Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 49

Xuất bản: 24/07/2019 - Tác giả:

Soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 49 sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 2 tuần 23, Đọc tài liệu sẽ hướng dẫn các em học sinh trình bày về câu chuyện chủ đề góp sức bảo vệ an ninh, trật tự.

Soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 49 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 bao gồm nội dung: lý thuyết về kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc và hướng dẫn cách làm bài kể chuyện chủ đề bảo vệ an ninh, trật tự.

Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 49 sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 2 tuần 23


Kiến thức cần nhớ

Một số kiến thức cơ bản về văn kể chuyện lớp 5 các em học sinh cần hồi tưởng lại của lớp 4 và nắm chắc để vận dụng, mở rộng trong lớp 5.

- Văn kể chuyện là viết một bài văn kể một chuỗi sự việc có đầu có cuối liên quan đến một hay một số nhân vật, mỗi câu chuyện nói một điều có ý nghĩa trong cuộc sống.

- Cấu tạo bài văn kể chuyệnBài văn kể chuyện có cấu tạo 3 phần:

  • Mở bài (trực tiếp hoặc gián tiếp).
  • Thân bài: Diễn biến câu chuyện.
  • Kết bài: Kết thúc câu chuyện (không mở rộng hoặc mở rộng).

- Tính cách của nhân vật được thể hiện qua

  • Hành động của nhân vật
  • Lời nói, ý nghĩ của nhân vật
  • Những đặc điểm ngoại hình tiêu biểu.

Hướng dẫn làm bài tập SGK

Đề bài: Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh.

Gợi ý làm bài:

Trước khi tiến hành kể chuyện, học sinh cần tìm hiểu kỹ yêu cầu đề và lập dàn ý chi tiết cho bài làm của mình bằng cách trả lời những câu hỏi gợi ý sau:

1. Các hoạt động bảo vệ trật tự, an ninh gồm những gì ?

- Đảm bảo trật tự, an ninh trong phố phường, lối xóm.

- Đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường.

- Phòng cháy, chữa cháy (ví dụ: truyện Tiếng rao đêm - Tiếng Việt 5, tập hai).

- Bắt trộm, cướp; chống các hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội (ví dụ: truyện Người gác rừng tí hon - Tiếng Việt 5, tập một).

- Điều tra, xét xử các vụ án (ví dụ: hai truyện Ông Nguyễn Khoa Đăng và Phân xử tài tình - Tiếng Việt 5, tập hai).

- Hoạt động tình báo trong lòng địch (ví dụ: truyện Hộp thư mật - Tiếng Việt 5, tập hai).

2. Nguồn gốc câu chuyện mà em định kể là từ đâu?

- Có thể là những câu chuyện em được nghe kể từ người thân, bạn bè, ...

- Những câu chuyện từ báo chí, truyện đọc xưa và nay. Chú ý sách Truyện đọc lớp 5 và các truyện tình báo, truyện trinh thám (ví dụ: Ông cố vấn của Hữu Mai, Sơ-lốc Hôm của Cô-nan Đoi-lơ).

3. Kể chuyện:

- Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

- Diễn biến của câu chuyện: Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật (chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến nội dung bảo vệ trật tự, an ninh).

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

Bài kể chuyện mẫu tham khảo:

Bài số 1:

Giữ gìn an ninh trật tự là nhiệm vụ của mỗi công dân để quê hương được thanh bình, mọi người được bình an và hạnh phúc. Qua câu chuyện về anh Lê Văn Lưu - Đội trưởng và anh Phan Thành Lực - Đội phó Đội xe thồ tự quản tỉnh Phú Yên, đã dũng cảm và mưu trí bắt cướp mà em được đọc qua báo Công an nhân dân, đã để lại trong em nhiều suy nghĩ.

Câu chuyện xảy ra vào một buổi sáng tháng 10 năm 2015. Như thường lệ, hai anh cùng đến nơi làm sớm để chuẩn bị cho công việc của ngày mới. Vừa lúc đó, có 5 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, ngồi trên hai chiếc xe máy lao tới. Hai chiếc xe này đều không có chìa khóa xe, ổ khóa bị hỏng. Dáng điệu của các đối tượng này khiến hai anh thấy rất khả nghi. Các đối tượng nói với anh Lưu và anh Lực muốn bán hai chiếc xe máy này để lấy tiền gấp. Nếu hai anh giúp chúng bán được xe, sẽ thưởng cho các anh 1 triệu đồng.

Nghi vấn đây là hai chiếc xe trộm cắp nên anh Lưu liền bí mật ra hiệu cho anh Lực giữ chân bọn chúng, còn anh tìm cách nhanh chóng gọi điện báo cho các chiến sĩ công an phường gần đó. Trong lúc anh Lực đang nói chuyện tìm cách giữ chân bọn chúng thì chúng nghi ngờ bị phát hiện, nên đã nhanh chóng chia thành hai nhóm chạy trên hai chiếc xe về các hướng khác nhau. Vừa lúc đó, các chiến sĩ công an phường kịp thời có mặt và truy đuổi theo các đối tượng.. Anh Lưu cùng một cán bộ Công an thị trấn đuổi theo một đối tượng, ép hắn vào lề đường và bắt giữ được đối tượng cùng tang vật. Anh Lực và các chiến sĩ còn lại đuổi theo nhóm trộm cướp thứ hai. Qua đoạn đường đèo khó đi, cuối cùng hai đối tượng còn lại cũng đã bị bắt gọn.

Tại cơ quan công an, chúng đã khai nhận, do có hộ gia đình, sơ suất quên khóa cổng nên chúng đã lẻn vào lấy cắp hai chiếc xe máy. Sau đó, các chiến sĩ công an liên lạc với gia đình bị mất đến nhận lại tài sản.

Chiến công của hai anh đã được bà con nhân dân khen ngợi. Hành động mưu trí và dũng cảm của hai anh đã giúp triệt phá được nhóm cướp, ổn định tình hình trật tự tại địa phương. Tấm gương của hai anh thật đáng khen ngợi. Điều đó khiến em thêm cảm phục và sẽ cố gắng làm nhiều việc tốt, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn và bảo vệ an ninh trật tự phố phường.

Bài số 2:

Cách đây 5 năm, anh Lý con bác Thuận, học lớp 8 Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng bị đuổi học về tội chui vào kho của trạm Nông nghiệp ăn trộm một bao phân đạm. Sự vụ đó ầm lên xóm trong, thôn ngoài.

Anh Lý vác bao đạm về giấu trong buồng; mẹ anh biết đã bắt anh phải đem trả lại Trạm Nông nghiệp. Nhưng thầy Hiệu trưởng vẫn đuổi học. Thầy nói “Học sinh phải thật thà. Trộm cắp là một thói xấu. Phải đuổi học để làm gương !”. Bố mẹ anh Lý đến xin mãi, nhưng vẫn không được.

Dạo ấy, bác Hùng là sĩ quan Quân đội mới về hưu, bác đã đứng ra thu xếp việc học cho anh Lý. Anh Lý phải làm bản kiểm điểm trước Ban giám hiệu nhà trường. Bác Hùng đã đề nghị thầy Quang, hiệu trưởng, cho anh Lý được chuyển trường sang học trường Đồng Minh của xã bạn.

Một buổi sáng trời mưa to, bác Hùng đã dẫn anh Lý đi học trường mới. Chuyện anh Lý đã được bác Hùng báo cáo đầy đủ với thầy Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm trường Đồng Minh. Nhưng bác xin các thầy cô giáo “giữ kín cho cháu, để cháu có điều kiện tu dưỡng”.

Anh Lý mang tiền đi nộp tiền học, không may bị mất. Số tiền là 80.000 đồng. Anh sợ bố đánh nên đã xảy ra chuyện tai tiếng đó. Bác Hùng đã phân tích, đã chỉ cho anh Lý thấy rõ khuyết điểm của mình, thường xuyên an ủi, động viên anh Lý tu dưỡng đạo đức và chăm chỉ học tập. Năm lớp 8, anh Lý được xếp đạo đức khá, đạt học sinh Tiên tiến. Từ năm lớp 9 đến lớp 12, anh Lý đều đạt học sinh có học lực Khá, xếp loại Tốt đạo đức. Kì thi đại học năm 2004 – 2005, anh Lý trúng tuyển vào trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Trước khi ra Hà Nội học, anh Lý đến chào bác Hùng, bác đã cho anh 100.000 đồng để mua sách. Vỗ vai anh, bác bảo: “Cháu cố học giỏi. Quê mình còn cần nhiều kĩ sư nông nghiệp nữa đó…”

Xã em có chợ Bào, những hôm chợ phiên, bọn cờ bạc tụ tập, nhiều lần đã xảy ra xô xát, đánh nhau, làm cho cảnh chợ búa ồn ào, lộn xộn. Bác Hùng đã giúp ủy ban xã tổ chức và quản lý lại chợ Bào ngày một khang trang, văn minh, không còn các tệ nạn như trước nữa.

Gặp ai, bác Hùng cũng vui vẻ. Cả xã em, ai cũng kính nể Bác. Khi có việc gì khó khăn, cán bộ xã lại đến hỏi ý kiến bác.

***

Soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 49 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 tuần 23 được Đọc tài liệu tổng hợp, biên soạn lại và chia sẻ cho các em học sinh phía trên một cách đầy đủ, súc tích nhất, hi vọng các em sẽ có giờ học văn kể chuyện lớp 5 thật lý thú.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM