Qua Tấm Cám, suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay

Xuất bản: 23/08/2019 - Cập nhật: 15/10/2021 - Tác giả:

[Văn mẫu 10] Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay, top 4 bài văn mẫu hay chọn lọc.

Tham khảo hướng dẫn làm bài và bài văn mẫu hay nêu suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay qua truyện Tấm Cám. Tài liệu học tập hữu ích do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn.

Đề bài

: Khi đọc xong câu truyện Tấm Cám thì anh/chị có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay. Viết bài văn để làm rõ vấn đề này.

*******

Hướng dẫn làm bài nêu suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay qua Tấm Cám

Phân tích đề

- Yêu cầu đề bài: nêu suy nghĩ của bản thân về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay sau khi đọc xong truyện Tấm Cám

- Phạm vi dẫn chứng: truyện Tấm Cám, trong xã hội xưa và thực tế xã hội hiện nay

Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu được thể hiện trong truyện Tấm Cám

Luận điểm 2: Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội xưa và nay

Dàn ý qua truyện Tấm Cám nêu suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay

1. Mở bài:

- Một trong rất nhiều ước mơ mà người xưa mong muốn là thiện thắng ác, tốt thắng xấu. Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu cho khát vọng ấy.

- Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ nóng bỏng trong cổ tích mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Nghĩa là không chỉ xưa, mà ngay cả nay, con người chân chính luôn vươn tới khát vọng ấy.

2. Thân bài

a) Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu được thể hiện trong truyện Tấm Cám.

+ Hoàn cảnh của Tấm: Mồ côi mẹ, cha mất sớm, ở mẹ con Cám, bị mẹ con Cám tìm mọi cách hãm hại.

+ Sự độc ác của mẹ con Cám:

Khi Tấm còn ở chung với mẹ con Cám: Tước đoạt mọi quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần của Tấm.

Sau khi Tấm trở thành hoàng hậu: Lừa giết Tấm, giết cả những kiếp hóa thân của Tấm.

+ Nhận xét:

Mẹ con Cám là đại diện cho tuyến ác, cái ác càng lúc càng lộ liễu, tàn nhẫn, nhiều thủ đoạn.

Tấm là đại diện cho cái thiện. Cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, hãm hại. Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, chỉ biết trông chờ vào Bụt. Về sau, Tấm tự vươn lên, tự đấu tranh để giành hạnh phúc.

b) Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội xưa và nay:

* Trong xã hội xưa:

- Cái ác thường có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện. Nạn nhân của cái xấu thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt: cô bé mồ côi, những người có ngoại hình xấu xí nhưng có tấm lòng nhân hậu.

- Cái thiện không đơn độc mà luôn được sự giúp đỡ của mọi người.

- Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó cái thiện có thể phải trải qua nhiều thử thách, nhưng kết quả cuối cùng cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cái ác luôn bị trừng phạt.

- Truyện Tấm Cám cũng không ngoại lệ, Tấm là một cô bé từ nhỏ đã phải chịu sự thiệt thòi vì mất mẹ từ nhỏ, người cha lấy vợ lẽ đã có một người con riêng.…

+ Nêu dẫn chứng sự bất công mà cuộc đời đã giành cho Tấm (như làm lụng vất vả...).

+ Sự xuất hiện của Bụt => chỉ có những người có tấm lòng trong sạch mới có thể làm cảm động những thế lực siêu nhiên (như ông Bụt, bà Tiên..v..v)

* Trong xã hội ngày nay:

- Cái thiện và cái ác vẫn song song tồn tại và cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội vẫn còn mãi như một quy luật tất yếu.

- Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.

- Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.

* Rút ra bài học:

- Quy luật: "Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo"

- Rút ra bài học cho bản thân

3. Kết bài

- Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người.

- Cần phải xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.

- Kiên quyết đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong xã hội.

Xem thêm: Dàn ý phân tích nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám

Sơ đồ tư duy  qua Tấm Cám suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay

Sơ đồ tư duy nêu suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay qua Tấm Cám

Xem thêmSơ đồ tư duy Tấm Cám

Ngoài dàn ý và sơ đồ tư duy, em hãy tham khảo thêm các bài văn mẫu nêu suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay qua Tấm Cám dưới đây để có thêm ý tưởng làm bài.

Văn mẫu chọn lọc: Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay qua Tấm Cám - Văn mẫu 10 truyện Tấm Cám

Bài số 1

Đấu tranh khốc liệt giữa cái thiện và cái ác luôn diễn ra 

Tấm Cám là một truyện cổ tích thần kì có nhiều tình tiết bi thảm, éo le dữ dội phản ánh cuộc đời đấu tranh khốc liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong cuộc đời.

Phần đầu của truyện rất gần gũi với cuộc sống đời thường: bi kịch đầy nước mắt và tiếng thơ dài của những đứa trẻ mồ côi ở với mụ dì ghẻ tham lam, ác độc và đứa em cùng bố khác mẹ có tính ghen ghét. Tấm phải làm quần quật, đầu tắt mặt tối, ăn đói mặc rách, còn Cám thì được ăn trắng mặc trơn, không phải mó tay động chân tới bất cứ công việc nào. Chỉ cần giành đượcc ái yếm đỏ mà Cám đã đánh lừa chị để trút sạch tét trong giỏ chị. Mẹ con mụ dì ghẻ đã âm mưu, thủ đoạn bắt giết con bống là một hành động cực kì nhẫn tâm và độc ác nhằm tước đoạt niềm vui nhỏ nhoi, bình dị của Tấm, đẩy Tấm vào con đường đau khổ, cô đơn. Cái kế trộn đấu thóc lẫn đấu gạo bắt Tấm ngồi nhặt, không cho tấm đi hội đã cho thấy cái thói ghét ghen, lòng dạ đen tối, tâm lí sống nhỏ nhen của mụ dì ghẻ – một mụ đàn bà mất hết cả tình người. Nếu Tấm có được đi hội thì cô cũng không thể đi được khi chỉ có váy áo rách rưới mặc trên người.

"Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng!" cảnh mẹ con mụ dì ghẻ đối xử độc ác, tàn nhẫn với Tấm là chuyện nhan nhản trong cuộc đời xưa nay, mỗi người trong chúng ta đã từng nghe thấy và từng biết. Cái ác và bộ mặt của những kẻ như mụ dì ghẻ trong truyện "Tấm Cám", trong xã hội làm cho bất cứ ai cũng phải ghê sợ và khinh bỉ.

Sự xuất hiện nhiều lần của nhân vật Bụt đã là cho nước mắt của Tấm ngừng chảy, vơi bớt tiếng thở dài. Bụt đã bày cho Tấm cách nuôi bống, gọi bống để có niềm vui, được sống trong "tình bạn". Bụt đã bày cho Tấm cách gọi đàn chim sẻ bay đến nhặt thóc giúp Tấm. Bụt đã bày cho tấm cách chôn xương bống vào chân giường để sau này có áo quần lụa mớ bảy mớ ba, có dây thắt lưng lụa thiên lý, có nón quai thao, có giày thêu và ngựa tía để đi hội. Tiếng nói của Bụt mới chan chứa yêu thương, mới nhiệm mầu biết bao! Nhờ Bụt mà Tấm trở nên xinh đẹp, mới được đi hội. Nhờ Bụt mà Tấm được trở thành hoàng hậu, được sống trong cuộc đời vinh hoa, phú quý.

Bụt trong cổ tích "Tấm Cám" là hiện thân của niềm mơ ước của nhân dân lao động về sự đổ đời, về hạnh phúc. Những gì không thể xảy ra trong cuộc đời thì chỉ có thể ở trong mơ ước. Mơ ước ấy đã thể hiện triết lí về niềm tin "ở hiền gặp lành" của nhân dân ta. Cuộc đời nhiều đắng cay, đen tối, bị cái ác bủa vây, vùi dập, cuộc đời nhiều máu và nước mắt, nên nhân dân mới mơ ước được đổi đời. Truyện cổ tích "Tấm Cám" đẹp về một giấc mơ đổi đời làm cho mỗi chúng ta xúc động:

"Ở hiền thì lại gặp hiền

Người hay thì gặp người tiên độ trì

Mang theo truyện cổ tôi đi Nghe trông cuộc sống thầm thì tiếng xưa".

(Truyện cổ tích nước mình – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Phần hai của truyện cổ tích "Tấm Cám" phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác diễn ra không ngừng, càng về sau càng trở nên dữ dội, khốc liệt. Mẹ con mụ dì ghẻ tìm đủ mọi mưu mô, thủ đoạn tàn ác, dã man để tiêu diệt Tấm đến cùng, quyết giành cho được vinh hoa, phú quý.

phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác diễn ra không ngừng

Hoàng hậu Tấm về quê giỗ cha. Tấm trèo cau hái quả để cúng cha. Mụ dì ghẻ đã cầm dao đẵn gốc cau, Tấm ngã lộn cổ xuống ao chết. Mụ dì ghẻ đưa Cám vào cung lấy vua thay Tấm. Tấm hóa thành chim vàng anh đem lại niềm vui cho vua. Vàng anh hay hồn Tấm cất tiếng oan:

"Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch / Giặt mà không sạch, tao rạch mặt ra".

Chim vàng anh bị Cám bắt giết thịt. Lông chim vàng anh hóa ra hai cây xoan đào rợp bóng rất đẹp. vua sai lính hầu mắc võng vào hai cây xoan đào nằm nghỉ hóng mát. Cám sai thợ chặt cây xoan đào đóng khung cửi. Cám vừa ngồi vào khung cửi đó thì nghe khung cửi nguyền rủa:

"Cót ca cót két / Lấy tranh chồng chị / Chị khoét mắt ra!".

Cám đốt khung cửi, đem tro đi đổ. Từ đống tro lại mọc lên cây thị xanh tốt. Thị ra hoa, kết trái. Chỉ có một quả thị trên cành, tỏa mùa thơm ngào ngạt. Thị đã rụng vào bị bà lão hàng nước… Cô Tấm tái sinh. Cô Tấm xinh đẹp từ trong quả thị bước ra, trở lại với cuộc đời. Nhà vua chỉ nhìn qua miếng trầu têm cánh phượng mà nhận ra Tấm, người vợ xinh đẹp, yêu thương của mình.

Sau khi bị giết, Tấm không ngừng tái sinh, phục sinh nhưng đã bị Cám tìm đủ mọi cách tàn sát, hủy diệt. Chim vàng anh bị Cám giết thịt. Cây xoan đào bị Cám đốn. Khung cửi bị Cám đốt. Cây thị mọc lên tươi tốt. Thị kết trái. Tấm được phục sinh rồi được gặp lại nhà vua. Đó là những kiếp luân hồi của Tấm. Đó là sức sống mạnh mẽ, bất diệt của Tấm. Tấm bị sát hại, nhưng hồn Tấm vẫn căm giận kết án kẻ độc ác đã giết chết mình. 29/8/2017 Đọc truyện cổ tích Tấm Cám, anh chị có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

Quá trình biến hóa của Tấm trong phần hai truyện cổ tích "Tấm Cám" đã thể hiện sức chiến đấu kiên cường bất khuất, sức sống mạnh mẽ bất diệt của nhân dân lao động, của cái thiện trước cái ác, trước mọi thế lực đen tối và tàn bạo, trước mọi âm mưu quỷ quyệt. Cho dù bị giết chết, bị xé xác, bị phanh thây, cho dù bị đốt xác thì Tấm vẫn bất diệt!

Phần cuối của truyện là kết cục đáng đời của hai mẹ con người đàn bà tham lam, độc ác và quỷ quyệt. Cám chui xuống hố sâu, bị giội nước sôi mà chết. Mụ dì ghẻ thấy Cám chết rồi cũng lăn đùng ra chết. Hành động trả thù của Tấm và cái chết của hai mẹ con Cám đã thể hiện cuộc đấu tranh đẫm mãu giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong cuộc đời xưa, nay. Đó là mơ ước của những con người bị áp bức, bị vùi dập. Và đó cũng là triết lí, là niềm tin của nhân dân: "Ác giả ác báo".

Trên con đường đi tìm chân lí, tìm ấm no hạnh phúc, những truyện cổ tích thần kì như truyện "Tấm Cám" mãi mãi là bài ca về những mơ ước đẹp, giàu nhân bản cho ta niềm vui, niềm tin và sức mạnh trừng phạt cái ác, chiến thắng cái ác.

Đọc thêmPhân tích mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám trong truyện Tấm Cám

Bài số 2

Truyện Tấm Cám - cuộc đấu tranh gay go từ xưa tới nay

Nếu như tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới, xã hội và con người, ca dao là tiếng nói tình cảm của người lao động thì truyện cố tích lại thể hiện cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa. Một trong những truyện cổ tích thể hiện cuộc đấu tranh gay go và quyết liệt ấy là truyện Tấm Cám. Qua câu truyện này, nhân dân ta ca ngợi cái thiện, cái tốt và phê phán cái xấu, cái ác.

Để biết được nhân vật nào đại diện cho cái thiện, cái tốt, nhân vật nào đại diện cho cái xấu, cái ác, trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là thiện, là tốt? Thế nào lầ xấu là ác? Thiện, tốt là những biểu hiện đáng quý về tư cách đạo đức, hành vi, quan hệ phù hợp với đạo đức của nhân dân. Còn xấu, ác chỉ những người hoặc việc thường gây đau khổ, tai hoạ cho người khác.

Như vậy, trong truyện cổ tích Tấm Cám, hai tuyến nhân vật được phân định rất rõ ràng. Một tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện, cái tốt là Tấm, ông Bụt, bà lão hàng nước,… mà Tấm là nhân vật chính. Một tuyến nhân vật đại diện cho cái xấu cái ác là mụ dì ghẻ, Cám. Mụ dì ghẻ và Cám đã tìm mọi cách hãm hại Tấm. Có thể nói sự hãm hại này không chỉ một lần mà xảy ra nhiều lần. Ngay từ buổi đầu Cám đã lừa dối Tấm và cướp đi thành quả lao động của Tấm. Phải lặn lội, chăm chỉ, Tấm mới bắt được nhiều tôm tép. Cám lười biếng nhưng lại lừa chị để trút giỏ tép của chị, cướp công của chị. Giả sử chỉ như thế thôi, cũng đủ cho ta lên án Cám về sự giả dối. Đằng này, hết lần này đến lần khác, mẹ con nhà Cám tìm cách hãm hại Tấm. Tấm chỉ có con cá bống làm bạn, nào có ảnh hưởng, có tổn hại gì đâu đến mẹ con nhà Cám. Ấy vậy mà mẹ con nhà Cám cũng tìm cách giết bống. Ngày giỗ bố, Tấm về nhà trèo lên hái cau, mẹ con nhà Cám đã chặt cau, Tấm hoá thành chim vàng anh. Mẹ con nhà Cám lại giết chim vàng anh, Tấm hoá thành cây xoan đào. Cây xoan đào bị chặt, đóng khung cửi. Khung cửi lại bị đốt. Cuối cùng, Tấm hoá thành quả thị. Mẹ con nhà Cám đã giết Tấm quá nhiều lần. Lần sau, hành động của mẹ con nhà Cám lại độc ác, dã man hơn lần trước.

Và cái nhìn nhận chung thì trong cuộc sống xưa, cái ác, cái xấu thuộc về giai cấp thống trị. Trong cuộc đấu tranh, người bị áp bức thường bị thiệt thòi chính là người dân lao động. Vì vậy, nhân dân gửi gắm ước mơ về sự công bằng trong xã hội qua các tác phẩm văn học dân gian. Trong truyện Tấm Cám, ước mơ về công bằng được gửi gắm qua các nhân vật mang yếu tố thần linh, qua nhân vật Tấm.

trong cuộc sống xưa, cái ác, cái xấu thuộc về giai cấp thống trị

“Con giun xéo lắm cũng quằn”, Tấm đã từng bước, từng bước phản kháng lại kẻ ác. Nếu như lúc đầu, Tấm chỉ biết khóc khi bị Cám trút hết giỏ tép, khi cá bống bị giết, khi phải ngồi nhặt thóc lẫn gạo, khi không có quần áo đi xem hội thì khi bị giết, Tấm đã đấu tranh không khoan nhượng. Khi hoá thành chim vàng anh, Tấm đã từng hót: “Giặt áo chồng tao thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Chỉ là một tiếng hót nhưng đó là tiếng hót của sự phản kháng. Sự đấu tranh quyết liệt hơn khi Tấm hoá thành chiếc khung cửi: “Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét, mắt ra”. Và đỉnh cao của sự đấu tranh giữa cái thiện, cái tốt với cái xấu, cái ác là việc Tấm trừng trị mẹ con nhà Cám. Cám hỏi Tấm làm sao đẹp như vậy, Tấm đã chỉ cách cho Cám. Cám đào một cái hố, Tấm đã dội nước sôi cho Cám chết và lấy xác Cám muối mắm gửi cho mụ dì ghẻ. Việc Tấm trả thù Cám là hoàn toàn xứng đáng. Bởi vì, mẹ con nhà Cám không chỉ giết Tấm một lần mà giết Tấm rất nhiều lần. Nếu Tấm không giết Cám, nhất định mẹ con nhà Cám sẽ lại giết Tấm thêm nhiều lần nữa. “Gieo gió gặt bão” là hậu quả tất yếu. “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”, đó là điều mà nhân dân ta muốn gửi gắm qua câu chuyện Tấm Cám.

Ngày nay, cuộc sống đã tốt đẹp, bình đẳng, nhưng không phải đã hết cái xấu, cái ác. Cái xấu, cái ác biểu hiện cụ thể ở hành động trộm cắp, tệ nạn xã hội, thói ích kỉ, lối sống vô cảm, hành hạ người khác,… được bọc bằng vỏ bề ngoài lịch sự, sang trọng, ở mức độ nguy hiểm hơn cái ác, cái xấu thể hiện ở những vấn đề có tính toàn cầu như huỷ hoại môi trường, chiến tranh hạt nhân,.. Tuy không phải là phổ biến nhưng cũng còn những trẻ em, người già, những người bất hạnh đã bị ngược đãi… Ngày nay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, cái tốt với cái xấu phức tạp hơn, đa dạng hơn, cam go hơn nhưng quyết liệt và cuối cùng thắng lợi vì được sự đồng tình, ủng hộ của toàn nhân loại. Ngày nay, chúng ta đấu tranh chống cái ác, cái xấu một cách chủ động bằng cách phát hiện, ngăn chặn nên cuối cùng tội ác của những kẻ vô đạo đức cũng bị lôi ra ánh sáng và bị trừng trị xứng đáng. Để có được chiến thắng, cái thiện, cái tốt đã phải đấu tranh quyết liệt, một mất một còn với ái xấu, cái ác. Không thể có sự nửa vời, khoan nhượng trong cuộc đấu tranh này.

Để góp phần vào cuộc đấu tranh giữa cái thiện, cái tốt với cái ác, cái xấu, mỗi chúng ta cần luôn luôn trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, không ngừng đấu tranh với những thói xấu tồn tại trong bản thân và trong cuộc sống xung quanh.

Với mỗi học sinh, chúng ta không ngừng học tập, nâng cao nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác với cái ác, cái xấu. Chúng ta không đấu tranh lẻ loi mà phải cần sự đoàn kết, góp sức của cộng đồng. Câu chuyện Tấm Cám đã để lại cho chúng ta một bài học quý về tinh thần đấu tranh chống cái xấu, cái ác, bài học về sự hướng thiện, để mỗi người góp sức mình trong việc xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp, không có chỗ cho cái xấu, cái ác.

Bài số 3

Tấm Cám là bài học đạo lý giữa thiện và ác từ xưa và nay

Tấm Cám là một câu truyện cổ tích kinh điển của dân tộc Việt Nam. Nó mang đậm tính chất giáo dục con người. Thông qua câu chuyện cuộc đời cô Tấm, câu chuyện đã đánh bật lên mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Tôi đã nghe bà kể từ lâu nhưng giờ đây khi có cơ hội ngồi suy nghĩ và phân tích tôi mới có thể cảm nhận được bài học đạo lý mà câu chuyện này muốn truyền đạt.

Sớm mồ côi cha mẹ, cô Tấm sống trong sự ghẻ lạnh của gì ghẻ và Cám. Hằng ngày cô phải làm mọi công việc chỉ để đổi lấy đòn roi của gì và những câu mắng chửi của em. Cuộc sống cứ như thế trôi qua để lại cho cô gái hiền lành những vết thương khó có thể lành. Không ai biết về cô, không ai làm bạn cùng cô trong những đêm buồn tủi, cô Tấm chỉ biết khóc. Dù nỗi đau nối tiếp nỗi đau, vết thương in thêm nhưng vết thương nhưng cô vẫn giữ trọn chữ hiếu cùng gì và nghĩa với đứa em cay ác. Nếu tôi được nói một câu cùng cô, tôi sẽ nói rằng: Cô yếu đuối quá cô Tấm à! Hạnh phúc thật sự chỉ do bản thân mình tự mang lại mà thôi, vậy tại sao cô không thử đứng dậy đấu tranh cho bản thân mình?

Từ xưa đến nay, hình ảnh cô Tấm đã trở thành một khuôn mẫu để đánh giá nét đẹp của người phụ nữ. Cô Tấm xinh đẹp, nhân hậu, chăm chỉ và cô rất hiếu thảo. Nhưng cô không được sống trong hạnh phúc thứ mà đáng lẽ cô phải được nhận để xứng đáng với nhân cách tốt đẹp của mình.

Việc hằng ngày gì ghẻ và Cám luôn ngược đãi cô Tấm đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy được mâu thuẫn xã hội đã hình thành từ rất lâu. Từ khi con người hình thành tri thức, cái thiện và cái ác đã cùng song hành trong xã hội. Không nơi nào tồn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẳng thể có một xã hội với tất cả nhưng công dân xấu cả. Cái tốt cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lập lại chúng.

Tấm Cám là bài học đạo lý giữa thiện và ác

Trở lại cùng câu chuyện của cô Tấm, ở đoạn kết chúng ta thấy được một kết thúc đẹp cho nhân vật chính của chúng ta nhưng ít ai nhận ra rằng để đạt được hạnh phúc đó thì cô Tấm đã phải đứng đấu tranh vô cùng vất vả. Cô chết đi và sống lại bao nhiêu lần để có được cái hạnh phúc ấy? Giả sử câu chuyện ấy kết thúc tại thời điểm cô Tấm chết, Cám làm hoàng hậu và hạnh phúc sống cùng vua và người mẹ độc ác của mình đến cuối đời thì sao? Lúc đó bạn sẽ không thể một lần nhìn thấy hai tiếng "hòa bình" trong xã hội này đâu. Khi ấy những gì mà trẻ con đến trường nhận được là lòng thù hận, sự ích kỷ và đố kỵ. Hãy tưởng tượng một buổi sáng bạn bước ra đường, vô tình bạn thấy một bà cụ vấp ngã và tất cả mọi người chung quanh bạn vẫn dửng dưng bước đi? Tưởng tượng rằng bạn phải đến viện bảo tàng để đọc được cuốn tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của H.Way mà lúc này nó bị xem là tư tưởng phát-xit ???

Và thử tưởng tượng rằng một ngày nọ... Đèn đỏ, xe cộ đậu chỉnh tề ngay sau vạch trắng. Một va chạm xảy ra và hai thanh niên rối rít xin lỗi nhau. Anh cảnh sát giao thông nhìn cả hai trìu mến rồi tặng mỗi người một cái nón bảo hiểm.

Sếp đứng ở cổng, dịu dàng bắt tay từng người và hỏi lương có đủ sống không làm chị lao công xúc động nấc lên từng chập. Bản tin trên đài truyền hình cho biết giá cả đang giảm trong khi mỗi người ai cũng được tăng hai bậc lương khiến mấy chị nhà bếp vỗ tay rần rần.

Ở các khu phố, người ta gõ cửa từng nhà để tặng sách giáo khoa cho trẻ. Chỉ cần một tiếng ho là xe cấp cứu chạy đến tức thời. Mưa, người dân mở cửa cho khách bộ hành trú nhờ. Tụi nhỏ thích nghịch nước khóc rấm rứt vì không tìm đâu ra một đoạn đường ngập nước. Ông giám đốc công ty giải trí tức thời lên tivi hứa sẽ xây thật nhiều công viên nước miễn phí cho bọn trẻ...

Cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng sẽ vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và như thể là một chân lý, người ở hiền thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.

Có thể bạn cầnPhân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm

Qua Tấm Cám, suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay - Bài số 4

Chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiện trong Tấm Cám

Từ xưa đến nay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt với kẻ xấu vô cùng gian nan, phức tạp. Đặc biệt, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong bản thân mỗi con người lại càng phức tạp, gian nan. Xong, kể cả trong xã hội xưa và nay, không phải lúc nào cái thiện cũng chiến thắng cái ác, chính vì vậy mà nhân dân xưa đã đưa những mơ ước, nguyện vọng, lý tưởng xã hội của mình thông qua chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiện vào những câu truyện cổ tích, tiểu biểu là câu truyện “Tấm Cám”.

Từ khi con người hình thành tri thức, cái thiện và cái ác đã luôn cùng song hành với nhau trong xã hội. Cái thiện là tất cả những gì có vai trò tích cực, có tác động thuận lợi trong đời sống của con người và toàn xã hội. Cái ác là tất cả những gì gây trở ngại và có hại cho con người và xã hội. Cái thiện và cái ác là hai mặt đối lập nhau nhưng lại là một chỉnh thể.

Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong câu chuyện “Tấm Cám” tập trung ở hai tuyến: Tấm và mẹ con Cám. Đầu Truyện mâu thuẫn và xung đột đầu tiên được đưa ra là mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền. Ý nghĩa xã hội được phản ánh rõ nhất qua cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa các lực lượng đối lập trong xã hội, xuất hiện muộn hơn.

Sớm mồ côi cha mẹ, Tấm sống trong sự ghẻ lạnh của dì ghẻ và Cám. Hằng ngày, Tấm phải làm mọi công việc nhà: “phải làm lụng luôn tay, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, với bèo; đêm lại còn xay lúa mà không hết việc” chỉ để nhận lấy những trận đòn roi từ bà dì ghẻ. Còn Cám thì “được ăn trắng mặt trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng”. Khác nhau nhưng chưa đến độ mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn giữa Tấm và Cám dần lộ ra khi Cám lừa chị trút hết tép vào giỏ rồi nhanh chạy về nhà để nhận cái yếm đỏ, còn Tấm thì “ngồi bưng mặt khóc” vì cảm thấy bất công. Kế đến, từ sự việc con cá bống bị mẹ con Cám bắt ăn thịt, Tấm cũng “oà lên khóc” vì thấy bị thua thiệt, đến việc đi xem hội, Tấm không được sắm sửa quần áo đẹp đã đành, đằng này bà dì ghẻ còn cản trở Tấm bằng cách “bắt cô phải nhặt xong mớ gạo thóc đã được trộn lẫn với nhau”, cô Tấm lại một lần nữa “ngồi khóc một mình”. Rồi cả việc so sánh Cám như “chuông khánh”, còn Tấm là “mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”, “bĩu môi” khi thấy Tấm xuất hiện ở đám hội, “ngạc nhiên và hằn học” nhìn Tấm lên kiệu về cung. Tấm sung sướng bao nhiêu thì mẹ con Cám càng uất hận bấy nhiêu.Tất cả đã phần nào thể hiện được sự mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám, mâu thuẫn sau cao hơn mâu thuẫn trước, từ mâu thuẫn nhỏ đến mâu thuẫn gay gắt, không thể dung hoà. Và sự mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hoà mâu thuẫn.

Sự ganh ghét như loài sau bọ đục khoét vào sâu trong tư tưởng biến thành ngọn lửa uất hận, khiến cho lương tâm và lý trí ngày càng thối rữa, cho đến khi sự tàn ác lấn áp tất cả. Gặp được dịp may hiếm có, Tấm về nhà giỗ cha. Mẹ com Cám lập kế giết chết Tấm hòng cướp đi hạnh phúc mà cô đang có.

Chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiện trong Tấm Cám

Truớc lúc chết, mỗi lần Tấm gặp khó khăn, dẫu cho có cảm thấy bất công, bị thua thiệt hay tủi phận, thì cô đều tỏ ra yếu đuối, chỉ biết khóc và nhờ vào sự phù trợ của ông Bụt. Bụt hiện ra, đền bù những thua thiệt, mất mát của Tấm và thường là sự đền bù to lớn, tốt đẹp hơn. Ở phuơng diện ý nghĩa xã hội, sự giúp đỡ của Bụt thể hiện tình cảm, thái độ của tác giả dân gian, tức đa số nhân dân lao động đối với Tấm, cũng như đối với những người hiền lành, nghèo khổ và có phẩm chất tốt đẹp như Tấm. Mặt khác, có thể nói Bụt đóng vai trò tạo thêm sức mạnh cho Tấm để đi đến thắng lợi. Nhưng ông Bụt giúp Tấm được bao nhiêu thì lại bị cướp đi hết bấy nhiêu và cuối cùng cướp luôn cả mạng sống của Tấm mà ông Bụt cũng bó tay, bất lực. Có lẽ cô quá yếu đuối, yếu đuối đến mức không giữ nỗi hạnh phúc của mình, để cho người khác cướp mất. Nếu không muốn nói đó là sự nhu nhược ko dám nói lên tiếng nói cho riêng mình, một hiện tượng không những phổ biến trong xã hội phong kiến xưa mà cả trong xã hội hiện nay. Trong cuộc sống, hạnh phúc thực sự chỉ có thể do bản thân mình tự đấu tranh tranh mà có, bởi ai ai cũng muốn hưởng hạnh phúc, mà cái hạnh phúc ấy thì lại quá ít ỏi để có thể chia sẻ. Vậy tại sao cô không thể đứng dậy đấu tranh cho bản thân mình. Vì thế cho nên, ở giai đoạn hậu thân, Tấm phải tự mình đảm nhiệm phần việc mà ông Bụt đã không giúp và không thể giúp. Khi còn sống, Tấm hiền dịu, ngây thơ, nhân hậu bao nhiêu thì sau khi chết cô lại đáo để và quyết liệt bấy nhiêu (tiếng chim vàng anh, tiếng kêu của khung cửi và hành động trả thù mẹ con Cám cuối cùng chứng tỏ điều này).

Phần mẹ con Cám, cái giá của việc cướp đi một sinh mạng là rất nặng nề, nặng đến mức… thậm chí có thể huỷ hoại chính mình. Một khi đã giết người vì lợi ích cá nhân mình, bọn họ đã tự đeo cho mình cái mặt mạ của quỷ dữ không bao có thể tháo bỏ, huống chi họ không những giết Tấm 1 lần, mà là nhiều lần chỉ nhằm bảo vệ cái hạnh phúc giả tạo mà họ đã cướp mất từ tay Tấm. Chính vì vậy họ phải gánh lấy cái giá nặng nề của kẻ giết người. Những kẻ thủ ác đã gặp báo ứng.

Bất kể nơi nào cái thiện tồn tại thì ở đó mầm móng cái ác luôn rình rập. Chúng luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau nhưng lại là tiền đề tồn tại cho nhau. Không nơi nào tồn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẳng có một xã hội với tất cả những công dân xấu cả. Cái tốt cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lặp lại chúng. Hơn nữa, không có quan niệm thiện, ác nào là vĩnh viễn đối với mọi thời đại, đúng với mọi giai cấp, mọi hoàn cảnh cụ thể.

Thử đặt trường hợp ngược lại, nếu mẹ con Cám là đại diện cho cái ác lại được sống hạnh phúc cùng nhà vua đến cuối đời thì sao? Lúc ấy bốn chữ “công bằng” và “hoà bình” là đều không thể có được trong xã hội này. Khi ấy trẻ con đến trường, cái mà chúng học được chỉ là lòng thù hận, sự ích kỷ và đố kỵ Thử tưởng tượng một ngày nọ bạn bước ra đường, vô tình bạn thấy một bà cô vấp ngã và tất cả mọi người chung quanh bạn vẫn dửng dưng bước đi. Tưởng tượng sẽ ra sao khi bạn phải đến viện bảo tàng để đọc được cuốn tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của H.Way mà lúc này nó bị xem là tư tưởng phát-xit. Sẽ ra sao khi mà khắp nơi điều có trộm cướp, lừa gạt và những điều đó bị mọi người lờ đi, thờ ơ không đếm xỉa. Trái Đất này sẽ trở thành nơi lạnh nhất trong vũ trụ, vì bởi lẽ “nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi sự lạnh nhạt bao trùm”.

Và hãy thử tưởng tượng xã hội sẽ ra sao khi mà ở đó chỉ toàn là người tốt? Một ngày nọ, trên đường phố, chủ các chiếc xe đều nhường nhau chạy trước. Một chủ tiệm vàng trông thấy một người lao công đang thu gom rác cực khổ, liền tặng cho ông ta mấy chỉ vàng. Ông chủ các công ty đứng ở cổng hỏi thăm từng nhân viên rồi tặng vài tháng lương cho những người có hoàn cảnh hơi túng thiếu. Ở các khu phố, người ta đến gọi cửa từng nhà tặng sách giáo khoa trong khi trên Tivi đang đưa tin sách đang lên giá.

Liệu những sự giúp đỡ ấy có thật sự cần thiết không? Người xưa có câu: “Có gian nan mới thử sức người”. Những sự giúp đỡ không đúng lúc ấy không những không giúp ích gì nhiều mà ngược lại còn tập cho họ thói ỷ lại vào người khác, không tự cố gắng. Một xã hội như vậy sẽ ngày một lạc hậu, không thể tiến bộ, phát triển được. Cái ác là cái đáng ghê tởm cần gạt ra khỏi đời sống cá nhân và xã hội. Tuy nhiên cái ác không phải là cái đối lập tuyệt đối của cái thiện. Chúng có sự thống nhất giữa các mặt đối lập.

Ranh giới thiện ác chỉ cách nhau một sợi chỉ nhỏ. Trong học tập của học sinh, cuộc đấu tranh chống những biểu hiện của cái xấu cái ác như: lười biếng, dối trá và gian lận,… cũng rất khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải chăm lo rèn luyện đạo đức, có ý thức quan tâm đến những người xung quanh, đấu tranh chống lại cái ác; không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tiếp thu khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao về nhận thức, về chính trị xã hội; tích cực lao động cần cù sáng tạo; sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Qua câu chuyện “Tấm Cám”, ta thấy được cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay, cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và như thể là một chân lý, người ở hiền thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.

(Nguồn văn mẫu: Sưu tầm/Tổng hợp)

Bài số 5 - Qua Tấm Cám nêu suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay

Bài viết của thầy giáo: Lê Hồng khánh - Bộ môn Ngữ văn - THPT Ba Vì:

Khi Truyện cổ tích Tấm Cám được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 10, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện thiếu tính giáo dục, rằng sự “trả thù” của Tấm là “độc ác, man rợ” và đưa tác phẩm vào dạy sẽ làm hỏng nhân sinh quan của học sinh... Nhiều ý kiến cho rằng loại bỏ tác phẩm trong chương trình giảng dạy, nhiều người lại muốn sửa lại cái kết để bớt ám ảnh…

Và rất nhiều người đồng thuận với ý kiến “cô Tấm quá độc ác”! Thậm chí nhiều ý kiến gay gắt hơn cho rằng, đưa một câu chuyện như thế vào chương trình là “phản giáo dục”!

Tôi thật sự hoang mang khi nhận được những nhận định từ các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn! Như vậy, tác phẩm đó cần hiểu ra sao? Nhân sinh quan của cha ông ta bao nhiêu đời đến nay đã sai? Tác dụng giáo dục trong những câu chuyện cổ nay bỗng nhiên “phản giáo dục”?

Tôi cho rằng, Tấm không ác và truyện cổ tích Tấm Cám đầy tính giáo dục! Hãy hiểu đúng câu chuyện, dụng ý của tác giả dân gian và hành động của Tấm ở cuối truyện!

Với kiến thức và sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi xin mạo muội đưa ra cách hiểu về tác phẩm Tấm Cám và lý giải về hành động của Tấm ở cuối câu chuyện, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để giúp cho cá nhân tôi cũng như các em học sinh có cách hiểu đúng đắn hơn về các tác phẩm và các nhân vật văn học!

BẢN CHẤT “HIỀN” CỦA CÔ TẤM

Trong phần đầu tác phẩm, từ hoàn cảnh xuất thân đến cuộc sống thường ngày, đến khi thử giày và trở thành hoàng hậu, bản chất hiền của Tấm có lẽ là điều không phải bàn cãi. Tấm hiền, quá hiền và như nhiều nhân vật cổ tích hiền lành đại diện cho cái “thiện” khác thì dân gian thường nói “hiền quá hóa đần”.

Tấm bị mẹ Cám bắt làm tất cả mọi việc, cả ngày và cả đêm nhưng không hề có một lời kêu ca, than thở. Cám lừa trút mất giỏ tôm tép về để giành lấy phần thưởng là chiếc yếm đỏ, Tấm chỉ òa khóc. Con cá bống Tấm nuôi mà mỗi bữa phải nhường phần cơm của mình cho nó ăn bị giết mất, Tấm khóc. Mụ dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm ngồi ở nhà nhặt xong mới cho đi xem hội, Tấm cũng chỉ khóc. Không có quần áo đẹp để đi xem hội, Tấm lại khóc. Khoan bàn đến sự giúp đỡ của Bụt và cũng không nên quy chụp cách hiểu rằng, Tấm phản ứng như vậy vì lần nào Bụt cũng hiện lên giúp. Phải hiểu rằng, Tấm thân cô thế cô, đến một người bạn cũng không có nên sự yếu thế là rõ rệt. Tấm không thể phản ứng hay có cách phản ứng nào khác với cách cư xử của mẹ con Cám chỉ có thể lí giải rằng, do bản chất hiền lành và lương thiện của cô.

Sau khi trở thành hoàng hậu rồi bị giết, trải qua các lần hóa thân… cá nhân tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng cô Tấm bị “tha hóa bởi quyền lực”, rằng chính Tấm “đẩy mẹ con Cám vào nghiệp ác”. Tôi vẫn cho rằng, cô Tấm vẫn hiền cho đến cuối cùng.

Khi hóa thân thành chim vàng anh, Tấm bay vào cung vì lưu luyến với vua – người chồng, người duy nhất mang lại hạnh phúc cho mình. Tấm an phận và dường như không thể, không muốn tranh giành gì với Cám. Làm vua vui, quan tâm đến vua như một cách đền đáp ân tình vậy thôi! Lời nhắc nhở Cám phải chăng nên hiểu rằng đó chỉ là biểu hiện của thứ tình cảm đó, chăm lo cho vua mà thôi! Còn cách xưng “tao”, thì chỉ là một sự phản kháng, một mối bức xúc chứ chưa hẳn là căm hận gì ghê gớm. Bị giết một cách dã man, bị cướp mất cuộc sống và cả người mình yêu, nếu không phải một người hiền lành, lương thiện thì chắc mối căm hận ấy phải ngùn ngụt, phải là hóa thân thành gì đó dữ tợn, khủng khiếp để “trả thù” ngay chứ sao lại chỉ hóa thành con chim vàng anh, nhỏ bé, yếu ớt, chẳng làm hại được ai?!

Hóa thân thành cây xoan đào như một sự nhún nhường của Tấm trước Cám. Tấm lặng thầm chăm chút cho người mình yêu thương. Không thể lại quy chụp rằng Tấm dồn Cám đến tội ác phải chặt cây xoan đào khi hành động của Tấm-cây xoan đào là đang lôi kéo vua về với mình! Và kể cả cho rằng Tấm đang lôi kéo, giành giật vua về phía mình thì cũng chẳng có gì sai hay ác! Không loại bỏ Cám, không trừng trị Cám, nếu có giành lại vua và trở lại làm hoàng hậu thì cũng chỉ là những thứ vốn là của Tấm và cô đáng có, đáng được hưởng. Hơn thế, Cám vẫn đang là hoàng hậu đó thôi, vẫn có, vẫn còn tất cả mà Tấm thì đang phải chơ vơ giữa trời mưa nắng. Vậy thì Cám giết Tấm chỉ là do bản chất độc ác, tàn bạo và muốn triệt đến tận cùng mọi mầm sống của Tấm mà thôi!

Cây xoan đào bị chặt, đóng thành khung cửi. Đã quá 3 lần mẹ con Cám giết Tấm và cô phải cất tiếng cảnh báo, đe dọa. Gây ra tội ác thì phải đền tội và hết lần này đến lần khác Tấm đã tha thứ, không truy cứu, không oán hận nhưng nếu Cám tiếp tục thì rõ ràng, phải tự nhận lấy hậu quả cho việc làm của mình. Và mẹ con Cám phải chịu sự trừng phạt, sự trừng phạt ấy phải đích đáng, phải tương xứng với tội ác man rợ và chất chồng.

(Đừng bỏ lỡ các bài văn mẫu Phân tích nhân vật Tấm để hiểu rõ hơn)

BẢN CHẤT ĐỘC ÁC CỦA MẸ CON CÁM

Tôi không đồng ý với cách hiểu cho rằng, trong cuộc sống thường ngày cách cư xử của mẹ con Cám với Tấm chỉ là một sự bất công, hoặc có người còn cho rằng, đó là “thói thường”. Sự độc ác, dã man của mẹ con Cám ngay ở phần đầu câu chuyện đã có thể coi là tội ác không thể dung thứ rồi. Hãy nhìn vào bản chất của các sự việc:

Tấm bị đày đọa, phải làm việc cực nhọc tất cả mọi việc… đành rằng đó là cách đối xử bất công. Nhưng ở sự việc thi bắt tôm tép với phần thưởng chiếc yếm đỏ là sự “gian manh” của Cám và sự “xảo quyệt” của mụ dì ghẻ! Có thể hiểu rằng, hai chị em đến tuổi cập kê và cần chiếc yếm để che chắn cũng như làm duyên, làm dáng. Mụ dì ghẻ không muốn cho Tấm chiếc yếm đỏ và bày trò ra cuộc thi chỉ là cách “che mắt thiên hạ” bởi mụ thừa biết con mụ không bao giờ thắng được nhưng nó có thủ đoạn để giành lấy phần thưởng. Chiếc yếm đỏ không đơn giản là một phần thưởng vật chất mà lớn hơn, cái dã tâm của mụ là không cho Tấm có cơ hội làm đẹp, không cho cơ hội được có một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. (Điều đó có thể lý giải được vì sao Bụt cho Tấm con bống về nuôi và có những sự việc tiếp diễn sau này).

Tấm bị cướp mất mọi giá trị vật chất do công sức lao động mình làm ra, thậm chí con đường, cơ hội đến với hạnh phúc tương lai đã bị mẹ con Cám rào lại. Con cá bống lúc này chỉ đơn giản là một người bạn, một nguồn vui, một niềm hạnh phúc nhỏ tạm thời của cô nhưng mụ dì ghẻ lại bày mưu để cùng Cám giết mất. Nghĩa là sự đày đọa về thể xác chưa đủ, mẹ con Cám còn triệt bỏ nguồn vui tinh thần nho nhỏ, duy nhất. Điều đó gần như đồng nghĩa với việc không cho Tấm nguồn sống nào nữa!

Nhà vua mở hội, mụ dì ghẻ nghĩ ra cách để không cho Tấm đi là trộn thóc với gạo bắt ở nhà nhặt. Đi xem hội không đơn giản là một dịp vui chơi mà là dịp để nam nữ gặp nhau rồi nên duyên. Cơ hội để có thể được một chàng trai nào để mắt tới trong cuộc sống hàng ngày đã bị chặn đứng từ phần thưởng chiếc yếm, lần này là cơ hội để gặp gỡ, để nên duyên, để có hạnh phúc tương lai cũng bị tước mất. Không cho Tấm có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần dù đó hoàn toàn là công sức lao động, năng lực, vẻ đẹp của cô đã là điều đáng căm ghét lắm rồi, hơn thế lại không cho cơ hội, chặn đứng mọi khả năng để có thể có một cuộc sống hạnh phúc tương lai thì… Thiết nghĩ, đến đây thôi, hoàn toàn có thể kết luận rằng hành động của mẹ con Cám là những tội ác không dung thứ được!

Giết Tấm và cướp ngôi hoàng hậu thì rõ ràng, lẽ ra mẹ con Cám phải bị trừng trị đích đáng rồi, nhưng không! Phải chăng cái ác của mẹ con Cám chưa bộc lộ hết đến tận cùng?

Tình yêu thương của vua rõ ràng không bao giờ dành cho Cám, và Cám vào cung cũng không phải vì tình yêu đối với vua. Vậy thì con chim vàng anh hay cây xoan đào không làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống và mục đích mà mẹ con Cám muốn đạt được. Cũng như việc giết con cá bống của Tấm, không thể đơn giản hành động đó chỉ là sự ganh ghét, đố kỵ được mà là bởi bản chất độc ác, tàn bạo của mẹ con Cám: tước đoạt mọi thứ của Tấm.

Đến cái khung cửi bị đốt, bị đổ tro đi ra thật xa thì mẹ con Cám không chỉ chặn đường sống mà chặn cả con đường để Tấm có thể hồi sinh, có thể có mặt ở cuộc sống.

Với tội ác khủng khiếp như vậy, rõ ràng mẹ con Cám phải nhận một sự trừng phạt đích đáng chứ không đơn thuần là một cái chết nhẹ nhàng hoặc như ai đó nói còn có thể “lại oán hận và hồi sinh qua các kiếp để trả thù Tấm” được! Như thế là trái đạo lý của đất trời, của lòng người!

KHÔNG THỂ HIỂU HÀNH ĐỘNG CỦA TẤM LÀ SỰ “TRẢ THÙ”!

Tại sao không có một cái kết “đẹp” như truyện Thạch sanh? Tại sao không có một cách giải quyết nào khác như ai đó đề xuất: một phiên tòa xét xử mẹ con Cám? Hay tại sao Tấm không “cảm hóa” mẹ con Cám để trở thành người tốt?

Tôi cho rằng những cách giải quyết đó đều không thể!

Truyện Thạch Sanh không ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Phật giáo và Thạch Sanh mới chỉ bị “mưu sát” chứ chưa từng bị sát hại. (Tấm bị giết đến bốn lần mà vẫn tha cho mẹ con Cám). Thạch Sanh tha cho mẹ con Lý Thông nhưng Trời không tha và ra tay trừng phạt. (Mẹ con Cám không bị nhận bất cứ một sự trừng phạt nào!).

Không thể có một phiên tòa bởi không nên mang tư duy hiện đại để vào không gian văn hóa dân gian của cổ tích. Lý giải theo cách hiểu rằng xã hội trong cổ tích có tổ chức, pháp luật… thì cũng sẽ không chấp nhận được tình tiết một bà hoàng hậu về giỗ bố lại đi một mình, lại trèo lên hái cau để bị chặt cây, dìm chết.

Mỗi lần hóa thân phải chăng là mỗi lần Tấm đang cố cảm hóa Cám? Con chim vàng anh nhắc nhở Cám rằng: “chồng tao” – nghĩa là của “tao” đấy nhưng “tao” không đòi, không lấy lại, không kể tội, không trừng phạt gì, thôi thì cố gắng mà chăm chút cho tốt! Em muốn những gì là vật chất, vậy chị chăm chút những gì là tinh thần của chàng, mang tới niềm vui cho chàng, vậy thôi! Với người Việt xưa thì chuyện một người đàn ông lấy hai chị em một nhà về làm vợ là chuyện không ít, vậy tại sao Cám không chấp nhận được cho dù mình là người đến sau, cho dù mình không phải san sẻ quyền lợi gì? Vậy nên, khi hóa thân vào khung cửi, Tấm kể tội và cảnh báo về sự trừng phạt phải chăng cũng chỉ để Cám thức tỉnh? Bởi cái khung cửi thì làm được gì, làm sao có thể hành động tranh giành hay trừng phạt ai được?

Tôi không đồng ý cho rằng hành động của Tấm là sự “trả thù” mà phải hiểu đó là sự “trừng phạt”. Tấm không hằn thù nhưng Tấm phải hành động bởi không còn cách nào khác! Trải qua bao nhiêu kiếp hóa thân rồi và hành động của mẹ con Cám với mục đích quyết liệt là không để Tấm có thể tồn tại trên cõi đời dưới bất kì hình thức nào từ một sinh vật sống, đến một cái cây hay một vật như vô tri là khung cửi! Bụt (Phật) không trừng phạt bởi vai trò của Bụt chỉ là cứu vớt và mang đến hạnh phúc cho những người hiền lành, lương thiện. Vua không trừng phạt bởi trong câu chuyện này, vua chỉ có vai trò là phần thưởng xứng đáng cho những gì Tấm đáng được hưởng.

Vậy lúc này, không thể xem xét Tấm là một cá nhân, một bà hoàng hậu hay một người con mồ côi, một người chị cùng cha khác mẹ với Cám. Hành động của Tấm không thể và không được hiểu là mang ý nghĩa tư thù cá nhân! Tấm đại diện cho cái thiện đang đối diện, đối đầu với cái ác chất chồng như núi. Tấm đại diện cho công lý, lẽ phải và hình phạt đưa ra phải tương xứng với tội ác của mẹ con Cám. Đó là lẽ đời! Đó là lẽ công bằng ở đời!

Mẹ con Cám chặt cây để Tấm chết dưới ao thì Cám phải bị chịu hình thức trừng phạt là chết dưới hố nước sôi. Dì ghẻ bảo Cám giết Tấm (con chim vàng anh) và ăn thịt, chặt cây xoan đào, đốt khung cửi… thì hình phạt của mẹ Cám phải là ăn thịt con mình (cũng như ăn thịt chính mình), ăn hết rồi chết! Đó là quy luật “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào thì gặt quả nấy” chứ chẳng phải sự trả thù độc ác hay một số người bênh vực lại cho rằng đó là sự “man rợ” trong xã hội xưa!

Tấm đã chịu thua thiệt, chịu nhún nhường, đã nhắc nhở, đã cảnh báo… nhưng Cám không dừng những hành động tội ác của mình lại và vì vậy, phải nhận lại tất cả những gì mình đã từng gây ra. Đó là lẽ bình thường bởi ngay cả dùng cách tư duy thông thường, trong xã hội hiện đại thì chắc chắn không bao giờ và không thể nào có một ai đó có thể chịu đựng chấp nhận đến hết lần này đến lần khác để cho kẻ khác cướp hết tất cả, thậm chí giết, ăn thịt mình.. như Tấm. Vậy nên đừng vận vào cái tư duy của xã hội hiện đại để nói rằng hành động của Tấm là tội ác, là không thể chấp nhận được!

Tấm không ác bởi nếu kết luận Tấm ác cũng không khác gì kết luận tư tưởng Phật ác! Phật răn dạy con người ta sống thiện, không nên sống ác bởi kẻ sống ác sẽ bị trừng phạt, và hình phạt đó luôn tương xứng với tội ác mà người đó gây ra ở kiếp sống. Có những hình phạt là cắt xẻo các bộ phận cơ thể, nấu trong vạc dầu, bị lũ quỷ tra tấn hay đày xuống tận 18 tầng địa ngục, chịu mọi sự hành hạ, muôn kiếp không được siêu sinh… Tạo nghiệp thì trả nghiệp, làm việc ác như thế nào với người ta thì nhận lại đúng như thế cớ sao lại kêu người thi hành cái luật đó là ác?

Tôi không đồng ý với quan điểm rằng, truyện Tấm Cám sẽ làm nhân sinh quan của học sinh lệch lạc, cho rằng những hành động của Tấm là chấp nhận được! Đành rằng văn học phải gắn với cuộc sống nhưng một tác phẩm văn học cũng như một sinh thể và có môi trường sống của nó. Môi trường sống của cổ tích là một thế giới riêng chứ không phải là cuộc sống thực lại càng không phải cuộc sống hiện đại. Vậy nên, lôi tác phẩm ra khỏi môi trường ấy, ném vào môi trường cuộc sống hiện đại, dùng lối tư duy hiện đại để mổ xẻ… chính là giết chết nó. Hãy xem xét một sinh thể sống chứ đừng xem xét một tiêu bản bởi bạn sẽ không thấy được nhịp đập, hơi thở của nó mà chỉ thấy những bộ phận cứng còng, lạnh lẽo.

Sự “trừng phạt” mẹ con Cám phải nhận mang một ý nghĩa răn dạy quyết liệt bởi nếu chỉ là một cái chết nhẹ nhàng, có lẽ nó không khiến những kẻ có dã tâm tàn độc phải run sợ, chùn tay. Làm nhiều việc ác sẽ phải nhận ở ngay sự trừng phạt ở kiếp sống chứ không đợi đến kiếp sau! Đó có lẽ là tư tưởng ngăn chặn quyết liệt cái ác của cha ông ta!

Trên đây, cũng chỉ là ý kiến chủ quan mang tính cá nhân của tôi. Kính mong nhận được sự góp ý, chia sẻ của quý vị độc giả, các thầy cô giáo, các em học sinh!

Tham khảo thêm:

*****

Trên đây là một số bài văn mẫu qua Tấm Cám nêu suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay mong rằng mới những nội dung này các em sẽ có cho mình một bài văn thật hay. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM