Sự đối lập giữa vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài

Xuất bản: 06/03/2019 - Tác giả:

Những bài văn mẫu hay phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Đề bài: Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)

để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

(Đề thi Văn THPT Quốc Gia năm 2018)

***

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết

I. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm

* Tác giả

- Quê quán: huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An.

- Gia nhập quân đội năm 20 tuổi.

- Từ năm 32 tuổi, tác giả chuyển sang hoạt động văn nghệ và chính thức trở thành nhà văn quân đôi.

* Sự nghiệp sáng tác:

- Vị trí: Là cây bút đi tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

- Phong cách nghệ thuật:

+ Trước 1975: Là cây bút sử thi có khuynh hướng trữ tình lãng mạn.

+ Sau 1975 (đầu những năm 1980): Chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.

-> Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

II. Thân bài: Phân tích vấn đề

1. So sánh sự đối lập với hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và hình ảnh bạo lực trên thuyền

* Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa gắn liền với phát hiện thứ nhất - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện:

- “Cảnh đắt trời cho”:

+ Hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.

+ Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.

-> Là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến.

- Cảm nhận của người nghệ sĩ:

+ Thấy rung động.

+ Thấy tâm hồn mình được thanh lọc, gột rửa.

+ Thấy hạnh phúc.

* Hình ảnh bạo lực trên thuyền gắn liền với phát hiện về cuộc sống của người nghệ sĩ.

+ Đằng sau cái đẹp toàn mĩ là hiện thân của cái xấu, là hiện thực trần trụi: bước ra khỏi chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là người đàn bà xấu xí trạc ngoài 40 tuổi, rỗ mặt…Đi sau người đàn bà là người đàn ông cao lớn, dữ dằn, tấm lưng rộng và cong như lưng của một chiếc thuyền…

+ Đằng sau cái đẹp được gọi là toàn thiện là hiện thân của cái ác, là cảnh tượng tàn nhẫn, điển hình của bạo lực gia đình: người đàn bà đi trước, người đàn ông lẳng lặng đi sau không nói câu nào…đột nhiên bỗng trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay,…, dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp lên người của người đàn bà, người đàn bà đứng im không chống trả, đứa bé chạy ra…

-> Cảm nhận của nghệ sĩ Phùng: “kinh ngạc đến thẫn thờ”, “mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “chết lặng”…

=> Nhận xét:

- Nhận thức của người nghệ sĩ: Cuộc sống không hề đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng rất nhiều nghịch lý. Cuộc sống luôn tồn tại những điều tốt – xấu, thiện – ác.

- Sứ mệnh người nghệ sĩ: Đừng bao giờ nhầm lẫn hiện tượng và bản chất, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hình thức bề ngoài với nội dung thực chất bên trong, đừng vội đánh giá sự vật, con người ở dáng vẻ bên ngoài mà phải tìm hiểu thực chất bề sâu đằng sau vẻ ngoài ấy.

2. Liên hệ tác phẩm Hai đứa trẻ

- Giới thiệu tác giả Thạch Lam, tác phẩm Hai đứa trẻ

a. Cảnh phố huyện lúc đêm khuya và cảnh đợi tàu

* Cảnh phố huyện lúc đêm khuya

- Bóng tối ngập đầy không gian.

- Cảnh phố huyện gắn liền với những khiếp người sống mòn mỏi: chị Tí, bà cụ Thi điên,…

=> Hiện thực cuộc sống bế tắc, quẩn quanh, tăm tối.

* Cảnh đợi tàu của hai chị em Liên

- Chờ đợi đoàn tàu, hoạt động cuối cùng của đêm.

- Đoàn tàu xuất hiện rộn rã, vui tươi, với ánh sáng rực rỡ.

- Đoàn tàu chỉ xuất hiện trong phút chốc, sau đó cả phố huyện chìm vào tăm tối.

=> Mơ ước, khát vọng đổi đời.

=> Nhận xét: Sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, giữa hiện thực cuộc sống tối tăm với mơ ước đổi đời.

b. Liên hệ cách nhìn hiện thực của hai tác giả

* Giống nhau.

- Có những cái nhìn đa chiều về hiện thực cuộc sống.

- Tấm lòng nhân đạo của tác giả.

* Khác nhau:

- Phong cách:

+ Thạch Lam nhà văn lãng mạn, cái hiện thực mơ màng, chưa sắc nét

+ Nguyễn Minh Châu nhà văn hiện thực, rõ ràng, sắc nét, chân thực hơn.

- Thời đại:

+ Thạch Lam hiện thực chìm đắm trong sự buồn tẻ, cô đơn.

+ Nguyễn Minh Châu hiện thực đêm trước thời kì đổi mới, chiến tranh đi qua, còn nhiều suy tư, trăn trở.

* Lí giải sự khác nhau:

- Quy luật của sự sáng tạo: Nhà văn không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình.

- Hai nhà văn Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam là những tác giả tiêu biểu của dòng văn học khác nhau, họ có tư tưởng và quan điểm nghệ thuật khác nhau, mỗi người đều hình thành một phong cách sáng tác riêng và họ đều chịu sự chi phối bởi thời đại.

III. Kết bài

- Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Tồn tại những khoảng cách và mâu thuẫn, người nghệ sĩ phải có cái nhìn toàn diện.

Bài văn hay phân tích chi tiết sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài

Nhắc đến Nguyễn Minh Châu là ta nhắc đến một nhà văn chủ nghĩa hiện thực tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Từng khoác trong mình áo lính trước những năm 1975 và cho đến khi hòa bình lập lại, ông luôn mang trong mình cảm hứng thế sự về cuộc đời,về con người và những triết lí nhân sinh vô cùng sâu sắc được thể hiện trực tiếp vào trong các truyện ngắn của mình tiêu biểu là các truyện như “Mảnh trăng cuối rừng”, Bến quê”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”. Đặc biệt là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thông qua nhân vật Phùng, nhà văn đã nói lên được sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài. Cùng viết về sự đối lập nhưng với Thạch Lam trong truyện “Hai đứa trẻ” lại là cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu. Mỗi nhà văn đều có cách nhìn hiện thực khác nhau nhưng đều mang lại cho người đọc cái nhìn riêng biệt chân thực của cuộc sống.

Được sáng tác sau năm 1975 và được in trong tập truyện “Bến quê” có thể nói rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu khi mang đậm yếu tố tự sự, triết lí của nhà văn giữa nghệ thuật và cuộc đời con người. Chuyện kể về nhân vật Phùng - một nhiếp ảnh gia tài hoa về chụp ảnh với ước mơ chụp được 1 tấm ảnh thật ưng ý về tháng 7 của biển để in vào cho bộ lịch năm sau. Với ngôn ngữ giản dị xoay quanh người nghệ sĩ nhiếp ảnh với những chiêm nghiệm sâu sắc về chuyến đi thực tế tại một vùng biển của phố huyện nghèo.

Nguyễn Minh Châu đã rất tài tình khi xây dựng câu chuyện xoay quanh sự đối lập giữa cảnh chiếc thuyền ngoài xa với cảnh bạo lực gia đình hàng chài. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa, được cảm nhận thông qua nhân vật Phùng, chiếc thuyền hiện ra thật đẹp. “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Hình ảnh hoàn hảo đến nỗi mà nhân vật Phùng phải thốt lên, ngỡ ngàng trước sự đơn giản và toàn bích, mà anh phải công nhận đó như là “một bức tranh bằng mực Tàu của một danh họa thời cổ”. Đứng trước vẻ đẹp, Phùng dường như bối rối nhưng với trái tim và khối óc của một người nghệ sĩ anh nhanh tay “bấm liên thanh một hồi" thu vào chiếc máy ảnh Pratica của mình cái đẹp “tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” mà khó nghệ sĩ nào có thể dễ dàng nắm bắt được.

Chụp hết 1/4 cuốn phim, anh sung sướng đến nỗi thấy có cái như thắt lại trong tim. Anh cảm nhận tâm hồn mình trở nên khác lạ, cảm giác như được khám phá, gột rửa trước vẻ đẹp của bức tranh toàn bích, hoàn mỹ. Đứng trước cái đẹp người nghệ sĩ như chết lặng, chỉ biết thán phục và trầm trồ trước vẻ đẹp. Nắm được vẻ đẹp có một không hai như vậy, Phùng khẳng định, chắc chắn bức tranh ấy sẽ được xuất hiện rất nhiều nơi đặc biệt là những gia đình sành nghệ thuật.

Hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” đã hóa thân thành một tác phẩm để mọi người nhìn ngắm, từ đường nét bố cục đến màu sắc tất cả đều đạt đến độ hoàn hảo. Một vẻ đẹp hiếm có khó tìm, nhưng Phùng đã bắt trọn được nó, cái cảm giác từng trải khiến anh cảm thấy mãn nguyện trong chuyến đi thực tế lần này. Có thể nói rằng hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa chính là hình ảnh ẩn dụ cho đỉnh cao của nghệ thuật, cho cái đẹp mà bất kể người nghệ sĩ nào cũng muốn hướng tới. Chiếc thuyền ngoài xa còn là biểu tượng cho cảm xúc người nghệ sĩ, sự hoàn thiện của tâm hồn con người khi đứng trước vẻ đẹp.

Nếu cảnh đẹp bao nhiêu khi chiếc thuyền lúc ẩn lúc hiện vào trong sương sớm thì cảnh chiếc thuyền cập bến lại là cảnh nghiệt ngã bấy nhiêu khi từ trong chiếc thuyền ấy hình ảnh một người đàn bà hàng chài bước ra với “khuân mặt rỗ chằng chịt, mệt mỏi sau một đêm trắng thức kéo lưới, nửa thân dưới thì ướt sũng”. Người đàn ông thì theo sau, mắt thì như dán vào tấm lưng áo bạc phếch của người đàn bà. Cảnh bạo lực gia đình lên cao trào khi nhân vật chính là Phùng chứng kiến người đàn ông rút thắt lưng da của lính Ngụy ngày xưa quật tới tấp vào người phụ nữ, hắn vừa đánh vừa nghiến răng và chửi rủa người đàn bà hàng chài: “mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Thằng bé Phác thấy mẹ bị đánh thế, nó chạy tới xô ngã người đàn ông nhưng cũng bị người đàn ông tát cho hai cái, người đàn bà chỉ biết khóc rồi lại quay lại thuyền.

Câu chuyện bạo lực ấy vẫn tiếp tục diễn ra, cứ “ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng”, người đàn bà hàng chài cũng vì mười đứa con mà nhịn nhục trước đòn roi độc ác, vũ phu của người chồng. Âu cũng vì miếng cơm manh áo, chiếc thuyền là nơi sống, là kế sinh nhai duy nhất của một gia đình, chiếc thuyền ấy cần một người đàn ông chống lại phong ta bão táp, những người con cần một người cha cũng vì thế mà người phụ nữ tội nghiệp ấy cũng phải cúi đầu mà nói với Phùng và Đẩu trong buổi gặp mặt của tòa án, nghe mà xót lòng: “thưa quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được đừng bắt con bỏ nó”.

Khung cảnh bạo lực gia đình ẩn dụ cho cuộc đời số phận, những éo le, nghịch lí trong xã hội. Những số phận con người khổ cực, không biết bao giờ thoát khỏi kiếp nghèo, đông con. Khó khăn cứ mãi quẩn quanh với họ. Bạo lực gia đình và những trận đòi roi biết bao giờ mới chấm dứt.

Sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền và cảnh bạo lực gia đình. Với các tình tiết này mở ra hai sự đối lập hoàn toàn trái ngược nhau. Chiếc thuyền khi ngoài xa mang ý nghĩa cho một vẻ đẹp hoàn mĩ của một bức ảnh, khi lại gần đó là một cảnh hiện thực đau thương và nghiệt ngã của số phận con người.

Hình tượng chiếc thuyền ngoài xa là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi gửi gắm qua sự đối lập này. Cuộc đời sinh ra cái đẹp, sinh ra nghệ thuật nhưng không phải lúc nào cũng là nghệ thuật, nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống. Người nghệ sĩ không chỉ là người tiếp nhận được vẻ đẹp, chiêm ngưỡng nắm bắt được nghệ thuật mà còn là người phải đi sâu vào thực tế, hiểu và đồng cảm với số phận con người.

Bằng sự tài năng và tấm lòng nhân đạo, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng một tình huống truyện nhận thức, thông qua nhân vật Phùng để gửi gắm triết lí nhân sinh, mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và cái đẹp và cuộc đời. Nhân vật Phùng chính là hiện thân của nhà văn, cảm hứng nhân đạo sau năm 1975. Lối viết truyện tự sự, mang chính trần thuật cao, hình ảnh truyện đối lập, chi tiết ẩn dụ nhiều ẩn ý sâu xa. Ngôn ngữ truyện giản dị, tình tiết truyện hấp dẫn.

Cùng lối đi viết về hiện thực xã hội và cùng viết cảnh đối lập giữa các chi tiết trong truyện ngắn, nhà văn Thạch Lam lại tinh tế nhẹ nhàng khi viết về cảnh đối lập của phố huyện nghèo lúc về khuya và hình ảnh đoàn tàu để gửi gắm triết lí của mình trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”.

Được sáng tác vào những năm sớm của 1938, in trong tập : “Nắng trong vườn”, được viết theo lối truyện cảm xúc, không cốt truyện, nhà văn Thạch Lam đã nêu lên sự đối lập của hai hình ảnh của phần cuối truyện ngắn.

Hình ảnh phố huyện nghèo lúc về khuya, đêm tối nhập nhoạng với mẹ con chị Tý với hàng nước nhỏ xíu, ngày chị đi mò cua bắt ốc, tối lại dọn hàng nước chè, lời lãi cũng chả được mấy. Gia đình bác Xẩm thì ngủ gục từ lúc nào, gánh phở bác Siêu cũng ế khách, nó là một món quà xa xỉ mà chị em Liên chỉ dám mơ tới. Cuộc sống đơn điệu nhàm chán, cứ lặp đi lặp lại trong cái phố huyện nhỏ xíu. Chừng ấy con người luôn mong muốn cuộc đời mình sẽ có cái gì tươi sáng hơn. Phố huyện nghèo tù túng chật hẹp, cuộc sống bấp bênh và số phận con người không biết đi đâu về đâu.

Đối lập với cảnh tù túng chật hẹp của phố huyện nghèo là hình ảnh tươi mới của chuyến tàu đêm cuối cùng. Một thế giới khác khi đoàn tàu tới, mang theo thứ ánh sáng thật khác lạ soi sáng cho cả một phố huyện nghèo leo lắt. Âm thanh tiếng còi rít làm phố huyện huyên náo hẳn lên, xóa tan không gian tĩnh lặng, buồn tẻ. Đoàn tàu trở thành thói quen của người phố huyện khi một ngày tàn đã kết thúc.

Với Liên, chuyến tàu đêm muộn là ước mơ kí ức của em khi nhớ về Hà Nội, Hà Nội vui vẻ huyên áo và cũng tràn ngập ánh sáng nhiều chuyến tàu này. Thứ ánh sáng kì diệu khác hẳn ngọn đèn của em, của chị Tý và ánh đèn của bác Phở Siêu.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, tả ít mà gợi nhiều. Làm người đọc xúc động trước những chi tiết, số phận con người. Những ước mơ bình dị của những con người nhỏ bé vừa mang quá khứ buồn vừa hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Sự giống nhau của hai chi tiết đối lập của nhà văn Nguyễn Minh Châu và nhà văn Thạch Lam đều là hình ảnh có thực trong cuộc sống. Hình ảnh được nhà văn chọn lựa đem vào tác phẩm với những tầng nghĩa sâu sắc. Họ cùng gặp nhau trong sự phản ánh cuộc sống. Nhà văn Thạch Lam, hiện thực là phố huyện nghèo xơ xác với kiếp người không biết đi về đâu, họ sống không biết hi vọng vào ngày mai vào tương lai, nếu có cũng chỉ là sự hào nhoáng, mơ hồ bên ngoài. Khi đoàn tàu đi xa thì chỉ còn tiếng chó cắn, phố huyện vào đêm khuya, vẫn là thứ ánh sáng mờ nhạt của mẹ con chị Tý chuẩn bị dọn hàng, gia đình bác Xẩm ngủ gục tự bao giờ. Bóng tối, lại ngập tràn vào mắt Liên.

Với Nguyễn Minh Châu hiện thực đó là cảnh bạo lực gia đình, là cuộc sống bấp bênh của người dân hàng chài nghèo, để khi nhìn vào tấm ảnh được chọn làm bộ lịch cuối năm ấy, Phùng không thôi được sự ám ảnh của bức tranh với hình ảnh người phụ nữ với tấm áo bạc phếch bước ra từ chiếc thuyền hàng chài.

Sự gặp gỡ giá trị hiện thực của hai nhà văn khác nhau đã chứng minh một quy luật của văn học, “văn học phải gắn liền với cuộc đời” và con người hãy không ngừng mơ ước, cố gắng, quan trọng phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều.

Mặc dù sáng tác khác nhau vào những năm của trong lịch sử nhưng cả Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu đều đã đem đến cho người đọc hiểu rõ về sự đối lập của các chi tiết trong truyện. Từ đó ta thấy được mối quan hệ của của văn học và cuộc sống. Một tác phẩm hay không chỉ là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo của tác giả mà nó còn phải phản ánh được hiện thực của cuộc đời.

--------------------------------------------------------------------

Trên đây là những gợi ý và dàn ý chi tiết phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài. Qua việc tham khảo nội dung trên và kết hợp với những kiến thức đã học trong bài Chiếc thuyền ngoài xa và tác phẩm Hai đứa trẻ, các bạn có thể tự xây dựng một bài phân tích hay theo ý mình, đảm bảo không bỏ sót ý. Chúc các bạn làm bài tốt và đạt điểm cao !

Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp để tự rèn luyện kỹ năng làm văn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM