Soạn Lịch sử 7 bài 14 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 12/09/2022 - Tác giả:

Soạn Lịch sử 7 bài 14 Chân trời sáng tạo : Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (938 - 1009), gợi ý trả lời toàn bộ nội dung câu hỏi trang 51 - 56 SGK Lịch sử 7 CTST

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn sử 7 Chân trời sáng tạo Bài 14: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (938 - 1009), giúp các em chuẩn bị bài học trước khi đến lớp một cách đầy đủ nhất.

Soạn lịch sử lớp 7 bài 14 Chân trời sáng tạo

Tài liệu giải bài tập lịch sử 7 bài 14 Chân trời sáng tạo chi tiết:

Mở đầu bài học

Trong gần một thế kỷ sau ngày giành độc lập, vận mệnh dân tộc thường xuyên lâm nguy bởi các thế lực cát cứ cũng như tham vọng xác lập lại ách thống trị ở nước ta của phong kiến phương Bắc.

Để chấm dứt cát cứ, củng cố nhà nước non trẻ và chống giặc phương Bắc, các vua thời Ngô, Đinh, Tiền Lê đã thực hiện những chính sách:

- Nhà Ngô:

+ Sau khi giành được độc lập, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, bỏ chức Tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa.

+ Thiết lập bộ máy chính quyền mới từ trung ương đến địa phương.

- Nhà Đinh:

+ Sau khi Ngô Quyền mất, năm 965 nhà Ngô tan rã, đất nước lâm vào thời kì “loạn 12 sứ quân”.

+ Được sự ủng hộ của nhân dân, trong 2 năm 966 - 967, Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục và dẹp yên 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

+ Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình.

+ Ông cho đúc tiền “Thái Bình hung bảo” khẳng định vị thế độc lập của Đại Cồ Việt.

+ Thiết lập bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.

- Nhà Tiền Lê

+ Năm 979, Đinh Tiên Hoàng mất, nhà Tống lăm le xâm lược nước ta, đất nước lâm nguy, triều đình tôn Lê Hoàn lên làm vua lãnh đạo cuộc kháng chiến.

+ Đầu năm 981, quân Tống đổ bộ sang xâm lược nước ta, Lê Hoàn trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến mai phục, chặn đánh địch.

+ Quân Tống đại bại phải rút quân về nước. Nền độc lập của nước ta được giữ vững.

+ Năm 981, Lê Hoàn lập nhà Tiền lê, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, thiết lập lại bộ máy cai trị từ trung ương đến địa phương.

+ Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố quân đội, quốc phòng.

Đời sống văn hóa, xã hội thời này có những điểm nổi bật như: Nho giáo chưa phát triển, Phật giáo được truyền bá rộng rãi. Chùa được xây dựng ở nhiều nơi như chùa Bà Ngô, chùa Nhất Trụ… Nhiều loại hình văn hóa dân gian phát triển, đặc biệt là hát chèo, đánh đu, đấu vật…

1. Ngô Quyền dựng nền độc lập

Câu hỏi trang 51 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Em hãy nêu những việc làm thể hiện ý thức độc lập tự chủ của Ngô Quyền trong xây dựng đất nước.

Trả lời:

Những việc làm thể hiện ý thức độc lập tự chủ của Ngô Quyền trong xây dựng đất nước là:

- Năm 939, sau khi xưng vương, Ngô Quyền đã quyết định bỏ chức Tiết độ sứ và đóng đô ở Cổ Loa.

- Ông thiết lập bộ máy chính quyền mới, đứng đầu triều đình là vua, dưới có các chức quan văn, võ và cử các tướng lĩnh trấn giữ các châu quan trọng ở địa phương.

- Chế định triều nghi phẩm phục. (Quy định về lễ nghi, trang phục quan lại).

2. Công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh và sự thành lập nhà Đinh

Câu hỏi trang 52 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

- Vì sao gọi tình hình đất nước cuối thời Ngô là "Loạn 12 sứ quân"?

- Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước trong hoàn cảnh nào? Trình bày nét chính về công cuộc thống nhất đất nước của ông.

Trả lời:

- Tình hình đất nước cuối thời Ngô là "Loạn 12 sứ quân" vì sau khi Ngô Quyền mất, các con ông không đủ sức giữ vững chính quyền trung ương, một số hào trưởng địa phương nổi lên chiếm giữ các nơi. Đến năm 965, chính quyền nhà Ngô tan rã, đất nước lâm vào tình trạng cát cứ, gọi là "Loạn 12 sứ quân".

- Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước trong hoàn cảnh: Nhà Ngô tan rã, đất nước lâm vào tình trạng cát cứ “loạn 12 sứ quân”. Các tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau. Những nét chính về công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh:

+ Năm 965, nhà Ngô tan rã, đất nước lâm vào tình trạng cát cứ, rối ren.

- Trong hoàn cảnh đó, ở Hoa Lư xuất hiện một người có tài cầm quân là Đinh Bộ Lĩnh

- Đinh Bộ Lĩnh được nhân dân ủng hộ tôn là Vạn Thắng Vương (đánh đâu thắng đó).

- Trong 2 năm 966 - 976, ông đã sử dụng sức mạnh quân sự, kết hợp với biện pháp mềm dẻo để thu phục và dẹp yên 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

- Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), lấy niên hiệu là Thái Bình, cho đúc tiền "Thái Bình hưng bảo", khẳng định vị thế độc lập của Đại Cồ Việt.

3. Cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (năm 981)

Câu hỏi trang 53 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Dựa vào lược đồ 14.8, em hãy mô tả nét chính về cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (năm 981).

Lược đồ 14.8 Kháng chiến chống Tống năm 981 trang 54 sgk Lịch sử 7 CTST

Trả lời:

Nét chính về cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (năm 981):

* Hoàn cảnh lịch sử:

- Cuối thời Đinh, nội bộ triều đình lục đục, chia rẽ.

- Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại, Đinh Toàn nối ngôi khi mới 6 tuổi.

- Nhà Tống nhân cơ hội lăm le xâm lược nước ta.

* Diễn biến chính:

- Đầu năm 981, Hầu Nhân Bảo chỉ huy quân Tống theo hai đường thủy, bộ tấn công nước ta:

+ Quân bộ theo đường Lạng Sơn

+ Quân thủy theo đường sông Bạch Đằng

- Lê Hoàn trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ông cho quân đóng cọc trên sông Bạch Đằng để ngăn chặn chiến thuyền địch, quân thủy địch bị đánh bại.

- Trên bộ, quân Đại Cồ Việt chặn đánh địch ở Lục đầu Giang, quân bộ không thể kết hợp được với quân thủy, nên bị tổn thất nặng nề.

- Quân Đại Cồ Việt thừa thắng xông nên, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tướng Hầu Nhân Bảo tử trận, quân Tống đại bại phải rút quân về nước.

* Kết quả:

- Cuộc kháng chiến của ta giành thắng lợi

- Nền độc lập của Đại Cồ Việt được giữ vững.

4. Tổ chức chính quyền thời Đinh - Tiền Lê

Câu hỏi trang 54 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Mô tả và nêu nhận xét về tổ chức chính quyền thời Đinh - Tiền Lê.

Trả lời:

Tổ chức chính quyền thời Đinh - Tiền Lê:

- Thời Đinh:

+ Chính quyền được kiện toàn dần

+ Hoàng đế đứng đầu triều đình trung ương

+ Giúp vua trị nước có các cao tăng và hai ban văn, võ

+ Đinh Tiên Hoàng cử các tướng lĩnh thân cận giữ các chức vụ chủ chốt

+ Chính quyền địa phương gồm các cấp: đạo (châu), giáp, xã.

- Thời Tiền Lê

+ Vua đứng đầu chính quyền trung ương

+ Phong vương cho các con và cử đi trấn giữ những nơi quan trọng

+ Giúp vua lo việc nước có Thái sư, đại sư và các quan văn, võ

+ Ở địa phương, năm 1002, vua đổi đạo thành lộ, phủ, châu rồi đến giáp

+ Đơn vị cơ sở là xã

+ Quân đội gồm 2 bộ phận là: cấm quân (bảo vệ kinh thành) và quân địa phương

+ Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”

=> Nhận xét: Bộ máy chính quyền thời Đinh - Tiền Lê được tổ chức chặt chẽ. Vua là người đứng dầu nhà nước cai quản mọi công việc. Ở những nơi chủ chốt, quan trọng nhà vua đều cử những người thân cận, uy tín nắm giữ; Chính quyền địa phương cũng được tổ chức chặt chẽ, chia thành các đơn vị hành chính, cấp bậc khác nhau. Đặc biệt thời Tiền Lê thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố quân đội, quốc phòng.

5. Đời sống xã hội, văn hóa thời Ngô - Đinh - Tiền Lê

Câu hỏi trang 55 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Đời sống xã hội, văn hoá thời Ngô - Đinh - Tiền Lê có điểm gì nổi bật?

Trả lời:

Đời sống xã hội, văn hoá thời Ngô - Đinh - Tiền Lê:

- Xã hội: Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, xã hội gồm hai bộ phận thống trị và bị trị, có địa vị chính trị và kinh tế khác nhau.

+ Tầng lớp thống trị: vua, quan và một bộ phận nhà sư, đạo sĩ.

+ Tấng lớp bị trị: Nông dân, thợ thủ công, thương nhân, nô tì.

+ Nông dân là lực lượng sản xuất chính, cày ruộng công làng xã. Nô tì là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, số lượng ít, chủ yếu hầu hạ vua, quan.

- Về văn hoá:

+ Nho giáo chưa phát triển, Phật giáo được truyền bá rộng rãi.

+ Chùa được xây dựng ở nhiều nơi.

+ Nhà sư thường là người có học, được chính quyền và nhân dân tôn trọng, nhiều vị cao tăng tham gia quản lí đất nước, một số nhà sư mở lớp dạy học ở chùa.

+ Nhiều loại hình văn hoá dân gian phát triển, đặc biệt là hát chèo, đánh đu, đấu vật,...

Luyện tập - vận dụng

Câu hỏi 1 trang 56 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô. Giải thích về quyết định này, nhiều ý kiến cho rằng Ngô Vương muốn tiếp nối truyền thống nước Âu Lạc xưa. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Trả lời:

Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô vì muốn tiếp nối truyền thống nước Âu Lạc xưa. Em đồng ý với ý kiến trên vì:

- Cổ Loa là kinh đô xưa của nhà nước Âu Lạc. Với việc Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa, vùng đất Hà Nội đã khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu phục hưng độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.

- Ngô Quyền cũng muốn khẳng định việc trở về với cội nguồn của dân tộc, tỏ rõ ý nguyện tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Văn Lang - Âu Lạc, chính thức cắt hẳn sự ảnh hưởng của triều đình phương Bắc.

- Đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền muốn dựa vào thành cao, hào sâu ở vị trí đầu mối của các luồng giao thông thủy bộ giữa trung tâm châu thổ sông Hồng, để triều đình có thể nắm chắc miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Câu hỏi 2 trang 56 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Hãy hoàn thiện các thông tin ở cột sự kiện (A) tương ứng với (B) theo nội dung dưới đây.

Sự kiện (A)Ý nghĩa (B)
a?Mở đầu thời kì dựng nền độc lập
b?Khởi xướng quá trình thống nhất đất nước
c?Củng cố thống nhất đất nước

Trả lời:

Sự kiện (A)Ý nghĩa (B)
aNăm 939, Ngô Quyền xưng vương, bỏ chức Tiết độ sứ và đóng đô ở Cổ LoaMở đầu thời kì dựng nền độc lập
bNăm 966 - 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp "Loạn 12 sứ quân"Khởi xướng quá trình thống nhất đất nước
cNăm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lãnh đạo nhân dân Đại Cồ Việt kháng chiến chống quân Tống xâm lượcCủng cố thống nhất đất nước

Câu hỏi 3 trang 56 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Hãy chọn và giới thiệu một nhân vật lịch sử đã có công dựng nước hoặc giữ nước thời Ngô, Đinh, Tiền Lê. Điều gì khiến em khâm phục, muốn học tập và noi gương nhân vật đó? Hãy nêu ý kiến và giải thích.

Trả lời:

* Giới thiệu nhân vật Ngô Quyền

Ngô Quyền sinh trưởng trong một dòng họ làm hào trưởng có thế lực, sớm tham gia các cuộc khởi nghĩa với vai trò là vị thuộc tướng dưới thời Dương Đình Nghệ. Sau khi Dương Đình Nghệ bị ám hại bởi Kiều Công Tiễn, nước ta rơi vào tình trạng rối loạn, là cơ sở để nhà Nam Hán nuôi âm mưu xâm lược. Trước tình thế thù trong, giặc ngoài, Ngô Quyền đã tập hợp lực lượng từ Ái Châu tiến ra Giao Châu diệt trừ nội phản, rồi tiếp tục hành quân tới cửa biển Bạch Đằng, đánh đuổi ngoại bang. Chiến thắng năm 938 tại Bạch Đằng giang là sự kiện đánh dấu mốc son lịch sử, một bước ngoặt vĩ đại chấm dứt thời kỳ đô hộ hơn nghìn năm của phong kiến phương Bắc trên đất nước ta. Sau chiến thắng này, Ngô Quyền ghi danh vào trang sử hào hùng của dân tộc không chỉ là vị tướng tài năng, mà còn là người đầu tiên "mở nước xưng Vương", đặt nền móng cho độc lập, tự chủ thực sự và lâu dài của dân tộc. Việc Ngô Quyền xưng Vương trở thành ông vua đầu tiên của nước Việt độc lập mở ra một thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ cho Việt Nam. Việc ông chế định triều nghi, phẩm phục, đặt các chức quan cai trị từ trung ương đến địa phương đã khẳng định nền độc lập chủ quyền của dân tộc, đặt cơ sở cho các nhà nước quân chủ sau này. Mặt khác, thông qua việc chọn Cổ Loa là đất đóng đô, Ngô Quyền đã viết tiếp trang sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhà nước do Ngô Quyền sáng lập được xem như một nhà nước quân chủ mở đầu của kỷ nguyên văn minh Đại Việt.

Điều em khâm phục, muốn noi gương ở Ngô Quyền là:

- Sự mưu trí, dũng cảm khi thấy nhạc phụ bị kẻ gian hãm hại đã tập hợp quân lính để trừ gian. Thấy giặc ngoại xâm (quân Nam Hán) mạnh mà không hề nhụt chí, mau chóng tổ chức lại lực lượng chống giặc.

- Có ý thức dân tộc khi đã xưng vương, chế định triều nghi đã khẳng định nước ta là nước độc lập, chấm dứt thời kì 1000 năm Bắc thuộc.

- Việc chọn Cổ Loa làm kinh đô là tỏ ý nối lại quốc thống xưa, nhớ về tổ tiên, nguồn cội của người Việt.

* Giới thiệu nhân vật Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng)

Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) là người động Hoa Lư, Ninh Bình, con trai Đinh Công Trứ, một nhà tướng của Dương Đình Nghệ. Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, thường đi chăn trâu, bắt lũ trẻ khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận giả đánh nhau. Lớn lên rất thông minh, có khí phách và có tài thao lược. Thấy nhân dân khổ sở vì loạn 12 sứ quân, ông dựng cờ khởi nghĩa. Đinh Bộ Lĩnh theo về dưới cờ của Trần Lãm. Khi Trần Lãm chết, Đinh Bộ Lĩnh lên thay đem quân về giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt để dẹp loạn 12 sứ quân. Năm 968, sau khi dẹp xong 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đóng đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Điều khiến em khâm phục, muốn học tập và noi gương ở Đinh Bộ Lĩnh là: Ông là người có ý chí lớn, thông minh, anh dũng và có lòng yêu nước. Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện là người thông minh, có tài thao lược, ông khiến những đứa trẻ chăn trâu cùng phải khâm phục và nể sợ.

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung soạn sử 7 bài 14 Chân trời sáng tạo: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (938 - 1009) do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM