Soạn Sinh 11 Bài 8 Cánh diều: Hệ tuần hoàn ở động vật

Xuất bản: 22/01/2024 - Tác giả:

Soạn Sinh 11 bài 8 Cánh diều: Hệ tuần hoàn ở động vật. Hướng dẫn giải SGK Sinh học 11 Cánh diều bài 8 với các câu hỏi trong bài.

Cùng Đọc tài liệu đi vào chuẩn bị trước các câu hỏi trong nội dung Giải bài tập bài 8 Sinh 11 sách Cánh diều để có thể chuẩn bị sẵn sàng trước khi tới lớp các em nhé!

Soạn Sinh 11 bài 8 Cánh diều

Mở đầu trang 50:

Hệ cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ vận chuyển và phân phối các chất trong cơ thể động vật? Nêu tên những cơ quan chính cấu tạo nên hệ cơ quan đó ở người.

Trả lời:

- Trong cơ thể động vật, hệ tuần hoàn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển và phân phối các chất.

- Những cơ quan chính cấu tạo nên hệ tuần hoàn ở người gồm: tim và hệ thống mạch máu (động mạch, mao mạch, tĩnh mạch).

I. Khái quát về hệ tuần hoàn

Câu hỏi trang 51: Quan sát hình 8.1, phân biệt hệ tuần hoàn hở và hệ tuần hoàn kín bằng cách điền thông tin theo mẫu bảng 8.1.

Trả lời:

Bảng 8.1. Phân biệt hệ tuần hoàn hở và hệ tuần hoàn kín

Đặc điểmHệ tuần hoàn hởHệ tuần hoàn kín
Thành phần cấu tạoTim, hệ mạch (động mạch, tĩnh mạch), dịch tuần hoàn (máu lẫn dịch mô).Tim, hệ mạch (động mạch, mao mạch, tĩnh mạch), dịch tuần hoàn (máu).
Đường di chuyển của máuTim → Động mạch → Khoang cơ thể → Tĩnh mạch → Tim.Tim → Động mạch → Mao mạch → Tĩnh mạch → Tim.
Áp lực máu trong mạchThấpCao hơn
Vận tốc máu chảy trong mạchChậmNhanh hơn

Câu hỏi trang 51:

Quan sát hình 8.2, phân biệt hệ tuần hoàn đơn và hệ tuần hoàn kép về số vòng tuần hoàn và đường đi của máu.

Trả lời:

Đặc điểmHệ tuần hoàn hở (ở cá)Hệ tuần hoàn kín (ở Thú)
Số vòng tuần hoàn1 vòng tuần hoàn.2 vòng tuần hoàn (vòng tuần hoàn phổi và vòng tuần hoàn hệ thống).
Đường đi của máuMáu nghèo O2 ở tâm nhĩ của tim → Tâm thất của tim → Động mạch mang → Mao mạch mang (thực hiện trao đổi khí trở thành máu giàu O2) → Động mạch lưng → Mao mạch ở cơ quan (thực hiện trao đổi khí và chất dinh dưỡng thành máu nghèo O2) → Tĩnh mạch chủ → Tâm nhĩ của tim.

- Vòng tuần hoàn phổi: Máu nghèo O2 từ tâm nhĩ phải của tim → Tâm thất phải của tim → Động mạch phổi → Mao mạch phổi (thực hiện trao đổi khí trở thành máu giàu O2) → Tĩnh mạch phổi → Tâm nhĩ trái của tim.

- Vòng tuần hoàn hệ thống: Máu giàu O2 từ tâm nhĩ trái của tim → Tâm thất trái của tim → Động mạch chủ → Mao mạch ở cơ quan (thực hiện trao đổi khí và chất dinh dưỡng thành máu nghèo O2) → Tĩnh mạch chủ → Tâm nhĩ phải của tim.

II. Cấu tạo, hoạt động của tim và hệ mạch

Câu hỏi trang 52: Quan sát hình 8.3: Nêu sự khác nhau về độ dày của thành tâm nhĩ so với thành tâm thất, thành tâm thất trái so với thành tâm thất phải. Đặc điểm này có ý nghĩa gì đối với hoạt động bơm máu của tim?

Nêu vai trò của các van tim.

Trả lời:

Quan sát hình 8.3 Nêu sự khác nhau về độ dày của thành tâm nhĩ so với thành tâm thất

• Sự khác nhau về độ dày của thành tim:

- Sự khác nhau về độ dày của thành tâm nhĩ so với thành tâm thất, thành tâm thất trái so với thành tâm thất phải:

+ Thành tâm nhĩ mỏng hơn thành tâm thất.

+ Thành tâm thất trái dày hơn thành tâm thất phải.

- Ý nghĩa của đặc điểm trên đối với hoạt động bơm máu của tim: Độ dày của thành ở từng ngăn tim phù hợp với yêu cầu về lực tạo ra để bơm máu đi của từng ngăn tim.

+ Thành tâm nhĩ mỏng hơn thành tâm thất vì: Tâm nhĩ chỉ cần tạo ra lực để đẩy máu xuống tâm thất, còn tâm thất cần phải tạo ra lực lớn hơn để đẩy máu vào động mạch đi xa hơn (đến phổi hoặc đến các tế bào khắp cơ thể).

+ Thành tâm thất trái dày hơn thành tâm thất phải vì: Tâm thất trái cần phải tạo ra một lực lớn hơn để đẩy máu vào động mạch chủ đi đến các tế bào khắp cơ thể, còn tâm thất phải chỉ cần phải tạo ra một lực để đẩy máu vào động mạch phổi đến phổi.

• Vai trò của các van tim: Các van tim có vai trò đảm máu đi theo một chiều.

+ Van nhĩ – thất: nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất (van 3 lá giữa nhĩ – thất phải, van 2 lá giữa nhĩ – thất trái), van này luôn mở chỉ đóng khi tâm thất co đảm bảo cho máu chỉ chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

+ Van động mạch: nằm giữa tâm thất và động mạch (van động mạch phổi, van động mạch chủ), van này luôn đóng chỉ mở khi tâm thất co đảm bảo máu chỉ chảy từ tâm thất sang động mạch.

Câu hỏi trang 52: Quan sát hình 8.4 và cho biết một chu kì tim có những pha (giai đoạn) nào? Thời gian mỗi pha là bao nhiêu?

Trả lời:

Quan sát hình 8.4 và cho biết một chu kì tim có những pha (giai đoạn) nào? Thời gian mỗi pha là bao nhiêu?

- Một chu kì tim gồm có 3 pha (giai đoạn): pha tâm nhĩ co, pha tâm thất co và pha dãn chung.

- Thời gian mỗi pha trong chu kì tim: Ở người trưởng thành, mỗi chu kì tim kéo dài khoảng 0,8 s, trong đó, thời gian pha tâm nhĩ co là 0,1 s, thời gian pha tâm thất co là 0,3 s, thời gian pha dãn chung là 0,4 s.

Luyện tập trang 53: Quá trình vận chuyển máu trong buồng tim ở mỗi pha diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Quá trình vận chuyển máu trong buồng tim ở mỗi pha:

- Pha tâm nhĩ co: Tâm nhĩ trái và phải co đẩy máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

- Pha tâm thất co: Tâm thất phải và trái co đẩy máu từ tâm thất vào động mạch phổi và động mạch chủ.

- Pha dãn chung: Tâm nhĩ dãn có tác dụng thu nhận máu từ tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch phổi, tâm thất dãn hút máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

Câu hỏi trang 53: Quan sát hình 8.6, nêu đặc điểm khác nhau về cấu tạo của các mạch máu. Những đặc điểm cấu tạo đó phù hợp với chức năng của chúng như thế nào?

Trả lời:

Đặc điểm khác nhau về cấu tạo của các loại mạch máu và giải thích sự phù hợp giữ đặc điểm cấu tạo với chức năng của chúng:

Loại mạchĐặc điểm cấu tạoSự phù hợp giữa đặc điểm cấu tạo với chức năng
Động mạchThành động mạch gồm 3 lớp: mô liên kết, cơ trơn, nội mạc. Trong đó, lớp mô liên kết và lớp cơ trơn của động mạch dày hơn; lòng của động mạch hẹp hơn.

Cấu tạo của động mạch phù hợp với chức năng dẫn máu từ tim đến các cơ quan với vận tốc cao, áp lực lớn:

- Động mạch có nhiều sợi đàn hồi giúp chống lại áp lực cao của máu.

- Lớp cơ trơn ở thành động mạch tạo tính co dãn giúp điều hòa lượng máu đến cơ quan.

Tĩnh mạchThành tĩnh mạch gồm 3 lớp: mô liên kết, cơ trơn, nội mạc. Trong đó, lớp mô liên kết và lớp cơ trơn của tĩnh mạch mỏng hơn; lòng của tĩnh mạch rộng hơn và ở các tĩnh mạch phía dưới tim có các van.

Cấu tạo của tĩnh mạch phù hợp với chức năng dẫn máu từ các tế bào về tim với vận tốc và áp lực nhỏ hơn động mạch:

- Tĩnh mạch có đường kính lòng mạch lớn nên ít tạo lực cản với dòng máu và tăng khả năng chứa máu.

- Các tĩnh mạch phía dưới tim có các van (van tĩnh mạch) giúp máu chảy một chiều về tim.

Mao mạchThành mao mạch chỉ gồm một lớp tế bào nội mạc, giữa các tế bào có vi lỗ (lỗ lọc).Cấu tạo của mao mạch tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi chất giữa tế bào và máu: Thành mao mạch mỏng và có vi lỗ giúp quá trình trao đổi chất và khí giữa máu và tế bào thông qua dịch mô được thực hiện dễ dàng.

Câu hỏi trang 54:

Quan sát hình 8.7 và cho biết sự khác biệt về tổng diện tích mặt cắt ngang, huyết áp, vận tốc máu ở động mạch, mao mạch và tĩnh mạch.

Trả lời:

- Về tổng diện tích mặt cắt ngang: Tổng diện tích mặt cắt ngang lớn nhất ở mao mạch, nhỏ hơn ở động mạch và tĩnh mạch.

- Về huyết áp: Huyết áp cao nhất ở động mạch lớn, giảm dần ở các động mạch nhỏ, mao mạch và thấp nhất ở tĩnh mạch.

- Về vận tốc máu: Vận tốc máu cao ở động mạch lớn, giảm dần ở động mạch nhỏ, thấp nhất ở mao mạch rồi tăng dần từ tĩnh mạch nhỏ đến tĩnh mạch lớn.

Luyện tập trang 54: Tại sao giá trị huyết áp ở tĩnh mạch lại nhỏ hơn ở động mạch?

• Vận tốc máu chảy chậm có ý nghĩa như thế nào đối với chức năng của mao mạch?

Trả lời:

• Giá trị huyết áp ở tĩnh mạch lại nhỏ hơn ở động mạch vì: Tim co bóp đẩy máu vào động mạch tạo ra huyết áp, huyết áp trong hệ mạch giảm dần do ma sát giữa máu với thành mạch và ma sát giữa các phân tử máu với nhau. Do đó, quãng đường di chuyển của máu càng xa thì huyết áp càng thấp mà trong hệ mạch, máu được vận chuyển từ động mạch, mao mạch đến tĩnh mạch. Bởi vậy, giá trị huyết áp ở tĩnh mạch lại nhỏ hơn ở động mạch.

• Vận tốc máu chảy chậm ở mao mạch giúp có thời gian thích hợp để thực hiện sự trao đổi chất giữa tế bào và máu qua thành mao mạch và dịch mô (dịch giữa các tế bào).

Câu hỏi trang 55: Quan sát hình 8.8 và cho biết trung khu điều hòa tim mạch nằm ở đâu? Trung khu điều hòa tim mạch tiếp nhận xung thần kinh từ những thụ thể nào?

Trả lời:

- Trung khu điều hòa tim mạch nằm ở hành não.

- Trung khu điều hòa tim mạch tiếp nhận xung thần kinh từ những thụ thể là thụ thể áp lực hoặc thụ thể hóa học (thụ thể O2 và CO2) ở xoang động mạch cổ và gốc cung động mạch chủ.

Luyện tập trang 55: So với trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thì khi hoạt động thể thao có sự thay đổi như thế nào về nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ quan tiêu hóa và lượng máu đến cơ xương? Giải thích.

Trả lời:

- So với trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thì khi hoạt động thể thao sẽ có nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ xương tăng lên còn lượng máu đến cơ quan tiêu hóa giảm.

- Giải thích: Khi hoạt động thể thao, tốc độ hô hấp tế bào ở các tế bào cơ tăng lên để đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho cơ xương hoạt động liên tục. Khi tốc độ hô hấp tế bào tăng ở các tế bào cơ tăng, hàm lượng O2 trong máu giảm (hô hấp tế bào tiêu hao O2), hàm lượng CO2 trong máu tăng (hô hấp tế bào thải ra CO2), pH máu giảm. Điều này sẽ tác động lên thụ thể hóa học ở cung động mạch chủ, xoang động mạch cổ (cảnh) kích thích hoạt động thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ xương, đồng thời, gây co mạch máu đến cơ quan tiêu hóa làm giảm lượng máu đến cơ quan tiêu hóa để đảm bảo cung cấp đủ O2 và đào thải kịp thời CO2 cho các tế bào cơ xương hoạt động.

III. Phòng bệnh hệ tuần hoàn

Luyện tập trang 56: Giải thích cơ sở khoa học của quy định người đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Trả lời:

- So với trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thì khi hoạt động thể thao sẽ có nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ xương tăng lên còn lượng máu đến cơ quan tiêu hóa giảm.

- Giải thích: Khi hoạt động thể thao, tốc độ hô hấp tế bào ở các tế bào cơ tăng lên để đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho cơ xương hoạt động liên tục. Khi tốc độ hô hấp tế bào tăng ở các tế bào cơ tăng, hàm lượng O2 trong máu giảm (hô hấp tế bào tiêu hao O2), hàm lượng CO2 trong máu tăng (hô hấp tế bào thải ra CO2), pH máu giảm. Điều này sẽ tác động lên thụ thể hóa học ở cung động mạch chủ, xoang động mạch cổ (cảnh) kích thích hoạt động thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ xương, đồng thời, gây co mạch máu đến cơ quan tiêu hóa làm giảm lượng máu đến cơ quan tiêu hóa để đảm bảo cung cấp đủ O2 và đào thải kịp thời CO2 cho các tế bào cơ xương hoạt động.

Vận dụng trang 60: Tại sao các vận động viên điền kinh sau khi thi đấu về tới đích vẫn phải tiếp tục hoạt động nhẹ nhàng cho tới khi nhịp tim đạt mức bình thường?

Trả lời:

Các vận động viên điền kinh sau khi thi đấu về tới đích vẫn phải tiếp tục hoạt động nhẹ nhàng cho tới khi nhịp tim đạt mức bình thường vì:

- Khi thi đấu, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho chi dưới hoạt động với cường độ cao, mạch máu ở chi dưới dãn hết cỡ nhằm tăng lượng máu tuần hoàn. Lúc này, sự vận chuyển máu về tim chủ yếu phải dựa trên áp lực do sự co bóp của cơ bắp tạo nên.

- Sau khi chạy, nếu dừng lại đột ngột, cơ bắp sẽ ngừng co bóp làm mất đi áp lực lên mạch máu, trong khi những mạch máu đang dãn ra hết cỡ này không thể lập tức co lại, cộng thêm mối quan hệ với trọng lực máu trong cơ thể sẽ làm tích tự một lượng máu lớn ở chi dưới (lượng máu về tim giảm đột ngột). Kết quả dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não giảm cấp tính gây ra những biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu thậm chí là tử vong đối với người có chức năng tim mạch yếu.

-/-

Trên đây là hướng dẫn giải bài tập Sinh học lớp 11 Cánh diều Bài 8: Hệ tuần hoàn ở động vật. Các em có thể xem thêm các câu hỏi trong các bài học trong phần Soạn Sinh 11 sách Cánh diều nữa nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM