Tập làm văn: Tập viết đoạn đối thoại

Xuất bản: 22/07/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Tập làm văn: Tập viết đối thoại trang 85 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 tuần 26, qua đó giúp các em nắm được kiến thức và thực hành viết được một đoạn đối thoại hoàn chỉnh.

Tập viết đoạn đối thoại là một kiểu bài rất mới trong phân môn Tập làm văn lớp 5 đòi hỏi các em cần nắm vững kiến thức và vận dụng tư duy của mình để hoàn thành một đoạn đối thoại. Để chuẩn bị cho tiết tập làm văn: Tập viết đoạn đối thoại trang 85 tuần 26 SGK Tiếng Việt 5 tập 2, các em hãy tham khảo bài hướng dẫn chi tiết dưới đây của Đọc Tài Liệu nhé. Ngoài ra, đây cũng là một tài liệu hữu ích để các thầy cô và phụ huynh sử dụng trong quá trình giảng dạy cho con em mình.

Cùng tham khảo nhé!

Tập làm văn: Tập viết đoạn đối thoại tuần 26 Tiếng Việt 5 tập 2

I. Mục tiêu tài liệu hướng dẫn tập viết đoạn đối thoại

- Giúp học sinh củng cố kiến thức về cách viết đoạn đối thoại, qua đó có thể viết được một đoạn đối thoại hoàn chỉnh

- Hướng dẫn các em hoàn thành các bài tập trong SGK để chuẩn bị cho tiết học trên lớp

II. Cách viết đoạn đối thoại

- Tìm hiểu tính cách nhân vật; và quan trọng hơn là hiểu tính cách đó thể hiện ra như thế nào trong hoàn cảnh cụ thể của câu chuyện.

Đây là yếu tố đặc biệt không thể bỏ qua khi viết lời thoại, để có lời thoại đúng và hay, phù hợp với nội dung đoạn kịch là phải biết dựa vào tính cách nhân vật.

- Nắm được cách sử dụng từ hô ứng.

Xưng hô trong lời thoại chính là sự bộc lộ trực tiếp tính cách riêng, thái độ, vị thế xã hội, mối quan hệ,... của nhân vật.

Sau khi nghe xong lời thoại, ta có thể hiểu và thấy rõ về hoàn cảnh, tính cách, nếp sống, thái độ cư xử... của từng nhân vật trong kịch bản.

- Vận dụng các kĩ năng: Dùng từ, sử dụng dấu câu, đặt câu, nghĩa từng câu, chỗ ngắt nghỉ, nhấn giọng,...

+ Câu thoại phải viết ngắn gọn, súc tích, chính xác mà dễ hiểu về mặt ngữ pháp và từ, ý; lời thoại phải bộc lộ nét riêng, hình tượng riêng của từng nhân vật, trước câu thoại thường đặt dấu gạch ngang để thể hiện đó là tiếng nói của nhân vật. Ngoài ra, các lời thoại trong một màn kịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau: lời thoại sau là sự tiếp diễn về kết cấu, nội dung, mục đích, thái độ, hành động, sự việc... được nêu ra trong lời thoại trước.

III. Hướng dẫn làm bài tập SGK

Câu 1 (tr. 85 sgk Tiếng Việt 5 tập 2): Đọc đoạn trích dưới đây của truyện Thái sư Trần Thủ Độ

Linh Từ Quốc Mẫu ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, bị một người quân hiệu ngăn lại. Về nhà, bà khóc:

- Tôi là vợ thái sư mà bị kẻ dưới khinh nhờn.

Ông cho bắt người quân hiệu đến. Người này nghĩ là phải chết. Nhưng khi nghe anh ta kể rõ ngọn ngành, ông bảo:

- Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn trách gì nữa!

Nói rồi, lấy vàng, lấy lụa thưởng cho.

Trả lời:

- Đọc giọng to, rõ ràng.

- Nhấn mạnh các tình tiết của Thái sư.

Câu 2 (tr. 85 sgk Tiếng Việt 5 tập 2): Dựa theo nội dung của đoạn trích trên, em hãy cùng các bạn trong nhóm viết tiếp một số lời đối thoại để hoàn chỉnh màn kịch sau:

Giữ nghiêm phép nước

Nhân vật: Trần Thủ Độ; Linh Từ Quốc Mẫu; người quân hiệu; một vài người lính và gia nô.

Cảnh trí: Một căn phòng rộng có kê án thư, trên có hộp bút, mấy cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi đọc sách.

Thời gian: Khoảng gần trưa.

Gợi ý lời đối thoại:

-  Linh Từ Quốc Mẫu phàn nàn với Trần Thủ Độ về chuyện bà bị người quân hiệu coi thường.

-  Trần Thủ Độ lệnh cho quân lính đi bắt người quân hiệu.

-  Quân lính áp giải người quân hiệu vào.

- Trần Thủ Độ hỏi người quân hiệu có đúng là anh ta bắt vợ ông xuống kiệu không. Có biết bà là phu nhân của Thái sư không.

- Người quân hiệu khẳng định là anh ta biết và kể lại đầu đuôi câu chuyện.

- Trần Thủ Độ khen ngợi, thưởng vàng và lụa cho người quân hiệu.

 (Linh Từ Quốc Mẫu bước vào phòng, vẻ mặt buồn bực như vừa khóc.)

Trần Thủ Độ: - (Ngạc nhiên) Phu nhân sao thế ?

Linh Từ Quốc Mẫu: - (Tấm tức) Phép nước bây giờ đảo lộn hết rồi ! Một tên quân hiệu mà dám hỗn với cả vợ thái sư. Như thế thì còn trên dưới gì nữa !

Trần Thủ Độ: - Bà hãy bớt nóng giận đi ! Kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện thế nào đã !

Linh Từ Quốc Mẫu: - Hôm nay tôi có việc qua cửa Bắc. Có tên quân hiệu nhất định bắt tôi xuống kiệu. Ông nghĩ xem: Tôi là vợ quan thái sư, thế mà kẻ dưới dám khinh nhờn là thế nào ?

Trần Thủ Độ:......

Trả lời:

Hoàn thiện màn kịch:

Nhân vật: Trần Thủ Độ; Linh Từ Quốc Mẫu; người quân hiệu; một vài người lính và gia nô.

Cảnh trí: Một căn phòng rộng có kê án thư, trên có hộp bút, mấy cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi đọc sách.

Thời gian: Khoảng gần trưa.

(Linh từ Quốc Mẫu bước vào phòng, vẻ mặt buồn bực như vừa khóc.)

Trần Thủ Độ: (Ngạc nhiên) Phu nhân sao thế?

Linh Từ Quốc Mẫu: - (Tấm tức) Phép nước bây giờ đảo lộn hết rồi! Một tên quân hiệu mà dám hỗn với cả vợ Thái sư. Như thế thì còn trên dưới gì nữa!

Trần Thủ Độ: Bà hãy bớt nóng giận đi kể cho tôi đầu đuôi câu chuyện thế nào đã!

Linh Từ Quốc Mẫu: - Hôm nay tôi có việc qua cửa Bắc. Có tên quân hiệu nhất định bắt tôi xuống kiệu. Ông nghĩ xem: Tôi là vợ quan Thái sư, thế mà kẻ dưới dám kinh nhờn là thế nào?

Trần Thủ Độ: - Khoan hãy khóc. Để tôi gọi hắn đến đây xem sao. (gọi lính hầu) Quân bay, cho gọi tên quân hiệu đến đây ngay! Nhớ dẫn theo một phu kiệu để nhận mặt hắn.

Lính hầu: - Bẩm, vâng ạ. (Chỉ một lát sau, tên lính hầu trở về, dẫn theo một người quân hiệu trẻ tuổi dáng vẻ cao lớn, đàng hoàng).

Người quân hiệu: - (Lạy chào) Con chào thái sư và phu nhân ạ!

Trần Thủ Độ: - Ngẩng mặt lên! Quân hiệu kia, ngươi có biết mặt phu nhân ta không?

Người quân hiệu: - (Vẻ lo lắng) Dạ, bẩm Đức Ông, con biết phu nhân ạ!

Trần Thủ Độ: - Ngươi có biết, vậy có đúng là sáng nay ngươi đã chặn kiệu phu nhân ta không?

Người quân hiệu: - Dạ bẩm Đức Ông, quả có việc đó ạ!

Trần Thủ Độ: - (Nổi giận) Giỏi thật! Ngươi biết phu nhân vậy sao còn dám hỗn láo?

Người quân hiệu: - Dạ bẩm, sáng nay, kiệu của phu nhân đi ngang qua điện Kính Thiên. Con đã trình với phu nhân nhưng các thị nữ và phu kiện cứ xô đến, nói là kiệu của phu nhân quan Thái sư không được phép cản. Cho nên, con đành lấy gươm ngăn, buộc kiệu phu nhân đi vòng. Bẩm, chuyện là như thế. Con xin chịu tội với Đức Ông và phu nhân.

Trần Thủ Độ: - (Gật đầu, tỏ vẻ hài lòng) Ra là thế! Ngươi ở chức thấp mà giữ nghiêm phép nước như vậy, ta trách móc gì ngươi được. (Nói với phu nhân) Bà hãy thưởng cho anh ta.

Linh Từ Quốc Mẫu: - (Nói với gia nô) Lấy cho anh ta một tấm lụa và một nén vàng.

Gia nô: - (Gia nô vào rồi mang lụa, vàng ra) Bẩm, phu nhân. Quà thưởng đây ạ.

Linh Từ Quốc Mẫu: - (Linh Từ Quốc Mẫu lấy quà từ tay gia nô, trao cho quân hiệu) Đây là Thái sư và ta ban thưởng cho ngươi.

Người quân hiệu: - (Cảm động) Xin đa tạ Thái sư và phu nhân. (tất cả cùng đi vào hạ màn).

Câu 3 (tr. 86 sgk Tiếng Việt 5 tập 2): Phân vai đọc lại (hoặc diễn thử) màn kịch trên.

Học sinh tự phân vai và diễn thử theo kịch bản đã chuẩn bị.

*********

Trên đây là hướng dẫn bài Tập làm văn: Tập viết đoạn đối thoại trang 85 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 mà Đọc tài liệu tổng hợp, hy vọng có thể giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn để có những tiết học bổ ích và vui vẻ. Chúc em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM