Sức mạnh của tình mẫu tử từ đoạn trích Tấm lòng người mẹ

Xuất bản: 08/07/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài văn nêu suy nghĩ về sức mạnh của tình mẫu tử từ đoạn trích Tấm lòng người mẹ (trích Những người khốn khổ – Huy-gô)

Trong dòng chảy bất tận của văn học thế giới, "Những người khốn khổ" của Victor Hugo đã để lại dấu ấn sâu đậm bởi những câu chuyện đầy cảm động về số phận con người. Đoạn trích "Tấm lòng người mẹ" là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh kỳ diệu của tình mẫu tử, một thứ tình cảm thiêng liêng, bất diệt, có thể vượt lên mọi nghịch cảnh và thử thách để giữ gìn, bảo vệ và chở che con mình. Bài viết này sẽ hướng dẫn các em cách viết bài văn nêu suy nghĩ về sức mạnh của tình mẫu tử từ đoạn trích Tấm lòng người mẹ, giúp em khám phá thêm những giá trị nhân văn cao đẹp ẩn chứa trong tác phẩm.

Dàn ý Sức mạnh của tình mẫu tử từ đoạn trích Tấm lòng người mẹ

1. Mở bài

- Giới thiệu đoạn trích Tấm lòng người mẹ trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo.

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Sức mạnh to lớn của tình mẫu tử được gợi lên từ đoạn trích qua nhân vật Phăng - tin.

2. Thân bài

a) Giải thích

- Tình mẫu tử là tình yêu thương, sự hy sinh, chăm sóc vô điều kiện, chở che, bao dung của người mẹ dành cho con cái.

- Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất của người mẹ dành cho con, là tình cảm tự nhiên và mạnh mẽ nhất trong các mối quan hệ tình cảm của con người.

- Sức mạnh của tình mẫu tử thể hiện ở khả năng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bảo vệ và nuôi dưỡng con; tha thứ, yêu thương con bất chấp mọi lỗi lầm; truyền cảm hứng, động lực cho con vượt qua nghịch cảnh.

b) Sức mạnh của tình mẫu tử trong đoạn trích Tấm lòng người mẹ

- Hoàn cảnh người mẹ: Phăng - tin nghèo khổ, bệnh tật, bị người yêu ruồng bỏ, một mình nuôi con, phải xa con gái Cô - dét để kiếm sống, bị lừa gạt, bị đuổi việc, phải bán tóc, răng, thậm chí phải bán thân để có tiền nuôi con.

- Tình yêu thương, tấm lòng của người mẹ:

+ Luôn nhớ về con, lo lắng cho con dù phải xa cách.

+ Làm tất cả để có tiền nuôi con: bán đi mái tóc để có tiền mua một chiếc váy len cho con, bán hai chiếc răng cửa, gửi bốn mươi phờ-răng cho nhà Tê-nác-đi-ê, trở thành gái điếm, hy sinh danh dự để có một trăm phờ-răng gửi cho vợ chồng Tê-nác-đi-ê nhằm cứu Cô-dét...

+ Sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ, tủi nhục để con được sống tốt hơn.

- Ý nghĩa của sức mạnh tình mẫu tử trong đoạn trích:

+ Giúp Phăng - tin vượt qua mọi tủi nhục, đau đớn.

+ Là động lực để Phăng - tin sống và hy vọng, khi bị tổn hại cả tinh thần và thể xác, chán ghét cuộc sống xung quanh thì hình ảnh đứa con vẫn là niềm an ủi với Phăng-tin.

+ Thể hiện qua những lời nói, hành động đầy yêu thương, sự lo lắng cho con.

+ Nhờ có sự hy sinh của Phăng-tin mà Cô-dét được sống.

c) Sức mạnh của tình mẫu tử trong đời sống

- Sức mạnh tình mẫu tử là nguồn động lực giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

- Tình mẫu tử là nền tảng vững chắc cho hạnh phúc gia đình, xã hội.

- Tình mẫu tử là biểu hiện cao đẹp của tình yêu thương, lòng vị tha và sự hy sinh.

- Giúp con cái hình thành nhân cách tốt đẹp, sống có trách nhiệm, là nguồn động lực to lớn để con cái vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

- Giúp người mẹ trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn.

d) Bài học nhận thức và hành động

- Trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng, biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ.

- Luôn yêu thương, chăm sóc mẹ, đừng để phải hối hận khi mẹ đã không còn trên cõi đời này.

- Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để xứng đáng với tình yêu thương của mẹ.

3. Kết bài

- Khẳng định lại sức mạnh vĩ đại của tình mẫu tử.

- Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân.

#3 Bài văn mẫu nêu suy nghĩ về sức mạnh của tình mẫu tử từ đoạn trích Tấm lòng người mẹ

Sức mạnh của tình mẫu tử trong Tấm lòng người mẹ mẫu 1

Victor Hugor đã từng nói: “Cuộc đời là đóa hoa, còn tình yêu là mật ngọt”. Và chắc hẳn, tình mẫu tử chính là dòng mật ngọt ngào, ấm áp nhất trên cõi đời. Đoạn trích “Tấm lòng người mẹ” trích trong tiểu thuyết kinh điển “Những người khốn khổ” chính là câu chuyện cảm động viết về một người mẹ hết lòng vì con. Từ đó, tác phẩm cho ta thấy sức mạnh phi thường của tình mẫu tử trong đời sống hằng ngày.

Đoạn trích đã khắc họa thành công hình ảnh người mẹ Phăng-tin - một người phụ nữ nghèo khổ, bất hạnh nhưng có tình yêu thương con vô bờ bến. Vì con gái Cô-dét, Phăng-tin chấp nhận mọi tủi nhục, hy sinh tất cả, thậm chí bán cả tóc, răng và cuối cùng là bán thân để có tiền nuôi con. Những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần không thể làm vơi đi tình mẫu tử thiêng liêng trong trái tim người mẹ. "Cô-dét! Cô-dét!" - tiếng gọi tha thiết ấy cứ vang vọng trong tâm trí Phăng-tin, như một lời nhắc nhở về tình mẫu tử bất diệt.

Chính tình yêu thương con đã trở thành nguồn sức mạnh phi thường giúp Phăng-tin vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Dù bị bệnh tật giày vò, bị người đời khinh miệt, Phăng-tin vẫn cố gắng sống, cố gắng làm việc để có thể lo cho con. Tình mẫu tử đã tiếp thêm sức mạnh để Phăng-tin chiến đấu với số phận nghiệt ngã, giúp chị có thêm nghị lực để sống tiếp những ngày tháng cuối đời.

Không chỉ là nguồn động lực sống cho Phăng-tin, tình mẫu tử còn là ánh sáng soi đường, chỉ lối cho Cô-dét. Dù không được sống bên mẹ, nhưng Cô-dét luôn cảm nhận được tình yêu thương của mẹ qua những lá thư, những món quà mà Phăng-tin gửi cho mình. Tình mẫu tử đã sưởi ấm trái tim non nớt của Cô-dét, giúp em vượt qua những ngày tháng cô đơn, tủi cực.

Đoạn trích "Tấm lòng người mẹ" là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô biên của tình mẫu tử. Tình mẫu tử có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thậm chí cả cái chết. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, bất diệt, luôn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh. Qua đoạn trích, ta càng thêm trân trọng và biết ơn tình mẫu tử. Mỗi chúng ta hãy luôn yêu thương, kính trọng mẹ của mình, bởi mẹ chính là người đã hy sinh tất cả để cho ta có được cuộc sống hôm nay.

Tình mẫu tử trong đoạn trích Tấm lòng người mẹ

Sức mạnh của tình mẫu tử trong Tấm lòng người mẹ mẫu 2

Tình mẫu tử là một đề tài bất tận của văn học nghệ thuật. Trong cuộc sống, điều gì cũng có thể thay đổi nhưng có lẽ tình mẫu tử là tình cảm vĩnh cửu nhất, không thể đong đếm được. Thông qua trích đoạn “Tấm lòng của mẹ” trong tác phẩm “Những người khốn khổ" của nhà văn Vích-to Huy-gô, em càng thấy được sự sáng tỏ về tình cảm thiêng liêng đó không chỉ tồn tại trên sách truyện mà nó luôn luôn đúng với cuộc sống của chúng ta.

Hình ảnh Phăng-tin – một cô gái bị hoàn cảnh xô đẩy, hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng, phải gửi gắm đứa con gái Cô-dét cho người khác nuôi. Cô có tình yêu thương con sâu sắc, nhưng hoàn cảnh xô đẩy, bị đuổi việc, chủ nợ liên tục giục giã, lâm vào đường cùng mà cô đã bất chấp làm mọi công việc, bán tất cả mọi thứ - bán tóc, bán răng và thậm chí cô bán đi cả danh dự và nhân phẩm của mình để đi làm gái điếm. Tác phẩm khắc họa lên hình ảnh người mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả để đổi lại lấy cuộc sống ấm no cho cô con gái. Qua đó, ta thấy được sức mạnh của tình mẫu tử thiêng liêng, lớn lao, hi sinh tất cả, đó là thứ tình cảm không gì có thể đánh đổi dễ dàng.

Trong cuộc sống, tình cảm thương yêu, đùm bọc, che chở,… mà người mẹ dành cho con, tình cảm ấy vừa tự nhiên vừa cao cả. Những việc làm và tình cảm mẹ dành cho con không gì có thể sánh bằng. Bởi mẹ chính là người đã chăm sóc nuôi nấng ta từng ngày, vượt qua bao nhiêu gian lao vất vả, vượt qua tất cả những khó khăn thử thách của cuộc đời là người chắp cho ta những đôi cánh ước mơ để bay đến chân trời hi vọng. Mẹ chính là nơi nương tựa vô cùng vững chãi cho mỗi đứa con sau mỗi lần vấp ngã; là nơi mỗi người con như chúng ta có thể thổ lộ mọi điều thầm kín; là hình ảnh thu nhỏ của những ước mong, những khát khao thanh bình và hạnh phúc, là nguồn động viên, là tình yêu, là cả những day dứt, dằn vặt, trăn trở, là niềm tự hào chính đáng của một con người. Từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, trưởng thành, mẹ luôn dõi theo từng bước chân của con. Khi con vấp ngã, mẹ sẵn sàng nâng con dạy. Khi con vui hay buồn, mẹ luôn là người ở bên con, chia sẻ và động viên con. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã có câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Và quả thật, nhìn lại từ xưa đến nay, có biết bao tấm lòng người mẹ làm ta thêm thổn thức. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ câu chuyện cổ tích sự tích cây vú sữa được nghe kể ngày ấu thơ. Câu chuyện kể về đứa con hư vì bị mẹ mắng mà bỏ nhà đi, khi quay lại nhà mẹ đã mất vì thương nhớ con. Người mẹ hóa thành cây vú sữa. Lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt người mẹ khóc chờ con. Hương vú sữa cũng ngọt ngào tựa dòng sữa mẹ. Thế mới thấy, mẹ sẵn sàng bao dung, vị tha trước những hành vi sai trái của con. Cũng ngược về hơn nửa thế kỉ trước là tấm gương những bà mẹ Việt Nam anh hùng tuy mất hết con ruột trong chiến trận nhưng sẵn sàng nhận và cưu mang những người chiến sĩ khác. Họ sẵn sàng dùng cái chết của bản thân để đảm bảo an toàn cho những “đứa con chiến sĩ” thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của giặc.

Là người con trong xã hội hiện đại, chúng ta càng phải hiểu rõ trách nhiệm bản thân trước tình mẫu tử ấy. Hãy cố gắng tu dưỡng, rèn luyện để đền đáp công ơn cha mẹ: biết giúp đỡ việc gia đình, phấn đấu trong học tập, biết yêu thương người khác.

Cuộc đời của con chính là những trang nhật kí của người mẹ, nơi mẹ gửi trọn bao vui buồn, bao hi vọng. Tình mẫu tử là mạch nguồn bất tận, không bao giờ vơi cạn. Vậy nên, ai đang được sống trong niềm may mắn đó hãy biết trân trọng từng ngày.

Sức mạnh của tình mẫu tử trong Tấm lòng người mẹ mẫu 3

Trong muôn vàn tình cảm thiêng liêng của con người, tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm cao quý và đáng trân trọng nhất. Tình yêu thương của mẹ dành cho con là vô điều kiện, không vụ lợi và luôn hiện hữu trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Đoạn trích "Tấm lòng người mẹ" (trích "Những người khốn khổ" của Victor Hugo) đã khắc họa rõ nét sức mạnh phi thường của tình mẫu tử, lay động trái tim độc giả qua hình ảnh người mẹ Phăng-tin bất hạnh.

Tình mẫu tử không chỉ là tình yêu thương, sự đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng mà mẹ dành cho con, mà còn là một trạng thái tình cảm cao cả và thiêng liêng nhất trên cuộc đời. Trong "Tấm lòng người mẹ", tình mẫu tử của Phăng-tin trở nên vô cùng đặc biệt qua những khó khăn mà mẹ con họ phải đối mặt. Vì thiếu tiền, Phăng-tin đã bán tóc, bán hai chiếc răng cửa và thậm chí bán cả bản thân để đảm bảo con được no ấm và tránh bệnh tật. Mọi hành động của chị đều là vì hạnh phúc và sự an lành của con, mặc cho sự chê cười và chỉ trỏ từ người khác. Tình cảm mẫu tử mà Phăng-tin dành cho con không thể nào được diễn đạt bằng lời nói, và nó đích thực là một biểu hiện của sự tận tụy và hết lòng.

Ngoài thế giới ảo, trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều người mẹ như Phăng-tin. Họ hi sinh sức khỏe, ngoại hình, thời gian thanh xuân để đảm bảo cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho con. Những người mẹ này có tấm lòng cao thượng, sẵn sàng tha thứ khi con phạm lỗi, luôn che chở và yêu thương con những khi con mệt mỏi hay vấp ngã. Họ đặt tình mẫu tử lên một tầm cao, làm tất cả mọi điều mà không mong đợi bất kỳ sự đền đáp nào. Tình mẫu tử trở nên cao quý và kì lạ đến mức khó diễn đạt.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những người mẹ không tốt, sẵn sàng đánh đổi con để đạt được lợi ích cá nhân. Những hành động như bắt con lao động, chụp ảnh, quay phim để nuôi sống bản thân hoặc để đổi lấy lòng thương hại từ người khác, đều là những hành động đáng lên án.

Mẹ không chỉ là một từ ngữ mà còn là người yêu thương, che chở, và nuôi dưỡng ta vô điều kiện. Chúng ta cần biết ơn và hiếu thảo với mẹ, hạnh phúc mẹ là niềm hạnh phúc của chúng ta. Em hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể thể hiện lòng biết ơn và hiếu thảo đối với người mẹ của mình.

Qua đoạn trích "Tấm lòng người mẹ", ta nhận ra rằng tình mẫu tử là một món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho mỗi chúng ta. Tình mẫu tử là điểm tựa vững chắc, là nguồn động viên to lớn giúp ta vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, hãy trân trọng và biết ơn tình yêu thương của mẹ, hãy luôn là những đứa con ngoan, hiếu thảo để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ.

-/-

Các em vừa tham khảo những gợi ý của Đọc tài liệu để làm bài văn nêu suy nghĩ về sức mạnh của tình mẫu tử từ đoạn trích Tấm lòng người mẹ kèm theo một số bài văn mẫu hay dành cho các em đọc tham khảo. Ngoài ra, các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM