Soạn sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam

Xuất bản: 12/09/2022 - Tác giả:

Soạn sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam với hướng dẫn trả lời các câu hỏi trang 127 - 133 SGK Lịch sử 10 CTST.

Trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã sớm hình thành truyền thống yêu nước, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua những khó khăn, thách thức của thiên nhiên (lũ lụt, hạn hán,...) và chống ngoại xâm. Khối đại đoàn kết dân tộc được xây dựng trên cơ sở nào? Có nội dung gì và giữ vai trò, tầm quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Cùng Đọc tài liệu đi vào trả lời các câu hỏi thuộc Soạn sử 10 Chân trời sáng tạo bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Nội dung này chắc chắn sẽ giúp các em chuẩn bị bài học trước khi đến lớp tốt nhất.

Hướng dẫn soạn sử 10 Chân trời sáng tạo bài 20

Tài liệu giải bài tập lịch sử 10 bài 20 Chân trời sáng tạo chi tiết:

I. Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

1. Sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc

Câu hỏi: Khối đại đoàn kết dân tộc được hình thành từ những cơ sở nào?

Trả lời:

Cơ sở hình thành khối đại đoàn kết dân tộc:

- Nhu cầu trị thủy và thủy lợi, phát triển nông nghiệp, đấu tranh chống lại các cuộc xâm lược của ngoại bang,...các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã sớm hình thành tinh thần đoàn kết và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

- Thực hiện nhiều chính sách nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc qua từng thời kì, góp phần hình thành khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam trong lịch sử.

2. Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước

Câu 1. Tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam trong lịch sử được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam trong lịch sử được thể hiện trên phương diện:

- Đời sống sản xuất: Các dân tộc cùng khai phá đất đai, tiến hành sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, sáng tạo các giá trị vật chất và tinh thần, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.

- Chống giặc ngoại xâm: Chung vai sát cánh trong các cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược và thống trị của ngoại bang.  Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đồng bào các dân tộc tích cực đóng góp sức người, sức của làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc sau năm 1975.

Câu 2. Em hãy kể tên một số anh hùng thuộc cộng đồng dân tộc ít người trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam?

Trả lời:

Một số anh hùng thuộc cộng đồng dân tộc ít người trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam:

  • Phùng Hưng
  • Hai Bà Trưng
  • Mai Thúc Loan
  • Vừ A Dính
  • Đinh Núp
  • Võ Thị Sáu
  • Lý Bí
  • Kim Đồng
  • Bế Văn Đàn

Câu 3. Hãy kể tên một số bài hát ca ngợi các anh hùng dân tộc Việt Nam mà em biết.

Trả lời:

Một số bài hát ca ngợi các anh hùng dân tộc Việt Nam:

  • Bài ca không quên
  • Kim Đồng
  • Biết ơn chị Võ Thị Sáu
  • Vết chân tròn trên cát
  • Màu hoa đỏ
  • Bế Văn Đàn sống mãi,...

3. Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Câu hỏi 1. Em hãy nêu ý nghĩa của việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời:

- Truyền thống đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần hình thành lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

- Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục giữ một vai trò rất quan trọng. Mối quan hệ hòa hợp, tương trợ và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc sẽ tạo ra môi trường hoà bình, ổn định cho việc phát triển kinh tế, văn hoá. Đồng thời, khối đại đoàn kết là nguồn sức mạnh để cộng đồng các dân tộc Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

=> Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã quán triệt việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần rất lớn vào việc củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân cũng như cộng đồng các dân tộc.

Câu hỏi 2. Theo em, nội dung chính yếu trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu sử miền Nam tại Play-ku là gì?

Trả lời:

Nội dung chính yếu trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây-ku là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc.

Câu hỏi 3. Em hãy cho biết câu nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công" là của ai? Câu nói đó nhắc nhở em điều gì khi học về cộng đồng các dân tộc Việt Nam?

Trả lời:

- “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Câu nói đó nhắc nhở em phải luôn đoàn kết các dân tộc anh em để tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù.

II. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay

1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc

Câu hỏi: Theo em, các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

Các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ giữa các dân tộc - tộc người trong quá trình phát triển đất nước.

2. Nội dung cơ bản trong chính sách của Đảng và Nhà nước

Câu hỏi: Nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa như thế nào đối với việc củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam?

Trả lời:

- Nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

- Đồng thời, các chính sách này cũng góp phần thúc đẩy cộng đồng các dân tộc Việt Nam tăng cường đoàn kết, ngày càng phát triển về mọi mặt.

Luyện tập trang 133: Soạn sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 20

Câu hỏi 1. Tác động của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là gì?

Trả lời:

- Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

- Đồng thời, các chính sách này cũng góp phần thúc đẩy cộng đồng các dân tộc Việt Nam tăng cường đoàn kết, ngày càng phát triển về mọi mặt.

Câu hỏi 2. Vì sao khối đại đoàn kết dân tộc có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Trả lời:

- Mối quan hệ hòa hợp, tương trợ và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc sẽ tạo ra môi trường hoà bình, ổn định cho việc phát triển kinh tế, văn hoá.

- Khối đại đoàn kết là nguồn sức mạnh để cộng đồng các dân tộc Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Vận dụng trang 133: Soạn sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 20

Câu hỏi 1. Vì sao cần giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc? Hãy viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của bản thân em về vấn đề này.

Trả lời:

Cần giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vì:

- Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước.

- Là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Viết đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của bản thân:

Gợi ý viết đoạn:

- Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù hung bạo. Sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, giữ vững nền độc lập cũng như giữ gìn và phát triển nền văn hóa truyền thống là đại đoàn kết dân tộc.

- Đại đoàn kết dân tộc là di sản vô giá, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được xây dựng trên nhiều cơ sở và hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

+ Khi có giặc ngoại xâm, khối đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ hoặc giành lại độc lập dân tộc.

+ Trong thời đại ngày nay, đại đoàn kết dân tộc có vai trò to lớn, là cơ sở để huy động sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn ổn định xã hội, sự bền vững của môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

+ Trong thiên tai, dịch bệnh, khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ để tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

- Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.

Câu hỏi 2. Hãy lựa chọn để thuyết trình về một chính sách văn hóa - xã hội với cộng đồng dân tộc ít người.

Trả lời:

HS tự tìm hiểu và thực hiện.

Gợi ý:

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách… nhờ vậy, chất lượng giáo dục của các trường học, trường dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được cải thiện và nâng lên. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Đây là những kết quả tích cực cho thấy chủ trường, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo sự công bằng, đoàn kết của các dân tộc trên mọi miền tổ quốc.

Nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS) được ban hành và triển khai đồng bộ.

Trong nhiều năm qua, thực hiện chính sách dân tộc trên nguyên tắc: “Bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc và giúp nhau cùng phát triển”, Đảng và Chính phủ đã chú trọng đến công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thành lập nhiều mô hình trường học dành cho con em đồng bào các dân tộc, như trường thanh niên dân tộc, trường vừa học vừa làm, trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, trường dự bị đại học dân tộc, trường thiếu sinh quân... Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố và phát triển, đáp ứng bước đầu nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phát triển giáo dục, đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào có điều kiện vươn lên hòa nhập cùng đồng bào cả nước và thực hiện quyền bình đẳng của mình về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng cũng rất khó khăn. Công cuộc đổi mới của Đảng và toàn dân ta đã đạt nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế, đồng thời nó cũng làm bộc lộ những khó khăn trong việc nâng cao dân trí của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm bức thiết thêm nhu cầu phát triển giáo dục đối với mỗi dân tộc. Vì vậy cần có sự giải quyết một cách khoa học và phải xem đó là nhiệm vụ cấp bách. Chỉ khi nào đồng bào dân tộc thiểu số có được một trình độ học vấn cao thì khi ấy họ mới có điều kiện để vượt qua nghèo nàn, lạc hậu và góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, tức là mới có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình, và cũng chỉ khi ấy các dân tộc thiểu số mới thực sự được bình đẳng.

Do vậy, để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay, các cấp, các ngành cần quan tâm những vấn đề sau:

Một là, tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít. Phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng và Nhà nước với hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã hội hóa giáo dục để toàn dân cùng quan tâm đóng góp một cách thiết thực là một trong những biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Bên cạnh việc đào tạo, cần xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở chính quê hương của họ.

Ba là, ngành giáo dục cần xây dựng chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng dân tộc, từng vùng. Cần chú trọng xây dựng trên cơ sở cả 2 ngôn ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ phổ thông.

Bốn là, có chính sách đặc thù đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu không thi được vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì bố trí đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau khi ra trường để tránh lãng phí tiền của, công sức của bản thân học sinh, gia đình và nguồn nhân lực cho sự phát triển các vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

(Nguồn: http://www.cema.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/y-te-giao-duc/tang-cuong-cong-tac-phat-trien-giao-duc-o-vung-dan-toc-thieu-so-co-so-quan-trong-de-thuc-hien-binh-dang-giua-cac-dan-toc.htm)

- Kết thúc nội dung soạn sử 10 Chân trời sáng tạo bài 20- 

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung Soạn sử 10 Chân trời sáng tạo bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Chúc các em học tốt.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM