Nguyễn Du, với tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng nhân đạo sâu sắc, đã thổi hồn vào "Đọc Tiểu Thanh kí" một nỗi lòng thương cảm da diết cho số phận bi thương của người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Cảm nhận tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài Đọc Tiểu Thanh kí, ta thấy nhà thơ không chỉ thể hiện sự đồng cảm với tâm trạng tiếc nuối, xót xa của nàng Tiểu Thanh mà còn gián tiếp lên án xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công và sự tàn nhẫn đối với phụ nữ. Bài viết này sẽ hướng dẫn các em làm bài văn nêu suy nghĩ về tấm lòng nhân đạo cao đẹp của Nguyễn Du được thể hiện qua bài thơ "Đọc Tiểu Thanh kí", qua đó khơi gợi những suy ngẫm về cuộc đời, số phận và phẩm chất của con người.
Làm rõ tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài Độc Tiểu Thanh kí
1. Nhân đạo là gì?
- Nhân đạo là tấm lòng yêu thương con người, cảm thông cho những đau khổ, bất hạnh mà con người phải gánh chịu.
- Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ văn Nguyễn Du: đề cao quyền sống, quyền hạnh phúc của con người; trân trọng những giá trị tinh thần; cảm thông với những bất hạnh, đau khổ mà con người phải gánh chịu.
2. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài Độc tiểu thanh kí
- Niềm cảm thương sâu sắc trước cuộc đời số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh:
+ Từ sự thay đổi của khung cảnh Nguyễn Du nghĩ đến sự thay đổi của đời người:
- Xưa - quá khứ: nàng Tiểu Thanh nổi tiếng tài sắc
- Nay - hiện tại: chỉ còn lại một tập thơ bị đốt dở, nơi gửi gắm những nỗi niềm của Tiểu Thanh bị vợ cả đốt chỉ sót lại vài bài.
- Độc điếu: Sự cô đơn của Nguyễn Du, sự ít ỏi của hậu thế trong niềm cảm thông và chua xót với những người đi trước
- Nhất chỉ thi: một cuốn sách còn lại.
=> Sự đồng cảm của một lòng đau với một lòng đau, tác giả không chỉ bày tỏ lòng thương đối với Tiểu Thanh mà còn có sự ngậm ngùi cho chính mình.
+ Hai nỗi oan lớn của cuộc đời Tiểu Thanh được tác giả khái quát lại bằng hai hình ảnh ẩn dụ:
- “Son phấn”: tượng trưng cho nhan sắc. -> Nỗi oan thứ nhất: hồng nhan bạc mệnh. Sống trong cô đơn buồn khổ, chết trong tức tưởi, bất hạnh.
- “Văn chương”: tượng trưng cho tài năng. -> Nỗi oan thứ hai: tài mệnh tương đố. Có tài và chính vì tài năng kiệt xuất, ưu việt, hơn trời ấy mà bị ông trời đày ải, số phận nghiệt ngã.
=> Tác giả nhắc đến hai nỗi oan này cũng chính là bày tỏ sự thương xót cho số phận của nàng nói riêng và của tất cả những người phụ nữ phải chịu cảnh ấy nói chung.
- Nguyễn Du đã khái quát cuộc đời, số phận đầy bi kịch của Tiểu Thanh lên thành quy luật hồng nhan bạc mệnh và bày tỏ nỗi niềm tri âm với bao kiếp người phong vận xưa nay.
+ Nỗi oan của Tiểu Thanh được tác giả khái quát thành cái nhìn về số phận con người trong xã hội phong kiến:
- Gọi là nỗi hờn kim cổ: nỗi uất ức, oán hận của con người từ xưa đến nay.
- Trời khôn hỏi: Không thể hỏi trời vì trời không thấu. Không thể hỏi trời vì chính trời cũng không giải thích, không thể trả lời được.
=> Nỗi đau không có thế lực nào có thể giải thích, có thể giúp đỡ được.
+ Tự khóc người mà thương mình:
- Giải thích nỗi hận sự, mối oan, sự uất ức bất bình ấy xuất phát từ “phong vận kì oan” - nghịch cảnh đau xót: người sở hữu tài năng, nhan sắc - phong lưu, phong nhã thì lại phải chấp nhận số phận nghiệt ngã, bất hạnh.
- “Ngã tự cư”: Nguyễn Du cũng cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh, tài hoa nhưng bạc mệnh, bế tắc trong nỗi oan không thể hóa giải.
=> Viết về nàng Tiểu Thanh cũng là để kí thác, gửi gắm những nỗi niềm của mình.
- Nguyễn Du đã bày tỏ niềm khao khát được tri âm, đồng cảm hướng tới hậu thế muôn đời:
+ Ông cất tiếng hỏi hướng đến và gửi đến hậu thế sau mình 300 năm:
- Khoảng thời gian 300 năm ứng với khoảng thời gian từ Tiểu Thanh đến Nguyễn Du. Khoảng thời gian khi Nguyễn Du tìm đến và khóc thương nàng ứng với cuộc đời của nàng là sau 300 năm. Mong muốn sau chừng ấy thời gian sẽ có người nào đó của hậu thế hiểu mình và khóc thương cho mình.
- Từ câu chuyện đời nay khóc thương cho người xưa, Nguyễn Du đã cất tiếng hỏi người đời sau, không biết sau ba trăm năm nữa có ai khóc thương cho mình hay không?
- Câu hỏi hé mở điều về Nguyễn Du trong hiện tại: tác giả đang rất cô đơn, vì cô đơn mới tìm về thương người quá khứ, tìm ở tương lai sự đồng cảm dành cho mình.
=>Tự thương - nét mới của tư tưởng nhân đạo cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX. Trong tự thương ấy còn là thức tỉnh nỗi đau của chính mình.
* Đánh giá về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du:
- Tấm lòng nhân đạo bao la của Nguyễn Du đã vượt qua mọi sự giới hạn của không gian, thời gian, của kiếp người để nối kết những con người cùng mang nỗi oan lạ lùng lại với nhau.
- Tấm lòng nhân đạo trong Đọc Tiểu Thanh kí chỉ là một mắt xích trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du, làm nên giá trị đích thực của các sáng tác thơ Tố Như.
Dàn ý đoạn văn suy nghĩ về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài Đọc Tiểu Thanh kí
1. Mở đoạn
- Giới thiệu đoạn trích "Đọc Tiểu Thanh kí"
- Khái quát giá trị nhân đạo của đoạn trích.
2. Thân đoạn
- Tấm lòng xót thương cho số phận bi thương "hồng nhan bạc mệnh" của Tiểu Thanh:
+ Tiểu Thanh là một cô gái "tài sắc vẹn toàn" nhưng lại có số phận hẩm hiu.
+ Phải đi làm vợ lẽ từ năm 16 tuổi, bị vợ cả ghen ghét và cuối cùng ra đi trong bệnh tật khi chỉ mới 18.
- Niềm suy tư và sự đồng cảm sâu sắc của tác giả:
+ Từ nỗi thương người, tác giả cũng thể hiện sự xót thương cho chính cuộc đời mình.
+ Đặt ra vấn đề về khát vọng được sống, được hạnh phúc.
+ Thể hiện sự cảm thông với những con người nhỏ bé, tài hoa nhưng có số phận hẩm hiu.
3. Kết đoạn
- Khẳng định lại tấm lòng nhân đạo của tác giả.
Đoạn văn mẫu suy nghĩ về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài Đọc Tiểu Thanh kí
Đoạn văn số 1
Đọc “Tiểu Thanh kí” là một trong những sáng tác được nhiều người biết đến, thể hiện sâu sắc tư tưởng Nguyễn Du và đã gây xúc động với em vì tình cảm nhân đạo cao cả của nhà thơ. Bài thơ là những tâm sự của ông, vừa có được sự tương đồng, gần gũi với cuộc đời, tài sắc mà bất hạnh của Tiểu Thanh. Bởi vậy đây được coi là sự kết hợp hài hoà giữa nỗi thương người và sự thương mình, giữa sự xót thương cho kiếp người bạc mệnh và lòng trân trọng ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó cũng là một phương diện quan trọng, sâu sắc trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du. Ông đau nỗi đau của con người, hiểu thấu được nguyên nhân của những bi kịch ấy nhưng cũng bất lực bởi chính ông cũng là nạn nhân của những bể nhuộm cuộc đời đó. Nỗi đau, sự cô đơn, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đều xuất phát từ một trái tim nghệ sĩ lớn. Qua đó, em thấy được ông là người giàu tình thương yêu, trân trọng tài năng và vẻ đẹp con người.
Đoạn văn số 2
Qua bài thơ "Đọc Tiểu Thanh kí", Nguyễn Du đã thể hiện một tấm lòng nhân đạo sâu sắc và cao đẹp. Trước hết, đó là sự đồng cảm với những số phận tài hoa bạc mệnh. Nguyễn Du không chỉ xót thương cho Tiểu Thanh, một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại có cuộc đời ngắn ngủi, đầy bi kịch, mà còn cảm thông với những người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến, những người bị chà đạp, vùi dập bởi định kiến và bất công.
Thứ hai, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du còn thể hiện qua sự trân trọng và đề cao những giá trị tinh thần của con người. Ông ca ngợi tài năng, trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn của Tiểu Thanh, đồng thời lên án những thế lực tàn ác đã chà đạp lên những giá trị đó. Nguyễn Du khẳng định rằng, dù cuộc đời có nghiệt ngã đến đâu, những giá trị tinh thần cao đẹp vẫn luôn tồn tại và tỏa sáng.
Cuối cùng, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du còn thể hiện qua khát vọng về một xã hội công bằng, nơi mọi người đều được sống hạnh phúc và phát triển hết khả năng của mình. Ông kêu gọi sự đồng cảm và sẻ chia từ phía người đọc, đồng thời gửi gắm niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Tóm lại, qua bài thơ "Đọc Tiểu Thanh kí", Nguyễn Du đã khắc họa một bức tranh chân thực và cảm động về số phận những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến. Đồng thời, ông cũng thể hiện một tấm lòng nhân đạo sâu sắc, một tình yêu thương con người và khát vọng về một xã hội công bằng, tốt đẹp hơn.
Đoạn văn số 3
Suy nghĩ về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài Đọc Tiểu Thanh kí
Đoạn văn số 4
"Đọc Tiểu Thanh kí" không chỉ là những vần thơ xót thương cho người con gái tài hoa bạc mệnh Tiểu Thanh, mà còn là minh chứng cho tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du. Ông đau đớn trước sự tàn phai của nhan sắc, sự chôn vùi của tài năng khi "Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư". Nguyễn Du không chỉ thương xót cho Tiểu Thanh mà còn thấu hiểu và đồng cảm với những kiếp người tài hoa bị vùi dập trong xã hội phong kiến. Ông trân trọng tài năng của nàng qua những trang thơ còn sót lại, như một lời khẳng định giá trị của con người trước những bất công của số phận. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du còn là sự đồng cảm với những thân phận nhỏ bé, bị chà đạp trong xã hội. Qua đó, ông gửi gắm thông điệp về sự cảm thông, trân trọng những giá trị tốt đẹp của con người và lên án những thế lực tàn ác đã chà đạp lên những giá trị đó.
Đoạn văn số 5
Bài thơ Đọc Tiểu Thanh Kí được Nguyễn Du viết nhân một chuyến thăm lại ngôi mộ của Tiểu Thanh. Tiểu Thanh là một người tài sắc vẹn toàn, thế nhưng cuộc đời lại hết sức bi thảm, nàng chết trong nỗi cô đơn khi mới 18 tuổi. Nàng vốn yêu thích thơ ca, trong những ngày cuối đời nàng đã viết rất nhiều bài thơ nhưng lại bị người vợ cả đem đi đốt. Để đến bây giờ, Nguyễn Du đến thăm mộ nàng vẫn còn vương đâu đó nỗi oán hận, xót thương. Rồi ông cũng xót thương cho chính mình bởi ông cũng là người có tài, “phong lưu” như Tiểu Thanh mà cuộc đời lại có quá nhiều biến cố. Thông qua bài thơ, tác giả muốn gửi gắm giá trị nhân đạo sâu sắc về khát vọng được sống, được người đời tôn trọng và cảm thông với những số phận nhỏ bé, bất hạnh nhất là những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh như Tiểu Thanh, Thúy Kiều.
-/-
Các em vừa tham khảo bài viết của Đọc tài liệu hướng dẫn cách viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài Đọc Tiểu Thanh kí. Ngoài ra, các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn nhé!