuổi trẻ và mở ra một mùa mới, yên tĩnh trầm lắng hơn. Con người khi bước vào mùa thu của cuộc đời từng trải không còn bị bất ngờ, bị động trước những khó khan thử thách của cuộc sống. Thu đến rất nhẹ nhàng mà ra đi cũng rất lặng lẽ. Thu không đánh thức ta bằng những âm thanh rung động, màu sắc lộng lẫy, hương vị ngọt ngào mà gieo vào lòng ta những thoáng xao động, mơ màng, gợi cho ta nhưng suy nghĩ sâu sa về cuộc sống. Rõ ràng, chính thiên nhiên đầy tươi đẹp kia đã được Hữu Thỉnh “thi vị hóa” vào trang thơ của mình. Lại một lần nữa, thơ ông càng làm rõ quan điểm: “thơ trước hết là cuộc đời’.
Cuộc sống mênh mông và kì diệu làm sao! Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống, cho nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc sống, bóng hình con người. Thơ ca không thể tách rời cuộc đời. Nhưng nếu thơ chỉ là cuộc đời thôi thì chưa đủ. Nếu như thơ ca thiếu “nghệ thuật” thì sẽ chỉ là hòn ngọc thô, không được mài giũa, không thể khơi dậy trong trái tim của con người những rung động sâu xa. Như vậy, Belinxki đã không phủ nhận vai trò của yếu tố làm nên thi ca này.
Thơ cất lên từ biển cuộc đời và bay cao từ ngọn gió nghệ thuật. Bằng tài năng của mình, nhà thơ phải biết đưa nó tới người đọc một cách trọn vẹn nhất. Bởi “nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người, thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên”. Một tác phẩm chỉ thực sự thành công khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự rung động của trái tim người nghệ sĩ và dấu ấn phong cách của người cầm bút. Thơ phải thực sự lay động đến trái tim người đọc, chạm đến những góc tối nhất bên trong con người, “khơi được những điều chưa ai khơi”.
Đến với “Đây thôn Vĩ Dạ” là đến với một thế giới thơ kì ảo mà vẫn làm đắm say lòng người:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Bốn câu thơ gợi ra một không gian xứ Huế trong mộng tưởng của nhà thơ. Lời thơ tha thiết mời gọi pha chút trách móc hướng tâm hồn người đọc đến một xứ Huế đẹp mộng mơ. Cảnh vật gần gũi giản dị đẹp mộc mạc đơn sơ như chính con người nơi ấy. Khu vườn xanh mướt, sắc xanh của sự sống trong khoảnh khắc hửng đông, bắt đầu một ngày mới, đón thứ nắng tinh khôi trong trẻo như hiện hữu ngay trước mắt người đọc. Vẻ đẹp của con người Huế đôn hậu, chân thành mà duyên dáng. Vẻ đẹp của con người và thiên nhiên đó trở thành một đặc trưng cho những cảm hứng của thơ ca lãng mạn đầu thế kỉ XX.
Bức tranh tứ bình trong Việt Bắc cũng mang đến vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Tây Bắc nhưng bằng cảm nhận về cái đẹp của một nhà thơ cách mạng:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Cảnh vật núi rừng Tây Bắc dưới con mắt của một nhà thơ chiến sĩ lại hiện ra hoàn toàn khác biệt. Vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Tây Bắc ở những thời điểm khác nhau nhưng đều toát lên một sức sống căng tràn. Có thể nói Tố Hữu đã thể hiện cái nhìn cảm quan tinh tế khi gợi ra được vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc cũng như con người nơi đây. Và còn rất nhiều phong cách khác nữa: Một Xuân Diệu nồng nàn tươi trẻ với những vội vàng cuống quýt vồ vập trong tình yêu; một Huy Cận mênh mang thiên cổ sầu; một Hàn Mặc Tử đau đáu tín hiệu mong chờ cứu nạn, từ thế giới sương sần, tê điếng hướng ra thế giới bên ngoài, thế giới của sự sống và sinh sôi… Vậy đó, thơ ca chính là kì diệu như vậy đó! Đến với thơ nghĩa là ta đến với cuộc đời qua lăng kính nghệ thuật của nhà thơ. “Và người nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng (M.Gorki).
“Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Khẳng định này vô cùng đúng đắn về thi ca. Belinxki đã cho người đọc thấy được sự kì diệu của thơ ca. Thơ ca khơi dậy trong lòng ta những tình cảm mà ta không ngờ tới, cho ta có thêm nhiều cảm xúc mới mẻ. Nhà thơ phải yêu “cuộc đời” và trân trọng “nghệ thuật” mới vun đắp những vần thơ nở ra những cánh hoa thơm ngát tô điểm cho con người và cuộc đời.
-/-
Các bạn vừa tham khảo một số bài văn mẫu hay nhất nghị luận về câu nói Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật. Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 12 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !