Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình

Xuất bản: 20/02/2024 - Tác giả:

TOP 5+ đoạn văn mẫu Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình gợi cho em cảm xúc gì? trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Những đoạn văn mẫu trình bày cảm xúc sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình gợi cho em cảm xúc gì? hay do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để viết được một đoạn văn hay và sâu sắc.

Gợi ý viết nội dung đoạn văn

Qua tìm hiểu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình có thể gợi cho chúng ta những cảm xúc khiến em xót xa, thương cảm, đồng cảm, trân trọng và suy ngẫm về thân phận con người.

- Xót xa, thương cảm: Khổ thơ thứ hai với những câu hỏi tu từ liên tiếp "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?", "Có chở trăng về kịp tối nay?", "Ai biết tình ai có đậm đà?" thể hiện nỗi niềm da diết, khao khát được yêu thương, được đáp lại của nhân vật trữ tình.

- Đồng cảm: Nỗi day dứt về thân phận của Hàn Mặc Tử xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của ông: một nhà thơ tài năng nhưng mắc bệnh hiểm nghèo, bị giam cầm trong "lồng bệnh", phải sống cô đơn, tách biệt với mọi người, khao khát yêu thương nhưng không được đáp lại.

- Trân trọng, cảm phục: Qua bài thơ, ta thấy được một tâm hồn yêu đời, yêu người tha thiết, một khát khao cháy bỏng được sống, được yêu thương của Hàn Mặc Tử, cảm phục tinh thần lạc quan, say mê với cuộc sống của nhà thơ.

- Suy ngẫm: Bài thơ khiến ta suy ngẫm về thân phận con người, về những bất hạnh, éo le trong cuộc sống cũng như giá trị của cuộc sống.

- Kích thích lòng trắc ẩn: Bài thơ khơi gợi lòng trắc ẩn, sự cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, đồng thời nhắc nhở mỗi người hãy trân trọng cuộc sống, trân trọng tình yêu thương.

TOP 5+ đoạn văn mẫu Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình

Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình Mẫu 1

Trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử đã thể hiện nội tâm cô đơn, trống vắng qua khổ thơ thứ hai và khổ thơ thứ ba. Nếu cõi thực của kí ức trong khổ 1 thật trong trẻo, tươi tắn và rực rỡ với ánh nắng ấm áp buổi sớm, thì phần hai lại tràn ngập ánh trăng khiến mọi thứ trở nên mờ ảo, nhợt nhạt, lạnh lẽo và chân thực như một giấc mơ. Cách diễn đạt phiếm chỉ “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” tạo cảm giác lạnh lẽo bao trùm cả dòng sông, lên cảnh vật, Hàn Mặc Tử như khát khao có con thuyền chở trăng về, phải chăng là để chở những khát khao hy vọng đến khắc khoải về một sự gặp gỡ và hòa hợp? Chữ “kịp” trong câu thơ thứ 2 càng thấm thía nỗi tiếc nuối, xót xa, lo sợ khi luôn biết rằng chẳng bao giờ kịp nữa nhưng ông vẫn cố hỏi khiến tâm trạng trở nên bồn chồn, chua xót, bất lực. Hỏi chỉ để tiếc, chỉ để tự dày vò bản thân mình. Dường như, nếu trăng không về “kịp” thì người bị số phận bỏ rơi bên bờ vực cuộc đời này sẽ hoàn toàn tuyệt vọng và đau khổ mãi mãi nếu cứ ở lại dưới bầu trời thăm thẳm này.

Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình Mẫu 2

Bị cuộc đời tuyệt giao, nhưng Hàn Mặc Tử không bao giờ chịu tuyệt tình. Càng chia lìa, càng bị cuộc đời bỏ rơi, thi sĩ càng yêu đời thiết tha, đắm say đến đau đớn. Ao ước trở về thôn Vĩ không thành, thi sĩ lại mơ tưởng đến người thương thôn Vĩ: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”. Thật xót xa trong giấc mơ, người thương đã thành khách đường xa. Lời gọi “khách đường xa, khách đường xa” chất chứa biết bao nhiêu mặc cảm chia li, xa cách. Nỗi cách chở chia li như nhân lên trùn trùng qua nghệ thuật điệp liên tiếp 4/3. Ta tưởng như trong giấc mộng của thi sĩ, bóng dáng người lính vừa chợt hiện lên đã mờ dần, khuất xa, mất hút. Người tình xưa như đang chạy trốn ta vậy. Câu thơ tự sự mà mang âm diệu của tiếng nấc nghẹn ngào, của lời than chới với, hụt hẫng. Cùn với vườn ngọc, trăng huyền ảo, hính bóng trinh nguyên của người khách đường xa đã hợp thành thế giới ngoài kia, lộng lẫy, quyến rũ. Nhưng cũng giống như những hoài niệm về vườn Vĩ Dạ lúc hửng đông, sông nước xứ Huế đêm trăng đi liền với niềm đắm say tột bậc là nỗi đau thương đến xót xa. Câu thơ không chỉ đơn giản là lời thú nhận bất lực về thị giác mà là bất lực về tâm hồn của một trái tim phải cách xa cuộc đời ngoài kia cả nghìn thế giới, cả một tầm tuyệt vọng. Mơ tưởng về người thôn Vĩ, thi sĩ không sao thoát khỏi nỗi đau thương, hình ảnh người tình xa càng lộng lẫy thì khoảng cách càng đẩy xa vời vợi. Cuối cùng, thi sĩ đành ngậm ngùi mà trở về với thực tại: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.

Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình Mẫu 3

Sau khi mắc bệnh nan y, Hàn Mặc Tử đã coi mình như một cung nữ xấu số bị số phận oan nghiệt đày vào lãnh cung. Ấy là lãnh cung của sự chia lìa (tôi không nhằm nói đến Gò Bồi hay Qui Hoà, bởi đó chỉ là hai địa chỉ hạn hẹp trong cái lãnh - cung - định - mệnh ấy thôi). Cơ hội về lại cuộc đời cơ hồ không còn nữa. Vô cùng yêu đời, thiết tha bao luyến mọi người, vậy mà Tử đã chủ động cách li, quyết định tuyệt giao với tất cả. Nhưng tuyệt giao chứ không phải tuyệt tình. Thậm chí, càng tuyệt giao, tình nhớ thương càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hằng ngày ở trong cái lãnh cung ấy, Tử thèm khát thế giới ngoài kia: Ngoài kia xuân đã thắm hay chưa? / Trời ở trong đây chẳng có mùa / Không có niềm trăng và ý nhạc / Có nàng cung nữ nhớ thương vua. Chủ động tuyệt giao chỉ là biểu hiện lộn ngược của lòng thiết tha gắn bó. Hễ tiễn một ai đến thăm mình về lại Ngoài kia thì chẳng khác nào tiễn người từ chốn lưu đày vĩnh viễn về lại cuộc đời, thậm chí như tiễn người từ cõi này về cõi khác. Một nửa hồn mình coi như đã chết theo: Họ đã đi rồi khôn níu lại / Lòng thương chưa đã mến chưa bưa / Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. Từ bấy trong thơ Tử hình thành hai không gian với sự phân định nghiệt ngã: Ngoài kia và Trong này. Nó là sự cách nhau của hai cõi, mà khoảng cách bằng cả một tầm tuyệt vọng - Anh đứng cách xa nghìn thế giới / Lặng nhìn trong mộng miệng em cười / Em cười anh cũng cười theo nữa / Để nhắn lòng anh đã tới nơi. Đọc thơ Hàn, dễ thấy Ngoài kia và Trong này (hay ở đây) là hai thế giới hoàn toàn tương phản. Ngoài kia: mùa xuân, thắm tươi, đầy niềm trăng, đầy ý nhạc, tràn trề ánh sáng, là cuộc đời, trần gian, là sự sống, hi vọng, hạnh phúc... Trong này: chẳng có mùa, không ánh sáng, không trăng, không nhạc, âm u, mờ mờ nhân ảnh, là lãnh cung, là trời sâu, là địa ngục, bất hạnh... Trong này chỉ về lại được Ngoài kiabằng ước ao thầm lén, bằng khắc khoải tuyệt vọng mà thôi.  Tấm thiếp phong cảnh của Hoàng Cúc gửi vào lập tức đánh động khát vọng về Ngoài kia trong hồn Tử. Thôn Vĩ Dạ hiện lên như một địa danh khởi đầu, một địa chỉ cụ thể của Ngoài kia. Nói khác đi, Ngoài kia trong cái giờ khắc ấy đã hiện lên bằng gương mặt Vĩ Dạ. Thèm về thăm Vĩ Dạ cũng là thèm khát về với Ngoài kia, về với cuộc đời, với hạnh phúc trần gian. Nghĩa là trong ý thức sáng tạo của Hàn Mặc Tử, Vĩ Dạ vừa là một địa danh cụ thể vừa được tượng trưng hoá. Trong văn bản của thi phẩm này, có thể thấy tương quan không gian như thế ở hai nơi chốn: “thôn Vĩ” (Ngoài kia) và “ở đây” (Trong này). Hình tượng cái Tôi thi sĩ hiện ra như một người đang “ở đây”, ở Trong này mà khắc khoải ngóng trông hoài vọng về “thôn Vĩ”, về Ngoài kia. Đó là hình ảnh một cá thể nhỏ nhoi tha thiết với đời mà đang phải lìa bỏ cuộc đời, đang bị số phận bỏ rơi bên trời quên lãng, đang chới với trong cô đơn, đang níu đời, nuối đời. Đây thôn Vĩ Dạ chẳng phải là lời tỏ tình với thế giới Ngoài kia của kẻ đang bị lưu đày ở Trong này hay sao? Chẳng phải lời tỏ tình ấy càng vô vọng lại càng mãnh liệt, càng mãnh liệt lại càng thêm vô vọng hay sao?

Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình Mẫu 4

Khi nhà thơ mắc bệnh nan y, ông đã nhận được tấm thiệp kèm lời hỏi thăm của Hoàng Cúc. Lời thăm hỏi không ký tên, nhưng bức ảnh và những dòng chữ kia đã kích thích trí tưởng tượng, cảm hứng, và đã gợi dậy những gì thầm kín xa xưa của Hàn Mặc Tử… Thi sĩ đã viết bài thơ này để tặng cho cô gái. “Đây thôn Vĩ Dạ” mang giọng điệu tha thiết. Tha thiết với người con gái anh thầm yêu, với cảnh Huế, người Huế và trên hết với cuộc đời. Những điều này đã biến tiếng nói nội tâm riêng tư của Hàn Mặc Tử trở thành tiếng lòng muôn đời của người trong cuộc đời. Căn cứ vào bài thơ, ta sẽ thấy rõ dòng chảy của tình cảm của nhà thơ. Nếu khổ thơ thứ nhất tả vẻ đẹp của vườn cây thôn Vĩ và thi sĩ gửi gắm ước mong một ngày nào đó được trở về thăm cảnh cũ người xưa; đến khổ thơ thứ hai tả cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo: gió, mây, dòng nước, hoa bắp tay… trong không gian quạnh vắng, đìu hiu. Nét thực nét ảo cứ chập chờn chuyển hóa. Khung cảnh thấm đẫm nỗi buồn thương, giống như tâm trạng đang chới với, lo âu, nghẹn ngào của thi sĩ trước linh cảm tan vỡ, chia lìa của tình yêu; thì khổ thơ thứ ba lại khắc đậm hình ảnh khách đường xa và chốn sương khói mông lung, cảnh chìm trong mộng ảo. Dẫu có hình ảnh của khách đường xa, áo trắng… nhưng tất cả đều nhạt nhòa, vô định như một mối tình vừa mới định hình đã vội hóa thành hư vô, đọng lại trong lòng người một nỗi hoài nghi, hi vọng. Ở đây, một tình yêu đơn phương, day dứt đến tội nghiệp. Nỗi niềm băn khoăn, day dứt khôn nguôi càng nhấn mạnh khao khát được sống, được giao cảm yêu thương và chia sẻ với cuộc đời. Nỗi niềm băn khoăn, day dứt khôn nguôi càng nhấn mạnh khao khát được sống, được giao cảm yêu thương và chia sẻ với cuộc đời của tác giả. Đó là cái tôi đau thương, nhạt nhòa không ra đường nét, là nỗi niềm hoài nghi, khắc khoải, mong chờ trong vô vọng, là tâm trạng đau thương, mặc cảm không dám trông mong vào sự đậm đà của tình người trong chốn nhân gian.

Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình Mẫu 5

Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, thiên nhiên và con người xứ Huế mộng mơ. Hình ảnh con người ở bên lề của cuộc sống không phải chủ thể chính trong bài thơ nhưng cũng là một hình ảnh đẹp, thể hiện được cảm xúc của bài thơ. Câu thơ mở đầu bài thơ là một lời mời chào xen chút dỗi hờn của cô gái thôn Vĩ. Đến với những câu thơ tiếp theo miêu tả khung cảnh thiên nhiên thôn Vĩ, đâu đó lấp ló hình ảnh con người với khuôn mặt chữ điền sau những tán lá trúc. Sang khổ thơ thứ hai, màu sắc của cảnh vật cùng thiên nhiên và tâm trạng con người đã có sự thay đổi rõ rệt. Cảnh vật hiện lên với nét buồn qua cái nhìn đầy nội tâm của nhân vật trữ tình. Cảnh vật như có sự chia li, xa cách với nhau. Ở khổ thơ cuối, có thể thấy cảnh vật và con người đều chìm sâu vào trong mộng ảo mơ hồ với sương khói mờ nhân ảnh. Chính vì vậy, hình ảnh con người bên lề cảnh vật thiên nhiên đóng góp vai trò rất quan trọng tạo nên sự thành công của bài thơ.

Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình Mẫu 6

Khi mọi nỗ lực hướng ra thế giới "ngoài kia" - thế giới của biêng biếc sắc màu, tràn ngập sự sống, của ấm nóng tình người, đều trở nên vô vọng, Hàn Mặc Tử buộc phải quay lại với thế giới trong này của mình, quay lại với lãnh cung cuộc đời, cô đơn, bế tắc, buồn tẻ. Cái thế giới ấy hiện lên bằng câu thơ "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh", hình tượng thơ vô cùng siêu thực tượng trưng. Đó là một thế giới mang sự lạnh lẽo, mịt mờ của khói sương, thiếu vắng hình bóng, hơi ấm của con người, là nỗi đau đớn nhất của Hàn Mặc Tử khi phải chống chọi một mình với bệnh tật, không người sẻ chia, bị cách ly khỏi xã hội và đợi chờ thần chết đến tìm mình trong tuyệt vọng. Bản thân thi sĩ không thể bước ra thế giới ngoài kia và thế giới ngoài kia cũng chẳng thể tìm đến với lãnh cung của người thi sĩ. Chỉ có duy nhất một sợi dây vô hình liên hệ giữa hai thế giới khác biệt ấy là tình cảm tha thiết, sâu nặng của người thi sĩ với cuộc đời, với thiên nhiên ngoài kia vẫn luôn đầy ắp trong tâm tưởng, trong những vần thơ lúc trong trẻo, thanh khiết lúc rớm máu đau thương. Tuy nhiên Hàn Mặc Tử ôm chữ "tình" như lá bùa hộ mệnh ấy lại có những lúc hoài nghi "ai biết tình ai có đậm đà", người sợ chỉ có mình đơn phương, ôm những tình cảm sâu đậm, còn chẳng hay người ngoài kia có đối với mình như thế hay không, hoặc là nỗi băn khoăn không biết rằng liệu giai nhân, liệu Kim Cúc có thấu hiểu cho cái nỗi lòng tha thiết đến khốn khổ của mình dành cho nàng hay không. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, thì cũng thể hiện rõ một điều rằng Hàn Mặc Tử ý thức vô cùng sâu sắc về sự mong manh của sợi dây giao nối tình cảm giữa hai thế giới này, người sợ một ngày nào đó nó sẽ đứt mất, và người vĩnh viễn phải giam mình trong cái lãnh cung vô sắc, vô vị và lạnh lẽo này.

-/-

Các em vừa tham khảo gợi ý và một số mẫu bài văn Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình gợi cho em cảm xúc gì? do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn nhằm giúp các em có thêm những ý tưởng hay cho bài viết của mình. Xem thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM