Tập đọc: Thưa chuyện với mẹ

Xuất bản: 02/08/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn chi tiết soạn bài tập đọc: Thưa chuyện với mẹ tuần 9 trang 85 sách giáo khoa Tiếng Việt 4 tập 1, qua đó rút ra bài học về ước mơ và tương lai.

Trong tiết Tập đọc: Thưa chuyện với mẹ tuần 9 trang 85 Tiếng Việt 4 tập 1, các em sẽ được học về câu chuyện ý nghĩa về ước mơ của Cương, qua đó thấy rằng bất cứ nghề nghiệp nào chỉ cần kiếm tiền bằng chính sức lao động chân chính của mình thì đều đáng quý. Cùng tham khảo bài hướng dẫn dưới đây của Đọc tài liệu để chuẩn bị thật tốt cho tiết học này em nhé!

Soạn bài Tập đọc: Thưa chuyện với mẹ tuần 9 trang 85 Tiếng Việt 4 tập 1

I. Bài tập đọc Thưa chuyện với mẹ

Từ ngày phải nghỉ học, Cương đâm ra nhớ cái lò rèn cạnh trường. Một hôm, em ngỏ ý với mẹ:

- Mẹ nói với thầy cho con đi học nghề rèn.

Mẹ Cương đã nghe rõ mồn một lời con, nhưng bà vẫn hỏi lại:

- Con vừa bảo gì?

- Mẹ xin thầy cho con đi làm thợ rèn.

- Ai xui con thế?

Cương cố cắt nghĩa cho mẹ hiểu:

- Thưa mẹ, tự ý con muốn thế. Con thương mẹ vất vả, đã phải nuôi bằng ấy đứa em còn phải nuôi con... Con muốn học một nghề để kiếm sống...

Mẹ Cương như đã hiểu lòng con. Bà cảm động, xoa đầu Cương và bảo:

- Con muốn giúp mẹ như thế là phải. Nhưng biết thầy có chịu nghe không? Nhà ta tuy nghèo nhưng dòng dõi quan sang. Không lẽ bây giờ mẹ để con phải làm đầy tớ anh thợ rèn.

Cương thấy nghèn nghẹn ở cổ. Em nắm lấy tay mẹ, thiết tha:

- Mẹ ơi! Người ta ai cũng phải có một nghề. Làm ruộng hay buôn bán, làm thầy hay làm thợ đều đáng trọng như nhau. Chỉ những ai trộm cắp hay ăn bám mới đáng bị coi thường.

Bất giác, em lại nhớ đến ba người thợ nhễ nhại mồ hôi mà vui vẻ bên tiếng bễ thổi "phì phào", tiếng búa con, búa lớn theo nhau đập "cúc cắc" và những tàn lửa đỏ hồng, bắn tóe lên như khi đốt cây bông.

(theo Nam Cao)

II. Hướng dẫn đọc hiểu bài tập đọc Thưa chuyện với mẹ

1. Chú thích

- Thầy: bố, ba, cha,..

- Dòng đời quan sang: từ đời này sang đời khác nếu có người làm quan

- Bất giác: (cử chỉ, hành động, cảm xúc, ý nghĩ chợt đến) thình lình, ngoài chủ định

- Cây bông: pháo hoa buộc trên cột cao, khi đốt xòe thành nhiều màu

2. Ý nghĩa bài học

Cương ước mơ trở thành thợ rèn để kiếm sống giúp mẹ. Cương thuyết phục mẹ đồng tình với mình, không xem nghề thợ rèn là hèn kém. Ước mơ của Cương là chính đáng, bất kì nghề nghiệp nào chỉ cần kiếm tiền bằng chính sức lao động chân chính của mình thì đều đáng quý

3. Hướng dẫn đọc diễn cảm

Đọc lưu loát toàn bài. Biết đọc diễn cảm phân biệt lời các nhân vật trong đoạn đối thoại

- Lời Cương: lễ phép, nài nỉ, thiết tha

- Lời mẹ Cương: lúc ngạc nhiên, khi cảm động, dịu dàng

III. Hướng dẫn làm bài tập SGK

Câu 1 (trang 86 sgk Tiếng Việt 4): Cương xin mẹ học nghề để làm gì?

Đáp án:

Cương xin mẹ học nghề để đỡ đần mẹ và cũng để kiếm một nghề sinh sống.

Câu 2 (trang 86 sgk Tiếng Việt 4) : Mẹ Cương nêu lí do phản đối như thế nào?

Đáp án:

Mẹ Cương nêu lí do phản đối Cương, cho rằng Cương bị ai đó xui khiến. Mặt khác bà bảo rằng dòng dõi nhà Cương là dòng dõi quan sang không thể đi làm một nghề thấp kém như thế, làm mất thể diện gia đình

Câu 3 (trang 86 sgk Tiếng Việt 4) : Cương thuyết phục mẹ bằng cách nào?

Đáp án:

Cương thuyết phục mẹ bằng cách nêu lí do trong cuộc sống nghề nào cũng đều trọng cả chỉ có những kẻ trộm cắp mới đáng khinh, đáng bị coi thường.

Câu 4 (trang 86 sgk Tiếng Việt 4) : Nhận xét về cách trò chuyện của hai mẹ con?

Đáp án:

Em có thể nêu nhận xét như sau:

a) Cách xưng hô: Nhẹ nhàng, tình cảm, đúng với quan hệ mẹ với con. Con thì lễ phép thưa gửi, mẹ thì tình cảm dịu dàng âu yếm.

b) Cử chỉ trong lúc nói chuyện: lễ phép, thân mật

Mẹ thì xoa đầu Cương âu yếm

Con thì nắm tay mẹ tình cảm tha thiết

*****************

Hy vọng hướng dẫn soạn bài Tập đọc: Thưa chuyện với mẹ tuần 9 trang 85 trên đây của Đọc tài liệu sẽ giúp các em chuẩn bị bài tốt hơn, qua đó tiếp thu kiến thức và hoàn thành các bài tập. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM