Tệ tham nhũng trong truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

Xuất bản: 29/08/2019 - Cập nhật: 03/09/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 10] Tệ tham nhũng trong truyện Nhưng nó phải bằng hai mày được thể hiện như thế nào, cùng tìm hiểu qua bài văn phân tích tệ tham nhũng trong truyện Nhưng nó phải bằng hai mày.

    Phân tích tệ tham nhũng trong Nhưng nó phải bằng hai mày - Bức tranh hiện thực khắc họa và phê phán kịch liệt thói tham nhũng của quan lại thời xưa qua tác phẩm truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày

. Cùng tham khảo những bài văn mẫu dưới đây của Đọc tài liệu để nắm được cách làm bài này và có thêm nhiều ý tưởng hay em nhé!

Tệ tham nhũng trong truyện Nhưng nó phải bằng hai mày Văn mẫu 10

Đề bài: Tệ tham nhũng trong truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

>> Tham khảo dàn ý phân tích tệ tham nhũng trong Nhưng nó phải bằng hai mày để định hướng mục tiêu nội dung bài viết trước khi làm bài

Top 3 bài văn mẫu hay phân tích tệ tham nhũng trong truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

Bài văn mẫu 1

Truyện cười là những câu chuyện gây cười, và đằng sau tiếng cười đó chính là lời đả kích, châm biếm và lên án sâu cay của dân gian đối với một bộ phận, một tầng lớp nào đó trong xã hội. Truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” là câu chuyện giàu ý nghĩa như thế. Câu chuyện phản ánh thói tham nhũng, tham lam vô độ của tầng lớp quan lại trong xã hội phong kiến.

Câu chuyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” kể chyện hai người đàn ông là Cải và Ngô vì đánh nhau nên đã dẫn nhau đi kiện. Và câu chuyện đã phản ánh một cách chân thực và rõ nét xã hội phong kiến lúc bấy giờ: cả hai cùng đi lo lót quan trên để đỡ bị đánh đau, đánh nhiều.

Cải đã lo lót trước 5 đồng và yên tâm rằng thầy Lí sẽ xử nhẹ. Còn Ngô thì lo lót 10 đồng, nhiều gấp đôi Cải. Thầy Lí vẫn xử nhẹ cả hai, và phạt Cải đến chục roi. Lúc tình thế bức bách, Cải đã xỏe 5 ngón tay nhắc thầy Lí số tiền đã lo lót từ trước. Nhưng thầy Lí lại lấy nàn tay trái úp lên bàn tay phải muốn nói rằng số tiền của Ngô nhiều hơn gấp đôi. Tình huống này khiến cho Cải sửng sổ. Hơn hết tình tiết gây cười nhưng giàu sức châm biếm là ở lời nói của thầy Lí “Tao biết mày phải, nhưng nó phải bằng hai mày”. Một câu nói ám chỉ, tuy nhiên lại có ý bảo rằng mày lo lót rồi nhưng đứa khác còn lo lót nhiều hơn mày. Công lí, công bằng dường như nằm ở đồng tiền, và ai nhiều tiền hơn thì kẻ đó sẽ thắng. Trong xã hội phong kiến, đồng tiền chính là thước đo của công lí.

Câu chuyện tình huống của Cải và Ngố chính là “thời cơ đục khoét” cho những kẻ tham ô như thầy Lí có cái cớ để ăn tiền, để bòn rút của dân. Cải và Ngố là những nạn nhưng, nhưng đồng thời lại là mồi lửa dẫn đến nạn tham nhũng đến trơ trẽn, thậm tệ. Cả Cải và Ngố đều muốn được giảm hình phạt nên đã lo lót tiền trước. Nhưng ai ngờ thầy ăn tiền cả hai, vẫn xử phạt cả hai; tuy nhiên nương nhẹ kẻ đút lót nhiều tiền hơn.

Đây chính là những hiện tượng nham nhảm trong xã hôi phong kiến ở tầng lớp quan lại. Họ là cha mẹ của dân, phải lo trăm chuyện nhưng lại không hoàn thành trách nhiệm; ngược lại bòn rút của dân đến thê thảm.

Câu chuyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” không những gây cười ở tình huống xử phạt của thầy Lí mà còn muốn hướng đến tệ nạn tham nhũng, vơ vét của dân quá tàn nhẫn của quan lại. Bộ mặt nhơ nhuốc của thấy Lí nói riêng và của quan lại phong kiến nói chung được lột tả một cách chân thực qua cách xử kiện lố lăng của thầy Lí.

Trong xã hội phong kiến, tiền bạc dường như là thước đo của công lí, dồn người nông dân vào bước đường cùng. Chính dân là những nạn nhân, là chất xúc tác tạo nên những tệ nạn không đáng có trong xã hội. Và nó tạo thành thói quen khó bỏ cho những bọn tham quan ô lại.

Câu chuyện “Nhưng nó phải bằng hai mày” lên án một bộ phận, tầng lớp quan lại thối nát trong xã hội coi đồng tiền là tất cả; đồng tiền có thể đổi trắng thay đen, xoay chuyển công lí. Đó là những người sẵn sàng đẩy dân đen vào những con đường trái ngang và bất hạnh.

Như vậy “Nhưng nó phải bằng hai mày” đã để lại trong lòng người đọc nhiều bài học cũng như nhiều cách nhìn nhận mới về bọn quan lại trong xã hội phong kiến. Nhân dân muốn ổn định nhưng họ lại đục khoét, vơ bét một cách trắng trợn như thế. Đó cũng chính là thông điệp mà dân gian muốn nhắn gửi.

Xem thêmPhân tích truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

Bài văn mẫu 2

Kho tàng truyện cười Việt Nam cực kì phong phú về đề tài, được chia làm hai loại là truyện khôi hài và truyện trào phúng. Truyện khôi hài chủ yếu nhằm mục đích giải trí là chính, tuy vậy nó vẫn có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng. Truyện trào phúng có mục đích đả kích, phê phán, đối tượng phần lớn là các nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến xưa kia. Cũng có khá nhiều truyện cười phê phán thói hư tật xấu thường thấy trong cuộc sống. Nhưng nó phải bàng hai màyTam đại con gà là truyện cười thuộc loại trào phúng, phê phán đám quan lại tham nhũng và những thầy đồ dốt nát.

Cốt truyện đơn giản: Hai người hàng xóm đánh nhau rồi mang nhau đi kiện. Tuy vậy, truyện được xây dựng thành một màn hài kịch hoàn hảo với hai yếu tố then chốt dẫn tới sự hình thành và phát triển mâu thuẫn. Đó là lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi và hai đương sự Ngô, Cải, ai cũng muốn giành phần thắng nên đều đút lót cho lí trưởng.

Mâu thuẫn bắt đẩu phát sinh khi lí trưởng đột ngột tuyên bố đánh phạt Cải mười roi. Buồn cười ở chỗ là hai nhân vật một bên thì chủ động, còn bên kia hoàn toàn bị động. Một bên cứ kết án, một bên xin xét lại. Động tác và lời nói của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Màn kịch khép lại bằng câu kết luận chắc nịch của lí trưởng: Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày. Lời nói ấy đã vạch trần thủ đoạn của viên lí trưởng mà dân gian đã chỉ ra bằng câu thành ngữ: đòn xóc hai đầu.

Lí trưởng là người đứng đầu trông coi việc hành chính trong làng. Viên lí trưởng trong truyện nổi tiếng xử kiện giỏi. Song cái tiếng tăm ấy lại hoàn toàn đối lập với thực chất bên trong. Ngô và Cải đều phải lo đút lót trước cho lí trưởng. Sự công bằng, lẽ phải – trái, không có ý nghĩa gì ở chốn công đường. Khi lí trưởng xử kiện, lẽ phải ở đây thuộc về kẻ nhiều tiền, nhiều lễ vật lo lót. Đồng tiền đã ngự trị chốn công đường, bất chấp công lí. Đúng là: Nén bạc đâm toạc tờ giấy và Cải, Ngô là các nhân vật bi hài, vừa đáng trách, đáng cười, vừa đáng thương.

Thủ pháp trào lộng của truyện được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động, lời nói gây cười của các nhân vật. Cử chỉ, hành động của các nhân vật trong truyện này giống như cử chỉ và hành động của các nhân vật trong kịch câm, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Khi bị lí trưởng ra lệnh đánh đòn, Cải vội xòe năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí, khẽ bẩm. Cử chỉ ấy như muốn nhắc khéo lí trưởng về số tiền mà cải đã lo lót trước và anh ta trông đợi sự “nhớ ra” của lí trưởng về lời cam kết rằng lẽ phải sẽ thuộc về mình. Thầy lí cũng xòe năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt, cử chỉ ấy ngầm thông báo với Cải rằng “lẽ phải” của thằng Ngô nhiều gấp đôi, nên đương nhiên phần thắng sẽ thuộc về hắn.

Lẽ phải (trừu tượng) được tính bằng năm ngón tay (cụ thể), hai lần lẽ phải được tính bằng mười ngón tay. Điều thú vị mà tác giả dân gian dành cho người đọc là: ngón tay của Cải trở thành ‘‘kí hiệu” của tiền tệ và hai bàn tay úp vào nhau của quân cũng là “kí hiệu” biểu thị cho lượng tiền đút lót của Ngô.

Truyện còn dùng hình thức chơi chữ để gây cười. Từ phải trong truyện này đa nghĩa. Nghĩa thứ nhất chỉ lẽ phải, chỉ cái đúng, người đúng, đối lập với cái sai, người sai. Nghĩa thứ hai chỉ điều bắt buộc, nhất thiết phải có, tức là mức tiền lo lót. Lời lí trưởng: Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày lập lờ cả hai nghĩa ấy. Không phải ngẫu nhiên, vế thứ hai trong lời thầy lí lại được dùng để đặt tên cho truyện này.

Ở đây, ta thấy ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ động tác thống nhất với nhau, có giá trị ngang nhau. Ngồn ngữ bằng lời nói là ngôn ngữ công khai, nói cho tất cả những người có mặt cùng nghe. Ngôn ngữ bằng động tác là thứ ngôn ngữ “bí mật”, chỉ có người trong cuộc (thầy lí và Cải) mới hiểu được. Hai thứ ngôn ngữ ấy làm rõ nghĩa cho nhau để chỉ ra thực chất của sự nổi tiếng xử kiện giỏi của viên lí trưởng nọ.

Truyện rất ngắn, kết thúc bất ngờ nhưng nó nói đủ những điều muốn nói và tiếng cười vừa giòn giã, thâm thúy cũng đồng loạt cất lên.

Bài văn mẫu 3

Suy nghĩ về vấn đề tham nhũng qua truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày

Tham nhũng thì đời nào cũng có. Nó là vấn đề chung nóng bỏng mà cả thế giới quan tâm. Có ý kiến cho rằng: “Tệ tham nhũng như căn bệnh thế kỷ HIV - AIDS chưa có thuốc đặc trị”. Nếu căn bệnh kia chỉ tàn phá sức khỏe con người là chính thì tệ tham nhũng nguy hiểm hơn rất nhiều. Nó tàn phá mọi phương diện của xã hội trong đó nghiêm trọng nhất là làm suy đồi đạo đức. Từ xưa cha ông ta đã luôn phê phán tệ nạn này dưới nhiều hình thức tiêu biểu nhất có chuyện cười: “Nhưng nó phải bằng hai mày”.Truyện cười này không chỉ là tiếng cười hài hước mà còn là một đòn roi quất mạnh vào tệ tham nhũng của bọn quan lại trong xã hội phong kiến xưa đồng thời châm biếm thói hư tật xấu của con người đã góp phần không nhỏ cho tệ tham nhũng hoành hành.

Câu chuyện mở đầu với lời giới thiệu: “Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi”, ta nghĩ ngay ông lí này xử kiện giỏi chắc chắn là người liêm khiết, dân chúng trọng vọng, là một vị quan thanh liêm. Tiếp nối câu chuyện hai người nông dân Cải và Ngô đánh nhau rồi cùng nhau đi kiện. Cải sợ kém thế lót trước năm đồng cho thầy lí, Ngô cũng sợ bị phạt nặng nên lo lót cho thầy lí đến mười đồng. Cả hai cùng yên tâm chắc mẩm mình sẽ không bị phạt vì đã “hầu túi quan”. Khi xử kiện thầy lí đều xử nhẹ cho cả hai nhưng Cải bị phạt đánh mười roi nhiều hơn Ngô. Cải vội xòe năm ngón tay ngụ ý nhắc thầy lí số tiền đã lo lót. Đáp lại hành động của Cải thầy lí lấy năm ngón tay trái úp lên mặt bàn tay phải, ám hiệu số tiền Ngô đã lo lót gấp đôi Cải. Cao trào nhất, gây cười nhất và cũng châm biếm nhất là câu nói: “Tao biết mày phải nhưng nó lại phải bằng hai mày!”. Vậy đấy trong xã hội phong kiến xưa nạn tham nhũng nặng nề khiến chân lí bị bóp méo, đồng tiền chính là thước đo của công lí, ai nhiều kẻ đó phải. Nạn tham nhũng là sai trái nhưng nghiễm nhiên từ điều bất bình thường cần phải dấu giếm và loại trừ thì lại trở thành lẽ hiển nhiên trong xã hội phong kiến:

Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.

Bọn trộm cướp chúng phải lén lút khi ăn trộm ăn cắp và sẽ bị xử tội nếu bị bắt ngược lại quan lại được ví như cha mẹ của dân có thể “cướp” của người dân bất cứ lúc nào mà chẳng phải dè chừng. Đó là điều hết sức hiển nhiên được coi là bình thường trong xã hội xưa. Mọi việc khi đã động vào “cửa quan” thì cái đầu tiên phải là đồng tiền, nén bạc. Đồng tiền có sức mạnh ghê gớm. “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” nó đổi trắng thay đen nó dồn những người dân thấp cổ bé họng vào con đường cùng. Như trong truyện Kiều của Nguyễn Du, Vương ông Vương Bà bị đổ tội oan nhưng muốn thoát tội thì phải: “Có ba trăm lượng việc này mới xong”. Bị oan nhưng không tiền thì đúng sẽ thành sai, trắng đổi ra đen. Đồng tiền tham ô quả có sức mạnh ghê gớm nó đã tàn phá nhân cách con người trở nên mục ruỗng, xã hội bất công thối nát. Đáng buồn thay tệ tham nhũng đâu chỉ có trong thời phong kiến xa xưa. Vậy theo bạn: Trong xã hội hiện đại dân chủ – văn minh ngày nay tệ tham nhũng có còn? Xin trả lời luôn nó vẫn luôn tồn tại nó như con vi rút vẫn gây bệnh len lỏi trong mọi ngóc ngách đời sống xã hội nhưng những kẻ tham ô, tham nhũng đã biết ẩn nấp, hành động tinh vi hơn rất nhiều. Chúng là những cái ung, cái nhọt hôi thối luôn đe dọa đến con người và xã hội.

Trong tử điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã giải thích như sau: “Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”. Lẽ ra những cán bộ, công chức những người được nhân dân tin tưởng giao cho trách nhiệm để lãnh đạo đất nước để giúp đời sống xã hội ổn định và phát triển thì không ít trong số đó có nhiều kẻ đã xa đọa, biến chất, trở thành sâu mọt đục khoét tài sản quốc gia, tiền bạc của dân. Chúng lợi dụng chức quyền gây ra bao phiền hà, tìm đủ mọi cách móc tiền của dân. Ngày càng nhiều những vụ tham nhũng với số tiền lớn khủng khiếp và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đang ngày ngày diễn ra một số ít đã bị đưa ra ánh sáng. Như vụ  PMU 18 gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 40 tỉ đồng, nhưng đã thấm vào đâu so với con số 900 tỉ trong vụ tham nhũng của tập đoàn Vinashin hay gần đây nhất là vụ PVC – Trịnh Xuân Thanh gây hậu quả thua lỗ gần 3300 tỉ đồng đó chỉ là số ít trong biết bao vụ tham nhũng tham ô chưa được đưa ra ánh sáng và những kẻ vẫn còn là những con “chuột trù” bới móc vẫn đang ẩn nấp giống như loài đỉa hút máu người dân, mục ruỗng đất nước.

Nạn tham ô, tham nhũng phổ biến như vậy có phải chỉ do sự quản lý thiếu chặt chẽ trong bộ máy pháp lý? Xin trả lời luôn đó là một phần nguyên nhân nhưng chưa thể đủ vì chính những người dân thiếu hiểu biết vì lợi ích cá nhân cũng phải chịu một trách nhiệm không nhỏ gây ra tệ tham nhũng. Thật đáng buồn khi hiện nay những người như “Cải và Ngô” không hiếm. Hành động của Cải và Ngô chính là nguyên nhân dẫn đến thói tham ô của tên lí trưởng. Cải và Ngô đều muốn đổ tội cho nhau nên đều đến hối lộ thầy lí mong giảm tội cho mình và đổ tội cho người. Đó chính là “thời có đục khoét” cho nhiều kẻ tham ô như tên lí trưởng dẫn đến nạn tham nhũng ngày càng phổ biến. Trong xã hội ngày nay đồng tiền vẫn có sức mạnh khủng khiếp bao kẻ muốn dùng tiền để đổi trắng thay đen, vén lợi cho bản thân. Họ chính là dây dẫn nổ cho “quả bom tham nhũng” phát nổ phá hủy tất cả chân lí, công lí mà trong quá trình phát triển của nhân loại đã dầy công xây dựng.

Ngày nay, sẽ chẳng khó để bắt gặp một hành động tham ô, tham nhũng. Kể đâu xa ngay con phố nhỏ, góc chợ những người buôn bán muốn có chỗ ngồi đẹp sẽ phải lo lót chút ít cho ban quản lí chợ, vào bệnh viện muốn khám bệnh không mất công sức thời gian thì khéo léo đút phong bì vào túi bác sĩ. Lớn hơn chút nữa là chạy chọt xin việc, mua quan bán chức như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận xét thật nhẹ nhàng mà sâu cay:

“Có tiền việc ấy mới xong nhỉ

Đời trước làm quan cũng thế à.”

Bao sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn xin một chân làm việc trong cơ quan nhà nước phải bỏ số tiền vài trăm triệu để đổi lấy một công việc có mức lương vài ba triệu một tháng. Ví dụ như một giáo viên với mức lương tầm ba triệu một tháng trong khi tiền chạy việc ít nhất tầm ba trăm triệu sẽ phải làm việc không có thu nhập trong vòng khoảng gần mười năm, một thời gian thật là dài phải không? Đó là khi may mắn hối lộ mà được việc không bị phát hiện nếu không sẽ như Cải và Ngô tiền mất tật mang nhận lại sự chê cười nặng nề hơn nữa nếu bị truy tố trước pháp luật có khi phải đi tù, cánh cửa tương lai sẽ đóng lại vĩnh viễn.

Đáng lẽ chúng ta phải có trách nhiệm đẩy lùi nạn tham ô, tham nhũng để cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn. Ngược lại rất nhiều người lại mù quáng như Cải và Ngô dâng quả ngọt cho lũ sâu bọ, vung lúa gạo cho đàn chuột trù. Để rồi khi lũ sâu bọ, chuột trù hôi hám nguy hiểm ấy ngày càng nhiều gieo giắc những mầm bệnh thì đúng là tai họa khôn lường.

Nước ta chưa giầu, bao nhiêu con người còn đói khổ bao trẻ nhỏ thiếu trường bao bệnh nhân thiếu thuốc. Vậy mà bọn quan lại tham ô tham nhũng sống sung sướng như những ông hoàng với biệt thự, xe hơi, du lịch như cơm bữa bọn chúng đã cướp đi bao ngôi trường, bao bệnh viện. Số tiền đó sẽ có thể giúp cho bao mảnh đời khó khăn tiếp tục sống. Tiền không xấu nhưng cách con người sử dụng tiền vào mục đích ích kỉ, vụ lợi và nhiều kẻ sẵn sàng làm nô lệ của đồng tiền mới đáng trách. Tham ô, tham nhũng còn hủy hoại nhân cách con người làm suy đồi đạo đức của xã hội. Khi con người lại dung túng cho tham nhũng thì những đứa trẻ sẽ học được gì tốt đẹp trong cái xã hội bất công đó. Rồi đây những đứa trẻ sẽ trở thành những kẻ tham ô và hối lộ mới. Tương lai của quốc gia, dân tộc rồi sẽ đi về đâu? Vì vậy ngay từ lúc này chúng ta mỗi người phải thay đổi. Tổng thống Nga Pu – tin đã nói: “Những người chống tham nhũng phải trong sạch trong chính bản thân” hãy ngừng nuôi sống tiếp tay cho nạn tham ô.

Nhưng đừng chỉ hô hào cho hay, cho có đừng thờ ơ với tệ nhũng nhiễu sách hạch từ hành động nhỏ nhất hãy biết nộp phạt khi vi phạm giao thông thay vì đút tiền xin xỏ, hãy biết chờ đợi khi đi khám bệnh, xin hồ sơ, giấy tờ… Thật dũng cảm tố giác, tố cáo những hành vi tham nhũng. Cùng với đó đảng và nhà nước cũng phải đưa ra những chủ trương, biện pháp nhằm loại bỏ vấn nạn tham nhũng. Cần có sự kiên quyết chặt chẽ nếu không sự xuống cấp của bộ máy công quyền trong hệ thống chính trị và dẫn đến mất niềm tin ở nhân dân là điều mà không thể tránh khỏi nếu tệ nạn tham nhũng vẫn hoành hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quan liêu lãng phí, tham ô là kẻ thù của chế độ, là kẻ thù nguy hiểm vì nó không mang gươm, súng mà nó nằm ngay trong nội bộ ta làm mục ruỗng từ bên trong”. Đã đến lúc chúng ta phải dốc toàn lực chống tham nhũng, lũ tham quan ô lại là rác rưởi cần phải quét sạch, những kẻ tiếp tay cần phải trừng trị. Có như vậy lẽ phải, công lí mới được thực thi, xã hội mới trong sạch và văn minh. Đừng để những thế hệ mai sau sẽ lại phải trở thành anh Ngô, anh Cải và tên lí trưởng trong câu chuyện trên. Mỗi người dân Việt Nam phải chung tay, góp sức và hành động quyết liệt để xóa bỏ quốc nạn mang tên tham nhũng.

>> Hướng dẫn chi tiết soạn bài Nhưng nó phải bằng hai mày

**********

Hy vọng rằng các bài văn mẫu phân tích tệ tham nhũng trong truyện Nhưng nó phải bằng hai mày trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM