Soạn Viết bài 2 lớp 7 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 09/08/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn viết bài 2 lớp 7 Chân trời sáng tạo yêu cầu: Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - trang 45

Bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử là kiểu văn bản thuật lại một sự việc có thật nhằm giúp người đọc hiểu về sự việc, qua đó hiểu về nhân vật/sự kiện lịch sử có liên quan.

- Yêu cầu đối với kiểu bài

  • Sự kiện được kể lại trong văn bản là có thật và liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.
  • Sử dụng người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng "tôi") thuật lại sự việc theo một trình | tự hợp lí.
  • Sử dụng chi tiết, thông tin chọn lọc, tin cậy về sự việc, nhân vật, sự kiện. • Sử dụng yếu tố miêu tả trong bài viết.
  • Kết hợp kể chuyện với miêu tả một cách hợp lí, tự nhiên.

- Bố cục bài viết cần đảm bảo:

  • Mở bài: giới thiệu sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.
  • Thân bài: thuật lại quá trình diễn biến của sự việc, chỉ ra mối liên quan giữa sự việc | với nhân vật, sự kiện lịch sử, kết hợp kể chuyện với miêu tả.
  • Kết bài: khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết.

    Đọc tài liệu tổng hợp lại kiến thức trọng tâm và hướng dẫn các em lập dàn ý chi tiết cho bài văn của mình trước khi bắt tay vào làm bài. Cùng xem Soạn văn 7 Chân trời sáng tạo giúp các bạn những gì nào?

    Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

    Tham khảo bài văn mẫu trang 46 SGK: Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang

    Từ bài viết trên, em hãy xác định các đặc điểm của kiểu văn bản kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

    Câu 1 trang 47 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1 CTST.

    Đoạn mở bài đã nêu được sự việc gì liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử được thuật lại?

    Trả lời

    Đoạn mở bài đã nêu được sự việc liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử được thuật lại đó:

    - Giới thiệu sự việc: Lễ hội tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

    - Không gian diễn ra sự việc: Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

    - Thời gian diễn ra sự việc: Hàng năm, từ ngày 26 đến 28 tháng 8 âm lịch

    Câu 2 trang 47 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1 CTST.

    Phần thân bài, người viết đã thuật lại sự việc, sự kiện gì?

    Trả lời

    Phần thân bài, người viết đã thuật lại sự việc, sự kiện sau:

    - Kể và miêu tả lại không khí, cảnh quan nơi thờ phụng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

    - Kể về cuộc đời và những chiến công của Nguyễn Trung Trực. (Phần lễ)

    - Kể về các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, thiện nguyện. (Phần hội)

    Câu 3 trang 47 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1 CTST.

    Người viết có kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả khi thuật lại sự kiện?

    Trả lời

    Người viết có sử dụng yếu tố miêu tả khi thuật lại sự kiện: "ngôi đền nằm bên dòng sông êm đềm ngay sát cửa biển...cổ thụ", "những đĩa trái cây,sản vật...kết thành hình rồng phượng...",...

    Câu 4 trang 47 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1.

    Nội dung đoạn kết bài là gì ?

    Trả lời

    Nội dung đoạn kết bài: khẳng định tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực. Đồng thời, tác giả chia sẻ cảm nhận của mình về tầm quan trọng của lễ hội tưởng nhớ ông.

    Hướng dẫn quy trình viết

    Đề bài

    Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu.

    Bước 1. Chuẩn bị trước khi viết

    - Xác định đề tài

    - Thu thập tư liệu

    Bước 2: Lập dàn ý

    - Mở bài:

    + Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại

    + Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan

    - Thân bài:

    * Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện

    + Câu chuyện, huyền thoại liên quan đến nhân vật, sự kiện

    + Dấu tích liên quan

    * Thuật lại nội dung/ diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử

    + Bắt đầu - diễn biến - kết thúc

    + Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,...); kết hợp kể chuyện với miêu tả

    * Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/ sự kiện lịch sử

    - Kết bài:

    Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

    Bước 3: Viết bài

    Hoàn thành dàn ý chi tiết cho bài văn bao gồm cả phần mở và kết bài.

    Từ đó các em học sinh tiến hành viết bài văn sẽ rất nhanh gọn và dễ dàng.

    Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.

    Phần này các em có thể tự xem lại và chỉnh sửa. Hoặc các em có thể nhờ bạn xem để có cái nhìn và đánh giá khách quan cho bài văn của mình.

    Bài văn tham khảo

    Bài mẫu 1: Kể về Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn)

    Lý Công Uẩn người làng cổ Pháp thuộc Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay ở làng Đình Bảng vẫn còn có lăng và đền thờ các vua nhà Lý.

    Tục truyền rằng Công uẩn không có cha; mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiên Sơn (làng Tiên Sơn, phủ Từ Sơn) , đêm về nằm mộng thấy "đi lại" với thần nhân, rồi có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi, đứa bé càng khôi ngô tuấn tú; gia đình đem cho nhà sư ở chùa cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi. Lý Công uẩn được học hành chữ Nho, kinh Phật và võ nghệ từ nhỏ, lớn lên dưới mái chùa, trở thành một tài trai văn võ siêu quần.

    Ngoài 20 tuổi, Lý Công uẩn đã làm võ tướng dưới triều vua Lê Đại Hành, từng lập công to trong trận Chi Lăng (981) đại phá quân Tống xâm lược, chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Về sau, ông giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay toàn bộ binh quyền. Đức trọng tài cao, ông được quần thần và tướng sĩ rất kính phục. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà. Ngôi vua được truyền cho Lê Long Việt. Chỉ 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh giết anh, giành lấy ngai vàng. Lê Long Đĩnh là một tên vua vô cùng bạo ngược khác nào Kiệt, Trụ ngày xưa. Hắn hoang dâm vô độ, nên mắc bệnh không ngồi được; đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Vua Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Năm đó, Lý Công uẩn đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm rồi; quân thần và tầng lớp tăng lữ suy tôn ông lên ngôi báu, mở đầu triều đại nhà Lý (1010- 1225).

    Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế vào đầu xuân 1010, tức là vua Lý Thái Tổ nhà Lý. Nhà vua trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi, băng hà năm 1028.

    Bài mẫu 2: Kể về lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng

    Có một câu nói mà con người của muôn thời đại đều cần phải khắc ghi, đó là nếu đánh mất và bỏ mặc quá khứ, bạn không bao giờ có hiện tại và tương lai. Hay một cách ngắn gọn, nó đằm mình trong câu tục ngữ truyền thống bao đời của dân tộc ta "Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì thế, hàng năm, vẫn có những lễ hội truyền thống để nhắc nhở con cháu đời đời về nguồn cội vĩnh hằng của cha ông, lễ hội đền hùng chính là mang ý nghĩa thiêng liêng ấy.

    “Dù ai đi ngược về xuôi

    Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

    Khắp miền truyền mãi câu ca

    Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

    Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc. Tôi cũng đã có dịp may mắn một lần được hành hương về đất Tổ, phong cảnh, những câu chuyện lịch sử về các vị vua Hùng - những người đã dựng xây đất nước đã in sâu trong tâm trí tôi.

    Lễ hội đền Hùng là dịp những đứa con ở khắp nơi trên tổ quốc cùng trở về Phú Thọ quê tổ để cùng thể hiện lòng thờ kính thiêng liêng dành cho nguồn cội lịch sử của dân tộc ta, để tri ân các vị vua Hùng đã có công dựng nước để con cháu sau này đời đời được sống trên mảnh đất giàu truyền thống và mang những nét đẹp tâm hồn riêng. Hàng năm, cứ vào dịp này, những người con đất Việt từ khắp nơi trên tổ quốc, thậm chí cả kiều bào ta sinh sống công tác ở nước ngoài cũng luôn lắng lòng để tưởng nhớ về lễ hội truyền thống của dân tộc. Chính vì mang trong nó không chỉ tính nghi lễ mà còn bao chứa cả lớp trầm tích văn hóa lịch sử ngàn đời cùng đạo lí dân tộc sâu sắc, mà ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương được xem là ngày quốc lễ của dân tộc ta.

    Giỗ Tổ bao gồm có 2 phần riêng biệt đó là phần lễ và phần hội. Lễ Rước Kiệu với các đền, chùa trên núi, các vị lãnh đạo của đất nước dâng hương lên vua Hùng tổ chức tại đền Thượng. Các nghi thức tổ chức, dâng hương sẽ được tổ chức long trọng, thành kính và sẽ được báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin. Đồng bào trong cả nước được dâng lễ trong các đền, chùa, với sự thành kính và cầu mong yên bình, làm ăn thành công.

    Bên cạnh đó phải nhắc đến lễ Dâng Hương các đền, chùa trên núi. Lễ hội còn giúp người dân tham gia sinh hoạt văn hoá cổ xưa. Người dân sẽ được xem các trò chơi như đấu vật, chọi gà, rước kiệu, đánh cờ người…. Còn có sân khấu riêng của các đoàn nghệ thuật: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Các nghệ sĩ, nghệ nhân từ nhiều nơi về đây để trình diễn những làn điệu hát xoan mượt mà, đặc sắc mang đến cho cho lễ hội đền Hùng đặc trưng riêng của Đất Tổ.

    Những người đến đây không chỉ là xem lễ hội mà còn thể hiện sự tâm linh, thành kính với quê hương đất Tổ, ai cũng biết đây là nơi gốc gác linh thiêng, cội nguồn của dân tộc. Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3, người dân và du khách tham gia trẩy hội đền Hùng, đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ hội rất linh thiêng và thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

    Bài mẫu 3: Kể về lễ hội Xuân Yên Tử tại chùa đồng Yên Tử, Quảng Ninh

    Nhân dịp Tết năm Nhâm Dần, tôi đã có dịp ghé thăm Hội xuân Yên Tử ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) để dự lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an Xuân Yên Tử 2022. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mùa xuân lớn và kéo dài nhất cả nước. Lễ hội Xuân Yên Tử được diễn ra hằng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 Tết âm lịch kéo dài đến khoảng 3 tháng. Vào dịp này, hàng nghìn người dân ở khắp mọi nơi đến dâng hương, tưởng nhớ Phật Hoàng Trần Nhân Tông và người dân tham gia lễ hành hương lên Yên Tử.

    Tôi được biết, Yên Tử là do Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến tu hành và sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm mang đậm màu sắc dân tộc Việt. Ông là một vị vua hiền minh, đức độ và vô cùng thương yêu dân chúng.

    Đến với buổi lễ dâng hương xuân Yên Tử lòng tôi có một cảm xúc bồi hồi khó tả. Nơi dâng hương bắt đầu từ vườn tháp Huệ Quang lên đến chùa Hoa Yên. Vườn tháp Huệ Quang với 64 gọn thóp và mộ với bề dày lịch sử. Sân tháp được bao quanh với những bức tường cao rộng. Vị trí trung tâm của tháp đặt tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng chất liệu cẩm thạch, trong tư thế một nhà sư ngồi thiền định, mình khoác áo cà sa hở ngực phải, các nếp áo chảy tràn ra mặt bệ tượng. Hình ảnh ấy vô cùng trang nghiêm mà cổ kính. Trong không khí trang nghiêm ấy, các vị sư thầy cùng rước lễ lên đến chùa Hoa Yên. Nơi có các nền kiến trúc mang một màu sắc rêu phong, cổ kính. Người dân bao quanh buổi lễ, các sư thầy và lãnh đạo tỉnh bắt đầu chủ trì buổi lễ.

    Trong không khí trang nghiêm ấy, bài diễn văn cầu bình an được diễn ra. Mọi người ai nấy cũng cầm một nén hương để dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Mong năm nay sẽ là một năm an khang, nhiều may mắn, quốc thái dân an.

    Sau khi dâng hương xong, mọi người bắt đầu tản ra người đi đi ngắm cảnh xung quanh, người thì kéo nhau bắt đầu hành hương Yên Tử. Họ nô nức kéo nhau đi lên đỉnh chùa Đồng nơi có bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vô cùng Vĩ đại.

    Quả thật, công lao của Trần Nhân Tông đến nay vẫn còn lưu giữ nghìn đời. Chính vì vậy, lễ hội Xuân Yên Tử cũng là một trong những lễ hội để tưởng nhớ công lao của ông. Lễ hội Xuân Yên Tử từ lâu đã trở thành một truyền thống không thể thiếu của người dân Quảng Ninh nói riêng và người dân cả nước nói chung. Lễ hội này luôn thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia.

    Bài mẫu 4: Câu chuyện về Bác Hồ và hai chiến sĩ cùng chiếc balo

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của người là một tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt Nam noi theo. Và những câu chuyện về Người cũng luôn để lại bài học giá trị cho chúng ta.

    Truyện kể rằng trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:

    - Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.

    Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:

    - Các chú đã chia đều rồi chứ?

    Hai đồng chí trả lời:

    - Thưa Bác, rồi ạ!

    Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:

    - Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?

    Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.

    Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:

    - Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

    Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.

    Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Có thể thấy, Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp cho mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.

    Quả thật, những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ý nghĩa. Từ đó, chúng ta luôn nhận ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

    - Tài liệu Soạn văn 7 được biên soạn bởi Đọc tài liệu -

    Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
    Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
    Hủy

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM