Soạn Địa Lí 11 Bài 6 Kết nối tri thức: Vị trí địa lí Mỹ La tinh

Xuất bản: 16/01/2024 - Tác giả:

Soạn Địa Lí 11 Bài 6 Kết nối tri thức: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh. Với hướng dẫn Soạn Địa 11 Kết nối tri thức bài 6.

Cùng Đọc tài liệu đi vào chuẩn bị trước các câu hỏi trong nội dung Giải bài tập bài 6 Kết nối tri thức để có thể chuẩn bị sẵn sàng trước khi tới lớp các em nhé!

Soạn Địa Lí 11 Bài 6 Kết nối tri thức

Mở đầu trang 22: Mỹ La-tinh là khu vực rộng lớn thuộc Châu Mĩ. Các đặc điểm về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, dân cư xã hội và đô thị hóa có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Mỹ La-tinh?

Trả lời:

- Nhờ tiếp giáp với nhiều biển và đại dương, khu vực Mỹ La-tinh thuận lợi phát triển kinh tế biển, hợp tác trong khu vực và với các khu vực khác trên thế giới;

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tạo điều kiện cho các nước Mỹ Latinh phát triển đa dạng nhiều ngành kinh tế, nhưng cũng đặt ra những khó khăn nhất định trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, định cư và sản xuất.

- Nhờ số dân đông, cơ cấu dân số vàng nên Mỹ La-tinh có lực lượng lao động dồi dào tạo thuận lợi lớn để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư,... Tuy nhiên, sự phân bố dân cư không hợp lí dẫn tới khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế; nhiều nước Mỹ La-tinh cũng phải đối mặt với các khó khăn như: an ninh xã hội, vấn đề việc làm, di cư...

Câu hỏi trang 22: Dựa vào thông tin mục I, và hình 6.1 hãy xác định phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lý của khu vực Mỹ La-tinh trên bản đồ.

Trả lời:

Xác định phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lý của khu vực Mỹ La-tinh

- Phạm vi lãnh thổ

+ Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng 20 triệu km2;

+ Bao gồm: Mê-hi-cô, eo đất Trung Mỹ, các đảo và quần đảo trong vùng biển Ca-ri-bê, toàn bộ lục địa Nam Mỹ.

- Vị trí địa lí:

+ Lãnh thổ Mỹ La-tinh trải dài từ khoảng vĩ độ 33°B đến gần vĩ độ 54°N, tiếp giáp với ba đại dương: phía đông là Đại Tây Dương, phía tây là Thái Bình Dương và phía nam là Nam Đại Dương.

+ Mỹ La-tinh nằm hoàn toàn ở bán cầu Tây, tách biệt với các châu lục khác. Phía bắc giáp khu vực Bắc Mỹ (gồm Hoa Kỳ và Ca-na-đa).

Câu hỏi trang 22: Dựa vào thông tin mục I, và hình 6.1 hãy phân tích ảnh hưởng của phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lý đến sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Mỹ La-tinh.

Trả lời:

Phân tích ảnh hưởng

- Thuận lợi:

+ Phía bắc tiếp giáp khu vực Bắc Mĩ (Mĩ, Ca Na Đa) là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới, là thị trường tiêu thụ rộng lớn tạo điều kiện phát triển kinh tế và thu hút nguồn đầu tư quan trọng cho khu vực Mỹ La-tinh.

+ Tiếp giáp 3 đại dương tạo điều kiện cho Mỹ La-tinh phát triển kinh tế biển, hợp tác trong khu vực và với các khu vực khác trên thế giới, trong đó kênh đào Pa-na-ma có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và giao thương.

- Khó khăn:

+ Có 3 mặt giáp biển tuy nhiên phía tây là dãy núi An-đét chạy dọc theo bờ biển và chăn gió chính vì vậy khu vực phía tây khô hạn và khó khăn trong vấn đề giao thương bằng đường biển.

+ Tiếp giáp Bắc Mĩ là thị trường khó tính nên việc hợp tác, giao lưu kinh tế giữa các nước Mỹ La-tinh với Bắc Mĩ cũng gặp một số khó khăn.

Câu hỏi trang 26: Dựa vào thông tin mục II, và hình 6.1 hãy nêu một số đặc điểm nổi bật của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Mỹ La-tinh.

Trả lời:

Điểm nổi bật của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a) Địa hình và đất: Nhìn chung, khu vực Mỹ La-tinh có cấu trúc địa hình tương đối đa dạng, phức tạp, với nhiều dạng địa hình.

- Khu vực phía tây:là miền núi cao, bao gồm: sơn nguyên Mê-hi-cô và vùng núi trẻ Trung Mỹ, hệ thống núi An-đét cao và đồ sộ bậc nhất thế giới chạy sát bờ Thái Bình Dương.

- Khu vực phía đông: là miền núi thấp, sơn nguyên và đồng bằng, bao gồm:

+ Sơn nguyên Guy-a-na và sơn nguyên Bra-xin, bề mặt nhiều nơi phủ đất feralit hình thành từ dung nham núi lửa;

+ Phần trung tâm sơn nguyên Guy-a-na và phần đông sơn nguyên Bra-xin được nâng lên thành một số dãy núi.

+ Các đồng bằng La-nốt, La Pla-ta là những vùng đất thấp, bề mặt được bồi đắp phù sa dày, khá bằng phẳng. Riêng đồng bằng A-ma-dôn có phần lớn diện tích là đầm lầy, rừng rậm phát triển.

- Vùng biển Ca-ri-bê: có nhiều đảo, đất màu mỡ.

b) Khí hậu

- Khí hậu của phần lớn lãnh thổ Mỹ La-tinh có tính chất nóng, ẩm.

- Do phạm vi lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ độ và đặc điểm địa hình nên khí hậu Mỹ La-tinh phân hóa đa dạng thành nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau, như:

+ Đới khí hậu xích đạo quanh năm nóng, ẩm, bao gồm: phần phía tây đồng bằng A-ma-dôn, duyên hải phía tây Cô-lôm-bi-a và Ê-cu-a-đo.

+ Đới khí hậu cận xích đạo một năm có hai mùa (mùa khô và mùa mưa) rõ rệt, bao gồm: toàn bộ phần phía bắc Nam Mỹ, đông và nam đồng bằng A-ma-dôn, bắc sơn nguyên Bra-xin.

+ Đới khí hậu nhiệt đới quanh năm nóng, lượng mưa giảm dần từ đông sang tây, có ở khu vực Trung Mỹ, phía nam đồng bằng A-ma-dôn.

+ Đới khí hậu cận nhiệt có mùa hạ nóng, mùa đông ấm và đới khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, bao gồm: toàn bộ phần lãnh thổ phía nam của lục địa Nam Mỹ.

+ Các vùng núi cao ở phía tây lục địa Nam Mỹ có kiểu khí hậu núi cao.

c) Sông, hồ

- Mạng lưới sông khá phát triển, có nhiều sông lớn và dài, phần lớn các sông nhiều nước quanh năm như A-ma-dôn, Ô-ri-nô-cô,...

- Các hồ ở Mỹ La-tinh đa số là hồ nhỏ, nằm trên các độ cao lớn, có nguồn gốc kiến tạo, núi lửa, băng hà.

d) Sinh vật

- Thảm thực vật của Mỹ La-tinh rất đa dạng, bao gồm: rừng nhiệt đới, rừng cận nhiệt đới, xa van và rừng thưa, hoang mạc và bán hoang mạc,...

- Giới động vật ở Mỹ La-tinh rất phong phú, có nhiều loài đặc hữu, như: thú ăn kiến, cá sấu Nam Mỹ, vẹt, lạc đà Nam Mỹ (La-ma),...

e) Khoáng sản

- Mỹ La-tinh là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, tập trung chủ yếu ở vùng núi An-đét và phía đông nam sơn nguyên Bra-xin.

- Khoáng sản phong phú về chủng loại; có trữ lượng lớn là sắt (Bra-xin - trữ lượng 80 tỉ tấn,...); chì - kẽm, bạc (Bô-li-vi-a, Pê-ru, Ác-hen-ti-na); đồng (Chi-lê); dầu mỏ, khí tự nhiên (Vê-nê-du-ê-la, Cô-lôm-bi-a, vùng biển Ca-ri-bê,...). Ngoài ra còn có thiếc, man-gan, ni-ken,...

g) Biển

- Mỹ La-tinh giáp ba đại dương, có vùng biển rộng.

- Tài nguyên sinh vật biển phong phú tạo thuận lợi cho ngành khai thác thuỷ sản phát triển, nhất là ở vùng biển Thái Bình Dương.

- Dọc bờ biển có nhiều địa điểm thuận lợi để xây dựng cảng biển, phát triển giao thông vận tải biển.

- Nhiều nơi, nhất là khu vực Ca-ri-bê có các bãi biển đẹp, nước trong xanh thuận lợi phát triển du lịch biển.

Câu hỏi trang 26: Dựa vào thông tin mục II, và hình 6.1 hãy phân tích ảnh hưởng một trong những điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Mỹ La-tinh.

Trả lời:

Phân tích ảnh hưởng của 1 trong những điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Ảnh hưởng của khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội

+ Khí hậu Mỹ La-tinh thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp nhiệt đới với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp.

+ Khí hậu Mỹ La-tinh cũng gây một số khó khăn cho đời sống và sản xuất: một số khu vực có khí hậu khắc nghiệt (ví dụ: hoang mạc A-ta-ca-ma quá khô hạn, phía tây đồng bằng A-ma-dôn quá ẩm ướt,...); vùng biển Ca-ri-bê và dải đất Trung Mỹ hằng năm chịu ảnh hưởng của bão nhiệt đới và lũ lụt.

Câu hỏi trang 28: Dựa vào thông tin mục 1, và các hình 6.4; 6.5 hãy trình bày đặc điểm nổi bật về dân cư khu vực Mỹ La-tinh.

Trả lời:

Đặc điểm dân cư

- Mỹ La-tinh có số dân 652 triệu người (năm 2020). Các nước đông dân nhất là Bra-xin (211,8 triệu người), Mê-hi-cô (127,8 triệu người); nhưng cũng có nước chỉ vài chục nghìn dân như Đô-mi-ni-ca-na.

- Trước đây khu vực Mỹ La-tinh có tỉ lệ tăng dân số thuộc loại cao, hiện nay đã giảm nhiều, tỉ lệ tăng dân số cả khu vực năm 2020 là 0,94% và có sự chênh lệch giữa các quốc gia.

- Mỹ La-tinh là một trong những khu vực có sự đa dạng về chủng tộc bậc nhất trên thế giới, bao gồm người Ơ-rô-pê-ô-it, người Môn-gô-lô-it, người Nê-grô-it và người lai giữa các chủng tộc.

- Mỹ La-tinh đang trong thời kì dân số vàng và có sự thay đổi theo hướng già hoá dân số, số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi chiếm 67,2% và số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8,9% tổng số dân (năm 2020).

- Mật độ dân số trung bình của khu vực Mỹ La-tinh khoảng 32 người/km2 (năm 2020), thuộc loại thấp so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

+ Dân cư tập trung đông ở các đảo lớn trong vùng biển Ca-ri-bê, các vùng ven biển, các đồng bằng màu mỡ,...

+ Ở các khu vực núi cao, rừng mưa nhiệt đới, vùng khô hạn,.. dân cư rất thưa thớt.

Câu hỏi trang 28: Dựa vào thông tin mục 1, và các hình 6.4; 6.5 hãy phân tích ảnh hưởng của đặc điểm dân cư đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở Mỹ La-tinh.

Trả lời:

Phân tích ảnh hưởng

- Thuận lợi: nhờ số dân đông, cơ cấu dân số vàng nên Mỹ La-tinh có lực lượng lao động dồi dào tạo thuận lợi lớn để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư,...

- Khó khăn:

+ Phân bố dân cư không hợp lí dẫn tới khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế;

+ Nhiều nước Mỹ La-tinh cũng phải đối mặt với các khó khăn như: an ninh xã hội, vấn đề việc làm, di cư...

Câu hỏi trang 29: Dựa vào thông tin mục 2 hãy trình bày vấn đề đô thị hóa ở Mỹ La-linh và phân tích ảnh hưởng của đô thị hóa đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trả lời:

♦ Đặc điểm đô thị hóa ở khu vực Mỹ La-tinh

- Quá trình đô thị hóa ở Mỹ La-tinh gắn liền với quá trình nhập cư và lịch sử khai thác lãnh thổ. Các đô thị phát triển từ thế kỉ XVI sau khi thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xâm chiếm Mỹ La-tinh.

- Tỉ lệ dân đô thị của Mỹ La-tinh tương đối cao so với các khu vực khác của thế giới, nhất là với các nước đang phát triển.

+ Năm 1950 có khoảng 40% dân số Mỹ La-tinh sống ở đô thị; tới năm 2020, tỉ lệ dân sống ở đô thị là khoảng 80%.

+ Một số nước có tỉ lệ dân đô thị chiếm hơn 90% dân số, như: U-ru-goay, Ác-hen-ti-na,...

- Mỹ La-tinh là khu vực tập trung nhiều đô thị đông dân bậc nhất thế giới. Năm 2020, Mỹ La-tinh có khoảng 60 đô thị với số dân trên 1 triệu người, trong đó 6 siêu đô thị có trên 10 triệu dân là Xao Pao-lô, Mê-hi-cô Xi-ti, Bu-ê-nốt Ai-rét, Ri-ô đê Gia-nê-rô, Bô-gô-ta, Li-ma.

♦ Ảnh hưởng

- Đô thị hóa thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, lan tỏa lối sống đô thị trong dân cư,... nhưng cũng làm nảy sinh một số vấn đề kinh tế - xã hội.

- Tình trạng đô thị hóa tự phát gây ra các hậu quả như: thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự,...

Câu hỏi trang 29: Dựa vào thông tin mục 3 hãy:

- Trình bày một số đặc điểm xã hội của khu vực Mỹ La-tinh.

- Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm xã hội đến phát triển kinh tế - xã hội ở Mỹ La-tinh.

Trả lời:

- Một số đặc điểm xã hội của khu vực Mỹ La-tinh

+ Khu vực Mỹ La-tinh có nền văn hóa độc đáo với nhiều lễ hội ẩm thực, âm nhạc, vũ điệu độc đáo được hình thành từ sự kết hợp văn hóa của những nền văn minh cổ đại với các chủng tộc di dân đến Mỹ La-tinh.

+ Cùng với sự phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân các nước Mỹ La-tinh chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

+ Bên cạnh sự tiến bộ về xã hội một số nước Mỹ La-tinh vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: chênh lệch giàu nghèo, xung đột xã hội…

- Ảnh hưởng:

+ Khu vực Mỹ La-tinh có nền văn hóa độc đáo, đa dạng thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế. Chất lượng cuộc sống ổn định tạo điều kiện để người dân tham gia phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

+ Các vấn đề: chênh lệch giàu nghèo, tệ nạn, xung đột xã hội,… gây khó khăn cho công tác quản lí và phát triển đất nước.

Luyện tập trang 29: Mỹ La-tinh có điều kiện thuận lợi gì để phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản và du lịch.

Trả lời:

- Tài nguyên khoáng sản ở khu vực Mỹ La-tinh rất phong phú, đa dạng, nhiều khoáng sản có trữ lượng lớn, như: sắt, chì, kẽm, bạc, đồng, dầu mỏ… điều này đã tạo thuận lợi cho các nước Mỹ La-tinh phát triển các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, công nghiệp chế tạo…

- Các điều kiện để phát triển du lịch ở Mỹ Latinh:

+ Tiếp giáp với Mĩ và Ca-na-đa, đây là hai nước phát triển, người dân có mức sống cao nên tỉ lệ dân cư đi du lịch nhiều hơn khu vực khác.

+ Địa hình đa dạng, nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp.

+ Tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú, mạng lưới sông hồ phát triển,… cũng thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động: du lịch khám phá, du lịch sinh thái,…

+ Tiếp giáp với 3 đại dương, ở nhiều nơi, nhất là khu vực Ca-ri-bê có các bãi biển đẹp, nước trong xanh, thuận lợi cho phát triển du lịch biển.

+ Mỹ La-tinh có nền văn hóa đa dạng, độc đáo, nhiều di sản văn hóa được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới,… đây cũng là một điểm nhấn thu hút khách du lịch quốc tế.

Luyện tập trang 29: Dựa vào hình 6.4 nhận xét sự thay đổi số dân và tỉ lệ tăng dân số của khu vực Mỹ La-tinh giai đoạn 2000 - 2020

Trả lời:

- Nhận xét về số dân: Trong giai đoạn từ năm 2000 - 2020, dân số của khu vực Mỹ La-tinh có xu hướng tăng dần qua các năm. Cụ thể:

+ Từ 2000 - 2010, tăng: 69 triệu người.

+ Từ 2010 - 2015, tăng: 32,4 triệu người

+ Từ 2015 - 2020, tăng: 30 triệu người.

- Nhận xét về tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên:

+ Trong giai đoạn từ năm 2000 - 2020, tỉ lệ gia tăng dân số của khu vực Mỹ La-tinh có xu hướng giảm (từ 1,56% năm 20000, xuống còn 0,94% năm 2020).

+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm không đều giữa các giai đoạn. Cụ thể:

▪ Từ năm 2000 - 2010, giảm: 0,37%

▪ Từ năm 2010 - 2015, giảm: 0,11 %

▪ Từ năm 2015 - 2020, giảm: 0,14%.

Vận dụng trang 29: Tìm hiểu một số nét văn hóa độc đáo của Mỹ La-tinh (nền văn minh In-ca, lễ hội Ca-na-van) và ảnh hưởng chúng tới hoạt động du lịch.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Thông tin về nền văn minh In-ca

- Thông tin cơ bản:

+ Đế quốc Inca là đế quốc lớn nhất ở Châu Mỹ thời kì tiền Columbus. Trung tâm hành chính, chính trị và quân sự của đế quốc là Cusco.

+ Nền văn minh Inca khởi nguồn từ vùng cao nguyên Peru vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Thành trì cuối cùng của đế quốc rơi vào tay Tây Ban Nha năm 1572.

+ Từ năm 1438 đến 1533, người Inca kiểm soát phần lớn phía tây Nam Mỹ, tập trung ở dãy núi Andes, thông qua các cuộc chinh phạt và đồng hóa hòa bình. Thời kì hoàng kim, đế quốc này thống nhất toàn bộ Peru, tây nam Ecuador, tây và nam trung bộ Bolivia, tây bắc Argentina, hầu hết Chile ngày nay và tây nam Colombia sánh ngang với các đế quốc Á - Âu khác.

+ Những thành tựu của Đế quốc Inca bao gồm những kiến trúc phi thường, đặc biệt là thuật điêu khắc đá, mạng lưới đường bộ khổng lồ dẫn đến mọi góc của đế quốc, nghề dệt vải mịn, sử dụng nút dây (quipu) để lưu giữ số liệu và liên lạc phương xa, những sáng kiến nông nghiệp thích nghi với môi trường khắc nghiệt, và hệ thống điều hành áp đặt lên người dân và giai cấp lao động.

- Ảnh hưởng đến du lịch: Nền văn minh Inca là một trong những kho tàng phi vật thể to lớn của Nam Mỹ. Di sản của đế chế này trải dài qua các nước: Ecuador, Chile, Peru, Bolivia, Argentina để lại vô vàn những bí ẩn chưa tìm được lời giải đáp của các nhà khoa học chính vì vậy đây là địa điểm du lịch lí tưởng của nhiều du khách quốc tế.

-/-

Trên đây là hướng dẫn giải bài tập Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh. Các em có thể xem thêm các câu hỏi trong các bài học trong phần Soạn Địa 11 sách Kết nối tri thức nữa nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM