Soạn Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện - Kết nối tri thức

Xuất bản: 19/07/2021 - Cập nhật: 21/07/2021 - Tác giả:

Soạn bài Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện Kết nối tri thức trang 16-19 SGK Ngữ văn 6 tập 2, hướng dẫn chi tiết viết bài.

Soạn văn 6 Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện trang 16-19 SGK Ngữ văn 6 tập 2 sách Kết nối tri thức và cuộc sống với hướng dẫn chi tiết viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện bằng cách trả lời chi tiết câu hỏi trong bài học.

Soạn bài Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện - Kết nối tri thức

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cần trình bày, cung cấp thông tin hay giải thích về sự vật, hiện tượng dưới dạng một văn bản. Kiểu văn bản đó được gọi là văn bản thuyết minh (thuộc loại văn bản thông tin). Bài Ai ơi mồng 9 tháng 4 là văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện (một lễ hội dân gian). Em hãy viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa như: lễ hội dân gian, hội chợ xuân,...) mà em đã tìm hiểu, quan sát hoặc trực tiếp tham gia.

Yêu cầu đối với bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện:

  • Xác định rõ người tường thuật tham gia hay chứng kiến sự kiện và sử dụng ngôi tường thuật phù hợp.
  • Giới thiệu được sự kiện cần thuật lại, nêu được bối cảnh (không gian và thời gian).
  • Thuật lại được diễn biến chính, sắp xếp các sự việc theo một trình tự hợp lí.
  • Tập trung vào một số chi tiết tiêu biểu, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người đọc.
  • Nêu được cảm nghĩ, ý kiến của người viết về sự kiện.

Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản: Hội chợ xuân ở trường tôi

Bài viết tham khảo được đưa ra kể về một hội chợ xuân được tổ chức ở trường học mà người viết từng tham gia, trải nghiệm. Bài viết thông tin một cách tương đối chi tiết về sự kiện, kèm theo cả những nhận xét, đánh giá, cảm nghĩ của người viết về sự kiện.

- Văn bản sử dụng ngôi kể thứ nhất, người thuyết minh xưng “tôi” trong các câu giới thiệu: trường tôi, tôi được tham gia, tôi được thấy lần đầu tiên, …

- Phần mở đầu bài viết, nhân vật "tôi" đã giới thiệu bối cảnh, mục đích tổ chức hội chợ xuân.

- Những chi tiết giới thiệu về bối cảnh:

+ Thời gian: cuối năm âm lịch, sắp đến tết.

+ Không gian: Trong sân trường.

+ Diễn biến sự kiện: Toàn bộ quá trình diễn ra hội chợ xuân từ việc chuẩn bị đến ngày diễn ra hội chợ, các hoạt động được tổ chức trong sân trường vào ngày hôm đó: khai mạc, hoạt động mua bán, vui chơi,… của học sinh các khối lớp.

- Trình tự tường thuật:

+ Thời gian: 8 giờ sáng, sau, liền sau đó, đồng thời, 6 giờ chiều.

+ Nguyên nhân – kết quả: chuẩn bị - khai mạc – diễn biến – kết thúc.

- Nhận xét, đánh giá của người viết: ấn tượng rất sâu sắc, cảm nhận, kỉ niệm đáng nhớ, được sống trong một bầu không khí rộn rã, vui tươi.

Thực hành viết theo các bước

Nội dung soạn bài Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện Kết nối tri thức trang 16-19 SGK Ngữ văn 6 tập 2 sẽ tổng hợp các kiến thức trọng tâm để giúp các em viết bài văn thuyết minh.

Khi các em đã chọn được đề tài cho bài viết của mình, các em sẽ bám sát vào trình tự làm bài để tìm hiểu, viết ra nội dung mình cần phải có và sắp xếp các nội dung đó sao cho phù hợp.

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Mục đích viết

Cung cấp thông tin xác thực, đầy đủ, mới mẻ, hữu ích cho người đọc về sự kiện.

Người đọc

Thầy cô, bạn bè, người thân và những người quan tâm đến sự kiện được tường thuật trong bài viết.

Hãy nhớ lại một số sự kiện (một sinh hoạt văn hóa) mà em trực tiếp tham gia hoặc tìm hiểu, quan sát được qua các phương tiện thông tin.

- Có thể tham khảo một số đề tài sau:

+ Hội chợ sách.

+ Hội chợ hoa xuân ở thành phố, làng quê của em.

+ Lễ hội dân gian (hội Đền Hùng, hội Gióng, hội làng,...).

+ Hội khỏe Phù Đổng ở trường hoặc địa phương em.

b. Tìm ý 

- Hồi tưởng và ghi lại vắn tắt những điều có thể giúp em hình dung rõ về sự kiện:

+ Thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện.

+ Hoạt động chính (trình tự, kết quả của hoạt động).

+ Ý nghĩa của sự kiện.

- Sưu tầm các đồ vật có thể minh họa, gợi ấn tượng về sự kiện: vật lưu niệm, lô-gô, huy hiệu, tranh ảnh, đoạn phim ngắn,...

c. Lập dàn ý 

* Mở bài: Giới thiệu lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.

* Thân bài: Giới thiệu những đặc điểm của lễ hội theo kết cấu thời gian kết hợp với kết cấu logic.

– Trình bày thời gian tổ chức lễ hội, địa điểm, nguồn gốc lễ hội:

+ Thời gian cụ thể (thời gian ấy gắn với ý nghĩa lịch sử như thế nào).

+ Địa điểm tổ chức lễ hội.

+ Nguồn gốc, lí do tổ chức lễ hội (tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống hay thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại).

– Giới thiệu các công việc chuẩn bị cho lễ hội:

+ Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn.

+ Chuẩn bị trang trí, tiến trình lễ hội (nếu là lễ hội truyền thống thì chuẩn bị cho việc rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…).

+ Chuẩn bị về địa điểm…

– Giới thiệu diễn biến của lễ hội theo trình tự thời gian. Thường lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội.

+ Nếu là lễ hội tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống thì bao gồm: rước kiệu lễ Phật, dâng hương lễ vật, các hình thức diễn xướng dân gian, các đoàn khách thập phương.

+ Nếu là lễ hội thể hiện khí thế của thời đại: tuyên bố lí do; các đại biểu nêu ý nghĩa, cảm tưởng về lễ hội, các hoạt động biểu diễn (như đồng diễn, diễu hành, ca nhạc, các trò vui chơi,…)

– Đánh giá về ý nghĩa lễ hội.

* Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa lễ hội.

2. Viết bài 

Khi viết bài, cần bám sát dàn ý đã lập. Ngoài ra, cần chú ý thêm:

- Chọn ngôi tường thuật phù hợp, thống nhất.

- Thuyết minh về sự kiện một cách chi tiết và có trình tự. Cần cung cấp cho người đọc các thông tin về bối cảnh, nhân vật tham gia, diễn biến của sự kiện (nên theo trình tự thời gian).

- Cần biểu lộ cảm xúc, đánh giá của em về sự kiện một cách ngắn gọn.

Soạn bài Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện sẽ giúp em chuẩn bị các nội dung thật tốt trước khi bắt tay vào viết bài văn của mình. Các em cần chú ý, không bỏ sót ý và trình bày bài viết theo trình tự không gian, thời gian phù hợp.

3. Chỉnh sửa bài viết

Rà soát và chỉnh sửa bài viết của em theo gợi ý sau:

Rà soát và chỉnh sửa bài viết thuyết minh thuật lại một sự việc

Yêu cầu

Gợi ý chỉnh sửa

Xác định rõ người tường thuật trực tiếp tham gia hay chỉ chứng kiến sự kiện và sử dụng ngôi tường thuật thích hợp.

"Nếu chưa xác định người tường thuật, cần xác định rõ. Rà soát để thống nhất về ngôi tường thuật (đại từ nhân xưng)."

Giới thiệu được sự kiện cần thuật lại, nêu được bối cảnh (không gian, thời gian).

Nếu chưa giới thiệu được sự kiện và nêu được bối cảnh, cần bổ sung.

Thuật lại được diễn biến chính, sắp xếp các sự việc theo một trình tự hợp lí.

Rà soát trình tự sự việc xem đã hợp lí chưa; nếu chưa thì cần sắp xếp lại sao cho hợp lí.

Cung cấp đầy đủ các chi tiết về sự kiện, trong đó có một số chi tiết hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người đọc.

Rà soát các chi tiết trong bài viết xem đã đầy đủ chưa, đã có những chi tiết hấp dẫn chưa. Nếu thiếu thì bổ sung.

Nêu được cảm nghĩ, ý kiến của người viết về sự kiện.

Cảm xúc, đánh giá có thể trình bày sau mỗi hoạt động được tường thuật hoặc ở phần kết bài. Nếu thiếu thì cần bổ sung.

Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.

Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,...). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

Bài viết tham khảo : Giới thiệu về lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười, tháng ba"

Cứ hàng năm, những người con dân tộc Việt luôn hướng về quê hương Phú Thọ thân yêu dịp 10/3 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng dựng nước. Đó cũng là dịp mà lễ hội Đền Hùng diễn ra.

Theo lịch sử ghi lại, lễ hội Đền Hùng đã có từ lâu đời. Ngay từ thời Đinh, Lý, Tiền Lê, thời Trần thì nhân dân khắp cả nước đều tụ hội về đây lễ bái gửi lòng cảm tạ thành kính đến công ơn của mười tám đời vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước. Lễ hội ấy được giữ gìn cho đến ngày nay và trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, cũng từ đấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm được xem là một ngày quốc lễ của nước ta. Vào những năm lẻ, lễ hội Đền Hùng do tỉnh nhà Phú Thọ tổ chức, những năm chẵn do Trung ương phối hợp với Bộ văn hóa thể thao du lịch cùng uỷ ban tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức. Dù tổ chức theo quy mô lớn hay nhỏ thì phần hội và phần lễ vẫn diễn ra vô cùng long trọng và linh đình, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng chính thức được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại" vào năm 2002 đã chứng minh cho sức sống lâu bền và giá trị độc đáo của lễ hội này. Nhiều địa phương trên cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội,...đã tổ chức lễ hội này như một nét đẹp để giáo dục con cháu mai sau không quên đi nguồn cội dân tộc và cố gắng học tập dựng xây đất nước để đến đáp công lao dựng nước của ông cha.

Phần lễ gồm lễ rước kiệu và lễ dâng hương. Lễ hội rước kiệu vừa được diễn ra trong không khí đầy long trọng với những cờ, lộng, hoa đầy màu sắc. Trong làng, ai ai cũng phấn khởi và sắm cho mình bộ trang phục truyền thống để tham dự phần lễ. Đoàn đại biểu trung ương, tỉnh, thành phố đều tập trung tại một địa điểm cùng đoàn xã tiêu binh rước vòng hoa tới chân núi Hùng. Đoàn đại biểu đi sau kiệu lễ, kiệu lễ được chuẩn bị chu đáo từ trước. Chặng đường rước kiệu lên đền có tiếng nhạc phường bát âm, có đội múa sinh tiền tạo nên vẻ trang trọng của một nghi lễ dân tộc. Sau khi tới đền, đoàn người kính cẩn dâng lễ vào thượng cung, mọi việc đều tiến hành rất cẩn thận, chi tiết và nhanh chóng. Sau đó, đại biểu đại diện bộ Văn hóa thay mặt cho lãnh đạo tỉnh và nhân dân cả nước trịnh trọng đọc chúc căn lễ tổ, mọi người ai nấy đều chăm chú lắng nghe trong nỗi niềm đầy xúc động và thành kính. Tất cả đều thành tâm dâng lễ với ước nguyện mong tổ tiên phù hộ cho con cháu quê nhà.

Tiếp đến là lễ dâng hương, mỗi người con đến với cùng đất này đều mong muốn thắp lên đền thờ nén nhang thành kính, nhờ hương khói nói hộ tâm nguyện của lòng mình với tổ tiên. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ, gốc cây nơi đây đều được coi là linh thiêng. Với những người ở xa không về được hoặc không có điều kiện đến đây, tới ngày này họ vẫn dành thời gian để đi lễ chùa thắp nén hương tưởng nhớ nguồn cội, đâu đâu cũng đông đúc, náo nhiệt và tưng bừng.

Xong phần lễ là đến phần hội, nếu lễ mang sự trang nghiêm thì phần hội mang đến nét vui vẻ, thoải mái cho mỗi người. Ở phần hội, nhiều trò chơi dân gian được diễn ra như chọi gà, đu quay, đấu vật hay đánh cờ tướng,.. thu hút mọi người tham gia, các đội chơi ai cũng mong phần thắng mang về danh dự cho quê mình. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi hiện đại cũng được lồng ghép hài hòa đáp ứng thị hiếu, đam mê sở thích của mọi lứa tuổi. Đặc biệt, không thể thiếu được trong dịp lễ này là các hình thức dân ca diễn xướng, hát quan họ hay kịch nói được diễn ra bằng hình thức thi tài giữa các làng, các thôn nhằm giao lưu văn hóa, văn nghệ. Những lời ca mượt mà êm ái trong từng làn điệu Xoan - Ghẹo đầy hấp dẫn mang đậm dấu ấn vùng đất Phú Thọ. Giữa trung tâm lễ hội được trưng bày khu bảo tàng Hùng Vương lưu giữ những di vật cổ của thời đại các vua Hùng xưa, tạo điều kiện cho những người đến thăm quan tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm. Ngoài ra, trong khu vực diễn ra lễ hội, nhiều mặt hàng lưu niệm được bày bán cho du khách mua làm quà kỉ niệm, các dịch vụ văn hóa phẩm hay ăn uống với những món ăn truyền thống và hiện đại cũng được tổ chức linh hoạt.

Hiện nay, khi đất nước phát triển hơn, nhà nước không chỉ chăm lo đến đời sống vật chất và còn cố gắng để phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp. Báo chí, đài truyền hình, thông tấn xã vẫn là cầu nối tuyệt vời đưa những giá trị tín ngưỡng đến với tất cả đồng bào trên mọi miền tổ quốc và nhân dân thế giới biết và hiểu hơn về những nét đẹp của lễ hội truyền thống dân tộc Việt.

(Sưu tầm - Bài viết của học sinh)

-/-

Với toàn bộ tài liệu hướng dẫn soạn bài Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện - Kết nối tri thức, hi vọng các em sẽ chuẩn bị bài học tốt nhất trước khi tới lớp. Chúc các em học tốt môn Ngữ văn 6.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM