Đề bài: Trong các tác phẩm văn học, đời sống hiện lên một cách phong phú, nhiều chiều, nhiều khía cạnh. Những vấn đề mà người cầm bút đặt ra trong tác phẩm có thể cũng là những điều được công chúng quan tâm. Do vậy, khi tiếp nhận tác phẩm văn học cũng là lúc người đọc tiếp cận quan điểm của nhà văn, đối thoại với nhà văn về các vấn đề đời sống được đề cập. Trong phần Nói và nghe của bài học này, em sẽ thực hành thảo luận về những vấn đề đời sống mà tác phẩm gợi ra với những độc giả khác có cùng mối quan tâm
1. Trước khi thảo luận
- Ở bài này, có thể tổ chức thảo luận theo hai vòng.
+ Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm.
+ Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.
- Để chuẩn bị cho thảo luận ở vòng 1, cần chia lớp thành các nhóm và phân công người chủ trì, thư kí cho thảo luận trong phạm vi lớp ở vòng 2.
- Các nhóm cần thống nhất lựa chọn vấn đề thảo luận dựa trên nội dung những tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc; trước hết là những tác phẩm vừa được học trong bài 5, sau đó có thể mở rộng tìm thêm đề tài từ các tác phẩm ngoài phạm vi bài 5, lựa chọn một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm mà nhiều người quan tâm. Một số đề tài gợi ý:
+ Vẻ đẹp của tình yêu (Rô-mê-ô và Giu-li-ét).
+ Danh dự và bổn phận của mỗi người (Lơ Xít).
+ Cách ứng xử của con người trước những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh (Bí ẩn của làn nước).
- Mỗi người cần nắm nội dung khái quát và các chi tiết trong tác phẩm có liên quan đến vấn đề lựa chọn, suy nghĩ về vấn đề và ghi lại ý kiến của mình để chuẩn bị tham gia thảo luận.
2. Thảo luận
- Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm. Mỗi thành viên phát biểu ý kiến theo chỉ định của người chủ trì. Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận. Sau khi kết thúc thảo luận trong nhóm, mỗi nhóm cử đại diện tham gia thảo luận ở vòng 2.
- Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.
+ Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất và giới thiệu trước lớp, mời đại diện các nhóm tham gia thảo luận.
+ Đại diện mỗi nhóm trình bày dựa trên kết quả thảo luận nhóm đã thực hiện ở vòng 1. Khi đại diện của mỗi nhóm phát biểu, các thành viên trong lớp lắng nghe, ghi chép nội dung ý kiến; dự kiến các ý kiến hoặc câu hỏi để tham gia thảo luận.
+ Sau khi nghe đại diện các nhóm phát biểu hết một lượt, dưới sự điều hành của người chủ trì, các thành viên trong lớp nêu ý kiến góp ý hoặc đặt câu hỏi cho bất kì đại diện của nhóm nào; đại diện các nhóm trao đổi, trả lời.
+ Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận thành biên bản.
+ Kết thúc cuộc thảo luận, người chủ trì tổng kết các nội dung chính đã thảo luận; khẳng định ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề đáng quan tâm trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học; cảm ơn sự đóng góp của các thành viên tham gia.
* Bài nói mẫu tham khảo:
- Vấn đề thảo luận: Cách ứng xử của con người trước những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh
- Người chủ trì: Xin chào tất cả các bạn. Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên …… , là người chủ trì của nhóm/ tổ/ lớp…..Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề Cách ứng xử của con người trước những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh. Qua cuộc thảo luận, tôi mong muốn mỗi người sẽ có những cách ứng xử tốt nhất để vượt qua những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh. Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu thời gian thảo luận.
- Thành viên 1: Chào tất cả mọi người. Tên tôi là…. Theo tôi, nghịch cảnh chính là những khó khăn, tình huống xảy ra ngược theo hướng tiêu cực với những gì mà chúng ta nghĩ. Nó làm chúng ta gặp nhiều khó khăn và trục trặc. Chúng ta không ai muốn gặp phải tình huống khó khăn, nhưng chính những điều này đã cho chúng ta thêm kinh nghiệm và động lực để đi tiếp. Nói đến nghịch cảnh, ai cũng nghĩ nó ảnh hưởng xấu tới cuộc sống nhưng thật ra, nghịch cảnh có rất nhiều giá trị riêng. Câu danh ngôn đã chỉ ra rằng nghịch cảnh không chỉ là “phép thử của tình cảm” mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh của con người.
- Thành viên 2
: Chào mọi người, tôi là….. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn….. Ngoài ra, tôi sẽ bổ sung thêm khi chúng ta gặp phải nghịch cảnh, tức là khi chúng ta đang ở trong một tình huống mà cần tới sự giúp đỡ của người khác, lúc chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn thì “phép thử của tình cảm’’ chính là ám chỉ những ai đã ở lại bên cạnh giúp chúng ta cũng như những ai đã rời bỏ ta mà đi. Nghịch cảnh sẽ mang lại điều tiêu cực hay tích cực thì cũng đều phụ thuộc vào con người đó. Nếu học có trí thông minh, có những người đối với mình thật lòng và có bản lĩnh thì họ sẽ vượt qua được những khó khăn để vươn xa hơn. Ngược lại, đối với những người luôn cảm thấy tiếc nuối về những người đã rời bỏ mình, không dám làm điều gì vì sợ lại lún sâu thêm nữa thì họ sẽ mắc kẹt trong nghịch cảnh mãi mãi.- Thành viên 3: Chào mọi người, tôi là….. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn….. Ngoài ra, tôi sẽ bổ sung thêm nghịch cảnh chính là bài học cho tất cả chúng ta, một khi ta đã vượt qua được nghịch cảnh khó khăn thì trí tuệ lẫn bản lĩnh của bản thân đều đã được nâng lên một bậc. Cứ như thế đến khi chúng ta đạt được thành công, cũng có nghĩa khi đó ta đã chứng minh được bản thân mình là một người thông minh, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Đối với mỗi người, hãy mở rộng trí óc lẫn tâm hồn, đón nhận cái thất bại ấy rồi lại đứng lên để đi xa hơn. Edison đã bị đuổi học, Einstein bị xem là một học sinh thiểu năng trí tuệ, bằng sự khích lệ của gia đình, họ đã vượt lên nghịch cảnh của bản thân và trở thành những thiên tài.
- Thành viên 4:….
- Người chủ trì: Sau khi các thành viên thảo luận, tôi xin được tóm gọn cách ứng xử của con người trước những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh
+ Nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời, như: ốm đau, tai nạn, chiến tranh, xung đột…
+ Nghịch cảnh cuộc đời là điều không thể tránh. Không ai tránh được những bất trắc trong cuộc sống.
+ Đôi khi những thử thách đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nên dù cố gắng đến mấy, ta vẫn phải chấp nhận và đối đầu với nó.
+ Nghịch cảnh là phép thử của tình cảm.
+ Nghịch cảnh là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người.
Cuộc thảo luận ngày hôm nay vô cùng ý nghĩa, giúp chúng ta có cách suy nghĩ mới hơn về cách ứng xử của con người trước những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh. Xin cảm ơn các bạn đã thảo luận và lắng nghe buổi thảo luận.
3. Đánh giá
- Đánh giá ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề; chất lượng các ý kiến phát biểu.
- Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng kết hợp ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện hỗ trợ; cách tổ chức, điều hành buổi thảo luận.