Đề bài: Nhận xét về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng:
“Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ”
(Tuyển chọn và giới thiệu đề thi đại học và cao đẳng môn Ngữ văn,
tr.155-156, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2007)
Từ cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài Sóng, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức […]
(Trích Sóng - Xuân Quỳnh)
***
Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết:
I. Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Xuân Quỳnh và tác phẩm Sóng:
+ Xuân Quỳnh được mệnh danh là “nữ hoàng của thơ tình” với những vẫn thơ ăm ắp những cảm xúc, những cung bậc tình cảm, nhiều lo âu và luôn da diết cho những khát vọng đời thường.
+ Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh.
- Nêu vấn đề: Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ.
II. Thân bài
1. Giải thích ý kiến
– Hình tượng trung tâm là hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ, góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm và tư tưởng của tác giả.
– Hình tượng ẩn dụ là hình tượng mang ý nghĩa biểu trưng. Ngoài ý nghĩa tả thực, sóng còn là hình tượng ẩn dụ cho em, là sự hoá thân của em. Người phụ nữ qua sóng và nhờ sóng giãi bày cảm xúc, tâm trạng của mình trong tình yêu.
2. Bàn luận, phân tích, chứng minh ý kiến
– Sóng là hình tượng nghệ thuật trung tâm. Xuyên suốt các khổ thơ là những cảm nhận của Xuân Quỳnh về sóng và nhờ sóng, nữ sĩ bày tỏ tình cảm, tâm trạng trong tình yêu:
+ Sóng được cảm nhận với hai trạng thái đối lập (dữ dội, dịu êm; ồn ào, lặng lẽ); sóng luôn khao khát trong hành trình tìm ra biển lớn và được cảm nhận như sự tồn tại vĩnh hằng muôn thuở.
+ Sóng là hiện tượng thiên nhiên vừa bất ngờ, vừa bí ẩn rất khó để lí giải nguồn gốc nhưng sóng luôn thao thức nỗi nhớ bờ không nghỉ, không yên.
– Sóng là hình tượng ẩn dụ cho người con gái trong tình yêu:
+ Khi yêu, người con gái sống với những trạng thái phong phú, phức tạp đầy bí ẩn của tâm hồn. Họ luôn chủ động, mãnh liệt trong tình yêu. Đó là khát vọng vĩnh hằng muôn thuở như muôn đời con người vẫn tìm đến tình yêu và mãi mãi đến với tình yêu.
+ Trước biển cả mênh mông, người con gái muốn truy tìm nguồn gốc của những con sóng biển cũng như muốn tìm hiểu, cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu.
+ Nỗi nhớ của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ cồn cào, da diết, mãnh liệt của người con gái. Đó là nỗi nhớ chiếm lĩnh trọn vẹn mọi không gian, thời gian, đi sâu vào tiềm thức, giấc mơ của con người…
– Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ với âm điệu nhịp nhàng dào dạt như những con sóng biển, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo, kết cấu song trùng sóng và em; ngôn ngữ trong sáng, giản dị; các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp, câu hỏi tu từ, nhân hóa, ẩn dụ, điệp từ,… được sử dụng tài hoa, sáng tạo góp phần tạo nên giá trị và vẻ đẹp của bài thơ Sóng. Bài thơ như một truyền thuyết về tình yêu đôi lứa.
3. Đánh giá chung về hình tượng sóng
– Qua sóng, một hình tượng nghệ thuật trung tâm và có ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy chủ động, mạnh bạo bày tỏ những khát khao và rung động rạo rực của lòng mình. Đó là một nét rất mới mẻ, thậm chí hiện đại trong thơ ca. Nhưng đó cũng là một tâm hồn thật trong sáng, tha thiết và đắm say, một tình yêu thủy chung, tuyệt đối dâng hiến trọn vẹn đến quên mình. Nó rất gần gũi với mọi người và có gốc rễ trong quan niệm vững bền của dân tộc.
– Với cách xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, Sóng không chỉ là một trong những bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh mà còn là một trong những bài thơ hay nhất về tình yêu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.
III. Kết bài
- Khẳng định lại tính đúng đắn của ý kiến
Có thể bạn muốn tham khảo: Văn mẫu cảm nhận hình tượng sóng và em trong bài Sóng (Xuân Quỳnh)
Trên đây là một số hướng dẫn chi tiết cho phần dàn ý bài cảm nhận đoạn thơ Sóng để làm sáng tỏ nhận định: Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ. Các bạn có thể theo dõi cách triển khai phân tích, chứng minh vấn đề trong bài văn mẫu dưới đây:
Bài văn mẫu cảm nhận hình tượng sóng trong bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh)
Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của nữ thi sĩ dễ đi vào lòng người đọc với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Đó là những tâm tình, suy tư của người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương. Trong đó, “Sóng” là một thi phẩm nổi bật của thơ Xuân Quỳnh, đặc biệt là những dòng thơ đầu: “Dữ dội và dịu êm…Khi nào ta yêu nhau”.
Xuyên suốt trung tâm của bài thơ là hình tượng sóng và hình tượng em. Sóng là một hiện tượng của thiên nhiên. Nhưng ẩn sâu trong đó là sóng tình yêu, sóng lòng trong tâm hồn của người phụ nữ. Hình tượng em là sự hóa thân của nhà thơ Xuân Quỳnh. Nữ sĩ trải lòng mình trên những trang thơ, mượn hình ảnh sóng để nói lên những nỗi lòng.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Trong hai câu thơ trên, tác giả nêu lên những trạng thái đối lập của sóng: lúc thì mạnh mẽ, dữ dội, lúc lại trôi lững lờ. Đó cũng là đặc điểm của tâm trạng người con gái khi yêu. Có lúc cuồng nhiệt, đắm say, có lúc lại dè dặt e ấp. Những trạng thái tuy đối lập nhưng lại thống nhất với nhau. Hai câu thơ đầu được tổ chức theo phép đối, tạo nên cấu trúc hài hòa, cân xứng. Tác giả đặt những tính từ như “dịu êm”, “lặng lẽ” ở dưới mỗi câu thơ cũng cho thấy được sự nữ tính của con sóng.
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Phép nhân hóa đã thổi hồn vào sóng để biến nó trở thành một con người. Sóng không chấp nhận giới hạn chật chội, khi không được sông hiểu, khi không tìm thấy được sự đồng điệu, nó vươn ra tìm đến với đại dương mênh mông. Cũng giống như trong tình yêu, người phụ nữ không chấp nhận những gì tầm thường, chật hẹp mà luôn hướng tới những điều cao cả, lớn lao.
Ở đoạn thơ tiếp theo, tác giả viết:
“Ôi con sóng ngày xưa
…
Bồi hồi trong ngực trẻ.”
Con sóng đã vỗ bờ từ ngàn xưa, cho đến bây giờ và mãi mãi sau này. Đó là quy luật bất biến của tự nhiên. Trong tình yêu, cũng có sự tương đồng khi mà tình yêu, nỗi khao khát luôn thường trực trước đây, ngày nay và mãi cả về sau. Chừng nào con người còn tồn tại thì tình yêu cũng như một món quà diệu kì mà thượng đế ban tặng cho nhân loại. Khát vọng tình yêu là khát vọng bất diệt của con người, đặc biệt là những con người trẻ tuổi.
Nhân vật trữ tình đứng trước biển khơi với những suy nghĩ sâu lắng:
“Trước muôn trùng sóng bể,
….
Từ nơi nào sóng lên”
Người con gái đang yêu nghĩ về bản thân mình, nghĩ về người thương và cũng suy tư về sóng biển. Nhân vật trữ tình đang ở trong niềm khao khát lí giải nguồn gốc của sóng cũng như nguồn gốc của tình yêu.
“Sóng bắt đầu từ gió
…
Khi nào ta yêu nhau”
“Em” đã không đi truy tìm được căn nguyên của sóng, cũng như tình yêu. Tình yêu diệu kì nhưng cũng thật bí ẩn như thế giới tự nhiên. Nó là những rung động của con tim, có những khi lí trí không thể chiến thắng được con tim mách bảo. Tình yêu vẫn luôn là câu hỏi không khó nhưng cũng chẳng dễ dàng nào có thể lí giải được căn nguyên, cội nguồn. Nhân vật trữ tình cũng phải bộc lộ rằng "Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau”. Chính cái không biết đấy của em lại là minh chứng chân thành nhất cho tình yêu sâu đậm, không toan tính. Đó chính là tiếng lòng của người phụ nữ đang yêu.
Có thể thấy rằng, đoạn thơ mở đầu khắc họa được trọn vẹn hình tượng sóng và hình tượng em. Sóng là em và em cũng là sóng. Sóng mang ý nghĩ biểu trưng cho những trạng thái cảm xúc của người phụ nữ đang yêu. Qua hình tượng sóng để tác giả cũng nói lên quy luật bất diệt của tình yêu. Các câu thơ mặc dù ngắn về số lượng từ nhưng lại có sức cô đọng và giàu giá trị gợi hình gợi tả. Để rồi, người đọc cũng cảm thấy những con sóng đang gối thúc vào lòng mình.
Tuyển tập những bài văn hay lớp 12 / Đọc Tài Liệu