Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn địa 7 Chân trời sáng tạo Bài 5: Thiên nhiên châu Á, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho bài học tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên của châu Á.
Soạn địa 7 bài 5 Chân trời sáng tạo
Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập địa lí 7 bài 5 Chân trời sáng tạo:
Mở đầu bài học
Châu Á tiếp giáp với ba đại dương và hai châu lục, lãnh thổ trải dài từ vùng cực tới xích đạo. Do phạm vi lãnh thổ rộng lớn, châu Á có điều kiện tự nhiên rất đa dạng: thiên nhiên đa dạng, có đầy đủ các đới khí hậu trên Trái Đất.
1. Vị trí địa lí, hình dạng và kích thước châu Á
Câu hỏi trang 111 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST
Dựa vào hình 5.1 và thông tin trong bài, em hãy:
- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí châu Á.
- Nêu đặc điểm hình dạng và kích thước châu Á.
Trả lời:
* Đặc điểm vị trí địa lí châu Á:
- Lãnh thổ trên đất liền của châu Á kéo dài từ vùng cận cực Bắc tới Xích đạo, một số đảo và quần đảo kéo dài tới vĩ tuyến 10⁰N.
- Tiếp giáp:
+ Phía tây giáp châu Âu.
+ Phía tây nam giáp châu Phi qua eo đất Xuy-ê.
+ Phía bắc giáp Bắc Băng Dương.
+ Phía đông giáp Thái Bình Dương.
+ Phía nam giáp Ấn Độ Dương.
- Đặc điểm hình dạng, kích thước châu Á:
+ Hình dạng: dạng hình khối rộng lớn, bờ biển bị chia cắt mạnh, có nhiều bán đảo, vịnh biển…
+ Kích thước: rộng lớn nhất thế giới với diện tích đất liền là 41,5 triệu km2, tính cả các đảo thì diện tích khoảng 44 triệu km2.
2. Đặc điểm tự nhiên châu Á
a) Địa hình, khoáng sản
Câu hỏi trang 112 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST
Dựa vào hình 5.1 và thông tin trong bài, em hãy:
- Kể tên và xác định trên bản đồ các khu vực địa hình của châu Á.
- Xác định khu vực phân bố các khoáng sản chính ở châu Á.
- Trình bày ý nghĩa của đặc điểm địa hình, khoáng sản đối với việc sử dụng và bảo vệ tự nhiên.
Trả lời:
* Các khu vực địa hình của châu Á:
- Khu vực núi, cao nguyên và sơn nguyên chiếm ¾ diện tích lãnh thổ. Núi cao tập trung ở trung tâm châu lục.
- Khu vực đồng bằng chiếm ¼ diện tích lãnh thổ, có nhiều đồng bằng rộng lớn nhất thế giới, phân bố chủ yếu ở ven biển.
* Khu vực phân bố các khoáng sản chính ở châu Á:
- Than đá: Cao nguyên Trung Xi-bia và khu vực Đông Á, sơn nguyên Đê-can,...
- Dầu mỏ: Tây Á, Đông Nam Á,...
- Sắt: Đông Á và Nam Á, dãy U-ran,...
- Crôm: dãy Hin-đu-cuc, bán đảo Ấn Độ và đảo Lu-xôn
- Mangan: Đông Nam Á và Nam Á
- Đồng: dãy Thiên Sơn, Đông Nam Á,...
- Thiếc: Đông Á,...
* Ý nghĩa của đặc điểm địa hình, khoáng sản đối với việc sử dụng và bảo vệ tự nhiên
- Địa hình núi, cao nguyên, sơn nguyên với ¾ diện tích lãnh thổ thuận lợi phát triển chăn nuôi du mục, trồng cây đặc sản; nhưng khai thác cần chú ý chống xói mòn, sạt lở đất,...
- Đồng bằng thuận lợi cho sản xuất và định cư.
- Tài nguyên khoáng sản phong phú có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong châu lục; nhưng trong quá trình khai thác khoáng sản cần chú ý bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
b) Khí hậu
Câu hỏi trang 113 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST
Dựa vào hình 5.2 và thông tin trong bài, em hãy:
- Kể tên các đới và kiểu khí hậu ở châu Á.
- Cho biết khí hậu châu Á phân hoá như thế nào? Kiểu khí hậu nào là phổ biến nhất?
Trả lời:
- Các đới và kiểu khí hậu ở châu Á:
+ Đới khí hậu cực và cận cực.
+ Đới khí hậu ôn đới có các kiểu khí hậu: Ôn đới lục địa, ôn đới gió màu, ôn đới hải dương.
+ Đới khí hậu cận nhiệt có các kiểu: Cận nhiệt địa trung hải, cận nhiệt lục địa, cận nhiệt gió mùa, cận nhiệt núi cao.
+ Đới khí hậu nhiệt đới có các kiểu: Nhiệt đới khô, nhiệt đới gió mùa.
+ Đới khí hậu xích đạo và cận xích đạo.
- Khí hậu châu Á phân hóa đa dạng thành nhiều đới. Mỗi đới lại gồm nhiều kiểu khí hậu, có sự khác biệt về nhiệt độ, chế độ gió và lượng mưa.
+ Kiểu khí hậu gió mùa phân bố ở phía đông và đông nam, một năm có hai mùa rõ rệt: mùa đông lạnh và khô; mùa hè nóng, ẩm, mưa nhiều.
+ Kiểu khí hậu lục địa phân bố ở trung tâm châu Á, rất khô hạn, lượng mưa trung bình năm dưới 300mm; mùa đông lạnh và khô, mùa hè nóng và khô.
- Kiểu khí hậu phổ biến là kiểu khí hậu gió mùa và kiểu khí hậu lục địa.
c) Sông ngòi và hồ
Câu hỏi trang 114 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST
Dựa vào hình 5.1 và thông tin trong bài, em hãy:
- Kể tên một số sông và hồ lớn ở châu Á.
- Trình bày đặc điểm sông ngòi châu Á.
- Nêu ý nghĩa của sông, hồ đối với việc sử dụng và bảo vệ tự nhiên.
Trả lời:
- Tên một số sông và hồ lớn ở châu Á:
+ Sông: Ô-bi, Hoàng Hà, Trường Giang, Mê-công…
+ Hồ: Bai-can, A-ran, Ban-khat…
- Đặc điểm sông ngòi châu Á:
+ Châu Á có nhiều hệ thống sông lớn bậc nhất thế giới nhưng phân bố không đều.
+ Ở các khu vực mưa nhiều (Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á), sông có lượng nước lớn, mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô.
+ Ở các khu vực khô hạn (Tây Nam Á, Trung Á), mạng lưới sông thưa thớt, nhiều nơi sâu trong nội địa không có dòng chảy.
- Ý nghĩa của sông, hồ đối với việc sử dụng và bảo vệ tự nhiên: Cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, phát triển thủy điện, đánh bắt thủy sản, giao thông, du lịch, điều hòa không khí. Tuy nhiên vào mùa lũ thường gây ra lũ lụt.
+ Sông ngòi tạo điều kiện phát triển thủy điện, du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao thông đường thủy…tuy nhiên vào mùa mưa thường có lũ, lụt gây nhiều thiệt hại lớn.
+ Hồ giúp điều hòa không khí, tạo phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật.
d) Các đới thiên nhiên
Câu hỏi trang 115 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST
Dựa vào hình 5.1, hình 5.2 và thông tin trong bài, em hãy:
- Trình bày sự phân hóa của các đới thiên nhiên châu Á
- Cho biết việc khai thác và sử dụng các đới thiên nhiên cần chú ý vấn đề gì để bảo vệ môi trường.
Trả lời:
* Sự phân hóa của các đới thiên nhiên châu Á
Do đặc điểm địa hình và khí hậu nên châu Á có đới thiên nhiên đa dạng:
+ Đới lạnh: ở phía bắc châu lục, thời tiết khắc nghiệt và có gió mạnh. Cảnh quan chủ yếu là hoang mạc cực, đồng rêu và đồng rêu rừng. Động vật: các loài chịu lạnh, mùa hạ các loài chim di cư từ phương Nam lên.
+ Đới ôn hòa: Chiếm diện tích lớn nhất. Khí hậu phân hóa đa dạng, từ rừng lá kim sang rừng hỗn giao. Càng vào sâu trong lục địa khí hậu càng khô hạn, chủ yếu là hoang mạc và bán hoang mạc. Khu vực núi cao có thảo nguyên và băng tuyết.
+ Đới nóng: Chủ yếu có khí hậu gió mùa, xích đạo; thực vật điển hình là rừng nhiệt đới, rừng thưa, xavan, cây bụi và hoang mạc.
- Việc khai thác và sử dụng các đới thiên nhiên cần chú ý vấn đề bảo vệ và phục hồi rừng nhằm bảo vệ môi trường
Luyện tập - vận dụng
Câu 1 trang 116 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST:
Cho bảng số liệu sau:
a. Xác định vị trí của hai trạm khí tượng E Ri-at (Riyagh) và Y-an-gun (Yangon) trên hình 5.2.
b. Nhận xét đặc điểm nhiệt độ và lượng mưa ở hai trạm khí tượng.
Trả lời:
* Vị trí của hai trạm khí tượng E Ri-at (Riyagh) và Y-an-gun (Yangon):
- Trạm khí tượng E Ri-at nằm ở khu vực Tây Á, thuộc đới khí hậu nhiệt đới khô.
- Trạm khí tượng Y-an-gun nằm ở khu vực Đông Nam Á, thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa.
* Nhận xét đặc điểm nhiệt độ và lượng mưa ở hai trạm khí tượng:
- Trạm E Ri-at: Nhiệt độ cả năm cao, lượng mưa cả năm rất ít, thời tiết nóng và khô hạn, nhiệt độ tháng cao nhất: 33,5oC (tháng 7, 8), nhiệt độ tháng thấp nhất:14,2oC (tháng 1), biên độ nhiệt năm lớn (19,3oC).
- Trạm Y-an-gun: Nhiệt độ cả năm cao, lượng mưa cả năm lớn, mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 10, thời tiết nóng, ẩm, phân mùa, thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ tháng cao nhất: 30,4oC (tháng 4), nhiệt độ tháng thấp nhất: 25,1oC (tháng 1), biên độ nhiệt năm nhỏ (5,3oC).
Câu 2 trang 116 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST:
Em hãy lựa chọn thực hiện một trong hai nhiệm vụ sau
Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu và viết một đoạn văn ngắn mô tả đặc điểm một đồng bằng hoặc cao nguyên ở châu Á.
Nhiệm vụ 2: Đóng vai hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về một con sông, hồ lớn hoặc đới thiên nhiên ở châu Á.
Trả lời:
Các em có thể đọc tham khảo một số đoạn văn ngắn sau đây:
Nhiệm vụ 1: Các em có thể đọc tham khảo một số đoạn văn ngắn sau đây:
- Cao nguyên Tây Tạng là cao nguyên cao nhất thế giới với độ cao trung bình 4 200 m. Phần lớn dãy Himalaya nằm trong địa phận Tây Tạng. Gió mùa từ Ấn Độ Dương gây ra một số ảnh hưởng ở phía đông Tây Tạng. Phía bắc Tây Tạng có nhiệt độ cao trong mùa hè và lạnh khủng khiếp về mùa đông.
- Cao nguyên Mông Cổ có diện tích khoảng 2.600.000 km2 nằm ở phía đông Trung Á . Cao nguyên bị chia cắt về mặt chính trị và địa lý bởi sa mạc Gobi thành quốc gia độc lập của Mông Cổ (còn gọi là Ngoại Mông) ở phía bắc và Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc ở phía nam. Bao quanh cao nguyên và giáp với nó là dãy núi Altai, Tannu-Ola, và Sayan ở phía tây bắc, dãy núi Hentiyn ở phía bắc, dãy Greater Khingan ở phía đông, dãy Nan ở phía nam, và các lưu vực Tarim và Dzungarian của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Sinkiang, Trung Quốc, ở phía tây. Vùng đất cao này, đôi khi cũng được coi là một lưu vực thoát nước bên trong lớn giữa các dãy núi giáp ranh, được thoát nước bởi các sông Dzavhan, Selenga và Kerulen. Cao nguyên, bao gồm Gobi cùng với các khu vực thảo nguyên cỏ ngắn khô, có độ cao từ 915 đến 1.525 m so với mực nước biển. Khí hậu lục địa khô được đặc trưng bởi lượng mưa hàng năm khoảng 200 mm/năm, và nhiệt độ trung bình của những tháng ấm nhất và lạnh nhất thay đổi trong một phạm vi rất lớn.
- Đồng bằng sông Cửu Long, là đồng bằng lớn nhất Việt Nam. Có diện tích 40.547,2 km², được bồi đắp bởi phù sa phần hạ lưu sông Mê-công (chảy trên địa phận Việt Nam, đổ ra biển Đông bằng 9 cửa sông nên còn được gọi là sông Cửu Long). Đồng bằng có đất phù sa màu mỡ, đây là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Nhiệm vụ 2:
- Hồ Bai-can được xem là viên ngọc xanh của vùng Siberia, một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất của nước Nga. Nó được biết đến là hồ chứa nước ngọt tự nhiên lớn nhất - chiếm 19% tổng trữ lượng thế giới. Diện tích mặt nước Bai-can là hơn 31.700 km² (không tính các đảo), xấp xỉ diện tích nước Bỉ. Diện tích lưu vực hồ là 571.000 km². Chiều dài đường bờ hồ là hơn 2000km, còn hồ dài 600km. Bai-can cũng là hồ sâu nhất thế giới với độ sâu tối đa hiện nay là 1.637m. Theo số liệu nghiên cứu, có 336 con sông và suối đổ nước vào Baikal trong khi chỉ có một con sông đưa nước ra khỏi hồ là sông Angara. Hồ ở dạng trũng, được bao bọc bốn bên là các dãy núi và đồi, tạo nên phong cảnh trùng điệp, vô cùng kỳ vĩ. Cả Bai-can và các vùng ven bờ đều được phân biệt bởi hệ thực vật và động vật phong phú, làm cho những nơi này thực sự độc đáo, luôn hấp dẫn các nhà khoa học và đông đảo những người yêu thích du lịch và những người tìm kiếm mạo hiểm thực sự. Có hơn 2.600 loài động vật và hơn 1.000 loài thực vật sinh sống ở hồ Bai-can và khu vực ven hồ, trong đó có rất nhiều loại động thực vật độc đáo. Đáng lưu ý nhất trong số này là loài hải cẩu nước ngọt Bai-can và cá hồi trắng Omul. Năm 1996, hồ Bai-can được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
-/-
Trên đây là toàn bộ nội dung soạn địa 7 bài 5 Chân trời sáng tạo: Thiên nhiên châu Á do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.