Hướng dẫn luyện tập tả người tuần 15 và gợi ý trả lời các câu hỏi trang 150 SGK Tiếng việt 5 trong tiết tập làm văn luyện tập tả người với đề bài viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến.
I. Mục tiêu cần đạt
- Xây dựng được dàn ý cho bài văn tả hoạt động
- Nêu được nội dung chính của từng đoạn, những chi tiết tả hoạt động của nhân vật trong bài văn
- Viết được một đoạn văn tả hoạt động của một người
II. Cách làm văn tả người đang hoạt động
1. Dàn ý chung của bài văn tả người (tả hoạt động)
Mở bài: Giới thiệu về người được tả
Thân bài
- Tả hình dáng: Tả những đặc điểm nổi bật nhất của đối tượng
(Mắt, mũi, khuôn mặt, khuôn miệng, mái tóc, vóc dáng, đôi bàn tay,…..)
- Tả hoạt động: Những hoạt động thường ngày mà người ấy thường làm là gì.
Trong khi tả nên kết hợp với tả hình dáng, bộc lộ tình cảm để bài văn sinh động hơn
Ví dụ: Giáo viên (giảng bài, viết bảng, trao đổi chuyên môn với giáo viên, trò chuyện với phụ huynh học sinh,…)
Mẹ (Nấu ăn, chăm con, dạy các con học, cắm hoa,…)
Bố (Sửa xe, đọc báo, xem ti vi, giúp mẹ rửa bát, đưa cả nhà đi chơi,…)
C. Kết bài: Tình cảm của em đối với người được miêu tả
2. Chú ý
Trong bài văn tả hoạt động của một đối tượng bất kì. Em cần chú ý:
Có thể tả ngoại hình rồi tả hoạt động, cũng có thể kết hợp tả ngoại hình lẫn hoạt động nhưng phải chú trọng tả hoạt động là nội dung chính của bài.
III. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK
Câu 1 - Trang 150 SGK
Đọc bài văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới (trang 150 sgk Tiếng Việt 5, tập một):
a) Xác định các đoạn của bài văn.
b) Nêu nội dung chính của từng đoạn.
c) Tìm những chi tiết tả hoạt động của bác Tâm trong bài văn.
Gợi ý trả lời:
a) Bài văn "Công nhân sửa đường" có 3 đoạn:
- Đoạn 1: từ "Bác Tâm… cứ loang ra mãi".
- Đoạn 2: từ "mảnh đường… như vá áo ấy".
- Đoạn 3: Đoạn còn lại.
b) – Đoạn 1: cảnh bác Tâm đang vá đường vô cùng vất vả, khó nhọc.
- Đoạn 2: Miếng vá đường hình chữ nhật đen nhánh hiện lên làm cho bé Thư ôm cổ mẹ nói: "Đẹp quá!..."
- Đoạn 3: bác Tâm hài lòng về thành quả lao động của mình.
c) Những chi tiết tả hoạt động của bác Tâm trong bài văn:
- tay phải cầm búa
- tay trái xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng
- đập búa đều đều xuống những viên đá để chúng ken chắc vào nhau
- hai tay đưa lên hạ xuống nhịp nhàng
- đứng lên vươn vai, nheo mắt rồi cười
Câu 2 - Trang 150 SGK
Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến.
Gợi ý trả lời:
Tham khảo bài văn sau đây:
Đúng 7 giờ kém 5 phút, cô giáo Thủy đã ôm cặp đứng trước cửa lớp. Ngoài 30 tuổi, cô mang vẻ đẹp đoan trang trong chiếc quần âu màu đen, áo sơ mi hoa rất nhã. Ba tiếng trống trường vang lên, cô liền bước vào lớp. Cô đứng thẳng, nở nụ cười tươi đáp lại chúng em khi cả lớp đứng nghiêm rang chào cô. Cô đặt cặp sách lên bàn, đi một vòng quanh lớp xem xét. Cô khen tổ trực nhật làm tốt, lớp rất sạch.
Hôm nay học Tập đọc bài thơ "hành trình của bầy ong". Cô cầm phấn nắn nót viết lên bảng tên bài thơ và tên tác giả. Rồi cô đọc mẫu, cô lưu ý cách đọc. Bạn Quỳnh, bạn Thông, bạn Vĩnh được cô lần lượt gọi đọc. Cô khen, cô cho điểm tốt. Sau đó, cô gợi ý cho chúng em cảm thụ, tìm hiều bài thơ. Cô giảng về hành trình và những nơi ong đến tìm hoa. Cô nói con ong là hiện thân của tinh thần lao động cần cù, cửa đức tính kiên nhẫn , tích lũy và sáng tạo:
Nối rừng hoang với biển xa
Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào
Cô nói: Hoa nở rồi hoa tàn; hết mùa hoa này sẽ tiếp đen mùa hoa khác. Cái quý của con ong là tích lũy cho người bao mật ngọt sau mỗi mùa hoa:
Bầy ong giữ hộ cho người
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.
Ánh mắt, nụ cười, giọng đọc, lời giảng của cô Thủy trong giờ Tập đọc làm em nhớ mãi.
(Sưu tầm: Lê Thùy Trang - Trường Tiểu học Thái Thịnh – Hà Nội)
*******
Sau khi tham khảo soạn bài tập làm văn Luyện tập tả người trên đây, hy vọng rằng các em có thể nắm được các kiến thức trọng tâm của bài đọc. Bên cạnh đó giáo viên và phụ huynh học sinh có thể tham khảo tài liệu trên để hướng dẫn học sinh học tập.