Soạn Địa 7 bài 15 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 21/09/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn địa 7 bài 15 Chân trời sáng tạo : Phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững, một số trung tâm kinh tế của Bắc Mỹ, gợi ý trả lời toàn bộ nội dung câu hỏi trang 150 - 152 SGK Địa lí 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn địa 7 Chân trời sáng tạo Bài 15: Phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững, một số trung tâm kinh tế của Bắc Mỹ, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp.

Soạn địa 7 bài 15 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập địa lí 7 bài 15 Chân trời sáng tạo:

Mở đầu bài học

Nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Mỹ rất phong phú và đa dạng. Nhờ có phương thức khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lí, Bắc Mỹ đã phát triển trở thành khu vực kinh tế lớn và hiện đại hàng đầu thế giới. Khu vực này đã áp dụng những phương thức khai thác hợp lí tài nguyên theo hướng bền vững. Nơi đây có nhiều trung tâm kinh tế lớn như Niu Iooc, Bô-xtơn, Tô-rôn-tô…

1. Phương thức khai thác các nguồn tài nguyên theo hướng bền vững

Câu hỏi trang 150 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Dựa vào hình 15.1, hình 15.2 và thông tin trong bài, em hãy phân tích phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững ở Bắc Mỹ thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên.

Hình 15.1, 15.2 trang 150 - 151 SGK Lịch sử và địa lí 7 Chân trời sáng tạo

Trả lời:

Phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững ở Bắc Mỹ thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên:

- Khai thác tài nguyên đất:

+ Tiến hành chuyên canh sản xuất nông nghiệp trong các trang trại lớn. Tuy nhiên, đất đai bị thoái hóa do thời gian dài sử dụng lượng phân hóa học lớn.

+ Áp dụng khoa học - kĩ thuật hiện đại kết hợp với các phương thức khai thác đa canh và luân canh, trồng trọt kết hợp chăn nuôi, tăng cường sử dụng nguồn phân bón sinh học => Năng suất lao động rất cao, đồng thời bảo vệ và chống thoái hóa đất.

- Khai thác tài nguyên nước:

+ Nguồn nước ở Bắc Mỹ được sử dụng tổng hợp trong nhiều lĩnh vực: giao thông thủy, phát triển thủy điện, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch,... Việc khai thác quá mức cùng với lượng chất thải rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt đã làm ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, các nước Bắc Mỹ đã đề ra những quy định rất chặt chẽ về việc xả thải, chú trọng tiết kiệm nguồn nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt.

- Khai thác tài nguyên khoáng sản:

+ Các nguồn tài nguyên khoáng sản đang dần bị cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản của khu vực tăng lên nhanh chóng từ những năm 1950, nhất là khai thác than, dầu mỏ và khí tự nhiên.

+ Hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, thủy triều,... đang được sử dụng thay thế dần cho nguồn năng lượng hóa thạch.

- Khai thác các tài nguyên khác

+ Để đảm bảo sự phát triển của nguồn lợi thủy hải sản, các nước ở Bắc Mỹ đã có những quy định rất chặt chẽ về thời gian đánh bắt, kích thước và số lượng hải sản được đánh bắt cho mỗi loại phương tiện cụ thể.

+ Bên cạnh việc khai thác, các quốc gia Bắc Mỹ cũng đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ rừng như ban hành luật bảo vệ rừng, quy định trồng mới rừng sau khi khai thác,...

2. Một số trung tâm kinh tế của Bắc Mỹ

Câu hỏi trang 152 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Quan sát hình 15.3, em hãy:

- Xác định trên bản đồ các trung tâm kinh tế quan trọng của Bắc Mỹ.

- Kể tên các ngành kinh tế ở một số trung tâm.

Hình 15.3 trang 152 SGK Lịch sử và địa lí 7 Chân trời sáng tạo

Trả lời:

- Các trung tâm kinh tế quan trọng của Bắc Mỹ: Lốt An-giơ-lét, Lat Vê-gat, Xan Phran-xi-xcô, Xit-tơn, Van-cu-vơ, Can-ga-ri, Et-mơn-tơn, Hiu-xtơn,  Si-ca-gô, Đi-tơ-roi, Tô-rôn-tô, Môn-trê-an, Bô-xtơn, Niu-oóc.

- Các ngành kinh tế ở một số trung tâm:

+ Trung tâm Lốt An-giơ-lét: cơ khí, tài chính, công nghệ thông tin, thời trang, thương mại, truyền thông.

+ Trung tâm Lat Vê-gat: tài chính, chăm sóc sức khỏe, du lịch, công nghệ thông tin.

+ Trung tâm Van-cu-vơ: chế biến nông lâm thủy sản, công nghệ thông tin, tài chính.

+ Trung tâm Niu-oóc: tài chính, công nghệ thông tin, thời trang, thương mại, truyền thông.

+ Trung tâm Xan Phran-xi-xcô: cơ khí, du lịch, giáo dục và nghiên cứu khoa học, thời trang, truyền thông, tài chính.

+ Trung tâm Tô-rôn-tô: truyền thông, tài chính, thời trang, thương mại, cơ khí.

+ Trung tâm Bô-xtơn: công nghệ thông tin, thời trang, tài chính, giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Luyện tập - vận dụng

Câu 1 trang 152 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Vì sao các hoạt động kinh tế ở Bắc Mỹ có hiệu quả cao về kinh tế và môi trường?

Trả lời:

Các hoạt động kinh tế ở Bắc Mỹ có hiệu quả cao về kinh tế và môi trường vì những lí do sau:

- Có những phương thức khai thác tài nguyên hợp lí, cùng với khoa học công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, đem lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường.

- Bên cạnh việc khai thác, con người đi liền với bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Câu 2 trang 152 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Em hãy tìm hiểu thông tin và giới thiệu với các bạn về một hoạt động sản xuất theo hướng phát triển bền vững ở Bắc Mỹ.

Trả lời:

Có thể tham khảo một số bài mẫu dưới đây:

* Ngành kinh doanh thủy sản ở Bắc Mỹ được sản xuất theo hướng phát triển bền vững:

- Khảo sát kỹ nguồn cung cấp nguyên liệu thủy sản có phải từ khai thác hợp pháp hay không.

- Thông cáo lời cam kết về nguồn thực phẩm thủy sản từ nguồn nguyên liệu khai thác bền vững hoặc thực phẩm thủy sản có đủ điều kiện, giấy phép chứng nhận.

- Giảm việc buôn bán các loài khi xác định nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất không theo biện pháp bền vững.

Ngành công nghiệp thực phẩm thủy sản ở Bắc Mỹ đã thực hiện các biện pháp thương mại để xúc tiến khai thác thủy sản bền vững. Các nhà chế biến thực phẩm hay các siêu thị ở Bắc Mỹ đã đặt bền vững như một tiêu chuẩn khi tiến hành việc lựa chọn nguồn cung ứng thủy sản. Việc mua bán chỉ thực hiện khi nguồn cung ứng thủy sản có đủ điều kiện giấy phép và giấy chứng nhận của cơ quan quản lý biển thông qua hệ thống kiểm tra. Các tiêu chuẩn bền vững thủy sản ở đây cũng được xây dựng dựa trên Quy chuẩn ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.

* Công trình xanh (hay còn gọi là kiến trúc xanh hoặc tòa nhà thân thiện môi trường) là sự kết hợp giữa kiến trúc và áp dụng quá trình mang tính chất thân thiện với môi trường và tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt toàn bộ chu kì hoàn thành của một tòa nhà: từ lúc lên kế hoạch thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá hủy. Hệ thống kiểm soát năng lượng và thiết kế phù hợp môi trường (LEED) là hệ thống xếp hạng các thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì của công trình xanh được phát triển bởi Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ.

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung soạn địa 7 bài 15 Chân trời sáng tạo: Phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững, một số trung tâm kinh tế của Bắc Mỹ do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM