Soạn bài Sài Gòn tôi yêu

Xuất bản: 10/02/2020 - Cập nhật: 11/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Sài Gòn tôi yêu được chúng tôi biên soạn nhằm giúp các em nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi đọc hiểu văn bản trang 172, 173 SGK Ngữ văn 7 tập 1.

Bạn đang cần tìm tài liệu để soạn bài Sài Gòn tôi yêu? Không cần tìm nữa, chúng tôi gửi đến bạn bài soạn văn Sài Gòn tôi yêu chi tiết gồm tóm tắt kiến thức về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu, luyện tập trang 172, 173 SGK.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của văn bản này.

Cùng tham khảo...

Soạn bài Sài Gòn tôi yêu ngắn nhất

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Minh Hương quê ở Quảng Nam, sống ở Sài Gòn trên 50 năm.

- Có nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn.

2. Tác phẩm

- Tùy bút Sài Gòn tôi yêu được viết vào tháng 12 - 1990, là bài viết mở đầu tập tuỳ bút - bút kí "Nhớ Sài Gòn"

- Thể loại: Tùy bút

- Nội dung chính: Bài văn thể hiện tình cảm yêu mến chân thành, nồng nhiệt và sự gắn bó sâu đậm của tác giả đối với vùng đất Sài Gòn trù phú này cùng với những chủ nhân của nó.

- Bố cục: 3 đoạn

+ Đoạn 1 (từ đầu đến "... tông chi họ hàng"): Nêu những ấn tượng chung về Sài Gòn, tình yêu của tác giả đối với thành phố ấy.

+ Đoạn 2 (từ "Ở trên đất này..." đến "... năm triệu"): Cảm nhận của tác giả về phong cách con người Sài Gòn.

+ Đoạn 3 (còn lại): Khẳng định lại tình yêu Sài Gòn của tác giả.

Soạn bài Sài Gòn tôi yêu chi tiết

Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Sài Gòn tôi yêu trang 172, 173 SGK Ngữ văn 7 tập 1.

Đọc - hiểu văn bản

1 - Trang 172 SGK

Tác giả đã cảm nhận Sài Gòn về những phương diện nào? Dựa vào mạch cảm xúc và suy nghĩ của tác giả hãy tìm bố cục của bài văn.

Trả lời:

Sài Gòn tôi yêu thể hiện tình cảm yêu mến và những ấn tượng của tác giả về Sài Gòn trên các phương diện chính: thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, cuộc sống sinh hoat của cư dân nơi đây và phong tục của con người nơi đây.

Bài tùy bút có ba đoạn:

- Đoạn 1: Từ đầu đến “tông chi họ hàng”: Những ấn tượng chung của tác giả về Sài Gòn và tình cảm của ông đối với nơi đây.

- Đoạn 2: Từ “ở trên đất địa này đến leo lên hơn năm triệu”: Cảm nhận và bàn bạc, đánh giá về phong cách con người Sài Gòn.

- Đoạn 3: Phần còn lại: Nhấn mạnh thêm tình yêu của mình đối với Sài Gòn, thành phố ấy.

2 - Trang 172 SGK

Trong phần đầu bài (từ đầu đến “hàng triệu người khác”) tác giả đã bày tỏ lòng yêu mến của mình với Sài Gòn qua những cảm nhận chung về thiên nhiên và cuộc sống ở nơi ấy. Em hãy nêu lên:

a. Nét riêng biệt của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn qua sự cảm nhận khá tinh tế của tác giả.

b. Tình cảm của tác giả với Sài Gòn đã được thể hiện như thế nào? Biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng để biểu hiện tình cảm của tác giả?

Trả lời:

Trong phần đầu của bài thì tác giả Minh Hương bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với Sài Gòn qua những cảm nhận chung về thiên nhiên và cuộc sống nơi đây.:

a) Nét riêng biệt của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn:

- Sự cảm nhận chính xác và tinh tế của nhà văn cho thấy mặt riêng biệt của thiên nhiên khí hậu Sài Gòn là nắng sớm, gió lộng buổi chiều, cơn mưa nhiệt đới ào ào và mau dứt.

- Ngoài ra thời tiết Sài Gòn cũng thay đổi nhanh chóng đột ngột “trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thủy tinh”.

- Minh Hương cũng cảm nhận được về không khí, nhịp điệu cuộc sống đa dạng của Sài Gòn trong những thời khắc khác nhau: “đêm khuya thưa thớt tiếng ồn, phố phường náo động dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm, cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương, làm không khí mát dịu thanh sạch”.

b. "Tôi yêu Sài Gòn da diết...”. Đúng như lời thú nhận, tác giả yêu Sài Gòn bằng một tình yêu nồng nhiệt thiết tha. Từ tình yêu ấy ông đã cảm nhận được nét đặc sắc của thành phố trẻ này. Đối với tác giả, cả sự “trái chứng” thay đổi đột ngột của thời tiết, những cơn mưa nhiệt đới ào ạt, sự ồn ào đông đúc trong những giờ cao điểm của Sài Gòn cũng trở thành những cái đáng yêu, đáng nhớ. Ông đã biện minh điều này bằng câu ca dao quen thuộc nói về quy luật tâm lí phổ biến của con người "Yêu nhau yêu cả đường đi...”.

Để biểu hiện tính cách của mình, Minh Hương đã sử dụng biện pháp điệp từ ở đầu câu, điệp cấu trúc câu để nhấn mạnh, khẳng định tình cảm của mình và cũng để biểu hiện sự phong phú của thiên nhiên, đất trời và khí hậu của Sài Gòn.

3 - Trang 173 SGK

Trong phần thứ hai của bài (từ “ở trên đất này” đến “từ 1945 đến 1975”), tác giả tập trung nói về nét nổi bật trong phong cách của người Sài Gòn. Nét đặc trưng của phong cách ấy là gì? Thái độ, tình cảm của tác giả đối với con người Sài Gòn được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Ở phần thứ hai, tác giả tập trung nói về nét nổi bật trong phong cách của người Sài Gòn. Đó là những điểm chung về cư dân, phong cách nổi bật với những nét độc đáo riêng:

+ Sài Gòn là nơi tụ hội của con người khắp bốn phương hòa hợp, không phân biệt nguồn gốc mà chỉ còn là người Sài Gòn.

+ Phong cách nổi bật của người Sài Gòn: tự nhiên, chân thành, cởi mở, táo bạo mà vẫn ý nhị.

+ Tác giả khẳng định những nét đẹp của người Sài Gòn qua gần năm mươi năm thực tế hiểu biết.

+ Tính cách của người Sài Gòn biểu hiện mạnh mẽ nhất trong đời sống hằng ngày, đặc biệt trải qua thử thách hoàn cảnh của lịch sử.

Vẻ đẹp của con người Sài Gòn được minh họa qua hình ảnh các cô gái Sài Gòn với trang phục, cử chỉ, dáng điệu ngây thơ, nhiệt tình, tươi vui.

4 - Trang 173 SGK

Hãy nêu lên vị trí và ý nghĩa của đoạn cuối trong việc thể hiện tình cảm của tác giả đối với Sài Gòn. Qua bài văn này, em cảm nhận được điều gì mới và sâu sắc về Sài Gòn cùng tình cảm với mảnh đất ấy của tác giả?

Trả lời:

Vị trí và ý nghĩa của đoạn cuối: Là đoạn biểu cảm trực tiếp, thể hiện một cách trực diện, chân thực và sâu sắc tình cảm của tác giả dành cho Sài Gòn:

+ Nhà văn thể hiện tình yêu thiên nhiên và cả con người nơi đây.

+ Thể hiện sự trân trọng đối với Sài Gòn.

=> Một lần nữa tác giả khẳng định lại tình cảm của mình với mảnh đất và con người nơi đây. Đó như một “tuyên ngôn” của tác giả đồng thời mong muốn thế hệ trẻ cũng đều dành tình cảm yêu mến cho mảnh đất này.

Qua bài văn ta cảm nhận được ấn tượng sâu đậm, tình cảm chân thành, nồng nhiệt của Minh Hương tác giả nhớ Sài Gòn với con người và mảnh đất mà ông đã gắn bó.

5 - Trang 173 SGK

Hãy nêu lên những đặc điểm trong nghệ thuật biểu cảm của bài văn.

Trả lời:

Những đặc điểm trong nghệ thuật biểu cảm của bài văn:

- Văn bản được thể hiện dưới dạng tùy bút, ghi lại những cảm nhận của tác giả.

- Biểu cảm kết hợp miêu tả.

- Giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm.

- Sử dụng phù hợp và nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật đặc sắc như: so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, nhân hóa

⇒ Gợi lên hình ảnh một Sài Gòn năng động, đầy sức sống với những con người chân thành, đáng yêu, đáng mến. Qua đó, thể hiện tình yêu sâu sắc, tha thiết của tác giả với Sài Gòn.

Soạn bài Sài Gòn tôi yêu phần Luyện tập

1 - Trang 173 SGK

Em hãy tìm những bài viết về vẻ đẹp và những đặc sắc của quê hương em.

Gợi ý:

Ở địa phương em có những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nào => Tìm các tác phẩm, bài viết liên quan trên báo, văn học...

Ví dụ:

Du khách đến Biên Hòa không thể không ghé thăm công viên thành phố quê em. Công viên nằm cạnh dòng sông Đồng Nai nước trong xanh, êm ả chảy bốn mùa.

Từ xa nhìn lại, công viên thành phố em giống như một tấm thảm nhiều màu. Nổi bật trên đó là hàng dừa cao vút, đong đưa tàu lá trong gió, soi mình xuống dòng nước lững lờ. Bước chân vào vườn hoa, ta thấy những lối đi viền gạch đỏ được trải đá bột, tỏa ra khắp công viên như một búi rễ khống lồ. Dọc theo lối đi, những bồn hoa lớn được trồng đủ các loại hoa: hoa cúc vàng tươi, hoa hồng đỏ thắm, hoa hướng dương vàng rực… nổi bật dưới ánh nắng chói chang. Xen kẽ trong những bồn hoa là những cụm dền xanh đỏ được sắp thành hàng chữ “Công viên Đồng Nai”. Đứng cạnh muôn hoa là những cây kiểng được cắt xén thành hình muông thú, trông thật đẹp mắt. Đây là chú nai tơ đang tròn mắt ngơ ngác nhìn du khách. Kia là chú chim sâu đang chúi mỏ xuống đám cỏ non như tìm mồi. Kia là những cô công, chàng công xòe cái đuôi như chào khán giả trước lúc biểu diễn. Chính giữa công viên là một hòn non bộ đứng sừng sững như thách thức với gió mưa. Phía dưới, đàn cá hồng lượn lờ quanh những bông súng tím hồng. Rải rác khắp công viên là những băng ghế đá nhiều màu, nằm dưới tán cây mát rượi làm chỗ nghỉ chân cho mọi người. Nhô ra ngoài bờ sông là nhà thủy tạ kiên cố với kiểu cấu trúc hoa mĩ. Đứng trên đó, phóng tầm mắt ra xa, ta sẽ nhìn thấy hai cây cầu nằm về hai hướng, cầu Mới và cầu Ghềnh. Ta còn thấy được cả những mái nhà ngói đỏ thấp thoáng sau hàng cây xanh ngắt. Xa hơn nữa, ngọn núi Châu Thới mờ mờ trong ráng chiều đỏ ối. Chiều xuống mặt trời ngả về tây, mặt sông ánh lên màu đỏ pha sắc vàng rực rỡ. Lúc này, công viên rộn rã hẳn lên bởi bước chân người, bởi tiếng cười đùa ríu rít của trẻ con. Đông vui nhất phải kể đến ngày chủ nhật, du khách đến chơi, chụp hình kỉ niệm nhiều vô kể. Các em nhỏ tung tăng líu lo bên ba mẹ. Các anh chị lớn ngồi trên ghế đá đọc sách trò chuyện…

Được ngồi trên ghế đá đón gió sông mát rượi, ngắm nhìn trời nước mênh mông, vui chuyện cùng chúng bạn thì không- còn gì thích thú cho bằng. Em mong công viên thành phố quê hương em giữ mãi được vẻ đẹp thơ mộng này

2 - Trang 173 SGK

Viết một đoạn văn ngắn nói về tình cảm của mình với quê hương hay một vùng đất mà mình đã từng gắn bó.

Gợi ý:

Các em có thể đọc tham khảo đoạn văn sau để nắm được cách làm và tìm ý:

Nhà thơ Đỗ Trung Quân trong bài thơ Quê hương đã từng viết:

Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Vâng, quê hương! Hai tiếng thiêng liêng ấy mãi ngân vang trong tâm khảm của mỗi con người. Quê hương tôi nằm bên dòng sông Hoạt thân thương. Con đê ngoằn nghèo, uốn khúc ôm lấy xóm làng như người mẹ hiền ôm ấp, che chở cho đứa con yêu vào lòng. Tôi yêu quê hương buổi sáng mùa xuân với những làn gió nhẹ làm cho sóng lúa nhấp nhô, dập dờn; những cánh cò trắng dang rộng đôi cánh trên bầu trời xanh thẳm; yêu tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi với những buổi mò cua, bắt tép; yêu những buổi chăn trâu thả diều trên cánh đồng bao la bát ngát; yêu những trưa hè được thả hồn mình trên dòng sông quê mát dịu. Ôi! Những kỉ niệm, những hình ảnh thân thuộc của quê hương mãi là hành trang vô giá theo tôi suốt cuộc đời!

Văn mẫu tham khảo thêmPhát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Sài Gòn tôi yêu

Soạn bài Sài Gòn tôi yêu

Soạn bài Sài Gòn tôi yêu ngắn nhất

Đọc - hiểu

Câu 1

Tác giả Minh Hương đã cảm nhận Sài Gòn về phương diện thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, cuộc sống sinh hoạt, cư dân, phong cách người Sài Gòn.

Câu 2

Trong phần đầu:

a. Nét riêng của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn:

- Nắng sớm, chiều gió lộng, cơn mưa nhiệt đới mau tạnh; thời tiết thay đổi bất ngờ.

- Cuộc sống sôi động lúc cao điểm và tĩnh lặng lúc về khuya và sáng sớm.

b. Tác giả thể hiện tình yêu nồng nhiệt sâu sắc, và niềm tự hào về thành phố mến yêu, trẻ hoài, đang độ “nõn nà”.

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng: biểu cảm trực tiếp và gián tiếp.

Câu 3

- Nét đặc trưng của phong cách người Sài Gòn: nơi hội tụ của cư dân tứ xứ nhưng đều là người Sài Gòn, con người chân thành, bộc trực, cởi mở, các cô gái có vẻ đẹp tự nhiên, đôn hậu, bất khuất, kiên cường.

- Thái độ, tình cảm của tác giả: qua cách kể, cách tả có thể nhận thấy tình yêu, lòng quý trọng và biết ơn với mảnh đất, với con người Sài Gòn.

Câu 4

Đoạn cuối là kết luận tác giả bày tỏ chân thành tình yêu da diết, sâu đậm với đất, người Sài Gòn, mong ước về tình yêu các bạn trẻ dành cho Sài Gòn. Tất cả những điều kể, tả ở trên đều được kết lại trong những câu ngắn gọn ở đoạn cuối.

Câu 5

Đặc sắc nghệ thuật biểu cảm của bài văn nằm ở sự chân thật, am hiểu tường tận, cảm nhận tinh tế khi gắn bó lâu ở Sài Gòn. Có kể, có tả nhưng cốt yếu vẫn ở cảm xúc. Giọng văn lúc như bày tỏ, lúc như khoe khoang, lại có lời bình, nhận xét.

Luyện tập

Câu 1

Tùy vào quê hương mà mỗi người có thể tìm các bài viết khác nhau. Ở đây chúng tôi xin phép sưu tầm những bài viết về vẻ đẹp, đặc sắc của Hà Nội : Mùa xuân của tôi, Một thứ quà của lúa non: Cốm,…

Câu 2

Đoạn văn tham khảo:

Quê hương – âm hưởng thiêng liêng mà ai nghe qua cũng đọng lại cảm xúc. Quê hương tôi nằm bên con sông Đáy yêu thương. Nơi có những người nông dân chăm chỉ cày cấy, chăm chỉ ruộng đồng. Bố mẹ tôi, những người nông dân chân chất luôn dạy tôi phải biết chăm chỉ, phải cố gắng học tập để hiểu biết, để làm người. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là mảnh đất ruột thịt nuôi lớn tôi nên người. Tôi yêu quê bằng tất cả niềm kính trọng, yêu mến. Dòng sông quanh co ấy, rặng tre mát dịu, đồng lúa bất tận,… Ôi hình ảnh quê hương. Tôi sẽ không bao giờ quên mất quê hương mình, dù cho sau này tôi có đi xa.

Ghi nhớ:

    Sài Gòn tôi yêu diễn tả một Sài Gòn trẻ trung, năng động, có nét hấp dẫn riêng về thiên nhiên và khí hậu. Người Sài Gòn có phong cách cởi mở, bộc trực, chân tình và trọng đạo nghĩa. Bài tùy bút còn thể hiện tình cảm sâu đậm của tác giả với Sài Gòn qua sự gắn bó lâu bền, am hiểu tường tận và cảm nhận tinh tế.

Vậy là bài viết đã hướng dẫn chi tiết cách soạn bài Sài Gòn tôi yêu chi tiết và ngắn gọn cho các em tham khảo để soạn bài tốt hơn trước khi đến lớp. Mong rằng nội dung bài hướng dẫn soạn văn 7 bài Sài Gòn tôi yêu này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Sài Gòn tôi yêu một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Xem thêm:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM