Thơ là thơ đồng thời là hoạ là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng

Xuất bản: 17/09/2019 - Cập nhật: 19/09/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý và bài văn mẫu nghị luận về quan điểm: Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.

Bạn đang tìm bài văn mẫu chứng minh nhận định Thơ là thơ đồng thời là hoạ là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng? Bạn đã tìm đúng chỗ rồi đấy, Đọc Tài Liệu xin giới thiệu đến các bạn dàn ý chi tiết và bài văn nghị luận hay nhất giúp bạn định hướng nội dung và làm bài tốt hơn với đề tài này.

Đề bài: "Thơ là thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng" (Sóng Hồng).

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?

Lập dàn ý chi tiết chứng minh qua bài thơ Tây Tiến

I. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn ý kiến: Thơ là thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.

II. Thân bài

1. Giải thích nhận định:

– Thơ là thơ: Thơ trước hết phải là chính nó, nghĩa là phải mang đầy đủ những đặc trưng riêng khác với bất kì loại hình nghệ thuật nào: truyện, kịch… Thơ là phương thức trữ tình, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc được thể hiện bằng một cấu tạo ngôn ngữ đặc biệt.

– Thơ đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng:

+ Thơ là họa: Họa có nghĩa là hội họa, đặc trưng ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, thơ có thể gợi lên trong tâm trí người đọc những hình ảnh, chi tiết sống động, chân thực như bản thân sự sống vốn có.

+ Thơ là nhạc: Nhạc là âm nhạc. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính. Tính nhạc của thơ thể hiện ở: thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp, thanh điệu,…

+ Thơ còn là chạm khắc: Khả năng tạo dựng hình khối, đường nét sống động, chân thực của ngôn ngữ thơ ca.

=> Sóng Hồng đã khẳng định tính chất kì diệu của thơ ca: thơ là thơ nhưng thơ còn có màu sắc, đường nét của hội hoạ, thanh âm của âm nhạc và hình khối của chạm khắc. Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện ấy phải được thể hiện theo “một cách riêng” nghĩa là nhà thơ phải có phong cách nghệ thuật riêng.

2. Phân tích bài thơ Tây Tiến để chứng minh nhận định trên

– Chất thơ của Tây Tiến:

+ Bài thơ thể hiện cảm xúc mãnh liệt của Quang Dũng: nỗi nhớ đơn vị cũ, nhớ thiên nhiên núi rừng, con người Tây Bắc.

+ Ngôn ngữ thơ hàm súc, đa nghĩa, có tính biểu cảm cao.

– Tây Tiến cũng là bài thơ giàu chất hoạ, chất nhạc và điêu khắc:

+ Chất hoạ: Bức tranh thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, bí ẩn, dữ dội, mà mĩ lệ  thơ mộng trữ tình.

+ Chất nhạc: phép đối, điệp âm, sử dụng từ láy, cách ngắt nhịp, phối thanh Bằng – Trắc… => tạo nên giọng điệu gân guốc, mạnh mẽ khi nói về con đường hành quân gập ghềnh, trắc trở; giọng điệu êm đềm man mác khi nói về thiên nhiên thơ mộng trữ tình; giọng thơ vui tươi, khoẻ khoắn khi tái hiện kỉ niệm về tình quân dân thắm thiết trong đêm liên hoan.

+ Đường nét của điêu khắc: chạm khắc bức tượng đài về người lính Tây Tiến sống động, chân thực, mang vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn mà bi tráng.

– Bài thơ Tây Tiến thể hiện phong cách riêng, độc đáo của Quang Dũng: bút pháp lãng mạn và tinh thần bi tráng, hồn thơ bay bổng và ngôn ngữ sáng tạo, tinh tế, tài hoa.

3. Đánh giá chung

– Ý kiến của Sóng Hồng đã khẳng định sức sống và vẻ đẹp của thơ ca.

– Bài thơ Tây Tiến xứng đáng là một trong những thi phẩm xuất sắc của nền thi ca cách mạng Việt Nam.

III. Kết bài:

- Thơ là kết quả của sự thăng hoa cảm xúc, là sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Mỗi bài thơ là sự kết tinh vốn văn hoá, thể hiện cái nhìn về cuộc đời và biểu hiện những trạng thái xúc cảm của người sáng tác.

- Để sáng tác được những bài thơ hay, nhà thơ không chỉ cần cảm xúc mãnh liệt, chân thành mà còn cần có tài năng trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, thanh điệu, nhịp điệu thật độc đáo để tạo được phong cách riêng của mình.

Tham khảo thêm:

Bài văn mẫu chứng minh Thơ là thơ đồng thời là hoạ là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng

Thơ là một loại thể văn học nảy sinh từ rất sớm trong đời sống con người, nó phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. Thơ mang những đặc trưng chính như nhân vật trữ tình, tứ thơ, giọng điệu, ngôn ngữ. Có nhiều lời luận bàn khác nhau xung quanh các đặc trưng của thơ ca nói chung và thơ trữ tình nói riêng. Đứng từ góc độ giọng điệu, ngôn ngữ, nhà thơ Sóng Hồng đã có nhận xét rất tinh tế về thơ: “Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Qua hai tác phẩm thơ đã được học: “Việt Bắc” của Tố Hữu và “Tây Tiến” của Quang Dũng, bài viết sẽ đi sâu phân tích những biểu hiện của tính họa, tính nhạc trong hai tác phẩm, qua đó góp phần làm sáng tỏ ý kiến của Sóng Hồng khi luận bàn về một trong những phương diện đặc biệt quan trọng của thơ: ngôn ngữ.

Hình ảnh (chất họa) trong thơ có tác dụng khơi gợi trí tưởng tượng của bạn đọc. Bộ tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc là một minh chứng sống động cho: “Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa”. Nỗi nhớ của người về xuôi đối với Việt Bắc hiện lên trong từng sắc màu, từng dáng vẻ, gợi hình ảnh của thiên nhiên và con người trong từng thời gian và không gian Việt Bắc. Người ra về nhớ cả hình ảnh bốn mùa của Việt Bắc. Đó cũng là cái cớ rất đẹp để nhà thơ phác họa bức tranh đẹp rực rỡ và thơ mộng của núi rừng, gợi hình ảnh của nhân dân Việt Bắc ân tình thủy chung:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi dang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Bức tranh được diễn tả bằng những câu thơ êm ả, nhẹ nhàng, có màu sắc tươi tắn, rực rỡ, có ánh sáng lung linh, chan hòa, có thanh âm vui tươi, đầm ấm. Cảnh và người hòa quyện với nhau: bốn cặp lục bát tả bốn mùa thì câu trên nhớ cảnh, câu dưới nhớ người. Mà cảnh nào, người nào được nhắc đến đều có cái riêng để nhớ. Tất cả đã hiện lên trước mắt ta một bức tranh Việt Bắc tuyệt diệu, nên thơ qua nét bút chấm phá tài tình của tác giả.

Mỗi mùa được nhà thơ nhớ lại bằng một nét vẽ tiêu biểu nhất với cách diễn tả tinh tế, gợi cảm. Nhớ mùa đông Việt Bắc là nhớ tới: "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”. Giữa cái bạt ngàn của màu xanh, hiển hiện một màu sắc ấm nóng: “đỏ tươi”, bức tranh mùa đông Việt Bắc đâu còn cái lạnh lẽo, hoang vu nữa! Cái tài của nhà thơ là ở chỗ, ông đã thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Việt Bắc dựa trên sự am hiểu về hội họa: khéo léo kết hợp màu xanh bạt ngàn của lá cây rừng với những đốm màu đỏ của hoa chuối đang lấp ló tỏa ánh rực rỡ. Bức tranh không chỉ có cảnh mà quan trọng hơn, trên nền khung cảnh rực rỡ ấy xuất hiện hình ảnh người lao động miền núi: “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Lại một lần nữa ta nhận thấy sự tinh tế trong quan sát, miêu tả của Tố Hữu. Người đi rừng bao giờ cũng có một con dao trần dắt lưng, khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, con dao phản quang tạo ra một luồng sáng kì diệu, lấp lánh.

Xuân sang, sắc màu lại đổi khác, tràn ngập, sinh sôi một màu trắng tinh khiết, thơ mộng: “Mùa xuân mơ nở trắng rừng”. Bức tranh mùa xuân lại chuyển sang gam màu lạnh. Ngày xuân, rừng núi phủ một màu trắng tinh khiết của hoa mơ. Động từ “nở” khiến cho màu sắc như đang vận động, màu trắng càng trở nên ám ảnh đối với người đọc.

Nếu như sắc màu chủ đạo của mùa đông là màu xanh, điểm vào đó sắc đỏ khó quên của hoa chuối rừng, cảnh xuân là màu trắng hoa mơ thì mùa hè lại hiện lên vói màu vàng tươi đẹp của rừng phách: “Ve kêu rừng phách đổ vàng”. Hai hiện tượng ít liên hệ với nhau, giờ đặt cạnh nhau, bỗng tạo ra một liên tưởng nhân quả lạ lùng: ngỡ tiếng ve vàng rực giống như bát màu sóng sánh đổ loang cả rừng phách. Cách diễn tả thật độc đáo, nửa hư, nửa thực, gợi vẻ đẹp thơ mộng rất riêng của Việt Bắc.

Cảnh thu Việt Bắc lại được miêu tả về đêm với bầu trời cao rộng và mảnh trăng thu thanh bình. Những đêm trăng thu nổi lên “tiếng hát ân tình thủy chung” như tạc vào trong dạ của người ra đi.

Như vậy, màu sắc, đường nét của cảnh rừng Việt Bắc được miêu tả trong sự vận động của thời gian, không gian. Mùa nào cảnh rừng Việt Bắc cũng đẹp, cũng nên thơ, đáng yêu, đáng nhớ. Có thể coi đây là bộ tranh tứ bình đặc sắc của cảnh rừng Việt Bắc kháng chiến mãi in đậm trong tâm trí bạn đọc.

Bên cạnh bộ tranh tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc”, chúng ta cũng không thể quên những hình ảnh dữ dội cũng như thơ mộng trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Đó là:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Ở đây, bút pháp miêu tả của nhà thơ đã đạt đến độ kết tinh. Trước mắt bạn đọc hiện lên một bức tranh hùng vĩ, dữ dội, hiểm trở.

Cạnh nét phác gân guốc về một Tây Bắc hùng vĩ là những nét mềm về một Tây Bắc thơ mộng. Cái thực, cái ảo đan cài vẽ nên đêm liên hoan lửa trại đầy cuốn hút:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.

Một bức tranh đêm lấp lánh ánh đuốc bập bùng, nổi trên ánh lửa hồng là hình ảnh những cô gái Lào xinh đẹp, duyên dáng trong “xiêm áo” sặc sỡ với những điệu múa làm say đắm lòng người.

Nhưng, câu thơ giàu chất tạo hình hơn cả là:

“Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Tình yêu đối với dòng sông, con suối, dáng người, con thuyền, nhành hoa cộng với cái tài hoa sẵn có trong người nghệ sĩ đã giúp nhà thơ tạo nên một bức tranh thơ mộng, cuốn hút đến lạ lùng.

Có thể khẳng định rằng chất họa đã đem đến cho thơ ca sức khơi gợi trực tiếp từ những ngôn từ giàu tính tượng hình. Thơ mà thiếu đi chất họa sẽ trở nên nghèo nàn về cảm xúc bởi thơ không chỉ là thơ mà “đồng thời là họa”.

Bên cạnh tính họa, ngôn ngữ thơ còn mang tính nhạc. Thơ vốn phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu riêng của nó. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ - mà bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Âm thanh, nhịp điệu thêm hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không thể nói hết... Tất nhiên, cũng không thể giải thích ý nghĩa của âm thanh, nhịp điệu mà không xuất phát từ nội dung của từ ngữ.

Để thưởng thức nhạc điệu của thơ, xưa nay người ta vẫn thích ngâm thơ, đọc thơ. Vì chú ý đến nhạc tính, thơ ca nhiều nước đã quy định khuôn nhịp - tức là số chữ trong một dòng, nhịp điệu - nói về cách phối hợp âm thanh và cách ngắt nhịp và vần - tức là sự hiệp âm cuối dòng hay giữa dòng. Tất cả những điều đó cốt để thơ có nhạc tính. Có thể nói rõ nhạc tính trong thơ thể hiện ra ở ba mặt sau: sự cân đối, sự trầm bổng và sự trùng điệp. Kết hợp hài hòa đủ những yếu tố ấy, thơ sẽ trở nên trầm bổng như một khúc ca mang đậm cảm xúc.

Tố Hữu và Quang Dũng hẳn cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nhạc tính trong thơ. Vì vậy, trong tác phẩm của họ, chúng ta luôn cảm nhận được chất nhạc lan tỏa.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Là một khổ thơ đầy âm điệu, âm điệu dựng thành dốc: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “cao”, “xuống”... cứ hun hút đến ghê người. Giữa âm điệu ghồ ghề của những thanh trắc, câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” thả xuống toàn thanh bằng, tạo một dấu lặng đột ngột của khúc quân hành, mở ra nét nhạc bâng khuâng man mác hồn người. Bút pháp lãng mạn của thi sĩ còn chộp bắt âm thanh ghê rợn của “thác gầm thét”, “cọp trêu người” để tô đậm vẻ hoang dại, bí mật của rừng thiêng - dữ dội, để rồi đột ngột mở ra một thế giới người ấm áp mà da diết:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

“Nhớ”... “Tiến"... “Khói"... ba thanh trắc bay lên như tạc hình tia khói mảnh len qua kẽ lá, tỏa lan ấm áp cả rừng chiều. Ở đây, sự hòa quyện độc đáo giữa âm thanh, hình ảnh đã để lại một ấn tượng khó phai mờ trong lòng độc giả.

Hai câu thơ cuối vang dội như một khúc nhạc kì vĩ:

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Âm hưởng bi hùng của khúc chiêu hồn tử dội lên từ chữ “gầm”. Chữ “gầm” lại được trao cho “sông Mã” thành tiếng khóc lớn của thiên nhiên, vừa đưa cái chết của người lính vào cõi trường cửu, vừa nâng cái chết lên tầm sử thi hoành tráng.

Không chỉ có Quang Dũng và “Tây Tiến” đã để lại những thanh âm vang đội trong lòng bạn đọc. Với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, ảnh hưởng nhiều bởi dân ca, nhất là dân ca Huế, thơ Tố Hữu cũng mang đậm chất nhạc trong ngôn ngữ.

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Các nốt láy “Mình về mình có nhớ ta”, “Mình về mình có nhớ không” ngân lên những âm hưởng thật da diết. Ta nghe thấy sự quen thuộc tựa như một khúc hát giao duyên:

“Mình về có nhớ ta chăng,

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”...

Về thể thơ, Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc (như lục bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ) và có những sáng tạo làm phong phú thêm cho các hình thức thơ ca này. Trong thơ Tố Hữu có thể bắt gặp một cách phổ biến những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Sáng tạo hình ảnh trong thơ Tố Hữu thiên về giá trị biểu hiện tình cảm hơn là giá trị tạo hình, thậm chí nhà thơ còn sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng khá quen thuộc. Thơ Tố Hữu giàu nhạc điệu, đặc biệt phong phú về vần và những phối âm trầm bổng nhịp nhàng nên dễ ngâm dễ thuộc.

Ngoài tính nhạc và tính họa thể hiện trong ngôn ngữ, mỗi nhà thơ còn để lại những “chạm khắc riêng” trong lòng bạn đọc. Chính điều đó đã tạo nên phong cách độc đáo, riêng biệt không thể trùng lẫn giữa họ.

Nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến. Giọng điệu ấy có phần là do được thừa hưởng từ điệu tâm hồn con người xứ Huế với những câu ca, giọng hò tha thiết ngọt ngào của quê hương. Nhưng nó cũng được xuất phát từ một quan niệm của nhà thơ: “Thơ là chuyện đồng điệu (...), thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Nhà thơ đặc biệt dễ rung động với nghĩa tình cách mạng, luôn hướng đến đồng bào, đồng chí mà giãi bày tâm sự, trò chuyện, kêu gọi, nhắn nhủ. Thơ Tố Hữu phần nhiều có cách diễn đạt tự nhiên, hơi thơ liền mạch. Chính những yếu tố trên tạo nên nét “chạm khắc theo một cách riêng” ở thơ Tố Hữu và cũng chính vì điều đó mà bạn đọc mọi thế hệ mãi mãi yêu mến thơ ông.

Là một thể loại nằm trong phương thức trữ tình, bản chất của thơ được thể hiện rất đa dạng với nhiều biến thái và màu sắc phong phú. Một trong những yếu tố không thể thiếu trong quá trình sáng tác thơ ca là ngôn ngữ. Mỗi nhà thơ luôn phải nhớ: ngôn ngữ thơ gắn liền với tính họa và tính nhạc. Để Tố Hữu hay Quang Dũng có thể trở thành những nhà thơ lưu danh hậu thế, chính họ đã luôn tâm niệm: “Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”.

-/-

Vậy là Đọc Tài Liệu đã vừa hướng dẫn các em lập dàn ý chi tiết kèm bài làm mẫu cho đề bài nghị luận về ý kiến: Thơ là thơ đồng thời là hoạ là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng. Các em có thể dựa trên những hiểu biết, kiến thức của mình để triển khai nội dung dàn ý trên thành một bài văn hoàn chỉnh với đầy đủ dẫn chứng nhằm tăng tính thuyết phục với người đọc. Chúc các em làm bài tốt và đạt kết quả cao !

Thơ là thơ đồng thời là hoạ là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM