Tả hình ảnh cụ già đang ngồi câu cá - Văn mẫu 6

Xuất bản: 07/03/2019

Hướng dẫn viết bài tập làm văn số 6, tả hình ảnh cụ già đang ngồi câu cá. Tuyển chọn những bài văn mẫu lớp 6 tả người hay nhất cho các em học sinh tham khảo

Đề bài:

Hãy tả lại hình ảnh một cụ già đang ngồi câu cá bên hồ.

Lập dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh gặp gỡ hoặc địa điểm mà em được chứng kiến cụ già ngồi câu cá.

2. Thân bài:

- Miêu tả lại chân dung của cụ già lúc ngồi câu cá.

+ Khuôn mặt (chú ý đôi mắt, chòm râu,…).

+ Tư thế ngồi khom mình, ngồi thấp...

- Miêu tả cử chỉ, hành động của cụ từ xa đến gần.

+ Chú ý miêu tả đôi tay.

+ Miêu tả chi tiết các hành động như cuốc giun, xâu mồi, cầm cần thả xuông ao, sông, suối...

- Phong thái của ông lão lúc ngồi câu gợi ra điều gì? (sự nhàn nhã, thanh thản hay suy tư, trầm mặc).

- Có thể cho thêm vài hình ảnh như bầu trời trong xanh, dưới hàng cây...

- Đến khi cụ về thì dáng dấp cụ ra sao, xô đã đầy cá chưa?

- Hình ảnh ông lão gợi cho em ấn tượng gì?

3. Kết bài:

- Hình ảnh ông lão ngồi câu cá có ngợi cho em nhớ về một kỉ niệm nào đó đối với ông nội (hay ông ngoại) của mình không?

- Qua đó, em mong ước điều gì? (được sống cùng ông bà và những người thân, để luôn được chăm lo dạy dỗ,…).

Bài mẫu 1

Làng em có cụ Ngà nổi tiếng là "sát cá". Năm nay, cụ đã ngoài bảy mươi tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng đôi mắt vẫn còn tinh lắm. Chiều chiều, cụ buộc chiếc giỏ tre bên hông và vác chiếc cần trúc lên vai, rồi thong thả đi ra phía đầu làng.

Đầu làng em có một cái đầm rất rộng. Xung quanh đầm, cây cối um tùm. Trên mặt nước, hoa sen, hoa súng màu hồng, màu tím... trông rất đẹp. Rong lá hẹ, rong đuôi chó mọc dày ven bờ. cỏ chân vịt, dừa nước và rau ngổ kết thành bè lớn là nơi trú ngụ, sinh sôi của bao loài tôm cá. Thỉnh thoảng, em xin cụ Ngà cho đi câu cùng. Chỗ ngồi quen thuộc của cụ là ở dưới gốc cây phi lao già phía cuối đầm.

Mấy chục năm câu cá, cụ Ngà hiểu rõ thói quen của từng loài. Cá trắng hay ăn mồi gì, cá đen hay ăn mồi gì, cụ đều biết cả. Cho nên cụ đã chuẩn bị sẵn từng thứ từ nhà và gói kín bằng lá khoai môn. Chiếc cần câu của cụ bằng trúc vàng, chỗ tay cầm bóng loáng. Đoạn cước khá dài có gắn chiếc phao lông ngỗng; đầu dây nối với cái móc bằng thép có ngạnh rất sắc. Sau khi móc mồi, cụ Ngà nhẹ nhàng thả câu. Gió thổi nhẹ, sóng gợn lăn tăn, hơi nước mát mẻ toả lên rất dễ chịu.

Cụ Ngà ngồi bó gối, vẻ mặt đăm chiêu, chăm chú nhìn vào chiếc phao trắng đang dập dềnh trên mặt nước. Cụ chậm rãi kể cho em nghe về những lần cụ đi câu được những con cá lớn như thế nào. Bỗng cụ im bặt, chỉ tay xuống mặt đầm. Chiếc phao chúi mạnh rồi quay rất nhanh thành một vòng tròn. Em hồi hộp giục cụ giật lên, cụ lắc đầu bảo: "Kệ! Cứ để nó vùng vẫy, móc câu sẽ cắm sâu hơn, không vuột ra được". Bất chợt cụ khom người đứng dậy, giật mạnh chiếc cần và quay vút ra phía sau. Một chú cá diếc to hơn bàn tay đang giãy đành đạch trên mặt cỏ. Cụ Ngà cất tiếng cười khà khà sảng khoái:

- Chà! Con cá này rán giòn lên nhắm rượu thì ngon phải biết! Cu An gỡ nó ra đi!

Chú cá diếc đã được bỏ vào giỏ có lót nắm lá tre. Cụ Ngà lại móc mồi khác rồi tiếp tục buông câu. Ít phút sau, một chú trắm cỏ tham ăn cũng cùng chung số phận.

Mặt trời đã lặn. Phía Tây, ráng chiều đỏ sẫm. Một làn sương mỏng như khói từ từ phủ xuống mặt đầm. Em xách giỏ cá đi bên cạnh cụ Ngà, trong lòng dâng lên một niềm thích thú khó tả. Đúng như lời cụ Ngà từng nói: "Đi câu là một cái thú tiêu khiển lành mạnh và có ích. Nó làm cho tâm hồn thanh thản sau những giờ lao động mệt nhọc. Đã vậy lại có cá ăn. Con cá mình câu được ăn ngon hơn con cá mua ở chợ rất nhiều đấy cháu ạ!".

Em chẳng biết có thật như vậy không nhưng được đi câu cùng với cụ Ngà thì quả là thú vị!

Bài mẫu 2

Một buổi sáng mùa thu, tiết trời ấm áp, em có dịp quan sát một cụ già  đang ngồi câu cá bên bờ hồ.

Hôm đó , cụ mặc bộ đồ bà ba màu xám trắng, tay cầm chiếc cần câu bằng trúc,  lóng lánh dưới nắng mai hồng. Cụ trông thanh cao, giản dị và đầy chí khí.  Tuy cụ đã ngoài bảy mươi nhưng khuôn mặt vẫn đầy đặn, đẹp lão. Vầng  trán cao đã hằn sâu những nếp nhăn. Mái tóc bạc phơ, nhìn cụ như một ông  tiên nhân đức.  Cụ già thong thả buông cần trúc xuống hồ sen. Trời nước lênh đênh,  những chú cá chép lượn lờ trông mây dưới nước, đàn cá rô tung tăng đùa  giỡn, cụ lay nhẹ cần câu, mặt nước hồ chao động. Đàn cá liếc mắt nhìn lên  thấy chú giun cựa quậy dưới lưỡi câu, chúng lấy làm thích thú. Cụ già đưa  tay vuốt nhẹ chòm râu bạc trắng, mắt cụ đăm đắm nhìn lũ cá đang vờn mồi.  Cụ vẫn ung dung hút thuốc lào, mùi khói thuốc bay ra quyện với hương sen  đang phảng phất. Khói cứ bay cao, lan tỏa trong không gian vắng lặng.  Bỗng cụ mỉm cười thật tươi, đôi mắt hiền từ của cụ ánh lên một niềm vui,  niềm thú vị, thì ra đó là một chú cá chép vừa rón rén tới cắn câu. Cụ nhanh  tay bật mạnh cần câu, chú cá chép vừa nuốt chửng con mồi và cũng vừa  được cụ đưa lên bờ, rồi nằm gọn trong giỏ tre của cụ. Chú cá quẫy tũng  toẵng. Cụ nói: “Nếu muốn trở về với nước thì cũng nằm đấy mà đợi cụ nhé!“

Lời nói của cụ lúc trong trẻo nghe như tiếng chuông đồng, lúc trầm trầm  sâu lắng, rồi cụ bảo em:

–        Con có thích cá không?

Em vội trả lời:

–        Có ạ! Cụ câu cho con một chú cá rô nhé!

–        Vậy thì ngồi đấy mà chờ ông.

Rồi cụ gọi:

–        Cá rô ơi; hãy cắn câu đi nào!

Đàn cá rô vẫn vô tư, lượn lờ dưới nước, quanh quẩn bên đài sen để  thưởng thức hương thơm. Chú giun vẫn cứ cựa quậy dưới lưỡi câu lóng  lánh, cụ già vẫn kiên trì chờ đợi. Mặt hồ trải rộng, mênh mông và gợn sóng.  Những đóa sen vẫn rung rinh, gật gù trong gió sớm. Đột nhiên, một chú cá  rô dũng cảm đến gần lưỡi câu. Cụ già khẽ bảo em:

–        Lần này thì con có cá rô rồi đấy.

Em vui lắm và thầm mong cho cá cắn câu.  Cụ già như hiểu ý em, cụ cố nhìn con mồi. Cụ cũng mong có cá rô cho  em. Bàn tay xương xương của cụ vẫn nắm chặt lấy cần câu. Bóng cụ trải dài  dưới mặt nước trong xanh. Mấy cọng tóc bạc phất phơ trước trán. Cụ vẫn  kiên nhẫn, đợi chờ. Lần này trông cụ lo lắng, không còn vẻ ung dung vì sợ em thấy thất vọng. Chú cá rô không cầm lòng trước miếng mồi ngon, chú  đớp mạnh còn mồi rồi định tuôn chạy nhưng đâu còn kịp nữa. Chú đã mắc  câu. Cụ già bung tay lên hất cần câu lên bờ hồ. Cụ mỉm cười rồi bắt cá bỏ  vào chiếc bị cho em. Cụ còn dặn dò em:

–        Ông cho cá con đây nhưng con phải hứa với ông là học giỏi đấy!

Em  vội đưa hai tay đón lấy cá và cám ơn cụ rối rít:  – Con cảm ơn cụ, con sẽ học giỏi ạ! Chào cụ con về ạ  Cụ gật đầu khen em ngoan rồi vuốt nhẹ chòm râu. Có lẽ cụ hài lòng…

Em cầm chú cá đi về mà thầm cảm ơn cụ già tốt bụng kia… Lời dặn dò  của cụ vẫn còn vang lời dặn dò của cụ già mà em xem như một ông tiên  nhân hậu.

Bài mẫu 3

Trong cuộc sống, có rất nhiều hình ảnh, nhiều dáng vẻ mà chúng ta bắt gặp khi đi trên đường. Đó là những hình ảnh tạo nên sự đa dạng, phong phú và tươi đẹp hơn cho cuộc sống này. Hôm nay trên đường đi học nhóm về em chú ý đến dáng vẻ của một cụ già đang câu cá ở cái hồ gần trường em học.

Cụ già mặc một bộ quần áo màu vàng nhạt, đi chiếc xe đạp đã cũ, treo một cái giỏ ở xe và cụ ngồi trên một cái ghế nhỏ và buông cần câu cá. Mắt cụ chăm chăm nhìn vào mặt nước, rồi lại đi vòng vòng xung quanh hồ xem ở chỗ nào có cá để buông cần câu. Cái cần câu của ông cụ rất dài, dây câu cũng dài và mồi ông cụ bỏ vào một cái hộp bé xíu. Mỗi khi buông câu, cụ lại gắn mồi vào móc câu. Có những lúc em thấy cụ giật giật cần câu rồi từ từ kéo lên, mặt cụ bừng sáng vì hi vọng là có cá mắc câu. Tuy nhiên khi cụ kéo câu lên thì không có cá mà mồi thì bị ăn hết. Có lẽ con cá đó đã nhanh nhẹn ăn xong mồi nên chạy đi thật xa.

Mặt hồ bình yên, thi thoảng lăn tăn gợn sóng do cơn gió từ đâu ùa về. Lúc đó có những chú cá ngoi lên tung tăng bơi lội trong hồ, chờn vờn bên cần câu của cụ già nhưng không biết có cắn câu hay không. Thời tiết hôm đó khá đẹp, nắng rất nhẹ nhàng, không gắt gỏng; gương mặt của cụ già cũng tươi tỉnh dù cá không cắn câu.

Khi mặt hồ yên lặng, không có chú cá nào bơi đến cụ lại thong thả vuốt chòm râu dài và trắng phau. Mái đầu của cụ cũng đã bạc trắng, thêm chòm râu trắng nữa nên cụ trông giống như một ông tiên hạ trần thế. Phong thái bình tĩnh và điềm đạm của cụ lúc câu cá khiến cho em liên tưởng đến bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến. Nhân vật trữ tình trong bài thơ này cũng có dáng câu cá rất tao nhã và bình thản như vậy.

Cụ già rất kiên trì khi câu cá, lúc nào có động tĩnh, cụ cũng kéo cần câu rất nhẹ nhàng và điềm tĩnh để không đánh thức lũ cá đang bơi lội ở dưới kia. Bàn tay cụ khéo léo, kéo từ từ cần câu. Và lúc cần câu ngoi lên mặt nước thì có một con cá đã cắn câu. Đó là một con cá rô phi to bằng bàn tay người lớn đã bị mắc vào chiếc cần câu sắc nhọn. Chú cá ngoe nguẩy bên này sang bên kia để thoát khỏi bàn tay của ông cụ. Nhưng cụ đã rất nhanh nhẹn và khéo léo để bỏ chú cá xấu số vào chiếc giỏ đang treo ở xe.

Vậy là cụ già đã có một bữa tối ngon lành với chú cá rô phi xấu số kia. Có thể chú cá sẽ được vào nồi nấu canh chua hoặc kho lên với nghệ. Nghĩ đến em đã thèm rồi. Hình dáng cụ già câu cá hôm đó khiến em vui vui, cảm thấy cuộc đời này có nhiều điều thật bình yên nhưng đáng trân trọng.

Bài mẫu 4

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, ti vi thường xuyên chiếu những thước phim về các hoạt động của Bác. Bên cạnh những (đoạn phim Bác làm việc, thăm hỏi chiến sĩ đồng bào, vui chơi cùng các cháu thiếu nhi, nhà đài còn chiếu một đoạn phim Bác ngồi trầm ngâm câu cá. Xem đoạn phim ấy ai không biết lại cứ ngỡ đó là một cụ già chốn thôn quê đang vui với thú vui câu cá nhàn tản.

Bác mặc một chiếc áo màu trắng nhạt, hòa với màu tóc Người, dáng điệu ung dung tự tại mà lại rất uy nghi. Tay cam chiếc cần trúc, buông nhẹ xuống ao. Mắt lim dim như ngâm ngợi điều gì. Thỉnh thoáng, vài cơn gió hiu hiu thổi làm mặt nước gợn sóng khẽ lăn tăn. Thỉnh thoảng Bác quay sang uống vài ngụm trà xanh dân dã, trông rất mộc mạc, giản dị. Nhìn dáng Bác ngồi câu không hề thấy chút mệt mỏi, ưu tư. Ngắm Bác ung dung câu cá, nhiều người liên tưởng tới hình ảnh cụ già ngồi câu cá trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến ngày xưa.

Tưởng rằng “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được” vậy mà “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Bác đã giật mạnh cần câu, một chú chép tráng ham mồi bay lun khỏi mặt nước, lấp loáng uốn lưng dưới nắng vàng. Bác Hồ nét mặt vui tươi hân hoan, cười khoan khoái.

Hình ảnh Bác Hồ – vị cha già dân tộc, mộc mạc, dung dị và rất đời thường ấy khiến biết bao thế hệ người dân Việt Nam xúc động nghẹn ngào. Hình ảnh đó sẽ còn lắng mãi trong trái tim mỗi con người Việt Nam và trong tâm trí em.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM