Soạn Sinh 8 CTST Bài 44: Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khoẻ

Xuất bản: 11/03/2024 - Tác giả:

Soạn Sinh 8 CTST Bài 44: Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên thuộc Chủ đề 6: Sinh học cơ thể người sgk Khoa học tự nhiên 8

Chuẩn bị trước nội dung bài học giúp học sinh tiếp thu kiến thức trên lớp tốt hơn. Cùng Đọc tài liệu trả lời các câu hỏi trong nội dung Sinh học Bài 44: Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên thuộc Chủ đề 6: Sinh học cơ thể người.

Soạn Sinh 8 CTST Bài 44

Mở đầu trang 19: Làm mẹ là một “thiên chức” thiêng liêng, cao cả và đầy sự hi sinh của người phụ nữ. Vì sao phụ nữ có thể thực hiện được “thiên chức” đó?

Lời giải chi tiết

Người phụ nữ có thể thực hiện được “thiên chức” làm mẹ là nhờ có hệ sinh dục nữ gồm các bộ phận: buồng trứng, ống dẫn trứng, phễu dẫn trứng, tử cung, tuyến tiền đình, ống dẫn nước tiểu, âm đạo giúp thực hiện các chức năng sản xuất trứng, là nơi diễn ra quá trình thụ tinh, thụ thai, nuôi dưỡng thai và sinh con; sản xuất hormone điều hòa quá trình sinh trứng.

Thảo luận 1 trang 190: Chức năng của hệ sinh dục nam và nữ có gì khác nhau?

Lời giải chi tiết

Sự khác nhau giữa chức năng của hệ sinh dục nam và nữ:

- Hệ sinh dục nam có chức năng sản xuất, lưu giữ, nuôi dưỡng tinh trùng và giải phóng tinh trùng trong quá trình thụ tinh; sản xuất hormone điều hòa quá trình sinh tinh trùng.

- Hệ sinh dục nữ có chức năng sản xuất trứng; là nơi diễn ra quá trình thụ tinh, thụ thai, nuôi dưỡng thai và sinh con; sản xuất hormone điều hòa quá trình sinh trứng.

Thảo luận 2 trang 190: Quan sát Hình 44.1, cho biết cấu tạo cơ quan sinh dục nam gồm những bộ phận nào. Xác định chức năng của các bộ phận đó bằng cách hoàn thành Bảng 44.1.

Lời giải chi tiết

Bộ phậnChức năng
Ống dẫn tinhDẫn tinh trùng từ tinh hoàn lên túi tinh. Có đoạn hình thành ống phóng tinh.
Tuyến tiền liệtTiết ra chất dịch góp phần hình thành tinh dịch.
Tuyền hànhTiết ra dịch nhầy làm bôi trơn dương vật hoặc chuẩn bị cho quá trình phóng tinh.
Tinh hoànSản xuất ra tinh trùng và tiết ra hormone sinh dục nam (testosterone).
BìuChứa tinh hoàn, đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho quá trình sinh tinh.
Dương vậtChứa ống dẫn nước tiểu (niệu đạo) để bài xuất nước tiểu và tinh trùng ra ngoài.
Túi tinhNơi lưu trữ và nuôi dưỡng tinh trùng.
Mào tinh hoànNơi tinh trùng tiếp tục phát triển và hoàn thiện về cấu tạo sau khi được sinh ra.

Thảo luận 3 trang 191:

Quan sát Hình 44.2, cho biết cấu tạo cơ quan sinh dục nữ gồm những bộ phận nào. Xác định chức năng của các bộ phận đó bằng cách hoàn thành Bảng 44.2.

Lời giải chi tiết

Bộ phậnChức năng
Ống dẫn nước tiểuNằm riêng biệt với âm đạo, bài xuất nước tiểu ra ngoài.
Tuyến tiền đìnhTiết dịch nhờn để bôi trơn âm đạo.
Ống dẫn trứngVừa có chức năng dẫn trứng, vừa là nơi diễn ra quá trình thụ tinh.
Tử cungLà nơi diễn ra quá trình thụ thai và nuôi dưỡng thai. Đẩy thai ra ngoài ở cuối thai kì.
Phễu dẫn trứngĐón nhận và đưa trứng vào ống dẫn trứng.
Âm đạoLà đường dẫn tinh dịch vào tử cung và là đường ra của trẻ trong quá trình sinh nở.
Buồng trứngSản xuất ra trứng, đồng thời tiết ra hormone sinh dục nữ (estrogen và progesterone).

Thảo luận 4 trang 192: Quan sát Hình 44.3 và 44.4, hãy phân biệt thụ tinh và thụ thai. Nếu quá trình thụ thai không xảy ra sẽ gây nên hiện tượng gì?

Lời giải chi tiết

- Phân biệt thụ tinh và thụ thai:

Tiêu chíThụ tinhThụ thai
Khái niệmThụ tinh là quá trình tinh trùng kết hợp với trứng tạo thành hợp tử.Thụ thai là quá trình phôi bám vào niêm mạc tử cung, làm tổ và phát triển thành thai.
Vị trí diễn raTrong ống dẫn trứng (thường là ở khoảng 1/3 phía ngoài của ống dẫn trứng).Trong tử cung.
Điều kiệnTrứng phải gặp được tinh trùng. Tinh trùng phải chui được vào bên trong trứng.Phôi phải bám và làm tổ được ở lớp niêm mạc tử cung.

- Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, thể vàng sẽ bị thoái hóa dần làm cho lớp niêm mạc tử cung bong ra từng mảng, thoát ra ngoài cùng với máu và dịch nhầy gây nên hiện tượng kinh nguyệt.

Luyện tập trang 192: Dựa vào Hình 44.3 và 44.4, cho biết những điều kiện cần cho sự thụ tinh và thụ thai.

Lời giải chi tiết

- Những điều kiện cần cho sự thụ tinh: Trứng phải gặp được tinh trùng ở thời điểm nhất định. Tinh trùng phải chui được vào bên trong trứng.

- Những điều kiện cần cho sự thụ thai: Hợp tử phải bám và làm tổ được ở lớp niêm mạc tử cung.

Thảo luận 5 trang 193: Quan sát Hình 44.5, hãy mô tả sự thay đổi của niêm mạc tử cung trong các giai đoạn của chu kì kinh nguyệt.

Lời giải chi tiết

Sự thay đổi của niêm mạc tử cung trong các giai đoạn của chu kì kinh nguyệt:

- Ở giai đoạn bắt đầu chu kì kinh nguyệt (khoảng ngày 1 đến ngày 6 của chu kì), lớp niêm mạc tử cung bị bong ra → lớp niêm mạc tử cung mỏng dần.

- Ở giai đoạn tiếp theo (khoảng ngày 6 đến ngày 28 của chu kì), lớp niêm mạc của tử cung dần dày, xốp và phát triển nhiều mạch máu dần lên → lớp niêm mạc tử cung dày nhất vào gần cuối của chu kì.

Thảo luận 6 trang 193: Trứng rụng vào giai đoạn nào của chu kì kinh nguyệt?

Lời giải chi tiết

Trứng rụng vào khoảng giai đoạn giữa của chu kì kinh nguyệt (thường diễn ra vào ngày thứ 14 của chu kì kinh nguyệt).

Vận dụng trang 194: Dựa vào Hình 44.5, cho biết nếu sử dụng thuốc tránh thai thì có xảy ra hiện tượng kinh nguyệt không. Giải thích.

Lời giải chi tiết

Nếu sử dụng thuốc tránh thai thì có thể xảy ra hiện tượng kinh nguyệt không đều, giảm lượng máu trong chu kì hoặc không có kinh nguyệt. Vì thuốc tránh thai có tác dụng ngăn cản quá trình chín và rụng trứng, khi trứng không rụng thì sẽ không có sự biến đổi nồng độ các hormone theo chu kì dẫn đến không có kinh nguyệt xảy ra. Ngoài ra, sử dụng thuốc tránh thai lâu dài làm thay đổi lượng hormone trong cơ thể, làm dày chất nhầy cổ tử cung hoặc làm mỏng niêm mạc tử cung, dẫn đến thay đổi chu kì hoặc giảm thiểu lượng máu trong chu kì kinh nguyệt.

Luyện tập trang 194: Kể thêm một số bệnh lây truyền qua đường sinh dục mà em biết.

Lời giải chi tiết

Một số bệnh lây truyền qua đường sinh dục: Bệnh herpes sinh dục, sùi mào gà, u nhú sinh dục, viêm âm đạo, bệnh chlamydia, mụn rộp sinh dục,…

Vận dụng trang 194: Đề xuất các biện pháp phòng tránh một số bệnh lây truyền qua đường sinh dục bằng cách hoàn thành Bảng 44.3.

Lời giải chi tiết

Tên bệnhTác nhân gây bệnhCon đường truyền bệnhCách phòng bệnh
LậuLậu cầu khuẩn, khu trú trong tế bào niêm mạc của đường sinh dục.Qua quan hệ tình dục, truyền từ mẹ sang con.Chủ động tìm hiểu về bệnh qua nguồn kiến thức tin cậy; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; có lối sống tình dục lành mạnh, sống chung thủy một vợ, một chồng; khi người mẹ bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám điều trị tránh lây sang con; khám sức khỏe định kì;…
Giang maiXoắn khuẩn giang mai, sống ở nơi có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.Qua quan hệ tình dục là chủ yếu, qua truyền máu, các vết xây xát, từ mẹ sang con.Có lối sống tình dục lành mạnh, sống chung thủy một vợ, một chồng; không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác; khi người mẹ bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám điều trị tránh lây sang con; khám sức khỏe định kì;…
HIV/AIDSVirus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có trong tinh dịch, dịch nhầy âm đạo,…Qua quan hệ tình dục, qua đường máu (truyền máu, tiêm chích,…), truyền từ mẹ sang con.Có lối sống lành mạnh, không tiêm chích và sử dụng ma túy; không dùng chung bơm kim tiêm; quan hệ tình dục an toàn; tránh chạm vào máu, chất dịch của người khác; phụ nữ bị bệnh không nên mang thai hoặc khi người mẹ bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám điều trị tránh lây sang con;…
Viêm gan BVirus viêm gan B (Hepatitis B virus – HBV), tồn tại trong máu và dịch tiết của người bệnh.Qua quan hệ tình dục, qua đường máu, truyền từ mẹ sang con.Tiêm vaccine phòng viêm gan B; quan hệ tình dục an toàn; không dùng chung đồ cá nhân với người khác; người mẹ bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám điều trị tránh lây sang con; khám sức khỏe định kì;…

Thảo luận 7 trang 195:

Cho biết ý nghĩa của việc bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Lời giải chi tiết

Bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo việc duy trì nòi giống, sức khỏe tâm sinh lí và sự phát triển nhân cách ở tuổi vị thành niên, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thảo luận 8 trang 195: Trong các biện pháp bảo vệ hệ sinh dục, em đã thực hiện những biện pháp nào để bảo vệ sức khỏe bản thân?

Lời giải chi tiết

Để bảo vệ hệ sinh dục và sức khỏe bản thân, em đã thực hiện các biện pháp sau:

- Vệ sinh cá nhân: vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài và cơ thể thường xuyên, không tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm.

- Trong sinh hoạt và lao động: Sử dụng quần lót được làm bằng vải mềm, có khả năng thấm nước; thay giặt khăn, quần áo hằng ngày bằng xà phòng và phơi ở nơi khô thoáng, sạch sẽ; không mặc các loại quần bó sát người; tránh hoạt động quá mạnh, tránh sự va chạm hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây tổn thương hệ sinh dục.

- Có lối sống lành mạnh: giữ tinh thần thoải mái, rèn luyện thể dục, thể thao; không quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành; tránh xa các hình ảnh, sách báo không lành mạnh và các chất kích thích, gây nghiện.

- Chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản từ những nguồn tin cậy.

-/-

Trên đây là hướng dẫn trả lời chi tiết giải bài tập SGK Khoa học tự nhiên 8 Cánh Diều. Các em có thể xem thêm các câu hỏi trong các nội dung phần Hóa học và Vật lý  thuộc chương trình KHTN 8 nữa nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM