Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi

Xuất bản: 30/01/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi, tham khảo top 3+ bài văn mẫu hay bàn về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học

Tài liệu hướng dẫn thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi, gợi ý cách làm, dàn bài chi tiết cùng TOP 3+ mẫu bài thảo luận bàn về một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học.

Dàn ý bài thảo luận về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi

Dàn ý chung

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần thảo luận, được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học.

- Nêu ý nghĩa của vấn đề đối với lứa tuổi học sinh.

2. Thân bài

a) Giải thích vấn đề

- Khái niệm của vấn đề.

- Nguyên nhân, biểu hiện của vấn đề.

- Hậu quả của vấn đề.

- Nêu ý kiến cá nhân về vấn đề.

b) Bàn luận về vấn đề cần thảo luận

- Vai trò, ý nghĩa của vấn đề.

- Những giải pháp để giải quyết vấn đề.

- Đưa ra những dẫn chứng cụ thể từ thực tế hoặc từ tác phẩm văn học đã học để chứng minh cho những ý kiến của mình.

- Mở rộng vấn đề, nêu những khía cạnh khác của vấn đề

3. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần thảo luận.

- Đưa ra lời kêu gọi, hành động cụ thể.

Dàn ý vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Mở bài

- Giới thiệu vấn đề: Vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một vấn đề quan trọng, thiết thực trong đời sống.

- Nêu ý nghĩa của vấn đề: Tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt, là tương lai của đất nước. Vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vô cùng to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển và phồn vinh của đất nước.

Thân bài

- Giải thích vấn đề:

+ Tuổi trẻ là những người có độ tuổi từ 15 đến 35, đang ở độ tuổi sung sức, nhiệt huyết, có sức khỏe và trí tuệ tốt.

+ Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chung của toàn dân, trong đó tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt.

- Bàn luận vấn đề:

+ Tuổi trẻ có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước:

+ Tuổi trẻ là lực lượng lao động chủ yếu của đất nước.

+ Tuổi trẻ là lực lượng tiên phong trong học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

+ Tuổi trẻ là lực lượng xung kích trong các phong trào xã hội.

+ Tuổi trẻ có vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc:

+ Tuổi trẻ là lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ Tổ quốc.

+ Tuổi trẻ là lực lượng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

- Nêu ý kiến cá nhân về vấn đề:

+ Tuổi trẻ cần nhận thức rõ vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Tuổi trẻ cần ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trở thành những người công dân có ích cho đất nước.

Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề: Vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vô cùng to lớn.

- Rút ra bài học: Tuổi trẻ cần ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trở thành những người công dân có ích cho đất nước.

Dàn ý tình trạng ô nhiễm môi trường

Mở bài

- Giới thiệu vấn đề: Ô nhiễm môi trường là một vấn đề nhức nhối đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vấn đề này đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và cuộc sống của con người.

Thân bài

Giải thích vấn đề:

+ Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của môi trường tự nhiên do các chất thải của con người gây ra, làm cho môi trường bị suy thoái, mất cân bằng, gây hại cho sức khỏe con người và các sinh vật khác.

Bàn luận về vấn đề:

- Nguyên nhân của vấn đề:

+ Do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

+ Do hoạt động sinh hoạt của con người.

+ Do thiên tai, biến đổi khí hậu.

- Biểu hiện:

+ Không khí bị ô nhiễm bởi khói bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy, xí nghiệp.

+ Nước bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, rác thải.

+ Đất bị ô nhiễm bởi rác thải, chất thải công nghiệp.

- Hậu quả:

+ Gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người: gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, ung thư,...

+ Gây hại cho các sinh vật khác: làm giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn thức ăn,...

+ Gây ô nhiễm môi trường: làm cho môi trường bị suy thoái, mất cân bằng.

- Vai trò, ý nghĩa của vấn đề:

+ Ô nhiễm môi trường là một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của con người và sinh vật khác.

+ Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức trong xã hội.

- Những giải pháp để giải quyết vấn đề:

+ Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

+ Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

+ Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kết bài:

- Ô nhiễm môi trường là một vấn đề cần được quan tâm và giải quyết một cách triệt để. Mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay góp sức để xây dựng một môi trường sống trong lành, sạch đẹp.

Top 3+ bài văn mẫu hay thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi

Mẫu bài số 1 thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống

Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi cho chính mình tại sao trong lịch sử dân tộc, một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể đánh thắng được những kẻ thù hùng mạnh? Điều gì sẽ xảy ra đối với đất nước ta hôm nay nếu mỗi người dân Việt Nam đứng tách rời nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước ấy? Sức mạnh của dân tộc liệu có còn được khẳng định nếu cả dân tộc không còn sát cánh bên nhau? Những câu hỏi ấy càng khiến cho ta hiểu sâu sắc hơn về lời dạy của Đức Phật: "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi".

Lời dạy thật giản dị mà sâu sắc. Chỉ bằng những hình ảnh rất cụ thể là "giọt nước" và "biển cả" mà mang lại cho người học những chân lí lớn lao. Mỗi giọt nước khi tồn tại một mình luôn nhỏ bé, mong manh, sẽ nhanh chóng bay hơi và chẳng mang lại được lợi ích gì. Nhưng giọt nước ấy nếu được hòa vào biển cả mênh mông giữa hàng triệu, hàng tỉ giọt nước khác thì sẽ tồn tại vĩnh viễn cùng với biển cả bao la, đất trời bất tận. Từ mối quan hệ sự tồn tại của giọt nước và biển cả, dường như Đức Phật muốn nói đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong cuộc sống của mỗi con người. Mỗi cá nhân không thể nào tồn tại một mình hoặc nếu tồn tại được cũng sẽ bị gục ngã trước những khó khăn, thử thách nhưng nếu biết đồng lòng, đoàn kết, gắn bó với tập thể sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, ý nghĩa.

Tổ tiên của loài người vốn sống theo bầy đàn để có thể tồn tại được qua những cuộc đấu tranh sinh tồn với thú dữ. Hơn tất cả, "con người là động vật có tinh thần" và cái "tinh thần" ấy bao gồm cả tính cộng đồng, đoàn kết, gắn bó yêu thương, bảo bọc, che chở cho nhau. Nhờ đó mà từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ, con người mới có thể chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại, phát triển. Nếu con người sống theo lối sống "không cộng đồng, không xã hội", tức là tự vứt bỏ đi phần "người" trong chính "con người" mình thì tất nhiên sẽ không phải nhận được những phiền toái do người khác, do cộng đồng, xã hội mang lại. Nhưng khi đó, con người cũng đang tự đánh mất những cơ hội nhận được sự giúp đỡ, quan tâm từ người khác và hơn hết là đang gián tiếp tự hủy hoại chính bản thân mình.

Triết học Mác – Lenin đã chỉ ra rằng "trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Con người không thể tồn tại độc lập mà không có mối liên hệ nào với các sự vật hiện tượng và cộng đồng tập thể xung quanh. Mỗi cá nhân mang trong chính mình bản chất và một phần sức mạnh của cả tập thể. Thông qua mối liên hệ ấy, nhân cách của mỗi người sẽ không ngừng được hoàn thiện, ý nghĩa về sự có mặt trên đời của chính họ cũng sẽ được khẳng định. Hơn nữa, chính sự hòa nhập giữa mỗi người với mọi người, một người và nhiều người, giữa cá nhân và tập thể sẽ giúp cho cuộc sống xã hội ngày càng phong phú, nhiều màu sắc và ý nghĩa hơn. Con chim, chiếc lá dựa vào môi trường để tồn tại và phát triển. Đến lượt nó lại tô điểm cho môi trường bằng khả năng của mình: Con chim dùng tiếng hót để làm cuộc sống sinh động, tươi vui, sự tươi xanh của lá làm môi trường đẹp hơn. Con người cũng thế, "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình". Giọt nước nếu tách mình ra khỏi biển cả sẽ bị diệt vong cũng như con người cá nhân không thể tồn tại nếu tách ra khỏi cộng đồng xã hội.

Nếu sống một cuộc sống hòa nhập, có trách nhiệm với cộng đồng, gắn kết với xã hội ta sẽ cho đi nhiều hơn, nhưng những thứ mà ta nhận được lại càng nhiều hơn nữa. "Đoàn kết là sức mạnh", chỉ có sự đoàn kết, sự gắn kết với nhau mới cho ta sức mạnh để ta tồn tại, để ta phát triển trong thế giới này.

Đất nước đang trong thời kì hội nhập. Tương lai của thế giới sẽ là một ngôi nhà chung. Con người cần giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện, để ổn định lâu dài và hướng tới tương lai. Trước những biểu hiện đi ngược với quy luật đời sống như lập dị, chủ nghĩa cá nhân, đầu cơ trục lợi…, mỗi con người cần lên án, phê phán đồng thời xây dựng cho mình lí tưởng sống cao đẹp, phù hợp với xã hội và thời đại, luôn có ý thức tự khẳng định mình trong sự nghiệp đấu tranh, cống hiến xây dựng đất nước. Song dù có quan hệ gắn bó mật thiết với tập thể nhưng mỗi cá nhân cũng cần có những nét riêng biệt về cá tính, phẩm chất, vai trò.

Lời dạy của Đức Phật là một chân lí đơn giản nhưng lại cho ta một bài học có giá trị suốt cả cuộc đời. Để học được bài học ấy không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi tin tất cả chúng ta sẽ làm được, bởi vì chúng ta là con người.

Mẫu bài số 2 thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống

Hàng triệu lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng lớp bụi thời gian không thể phủ mờ những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ thanh niên quyết tâm “Ba sẵn sàng” để bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ thanh niên hiện nay đang được sống trong hòa bình và một môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện có đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mình cần phải làm gì cho Tổ quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hay không?

Trong mọi thời kỳ, với mỗi quốc gia, thanh niên bao giờ cũng có vai trò hết sức to lớn, họ là sức sống hiện tại và tương lai của dân tộc. Bác Hồ đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn hồi sinh, trước hết phải hồi sinh thanh niên, nếu thanh niên không chịu giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, không được tổ chức lại, chỉ chìm đắm trong rượu cồn và thuốc phiện thì dân tộc có nguy cơ bị diệt vong. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) Đảng ta cũng đã khẳng định: Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ thanh niên.

Năm 2000, năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Đảng, Chính phủ đã đồng ý đặt tên là “Năm Thanh niên”, chúng ta đã gửi “Thông điệp Tháng Ba” đến bạn bè trên toàn thế giới. Trong những năm qua, chúng ta đã mở rộng quan hệ bè bạn và hợp tác với hàng trăm tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới. Chúng ta đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công các hoạt động giao lưu với thanh niên các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với Đoàn thanh niên Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba, Liên bang Nga; đã tích cực tham gia các hoạt động tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới. Vị thế và ảnh hưởng của thanh niên Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều cuộc thi thế giới và khu vực về toán học, vật lý, thể thao. Hiện tại, hàng chục vạn lao động Việt Nam mà chủ yếu là thanh niên đang đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế trong nước và thế giới với sự thông minh sáng tạo, đức tính cần cù chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu khoa học.

Nếu như trong kháng chiến, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, bạn bè thế giới ngợi ca, thì ngày nay, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, một thế hệ thanh niên mới đã ra đời và từng bước trưởng thành. Có thể nói ít có thời kỳ nào mà tuổi trẻ Việt Nam lại có cơ hội và vai trò to lớn đến thế trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Số đông thanh niên là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng và không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã làm xanh nhiều góc phố bộn bề và bản làng xa xôi. Hàng chục ngàn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi. Nhiều chương trình, dự án lớn, đậm chất thanh niên ra đời như: xây dựng các Cung đường Thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại; xoá hàng ngàn cầu khỉ thay thế bằng cầu nông thôn mới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tình nguyện đi lập nghiệp tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ với những công trình hiện đại như đóng mới tàu cao tốc Bạch Long, xây dựng trạm điện sức gió, xây dựng công viên tuổi trẻ Sông Hồng trên đảo xa, xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới…Bên cạnh đội hình Thanh niên xung phong lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn có hàng ngàn doanh nghiệp trẻ đang hăng hái, trăn trở góp phần tạo dựng nên “Thương hiệu Việt” và nhiều bạn trẻ khác đang “khởi nghiệp” bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm và biết làm của mình. Như vậy là phần đông thanh niên thời đại ngày nay vẫn tiếp bước tinh thần “Ba sẵn sàng” của các thế hệ cha anh, tự ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước với những đóng góp không nhỏ.

Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến thế hệ thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước. Những cơ chế chính sách chủ yếu tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và cơ bản của thanh niên về học tập, sao cho thanh niên Việt Nam không còn tụt hậu so với thanh niên thế giới về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý và hoà nhập nhanh vào kinh tế thị trường, kinh tế tri thức; về định hướng nghề nghiệp và việc làm, sao cho chuyển đổi được nhận thức toàn xã hội không còn coi cánh cổng trường đại học là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên, để xã hôị ta “giảm thầy tăng thợ giỏi”; về nâng cao trình độ thẩm mỹ, lối sống, thể lực và nâng cao tâm hồn cốt cách cho thanh niên Việt Nam…

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường đang làm biến đổi nhiều mặt đời sống xã hội, đã xuất hiện ngày càng gia tăng những lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả, thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thụ động, thờ ơ, ngại tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan… trong một bộ phận không nhỏ thanh niên và trong xã hội. Chính vì thế, cần nâng cao vai trò của Đoàn trong việc định hướng tư tưởng và hành động của thanh niên, phát động nhiều chiến dịch thiết thực thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, giúp thanh niên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xứng đáng là thế hệ thanh niên mới tiếp nối truyền thống tự hào của cha anh.

Mẫu bài số 3 thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống

Suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha anh ta đã không ngừng gây dựng, dốc sức bảo vệ, thậm chí đánh đổi cả tuổi xanh, tính mạng để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Nối tiếp truyền thống của cha anh, thế hệ trẻ chúng ta không chỉ cần phát huy tinh thần yêu nước đáng quý mà còn cần ý thức được trách nhiệm và vai trò của bản thân trong việc xây dựng, phát triển đất nước.

Tuổi trẻ là khái niệm dùng để chỉ thế hệ thanh, thiếu niên, những người trẻ tuổi, trẻ lòng. Thế hệ tuổi trẻ ngày nay được trang bị đầy đủ kiến thức, đạo đức, ở họ hội tụ đầy đủ lòng nhiệt huyết, khả năng sáng tạo để xây dựng, phát triển đất nước. Đánh giá về vai trò quan trọng, chủ đạo của tuổi trẻ, có ý kiến đã cho rằng "Tuổi trẻ là tương lai của đất nước", là nguồn lực to lớn đưa đất nước Việt Nam vươn ra hội nhập với năm châu.

Ngày nay chúng ta được thừa hưởng nền độc lập, hòa bình do cha anh mang lại, chúng ta được sống trong tự do, hạnh phúc, được học tập và có cơ hội để phát triển, khẳng định bản thân. Vì vậy mỗi chúng ta cần có ý thức phát triển bản thân, biết cống hiến đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của bản thân để hát triển đất nước, chống lại kẻ thù và thế lực phản động.

Tuổi trẻ mang trong mình sức trẻ, sức sáng tạo dồi dào, vì vậy đây chính là nguồn lực chính trong quá trình phát triển đất nước. Tuổi trẻ mang bên mình những khát vọng, lí tưởng cao đẹp, dám xông pha, đối đầu với những khó khăn để hoàn thành những mục tiêu đặt ra. Bằng nguồn năng lượng tích cực, lòng nhiệt huyết sục sôi, những người trẻ tuổi sẵn sàng làm việc, cống hiến để phát triển, làm rạng danh đất nước. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến nhà Toán học Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên giành giải Fields cao quý, người đưa tên tuổi của Việt Nam đến với nền toán học của thế giới. Trở về với lịch sử chúng ta có người thanh niên Nguyễn Tất Thành, người ra đi cứu nước với hai bàn tay trắng và tình yêu nước sục sôi, người thanh niên ấy không chỉ tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc mình mà còn thắp lên phong trào đấu tranh ở rất nhiều nước thuộc địa bị áp bức khác.

Tuổi trẻ còn là nguồn động lực phát triển to lớn của xã hội, họ là thế hệ tương lai, những người kế thừa thành tựu từ thế hệ đi trước để xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Có thể nói rằng chính sức trẻ, nguồn năng lượng tích cực mà thế hệ trẻ là nguồn tài nguyên sống vô giá cho sự phát triển, hưng thịnh của một đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của thế hệ trẻ, Đảng và nhà nước ta đã rất sáng suốt khi coi "Giáo dục là quốc sách", quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được học tập, phát triển. Không chỉ đầu tư, tạo điều kiện để thanh, thiếu niên Việt Nam được học tập trong nước, Đảng và nhà nước còn hỗ trợ cho hàng chục nghìn sinh viên mỗi năm được sang nước ngoài để học tập sự tiến bộ của các nước phát triển như: Mỹ, Nga, Anh,... Do đó thế hệ trẻ ngày nay không chỉ có trí tuệ, sáng tạo mà còn có sự nhanh nhạy, thích nghi nhanh với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật thế giới.

Để phát huy được hết khả năng, vai trò của tuổi trẻ, trước hết mỗi học sinh chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân với đất nước. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần phải chăm chỉ học hành, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức. Chúng ta cũng có thể bộc lộ tình yêu nước bằng những hành động cụ thể, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia vào các phong trào, hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước cũng cần có những chính sách ưu tiên cho giáo dục để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình học tập và phát triển của thế hệ trẻ. Nhà trường cần phối hợp với gia đình để đẩy mạnh công tác giáo dục, giúp học sinh phát triển hoàn thiện cả về tài và đức.

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy mỗi chúng ta cần có ý thức xây dựng, phát triển đất nước. Hãy cố gắng hết sức mình để đóng góp một phần sức lực nhỏ bé để làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh hơn, như chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta từng kì vọng "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em".

Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống mẫu bài số 4

Có ai đó đã từng nói rằng: “Những người bạn tốt thật sự khó tìm, khó rời xa và không thể quên”. Quả thật, tình bạn đem đến cho con người những điều thật tuyệt vời. Và không ai có thể sống thiếu tình bạn.

Trước hết, hiểu đơn giản, tình bạn là tình cảm gắn bó giữa những người có cùng chung sở thích, lí tưởng, hoàn cảnh. Một người bạn chân chính luôn sẵn sàng chia sẻ với chúng ta mọi niềm vui, nỗi buồn hay khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy, vai trò của tình bạn là vô cùng quan trọng.

Chẳng ai sinh ra có thể sống mãi trong cô đơn. Con người luôn cần có ít nhất một người bạn để chia sẻ. Thử tưởng tượng một ngày nào đó không có bạn bè ở bên thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao. Không ai cùng đi chơi, không ai cùng trò chuyện, không ai cùng ăn uống. Cuộc sống lúc đó sẽ trở nên vô vị, nhàm chán. Một người bạn có thể cùng chúng ta trải nghiệm mọi thứ.

Người bạn tốt có thể sẽ sẵn sàng ở bên động viên, giúp đỡ trong những giây phút khó khăn, cay đắng nhất của cuộc đời. Khi bạn cảm thấy mất phương hướng, họ sẽ đưa ra một lời khuyên chân thành, hướng đến điều tích cực. Một người bạn chân chính đôi khi lại chính là người thầy của chúng ta.

Tình bạn tồn tại giữa cuộc đời như một chỗ dựa cho con người. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có rất nhiều bạn bè. Nhưng không phải tình bạn nào cũng đáng trân trọng. Chỉ có những người thực sự thấu hiểu và chia sẻ được cho nhau mới trở thành những người bạn thân thiết. Tình bạn khi đó đáng trân quý biết bao. Chúng ta đã từng biết đến tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, hay giữa Lý Bạch và Đỗ Phủ. Họ không màng công danh, vật chất mà đối xử với nhau bằng tấm chân tình, sự đồng điệu về tâm hồn. Những tình bạn đáng thật đáng ngưỡng mộ.

Để giữ gìn tình bạn, mỗi người cần học cách tôn trọng bạn bè. Trong tình bạn không có chỗ cho sự dối trá, hay lợi dụng. Chỉ có thể dùng trái tim chân thành mới đổi lại được những người bạn tốt. Những người bạn cũng cần thẳng thẳn để giúp bạn nhận ra đúng sai, hướng đến điều đúng đắn nhất. Có thể khẳng định rằng, câu nói “Không thể sống thiếu tình bạn” là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vậy, mỗi người hãy biết trân trọng tình bạn mà bản thân đang có.

Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống mẫu số 5: Hiện tượng bắt nạt trong học đường

Đọc câu chuyện Dế Mèn phiêu lưu kí, em bắt gặp một hiện tượng đã và vẫn đang nhức nhối trong cuộc sống ngày nay, đặc biệt là ở môi trường học đường. Đó chính là hiện tượng bắt nạt.

Bắt nạt là việc một người hoặc một nhóm người ỷ vào việc bản thân có sức mạnh hoặc vị trí, quyền lực, để đánh đấp, sai khiến, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác. Hành vi đó khiến nạn nhân cảm thấy đau khổ, mệt mỏi và bất lực vô cùng. Việc bị bắt nạt không chỉ ảnh hưởng nạn nhân ở thời điểm đó, mà còn để lại các vết thương khó phai, kéo dài đến tương lai.

Hiện tượng bắt nạt không hề xa lạ gì với mỗi chúng ta. Đó cũng là một hiện tượng vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, thì cùng với việc bạo lực trong đời sống, việc bạo lực mạng cũng là hiện tượng ngày càng đáng lo ngại. Đó là việc mọi người cùng chê bai bằng từ ngữ thậm tệ về ngoại hình hay một hình ảnh bất kì của một người, khiến họ bị cô lập, chỉ trích nặng nề. Là việc rủ nhau tẩy chay một người đến mức khiến họ không thể đi chơi với bất kì ai và ở nơi nào. Ngoài ra, bắt nạt còn thể hiện ở những hành động sai khiến, lợi dụng người khác làm việc cho mình một cách thái quá, không đền đáp hay hồi trả bất cứ điều gì. Cực đoan hơn nữa, chính là việc đánh đập, xúc phạm về an toàn thể xác người bị bắt nạt.

Tất cả mọi hình thức bắt nạt từ nhẹ đến nặng đều gây ảnh hưởng đến người bị bắt nạt, từ tinh thần đến thể xác. Nó không chỉ khiến người đó buồn bã, đau khổ mà còn gián tiếp thúc đẩy họ đến các hành vi tiêu cực. Như rời khỏi tập thể, không chịu giao lưu tiếp xúc với mọi người, thậm chí là tự làm hại bản thân. Không chỉ vậy, những tác động ấy còn không phai mờ theo thời gian. Không ít bạn học sinh bị bắt nạt từ khi còn đi học, thì mãi đến lúc trưởng thành vẫn không thoát khỏi lớp bọc tự ti, e dè khi giao lưu với người khác. Tuy nhiên, bắt nạt cũng là con dao hai lưỡi, vì nó không chỉ gây hại đến người bị bắt nạt, mà còn tác động vào chính những kẻ đi bắt nạt. Những kẻ đó trở thành đối tượng xấu, kẻ tệ hại trong mắt tập thể. Họ dễ bị tập thể cô lập lại, bị tách khỏi nhóm những người học sinh tốt. Đồng thời, họ cũng sẽ bị thầy cô, người lớn nhắc nhở thường xuyên, áp dụng các hình phạt. Nặng nề, thì sẽ ảnh hưởng đến cả tượng lai của người đó. Chính vì thế, bắt nạt là điều chỉ đem đến tác hại mà thôi.

Do đó, chúng ta cần phải ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng bắt nạt một cách triệt để trong xã hội, ngay từ khi mỗi người mới chỉ còn là một đứa trẻ. Thông qua những bài học, tuyên truyền trong sách báo, phim hoạt hình, ca nhạc… Ngoài ra, còn cần sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để sớm phát hiện ra những hình thức bắt nạt để xử lí triệt để và kịp thời. Cùng với đó, cũng cần có hình thức xử phạt răn đe phù hợp, để các trường hợp bắt nạt không còn tái phạm nữa. Hiện tượng bắt nạt là một mối nguy hại của toàn xã hội, do đó mọi người cần phải chung tay cùng nhau đẩy lùi hiện tượng này.

Bản thân em là một học sinh may mắn được sống trong môi trường lành mạnh, chan hòa. Em mong rằng, hiện tượng bắt nạt sẽ sớm bị đẩy lùi khỏi xã hội văn minh ngày nay.

Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống mẫu số 6: Vấn đề bạo lực học đường

Tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra trên khắp thế giới ở tất cả các bậc học khác nhau, trong đó có ở Việt Nam. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh. Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…).

Ở nước ta, hầu hết những vụ việc học sinh đánh, chửi nhau xảy ra gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè. Tuy nhiên, hậu quả của nó đôi khi lại không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường mà đã có những án mạng thương tâm, gây rúng động dư luận.

Mới đây, vào ngày 15/2, tại Trường THCS Phong An (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), một học sinh lớp 6 của trường tên H. khi đi vệ sinh tại nhà vệ sinh chung của trường đã xảy ra xô xát với một học sinh lớp 7 tên C. Lúc này một học sinh khác tên Y. học cùng lớp với C. chạy đến bênh vực bạn mình. Trên tay Y. có cầm theo một con dao rọc giấy để dọa H. Hai bên xảy ra xô xát và cây dao rọc giấy trên tay Y. đã đâm trúng vùng bụng của H. H được đưa đi cấp cứu ngay sau đó tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 nhưng không qua khỏi vì mất máu nhiều.

Hay như trước đó, vào sáng 1/4/2021, trong giờ ra chơi sau tiết học thứ nhất, em N.V.H.D. (lớp 8 Trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xảy ra mâu thuẫn với Q.K. (15 tuổi, học cùng trường với em D.). Do bức xúc, K. đã dùng dao nhọn đâm em D. gục tại chỗ. Phát hiện sự việc, lãnh đạo nhà trường đã đưa em D. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, D. đã tử vong.

Những vụ việc học sinh đánh nhau rồi tung lên mạng xã hội hay những cái chết thương tâm như trên thật sự đã gây hoang mang trong dư luận, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an đồng thời cũng vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Bởi lẽ, chúng ta vẫn luôn nhìn nhận môi trường giáo dục dưới góc độ với những đặc trưng cơ bản của nó đó chính là tính giáo dục, là sự tôn trọng, là nơi an toàn, có sự tin tưởng, cởi mở và thân thiện; đó là nơi được mọi người kỳ vọng mang lại những giá trị nhân văn, giáo dục cho con người những đức tính tốt đẹp, chuẩn mực.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra trong một cuộc hội thảo vào năm 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức thì trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày); khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì lý do này.

Hiện tượng bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, có chiều hướng gia tăng trong các trường học và bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Những số liệu trên thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội; nhắc nhở chúng ta cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Trước hết, để hạn chế được bạo lực học đường, trong nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, vui vẻ, tích cực để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có sự gần gũi với các em học sinh để hiểu tính cách của từng em cũng như các mối quan hệ trong lớp, ngoài lớp để kịp thời phát hiện, uốn nắn, hỗ trợ các em giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh, tránh nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực học đường không đáng có.

Bên cạnh đó, các em học sinh cần được trang bị thêm nhiều bài học về kỹ năng sống. Thông qua sách vở trong chương trình hay các buổi ngoại khóa để giúp cho học sinh hình thành những đức tính tốt, có thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình và những người xung quanh, khơi gợi tinh thần nhân ái, biết sẻ chia, bao dung, biết sống vì cộng đồng. Đồng thời, nhà trường cũng giúp các em rèn luyện bản thân, biết kìm chế các cơn nóng giận và giải toả nó.

Bạo lực học đường đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Tất cả chúng ta cùng phải chung tay để đẩy lùi vấn nạn này để những hình ảnh tiêu cực trên sẽ không còn xuất hiện trong môi trường giáo dục. Trách nhiệm không chỉ thuộc về phía nhà trường, mà đối với mỗi gia đình, phụ huynh cũng cần có thời gian nhiều hơn nữa để vui chơi, trò chuyện cùng các em. Có lẽ do cuộc sống ngày càng bị cuốn vào guồng quay, không ít gia đình mải tập trung làm ăn, dường như còn lơ là với con cái. Việc ít quan tâm, ít gần gũi với con, không nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, những biểu hiện bất thường của con mình, từ đó sẽ tạo ra khoảng cách và cha mẹ rất khó có thể chia sẻ, hỗ trợ kịp thời khi con gặp vấn đề trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần thường xuyên có sự trao đổi với nhau. Chính điều này sẽ giúp hai bên có sự phối hợp để có tiếng nói chung trong việc cùng xử lý các vấn đề phát sinh một cách khéo léo, không để sự việc đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát.

Các chuyên gia tâm lý và chuyên gia về giáo dục cho rằng, lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở và trung học phổ thông đang có sự thay đổi về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì nên thường có những hành vi bột phát, khó kiểm soát. Do đó, trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng cần có phương pháp, phân tích cặn kẽ đúng sai làm sao để các em nhận ra hành vi chưa đúng của mình và có ý thức sửa chữa nhưng không có nghĩa là bằng mọi cách phải “làm cho ra lẽ”, khiến cho “người sai” thì “bẽ mặt”, người đúng thì “hả hê”. Đó là tinh thần chung, tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể và tùy từng mức độ vi phạm mà chúng ta cũng có biện pháp xử lý cho phù hợp, thậm chí phải xử lý thật nghiêm theo luật pháp để có tính răn đe.

Với những em học sinh là nạn nhân của nạn bạo lực học đường thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tháo gỡ những vướng mắc.

Trên thực tế đã có không ít vụ bạo lực học đường xảy ra, người dân xung quanh biết nhưng thờ ơ “đứng nhìn” không can thiệp. Thiết nghĩ, đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, mỗi chúng ta cũng cần có cách ứng xử kịp thời để góp phần hạn chế các vụ bạo lực học đường cũng như giảm đi mức nghiêm trọng của sự việc. Trên các phương tiện truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền để chính các em học sinh hiểu ra mặt trái của bạo lực học đường, giúp đẩy lùi vấn nạn này, để môi trường giáo dục thật sự đúng với ý nghĩa và sứ mệnh của nó.

Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống mẫu số 7: Hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm

Hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường, vào các giờ cao điểm đã không còn là hiện tượng hiếm gặp, nó đã trở nên phổ biến gây nhức nhối trong đời hàng ngày.Ngay tại cổng các trường học vào thời điểm tan học, hình ảnh một số học sinh đi xe đạp điện nghênh ngang từ cổng trường phóng ra nhưng không đội mũ bảo hiểm. Các bạn coi việc đội mũ bảo hiểm chính một “ cực hình” vì nó “vướng”, nó “ nặng đầu” , nó khiến các bạn không có cơ hội khoe: “ một khuôn mặt đẹp”; “ một mái tóc thời trang” kiểu cách vừa được chuốt keo hay cắt tỉa theo “mốt” để thu hút sự chú ý. Hay chỉ để mọi người biết đến khuôn mặt người được sở hữu “ bộ trang thời trang lịch lãm”.... họ sẵn sàng tìm đủ thứ lí đánh đổi cả sự an toàn cho tính mạng của chính mình chỉ vì “ muốn thể hiện sự sành điệu của mình.

Vậy vì sao lại có thực trạng trên? Có thể là do gia đình chưa nghiêm khắc trong việc uốn nắn, giáo dục hành vi của trẻ khi tham gia giao thông. Nhà trường còn chưa sát sao, triệt để trong việc xử lí việc vi phạm của học sinh, chưa tuyên truyền thường xuyên, kịp thời những kiến thức của việc cần phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Do sự giám sát của lực lượng giao thông, gia đình và nhà trường còn chưa chặt chẽ trong việc phối kết hợp xử lí vi phạm của trẻ: Con vi phạm, bố mẹ đến xin “bỏ qua vì cháu là học sinh, thiếu hiểu biết”; nhà trường chỉ khuyến cáo mà chưa răn đe.… Cơ quan pháp luật chưa mạnh tay trong việc xử lí những trường hợp học sinh vi phạm để làm gương cho học sinh khác. Do họ không có ý thức tôn trọng quy định của pháp luật và xã hội, xem thường tính mạng của mình và người khác. Dù nhà nước đã tích cực tuyên truyền, đồng thời cũng có những biện pháp để xử lí sai phạm song xã hội vẫn chưa thật sự nghiêm khắc đối với những người có hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Song “ Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, nguyên nhân chính là do bản thân của các bạn: Thích thể hiện bản thân, muốn trở thành “tâm điểm” của sự chú ý. Thích thể hiện mình khác người. Thiếu hiểu biết về, không có kiến thức về Luật Giao thông đường bộ vì nghĩ xe đạp điện là phương tiện thô sơ giống như xe đạp truyền thống. Coi thường tính mạng bản thân và sự an toàn của người khác. Do lối sống buông thả, xem thường pháp luật, thích làm nổi mình một cách hợm hĩnh, khác thường, ngại đội mũ, sợ làm hỏng tóc, chiếc mũ cồng kềnh, nặng nề, thường gây nóng và ngứa đầu,….

Hậu quả của việc thiếu ý thức về tuân thủ luật lệ giao thông đội nón bảo hiểm thật nghiêm trọng và đáng sợ: Gây hỏng hóc phương tiện, thân thể bị thương tích. Nhẹ là xây sát, nặng có thể gẫy chân, gẫy tay, nặng có thể chấn thương sọ não, tử vong... Gây tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội khi tạo ra hiệu ứng dây chuyền “ họ đi được, mình cũng đi được…..” Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nêu gương xấu đối với xã hội. Hành vi bất chấp pháp luật này sẽ khiến nhiều người bắt chước, gây bất mãn trong xã hội nếu không bị nghiêm trị. Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông làm mất đi vẻ đẹp văn hóa giao thông, làm tăng tỉ lệ tai nạn, gây mất ổn định trật tự an toàn giao thông.

Vậy chúng ta cần: Nhận thức được hiện tượng đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm là vi phạm pháp luậtThấy được đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm là “ đùa giỡn” với sự an toàn của bản thân. Hiểu được đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hành vi tham gia thiếu văn hoá, sẽ phải trả giá đắt bằng chính tính mạng, tương lai của bản thân… Có ý thức tìm hiểu, nắm chắc kiến thức về Luật giao thông. Có thái độ nghiêm túc, tôn trọng văn hoá an toàn giao thông: không lạng lách, đua xe, đánh võng… Luôn đội mũ bão hiểm đúng qui định khi đi xe đạp điện tham gia giao thông. Tuyên truyền cho mọi người kiến thức để đảm bảo An toàn giao thông, luôn ghi nhớ “ ATGT chính là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.” Gia đình, nhà  trường và  xã hội cùng vào cuộc uốn nắn suy nghĩ, hành vi của trẻ khi tham gia giao thông bằng việc đưa kiến thức về Luật ATGT qua những bài học, tiết học, cuộc thi tìm hiểu cho học trò… Góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển, tiến bộ…

-/-

   Các em vừa tham khảo hướng dẫn cách làm bài Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học. Hãy kết hợp với những hiểu biết thực tế cùng dẫn chứng cụ thể của em để tự hoàn thiện bài văn nhé. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn nghị luận xã hội và văn mẫu 8 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em làm bài tốt và đạt điểm cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM