Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Xuất bản: 26/10/2020 - Tác giả: Hiền Phạm

Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả, trả lời câu hỏi phần luyện tập trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả giúp các em thấy được vai trò, tác dụng của quan sát, tưởng tượng so sánh và nhận xét trong văn miêu tả, biết cách vận dụng các yếu tố này trong khi viết bài văn miêu tả.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.

      Cùng tham khảo...

Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Kiến thức cần nắm vững

- Muốn miêu tả được trước hết người ta phải biết quan sát, rồi từ đó nhận xét, liên tưởng, tưởng tượng, ví von, so sánh,... để làm nổi bật lên những đặc điểm tiêu biểu của sự vật.

- Sơ đồ tóm tắt vai trò của quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả:

Sơ đồ vai trò của quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

I. Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Bài 1 trang 27 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Hãy đọc các đoạn văn dưới đây:

Đoạn 1:

Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

(Tô Hoài)

Đoạn 2:

Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối [...]. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

(Đoàn Giỏi)

Đoạn 3:

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ : hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen,... đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng nó gọi nhau, trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng được. Ngày hội mùa xuân đấy!

(Vũ Tú Nam)

Bài 2 trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Đọc các đoạn văn ở bài tập 1 và trả lời các câu hỏi sau:

a) Mỗi đoạn văn trên giúp cho em hình dung được những đặc điểm nổi bật gì của sự vật và phong cảnh được miêu tả?

b) Những đặc điểm nổi bật đó thể hiện ở những từ ngữ và hình ảnh nào? Để viết được các đoạn văn trên, người viết cần có năng lực gì?

c) Hãy tìm những câu văn có sự liên tưởng và so sánh trong mỗi đoạn. Sự liên tưởng và so sánh ấy có gì độc đáo?

Trả lời:

a) Đoạn 1: Dế Choắt gầy gò, ốm yếu, đáng thương.

Đoạn 2: Cảnh tượng thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ của vùng sông nước Cà Mau.

Đoạn 3: Vẻ đẹp và sức sống trỗi dậy của cây gạo.

b) Những từ ngữ, hình ảnh nổi bật:

– Đoạn 1: gầy gò, lêu nghêu, bè bè, nặng nề, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ…

– Đoạn 2: bủa giăng chi chít, mạng nhện, trời xanh, nước xanh, rì rào bất tận, mênh mông, ầm ầm.

– Đoạn 3: chim ríu rít, tháp đèn khổng lồ, ngàn ngọn lửa, ngàn ánh nến trong xanh…

=> Người viết cần năng lực quan sát tỉ mỉ, tưởng tượng phong phú, so sánh, nhận xét chính xác, đa dạng…

c) Câu văn có sự liên tưởng, so sánh độc đáo.

– “Cái chàng Dế Choắt… như một gã nghiện thuốc phiện”; “Đã thanh niên… như người cởi trần mặc áo gi-lê”.

– “…kênh rạch chằng chịt như mạng nhện”; “cá nước bơi…như người bơi ếch”; “rừng đước… cao ngất như hai dãy trường thành”.

– “cây gạo sừng sững như tháp đèn khổng lồ…”, hàng ngàn… ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh”

=> Các hình ảnh tưởng tượng và so sánh đều đặc sắc vì nó thể hiện được chân thực, tinh tế đối tượng được miêu tả. Gợi liên tưởng thú vị, độc đáo. Tác giả phải quan sát tỉ mỉ, kĩ lưỡng, tưởng tượng phong phú mới có thể viết được như thế.

Bài 3 trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Đoạn văn sau đây của Đoàn Giỏi đã bị lược đi một số chữ:

Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước (…) đổ ra biển ngày đêm (…), cá nước bơi hàng đàn đen trũi (…) giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất (…).

Em hãy so sánh với đoạn nguyên văn ở trên (mục 1 đoạn 2) để chỉ ra đoạn này đã bị lược đi những chữ gì? Những chữ đó đã ảnh hưởng đến đoạn văn miêu tả này như thế nào?

Trả lời:

- Đoạn văn của Đoàn Giỏi bị lược đi một số từ như: ầm ầm, như thác, nhô lên hụp xuống như người bơi ếch.

- Những chữ bị lược đi là những động từ mạnh, hình ảnh ấn tượng, thú vị, nếu loại bỏ đi những chữ đó đoạn văn sẽ mất đi sự sinh động, độc đáo.

II. Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả phần Luyện tập

Bài 1 trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 2

a) Cho các từ ngữ: gương bầu dục, mảnh kính, cong cong, uốn, lấp ló, xám xịt, cổ kính, xanh um, xanh biếc. Hãy lựa chọn năm từ ngữ thích hợp để điền vào những chỗ trống trong ngoặc đơn ở đoạn văn sau:

Nhà tôi cách Hồ Gươm không xa. Từ trên gác cao nhìn xuống, hồ như một chiếc (1…) lớn, sáng long lanh.

    Cầu Thê Húc màu son, (2…) như một con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền (3…) bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là Tháp Rùa, tường rêu (4…), xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc (5…)

(Theo Ngô Quân Miện)

b) Trong đoạn văn miêu tả quang cảnh Hồ Gươm trên đây tác giả đã quan sát và lựa chọn những hình ảnh đặc sắc và tiêu biểu nào?

Trả lời:

a) Thứ tự, vị trí của các từ, ngữ:

– Mặt hồ sáng long lanh.

– Cầu Thê Húc màu son.

– Đền Ngọc Sơn.

– Gốc đa già, rễ lá xum xuê.

– Tháp Rùa xây trên gò đất giữa hồ.

b) Tác giả quan sát từ xa và trên cao để bao quát Hồ Gươm, sau đó tập trung miêu tả những hình ảnh nổi bật như mái đền, gốc đa. Hình ảnh và màu sắc mang nét cổ kính, trầm tư.

Bài 2  trang 29 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Ở đoạn văn sau đây, nhà văn Tô Hoài tập trung miêu tả một chú Dế Mèn có thân hình đẹp, cường tráng nhưng tính tình rất ương bướng, kiêu căng. Những hình ảnh tiêu biểu và đặc sắc nào đã làm nổi bật điều đó?

Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.

(Tô Hoài)

Trả lời:

– Hình ảnh miêu tả chú Dế Mèn thân hình đẹp, cường tráng:

+ Rung rinh màu nâu bóng mỡ

+ Đầu to nổi tảng rất bướng

+ Răng đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp

+ Sợi râu dài, uốn cong hết sức hùng dũng

– Tính tình, điệu bộ của Mèn:

+ Trịnh trọng, khoan thai.

+ Hùng dũng

+ Rất bướng

Bài 3 trang 29 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Em hãy quan sát và ghi chép lại những đặc điểm ngôi nhà hoặc căn phòng em ở. Trong những đặc điểm đó, đặc điểm nào là nổi bật nhất?

Trả lời:

Đặc điểm về căn phòng em ở:

- Không gian phòng rộng rãi, thoáng mát

+ Màu sơn tường là tím ánh hồn

+ Có 2 cửa sổ kính, rèm treo cửa màu kem tươi

+ Giá đựng sách treo tường ngăn nắp

+ Góc học tập gần ngay cửa sổ

+ Bên cạnh bàn học là chiếc giường tầng.

- Điểm nổi bật nhất trong căn phòng:

+ Có nhiều cuốn sách thú vị

+ Trên tường có trang trí

+ Trên bậu cửa sổ và giá đựng sách đều có cây xanh.

Bài 4 trang 29 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Nếu tả lại quang cảnh một buổi sáng trên quê hương em thì em sẽ liên tưởng và so sánh các hình ảnh, sự vật sau đây với những gì?

– Mặt trời

– Bầu trời

– Những hàng cây

– Núi (đồi)

– Những ngôi nhà.

Trả lời:

Nếu tả lại và liên tưởng cảnh buổi sáng trên quê hương, em sẽ liên tưởng và so sánh các hình ảnh, sự vật:

– Mặt trời đỏ rực như quả cầu lửa.

– Bầu trời như tấm thảm lụa xanh trong khổng lồ.

– Những hàng cây như thắp nến hai hàng.

– Núi đồi nhấp nhô như những chiếc gai khổng lồ.

– Những ngôi nhà như những chiếc tổ chim cu.

Bài 5 trang 29 SGK Ngữ văn 6 tập 2

    Đề luyện tập: Từ bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi, hãy viết một đoạn văn tả lại quang cảnh một dòng sông, hay khu rừng mà em đã có dịp quan sát. (Chú ý nêu lên những đặc điểm nổi bật của dòng sông hoặc khu rừng mà em miêu tả).

Trả lời:

Nếu bạn là người yêu thiên nhiên và thích khám phá thì rừng Cúc Phương chính là điểm đến lý tưởng. Với vẻ đẹp và sự phong phú của hệ sinh thái rừng nguyên sinh miền nhiệt đới còn nguyên vẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho người thăm quan.

Nhìn từ xa cả khu rừng xanh kín một màu như tấm thảm mềm mại khổng lồ lơ lửng dưới bầu trời xanh thẳm. Bước chân vào rừng cảm giác bầu không khí sạch và mát mẻ khiến ta cứ muốn bước vào sâu nữa để thỏa chí tò của mình. Càng tiến vào trung tâm rừng, nhiều cây cổ thụ cao lớn thân to bằng mấy người ôm trở thành những cột trụ vững chãi cho “chị em” nhà dây leo trang trí bên ngoài.

Cây gỗ nơi đây hầu như đều có tuổi thọ hàng chục năm nên tán rộng vừa đủ cho một vài tia nắng ham chơi rớt xuống nền đất loang lổ. Thỉnh thoảng một vài chú sóc nhỏ bạo dạn chuyền cành, mấy chú cáo cũng đưa mắt dụt dè tìm nơi trốn… Rừng cứ thế tự nhiên, gần gũi và đáng nhớ biết nhường nào!

-/-

Trên đây là phần soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả giúp em luyện tập và hiểu hơn về cách làm một bài văn miêu tả. Truy cập chuyên mục soạn văn 6 để chuẩn bị bài thật tốt trước khi đến lớp mỗi ngày nhé ! Chúc các em học tập tốt và đạt kết quả cao.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

    Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
    Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
    Hủy

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM