Soạn Địa 7 bài 22 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 22/09/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn địa 7 bài 22 Chân trời sáng tạo : Vị trí địa lí, lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực, gợi ý trả lời toàn bộ nội dung câu hỏi trang 173 - 175 SGK Địa lí 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn địa 7 Chân trời sáng tạo Bài 22: Vị trí địa lí, lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho bài học tìm hiểu về vị trí địa lí, nguồn gốc lịch sử của châu Nam Cực.

Soạn địa 7 bài 22 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập địa lí 7 bài 22 Chân trời sáng tạo:

Mở đầu bài học

Trên thế giới có một châu lục nằm hoàn toàn ở bán cầu Nam và tách biệt với các châu lục khác. Châu lục này được biết đến muộn nhất và đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới không có quốc gia. Đó là châu Nam Cực.

1. Vị trí địa lí

Câu hỏi trang 174 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Dựa vào hình 22.1 và thông tin trong bài, em hãy:

- Xác định vị trí địa lí của châu Nam Cực.

- Cho biết châu Nam Cực bao gồm những bộ phận nào?

- Kể tên các biển và đại dương bao quanh châu Nam Cực.

Hình 22.1 trang 173 sgk Lịch sử và địa lí 7 CTST

Trả lời:

- Vị trí địa lí của châu Nam Cực: đại bộ phận lãnh thổ nằm trong phạm vi của vòng cực Nam, bao gồm lục địa Nam Cực và các đảo, quần đảo ven lục địa. Châu Nam Cực nằm cách xa các châu lục khác, bao bọc xung quanh bởi các biển và đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương).

- Châu Nam Cực bao gồm 2 bộ phận: Phần phía đông và phần phía tây (lấy kinh tuyến 0o và 180o làm ranh giới).

+ Phần phía đông: có diện tích rộng hơn phần phía tây.

+ Phần phía tây: có một bộ phận kéo dài tạo thành bán đảo Nam Cực và một số đảo, quần đảo.

- Các biển và địa dương bao quanh châu Nam Cực: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Nam Đại Dương, biển Rôt, biển A-mun-xen, biển Bê-li-hao-den, biển Oet-đen.

2. Lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực

Câu hỏi trang 174 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Dựa vào hình 22.1, hình 22.2 và thông tin trong bài, em hãy:

- Kể tên một số trạm nghiên cứu của các quốc gia ở châu Nam Cực.

- Trình bày lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực.

Hình 22.2 trang 174 sgk Lịch sử và địa lí 7 Chân trời sáng tạo

Trả lời:

- Một số trạm nghiên cứu của các quốc gia ở châu Nam Cực: Xi-pơn, Cai-xi, Ha-lây, Vô-xtốc, Mai-xơn, Niu-mai-ơ, A-mun-xen – Xcốt, Đa-vít, Bê-lin-hao-đen...

- Lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực:

+ Những người lần đầu tiên phát hiện ra châu Nam Cực là hai nhà hàng hải người Nga: Fabian Gottlieb von Bellingshausen và Mikhail Petrovich Lazarev.

+ Đầu thế kỉ XX, một số nhà thám hiểm mới đặt chân lên lục địa Nam Cực và sau đó tiến sâu vào các vùng nội địa.

+ Từ năm 1957, việc nghiên cứu châu Nam Cực được tiến hành một cách toàn diện. Nhiều nước đã xây dựng các trạm nghiên cứu ở đây như: Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Đức, Nhật Bản, Ác-hen-ti-na,…

+ Hiện nay, châu Nam Cực có một mạng lưới các trạm nghiên cứu khoa học, đang tiến hành nghiên cứu tổng hợp các điều kiện tự nhiên bằng các phương tiện kĩ thuật hiện đại.

Luyện tập - vận dụng

Câu 1 trang 175 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Chứng minh châu Nam Cực có vị trí địa lí đặc biệt.

Trả lời:

Châu Nam Cực có vị trí địa lí đặc biệt:

- Nằm hoàn toàn ở bán cầu Nam và tách biệt với các châu lục khác, được bao bọc xung quanh bởi các biển và đại dương.

- Đại bộ phận lãnh thổ nằm trong phạm vi của vòng cực Nam.

- Châu Nam Cực gồm lục địa Nam Cực và các đảo, quần đảo ven lục địa.

- Là nơi duy nhất trên thế giới không có quốc gia

Câu 2 trang 175 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Liệt kê các mốc thời gian chính trong lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực.

Trả lời:

Các mốc thời gian chính trong lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực:

- Con người lần đầu tiên phát hiện ra châu Nam Cực là hai nhà hàng hải người Nga.

- Đầu thế kỉ XX, một số nhà thám hiểm mới đặt chân lên lục địa Nam Cực và sau đó tiến sâu vào các vùng nội địa.

- Từ năm 1957, việc nghiên cứu châu Nam Cực được tiến hành một cách toàn diện, nhiều nước đã xây dựng các trạm nghiên cứu ở đây.

- Năm 1959, Hiệp ước Nam Cực được 12 nước ký kết nhằm ngăn cấm các hoạt động quân sự, khai thác khoáng sản, thử hạt nhân và thải bỏ chất thải hạt nhân; ủng hộ nghiên cứu khoa học và bảo vệ khu sinh thái của lục địa.

Câu 3 trang 175 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Em hãy tìm hiểu về Hiệp ước Nam Cực (1959) và viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) với thông điệp: Nam Cực vì hòa bình thế giới.

Trả lời:

* Một số thông tin về Hiệp ước Nam Cực (1959):

- Hiệp ước Nam Cực được kí kết năm 1959 và có hiệu lực kể từ năm 1961. Hiệp ước gồm 14 Điều với các nội dung chính sau:

+ Thừa nhận trách nhiệm chung trong sử dụng và quản lí châu Nam Cực.

+ Duy trì tình trạng phi quân sự hóa ở Nam Cực.

+ Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học.

+ Bảo vệ môi trường Nam Cực.

+ Dừng lại các yêu sách về lãnh thổ của các quốc gia thành viên trong giai đoạn Hiệp ước có hiệu lực.

* Đoạn văn ngắn tham khảo

(1)  Hiệp ước Nam Cực là hiệp ước được ký kết năm 1959, chính thức có hiệu lực vào năm 1961 và đến năm 2020 có tổng cộng 54 quốc gia thành viên. Mục đích của Hiệp ước là nhằm bảo tồn lục địa Nam Cực với toàn bộ vùng lãnh thổ cùng vùng biển nằm dưới vĩ tuyến 60o Nam dành cho các mục đích hòa bình, đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Từ khi được ký kết đến nay, Hiệp ước đã được bổ sung bởi một số công ước và nghị định thư liên quan đến sinh thái/môi trường và cho đến nay đã tạo thành một định chế quốc tế quan trọng đề cập tới các vấn đề về tài nguyên, quân sự và môi trường. Về nội dung, Hiệp ước bao gồm 14 điều, trong đó quy định cấm các hoạt động quân sự, việc sử dụng vũ khí nguyên tử và thải chất thải hạt nhân ở Nam Cực; khuyến khích việc tự do trao đổi thông tin về các nghiên cứu khoa học ở Nam Cực, và cấm các quốc gia đưa ra các yêu sách lãnh thổ mới đối với châu lục này. Hiệp ước Nam Cực có một ý nghĩa quan trọng mang tính chất đột phá vì trên thực tế hiệp ước này đã biến Nam Cực thành một vùng lãnh thổ không có vũ khí hạt nhân.

(2)

Hiệp ước Nam Cực (tiếng Anh, Antarctic Treaty) được kí kết ngày 01-12-1959, là hiệp ước điều chỉnh quan hệ quốc tế giữa các quốc gia đối với châu Nam Cực, châu lục duy nhất trên Trái Đất không có người bản địa sinh sống. Căn cứ theo mục đích của hệ thống hiệp ước, châu Nam Cực được định nghĩa là toàn bộ vùng đất và khối băng nằm ở vòng cực Nam về cực Nam của Trái Đất. Hiệp ước Nam Cực được kí kết, thực hiện góp phần lan tỏa thông điệp “Nam Cực vì hòa bình thế giới.

Hiệp ước chính thức có hiệu lực vào năm 1961, bảo vệ châu Nam Cực vì mục đích tự do nghiên cứu khoa học và nghiêm cấm các hoạt động quân sự trên châu lục này. Theo đó mọi hành vi phân chia lãnh thổ hoặc khai thác tài nguyên ở châu Nam Cực đều vi phạm hiệp ước.

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung soạn địa 7 bài 22 Chân trời sáng tạo: Vị trí địa lí, lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM