Suy nghĩ về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền

Xuất bản: 17/07/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn trình bày đoạn văn nêu suy nghĩ về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) kèm theo một số bài mẫu tham khảo.

Đoạn trích "Thề nguyền" không chỉ là lời hẹn ước trăm năm của đôi lứa mà còn là minh chứng cho câu chuyện tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng vượt lên mọi rào cản phong kiến. Bài viết này sẽ hướng dẫn các em cách viết đoạn văn nêu suy nghĩ về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng đẹp nhưng đầy trắc trở này để hiểu thêm giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng trong đoạn trích Thề nguyền

1. Tình yêu chủ động và táo bạo

- Thúy Kiều không chỉ là người con hiếu thảo, luôn đặt chữ hiếu lên hàng đầu mà còn là người con gái chủ động trong tình yêu, "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để đến với Kim Trọng trong đêm trăng thề nguyền. Hành động này thể hiện sự quyết liệt và khao khát yêu đương mãnh liệt của nàng, bất chấp mọi quy tắc xã hội.

2. Tình yêu thủy chung và son sắt

- Lời thề nguyền dưới ánh trăng là minh chứng cho tình yêu son sắt, thủy chung của hai người.

- "Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương" thể hiện sự bền chặt, không gì có thể lay chuyển được tình cảm của họ. Họ nguyện sống chết có nhau, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Lời thề ấy không chỉ là lời hứa mà còn là niềm tin, là động lực để họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

- Tình yêu của họ là tình yêu trong sáng, lãng mạn, không toan tính, nảy nở từ sự đồng điệu của tâm hồn. Điều đó thể hiện qua những cử chỉ, lời nói e ấp, ngại ngùng.

3. Tình yêu vượt lên lễ giáo phong kiến

- Trong xã hội phong kiến, hôn nhân thường do cha mẹ sắp đặt, nhưng Kiều và Kim Trọng đã tự do đến với nhau, vượt qua mọi rào cản lễ giáo và định kiến xã hội. Họ tự do bày tỏ tình cảm, tự do quyết định hạnh phúc của mình. Tình yêu của họ là tình yêu tự do, không bị chi phối bởi bất cứ quyền lực nào.

- Tình yêu của họ đã trở thành biểu tượng cho sự tự do trong tình yêu, khát khao được sống và yêu theo tiếng gọi của trái tim.

Dàn ý đoạn văn suy nghĩ về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền

1. Mở đoạn

- Giới thiệu về đoạn trích Thề nguyền và tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng.

2. Thân đoạn

Trình bày suy nghĩ của em về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng thể hiện qua đoạn trích:

- Mối tình Kim - Kiều là mối tình thủy chung và son sắt, lời thề chính là sự khẳng định cho niềm tin, lòng thủy chung, son sắt của hai con người. Thuý Kiều và Kim Trọng đều xem nó là minh chứng cho tình yêu của mình.

- Tình yêu Kim - Kiều là tình yêu chân thành, chủ động và táo bạo.

- Tình yêu vượt lên trên lễ giáo phong kiến và những chuẩn mực xã hội: Những quan niệm trong tình yêu của Kim - Kiều đã đi ngược lại với quan niệm về bổn phận làm con thời kì đó. Họ vượt qua mọi rào cản đến với nhau.

=> Tình Yêu Kim - Kiều là một tình yêu đẹp và hiếm có trong thời kì đó.

3. Kết đoạn

- Đánh giá khái quát lại về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích.

Một số đoạn văn mẫu nêu suy nghĩ về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền

Tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền bài số 1

Qua đoạn trích “Thề nguyền” ta thấy được quan điểm tiến bộ vượt thời đại của đại thi hào Nguyễn Du trong việc miêu tả tình yêu. Thúy Kiều và Kim Trọng là điển hình cho tình yêu, khát khao theo đuổi tình yêu tự do mãnh liệt. Thúy Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến gặp chàng Kim, không ngại ngần mà bày tỏ tình yêu của mình. Tình yêu của họ vượt qua mọi phép tắc, lễ nghĩa thời xưa. Người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ. Thế nhưng qua đoạn trích này ta thấy được sự đồng lòng sắt son, tình yêu chân thành đến từ cả hai người, từ hai trái tim hòa một nhịp. Tình yêu của họ vượt qua mọi sự ngăn cản của lễ giáo phong kiến, theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình.

Tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền bài số 2

Đoạn trích Thề nguyền đã thể hiện những cung bậc tình cảm trong tình yêu của Kim Trọng và Thúy Kiều. Lời thề là sự khẳng định cho niềm tin, lòng thủy chung son sắt của hai con người, nó cho tình yêu một chỗ dựa vững chắc, bền chặt. Chẳng thế mà Thúy Kiều và Kim Trọng đều xem nó là minh chứng cho tình yêu của mình trong văn học trung đại Việt Nam. Những quan niệm trong tình yêu của Kim - Kiều đã đi ngược lại với quan niệm về bổn phận làm con thời kì đó. Họ vượt qua mọi rào cản đến với nhau. Tình Yêu Kim - Kiều là một tình yêu đẹp và hiếm có trong thời kì đó. Đến đây có thể nhận thấy rằng dù Nguyễn Du là thế hệ đã đi trước hàng mấy thế kỷ, thế nhưng những tư tưởng, suy nghĩ quan niệm tiến bộ của ông về tình yêu thậm chí còn vượt xa một số con người trong xã hội ngày nay khi công khai ủng hộ yêu đương tự do, ủng hộ người con gái mạnh mẽ vùng dậy theo đuổi tình yêu và hạnh phúc, gạt bỏ lối suy nghĩ người phụ nữ phải chấp nhận sống cam chịu không có quyền lựa chọn trong hôn nhân xưa cũ.

Cảm nhận về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền

Tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền bài số 3

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của nền văn học dân tộc, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống của nhân dân Việt Nam suốt mấy trăm năm nay. Giá trị của Truyện Kiều đến từ các giá trị nhân văn, tính nhân bản như lòng thương cảm và xót xa cho số phận con người dưới chế độ phong kiến, ca ngợi vẻ đẹp tài hoa và tâm hồn của người phụ nữ, bên cạnh đó nó còn mang giá trị hiện thực khi phản ánh, tố cáo chế độ phong kiến tàn ác, chèn ép đày đọa con người đến bước đường cùng. Nhân vật chính của tác phẩm là Thúy Kiều một cô gái trẻ tuổi, tài sắc vẹn toàn, thế nhưng lại phải chịu bất hạnh với kiếp hồng nhan bạc mệnh. Trong phần thứ nhất - Gặp gỡ của tác phẩm, thì trích đoạn Thề nguyền là một trong những trích đoạn hay nhất kể về mối tình đẹp của Thúy Kiều với Kim Trọng.

Ở trích đoạn này ta dễ dàng nhận thấy quan điểm tiến bộ trước thời đại của Nguyễn Du trong tình yêu đôi lứa, bộc lộ sự ủng hộ của tác giả trong việc nam nữ theo đuổi tình yêu một cách tự do mãnh liệt, thoát khỏi cái e lệ, ngại ngần không dám tỏ bày mà ông cha ta thuở xưa vẫn thường cho là phép tắc, lễ nghĩa. Điều này thể hiện rất rõ trong đoạn Thúy Kiều vượt tường băng qua nhà Kim Trọng ngay trong đêm tối. Bởi trong nền giáo dục truyền thống, phận nữ nhi buộc phải an phận thủ thường, chịu sự sắp đặt của cha mẹ theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cũng không có chuyện trai gái lén lút, gặp gỡ riêng nhau để tỏ bày tình yêu, nếu có thì người trai bị cho là vô phép, thiếu lễ nghĩa, còn người con gái phải chịu điều tiếng nặng nề hơn là lăng loàn, thất tiết,...

Thế nhưng với hai nhân vật Kiều và Kim Trọng, Nguyễn Du lại hoàn toàn tạo cho họ một không gian gặp mặt riêng, để họ được thoải mái bộc lộ tình yêu sâu sắc dành cho nhau. Đặc biệt với nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã vẽ ra cảnh nàng đêm hôm chạy theo tiếng gọi của tình yêu, rồi tự tay quyết định chung thân đại sự của mình. Điều đó đã từng một thời dấy lên làn sóng tranh cãi về việc rốt cuộc Kiều có phải là người phụ nữ lễ tiết thấu đáo hay cũng chỉ là loại phụ nữ trắc nết. Tuy nhiên đến nay, thì người ta lại có cái nhìn thông cảm và trân trọng hơn với nàng, cũng như cái tính táo bạo, mạnh mẽ trong tình yêu của Thúy Kiều.

“Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương dọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”

Trong 14 câu thơ đầu, ta thấy hiện lên hình ảnh người con gái vội vã đi tìm tình lang, khi vừa trở về nhà thì hay tin cả nhà vẫn chưa về, ngay lập tức trong lòng Kiều đã nảy ra ý định sang tìm Kim Trọng lần nữa. Chứng tỏ rằng tình yêu của nàng đang ở độ mặn nồng và sâu sắc nhất, nỗi nhớ đã bộc lộ ra bằng hành động để chứng minh. Những từ “vội”, “xăm xăm”, “băng lối”, “một mình” đã thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán của Kiều trong tình yêu, không màng lễ tiết hay những quan niệm phong kiến ngăn cản tình yêu, vứt bỏ tất cả sau lưng để tìm đến với chân ái của cuộc đời. Bên cạnh đó tình yêu của Kiều còn được vẽ nên dưới một khung cảnh thiên nhiên rất thơ mộng và trữ tình, gợi ra sự lãng mạn, tươi trẻ của thứ tình yêu đầu đời tuyệt đẹp. Đó là cảnh “Nhặt thưa gương dọi đầu cành”, khi ánh trăng trên cao tỏa xuống những thứ ánh sáng dịu dàng, rồi xuyên qua từng tầng lá để lọt xuống những tia sáng lưa thưa chiếu lên người giai nhân đang rảo bước trong vườn.

Cảnh ánh đèn mờ mờ của Kim Trọng xuyên qua cửa hắt ra ngoài vườn không chỉ thể hiện ánh nhìn trông mong, thương nhớ luôn hướng về nơi tình lang ở của nàng Kiều, mà nó còn thể hiện tinh thần hiếu học, sự miệt mài chăm chỉ của Kim Trọng trong việc đèn sách, càng chứng minh tình yêu của Kiều đã đặt đúng người. Thúy Kiều nhanh chóng băng vườn tìm đến nhà Kim Trọng, ở đây thấy chàng đã hiu hiu giấc ngủ bên đèn sách, chập chờn trong giấc mộng. Nguyễn Du dùng hình ảnh có tính ước lệ như “Tiếng sen đã động giấc hòe”, để thể hiện phong thái dù vội vã nhưng vẫn uyển chuyển, thanh khiết nhẹ nhàng của Thúy Kiều thông qua “tiếng sen”. Lại diễn tả cảnh say giấc của Kim Trọng bằng “giấc hòe” trích từ điển cố Thuần Vu Phần ngủ dưới gốc hòe mơ thấy vinh hoa phú quý. Điều đó thể hiện lý tưởng và khát vọng của Kim Trọng vào việc tạo lập công danh, sự nghiệp, thế nhưng trước giấc mộng không có thật và thân ảnh Thúy Kiều đã đến bên thì Kim đã nhanh chóng thức dậy.

Hình ảnh “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần” càng làm tăng thêm sự thi vị và lãng mạn cho công cuộc gặp gỡ của Kiều và Kim Trọng. Khung cảnh đôi kim đồng ngọc nữ, dưới ánh trăng sáng tỏ, với nội tâm là tình yêu mãnh liệt dành cho nhau trở nên thật tuyệt diệu. Chính vì thế khi Kim Trọng tỉnh giấc, nhìn thấy Kiều dưới ánh trăng thanh lại cứ ngỡ bản thân mình đang mơ, thực tế là vì quá đỗi bất ngờ, cùng với việc nhớ mong người yêu mà tưởng mình mộng phải đâu ngờ người đã tới tận bên án thư. Tại đây Kiều đã mạnh mẽ tỏ bày nỗi lòng mình, việc mà xưa nay chắc chẳng mấy nữ nhi thường tình dám chủ động, Kiều đối diện với Kim Trọng bộc lộ sự nhớ mong, trống vắng khi xa nhau, lại sợ “đêm trường” khó tránh khỏi nhớ thương, thế nên ví “hoa” chính là tình yêu, nàng đã “vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa”. Thế nhưng bên cạnh nỗi nhớ mong tình quân, thì hành động bộc phát của Kiều có lẽ còn xuất phát từ giấc mộng về Đạm Tiên, phải chăng Thúy Kiều đang lo lắng rằng tình yêu của mình sẽ giống như đóa hoa kia, đẹp nhưng sớm nở tối tàn đầy xót xa. Hoặc là lại giống như một giấc “chiêm bao” cuối cùng chẳng còn lại gì, điều đó khiến lòng Kiều bất an vô cùng. Chính vì thế nên mới có cảnh tìm gặp rồi thề nguyền kết tóc, để nàng cảm thấy an tâm hơn về tình yêu đầu đời đẹp như mộng của mình.

“Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”

Cảm nhận về không gian của cuộc thề nguyền của đôi trẻ ấy là trong nhà Kim Trọng, cũng là nơi hai người thường gặp mặt tâm sự, bối cảnh thời gian là một đêm trăng sáng tạo nên không gian thơ mộng trữ tình. Không chỉ vậy ánh trăng xưa nay luôn là biểu trưng cho sự sum vầy, đoàn viên, sự hạnh phúc mỹ mãn, bên cạnh đó còn là biểu thị cho tình yêu trong sáng, thuần khiết và chân thành của Thúy Kiều và Kim Trọng. Vầng trăng ở đây đã trở thành minh chứng thiêng liêng cho tình yêu tuyệt đẹp của đôi trai tài gái sắc. Trong việc thề nguyền, đính ước, cả Thúy Kiều và Kim Trọng đều vô cùng thành tâm và cẩn thận, tỉ mỉ, nào là nến đỏ thắp trên “đài sen”, rồi có cả hương khói tản mát trong “lò đào” làm cho không khí trở nên thập phần lãng mạn, tinh tế và thiêng liêng vô cùng.

Cả hai đã cùng nhau viết “tiên thề”, cùng nhau cắt tóc mây bằng “dao vàng”, thể hiện thái độ trân trọng và nâng niu vô cùng ước nguyện cùng nhau kết tóc, bạc đầu trăm năm, quyết tâm không đổi dời. “Đinh ninh hai miệng một lời song song” là thể hiện sự đồng lòng sắt son, là tình yêu chân thành sâu sắc đến từ cả hai phía, từ hai trái tim nay đã hòa chung một nhịp đập, chất chứa đầy ắp thư tình yêu đời đời thuần khiết, sâu nặng. Lời ước hẹn “Trăm năm tạc một chữ đồng đến tâm” chính là lời thề nguyền, hẹn ước suốt kiếp chỉ chung tình với đối phương, mà chữ “đồng” trong đồng tâm, đồng lòng đã ghi tạc vào sâu trong trái tim mãi mãi không bao giờ phai mờ. Tỏ rõ tình cảm và sự thủy chung son sắt của hai con người yêu nhau, vượt qua mọi sự ngăn cản của lễ giáo phong kiến, một lòng theo đuổi thứ tình yêu đích thực, tươi đẹp nhất cuộc đời.

Qua đoạn trích Thề nguyền đã cho thấy được sức mạnh của tình yêu mãnh liệt đã khiến cho Thúy Kiều chủ động tìm đến với người mình yêu để thề nguyền và tình tự. Cùng với đó, thể hiện sự đồng lòng sắt son, là tình yêu chân thành sâu sắc đến từ cả hai phía, vượt qua mọi sự ngăn cản của lễ giáo phong kiến - vốn tồn tại khá nặng nề trong tâm thức con người lúc đó, một lòng theo đuổi thứ tình yêu đích thực, tươi đẹp nhất cuộc đời.

-/-

Các em vừa cùng Đọc tài liệu điểm qua những gợi ý làm bài cho bài văn nêu suy nghĩ về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua đoạn trích Thề nguyền có kèm theo một số bài văn mẫu tham khảo. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM