Cùng Đọc tài liệu đi vào trả lời các câu hỏi thuộc Soạn địa 10 Cánh diều bài 5: Thạch quyển. Nội lực và tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất. Nội dung này chắc chắn sẽ giúp các em chuẩn bị bài học trước khi đến lớp tốt nhất.
Hướng dẫn soạn địa 10 Cánh diều bài 5
Tài liệu giải bài tập địa lí 10 bài 5 Cánh diều chi tiết:
I. Thạch quyển
Trả lời câu hỏi trang 19:
Câu hỏi: Đọc thông tin và quan sát hình 5.1, hãy trình bày khái niệm thạch quyển và phân biệt thạch quyển với vỏ Trái Đất.
Trả lời:
- Khái niệm thạch quyển: Là phần trên cùng của Trái Đất, bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên lớp man-ti. Thành phần cấu tạo chủ yếu là các đá ở thể rắn. Giới hạn dưới của thạch quyển ở độ sâu khoảng 100 km, độ dày không đồng nhất, mỏng ở vỏ đại dương, dày hơn ở vỏ lục địa.
- Phân biệt thạch quyển với vỏ Trái Đất
+ Thạch quyển là lớp vỏ cứng ngoài cùng nhất của các hành tinh có đất đá. Trên Trái Đất, thạch quyển bao gồm lớp vỏ và tầng trên cùng nhất của lớp phủ (lớp phủ trên hoặc thạch quyển dưới), được kết nối với lớp vỏ.
+ Lớp vỏ là một phần của thạch quyển và là lớp ngoài cùng của hành tinh, lớp vỏ các hành tinh là hỗn hợp của các chất ít đậm đặc hơn so với các lớp sâu bên trong của chúng.
II. Khái niệm và nguyên nhân của nội lực
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy trình bày khái niệm và nguyên nhân của nội lực.
Trả lời:
- Khái niệm của nội lực: là lực sinh ra từ bên trong Trái Đất.
- Nguyên nhân của nội lực: do nguồn năng lượng từ quá trình phân hủy các chất phóng xạ, sự sắp xếp vật chất theo trọng lực, năng lượng của các phản ứng hoá học,… xảy ra bên trong Trái Đất.
III. Tác động của nội lực đến sự hình thành địa hình
Trả lời câu hỏi trang 20: Soạn Địa 10 Cánh diều bài 5
Câu 1: Đọc thông tin và quan sát hình 5.2, hình 5.3, hãy trình bày tác động của hiện tượng uốn nếp và đứt gãy đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất.
Trả lời:
- Hiện tượng uốn nếp
+ Vận động nén ép làm các khu vực cấu tạo bằng đá mềm của vỏ Trái Đất bị uốn nếp.
+ Nếu cường độ nén ép mạnh sẽ hình thành các vùng núi uốn nếp. Ví dụ: hệ thống núi Hi-ma-lay-a, An-đet, Coóc-đi-e,...
- Hiện tượng đứt gãy
+ Tại những khu vực cấu tạo bởi đá cứng, vận động kiến tạo làm các lớp đá của vỏ Trái Đất bị nứt vỡ, hình thành các vết nứt hoặc đứt gãy kéo dài.
+ Hai bên đứt gãy có bộ phận được nâng lên (tạo thành dãy núi, khối núi,...) và có bộ phận hạ thấp (tạo thành thung lũng).
+ Các đứt gãy lớn đã tạo điều kiện để hình thành nhiều thung lũng sông trên bề mặt Trái Đất.
+ Dọc theo đứt gãy có thể hình thành biển hoặc các hồ tự nhiên, ví dụ như Biển Đỏ và các hồ ở khu vực phía đông lục địa Phi.
Câu 2: Đọc thông tin và dựa vào kiến thức đã học, hãy trình bày tác động của hoạt động núi lửa đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất.
Trả lời:
Tác động của hoạt động núi lửa đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất:
- Hoạt động núi lửa có thể xuất hiện trên lục địa và trên biển, đại dương.
- Núi lửa làm thay đổi địa hình do hoạt động phun trào và đông cứng mac-ma trên bề mặt Trái Đất.
- Trên lục địa, hoạt động núi lửa tạo thành các ngọn núi lửa đứng độc lập hoặc tập hợp thành khối, dãy núi lửa.
- Miệng núi lửa đã ngừng hoạt động thường tạo thành thung lũng hoặc hồ tự nhiên (hồ núi lửa).
- Dọc theo các đứt gãy, hoạt động núi lửa có thể phun trào mac-ma trên diện rộng, tạo thành những bề mặt địa hình rộng lớn, ví dụ như các cao nguyên ba-dan ở Tây Nguyên của nước ta.
- Hoạt động núi lửa còn tạo nên các đảo, quần đảo ở nhiều vùng biển và đại dương trên thế giới.
IV. Sự phân bố vành đai động đất, núi lửa trên Trái Đất.
Trả lời câu hỏi trang 22: Soạn Địa 10 Cánh diều bài 5
Câu hỏi: Đọc thông tin và quan sát hình 5.4, hãy:
- Xác định các vành đai động đất và vành đai núi lửa trên Trái Đất.
- Nhận xét và giải thích sự phân bố các vành đai động đất, vành đai núi lửa.
Trả lời:
- Vành đai động đất: phía tây châu Mĩ, giữa Đại Tây Dương, từ Địa Trung Hải qua Nam Á đến In-đô-nê-xi-a, phía tây Thái Bình Dương.
- Vành đai núi lửa: phía tây châu Mĩ, đông Đại Tây Dương, từ Địa Trung Hải qua Nam Á đến In-đô-nê-xi-a, phía tây Thái Bình Dương.
- Nhận xét: Các vành đai động đất, núi lửa nằm ở nơi tiếp xúc của các mảng kiến tạo, nơi diễn ra sự chuyển dịch của các mảng (tách rời hoặc xô húc nhau).
Luyện tập và vận dụng trang 21
Câu 1. Trình bày tác động của nội lực đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất.
Trả lời:
Nội lực tác động đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất chủ yếu thông qua uốn nếp và đứt gãy
- Hiện tượng uốn nếp
+ Vận động nén ép làm các khu vực cấu tạo bằng đá mềm của vỏ Trái Đất bị uốn nếp.
+ Nếu cường độ nén ép mạnh sẽ hình thành các vùng núi uốn nếp. Ví dụ: hệ thống núi Hi-ma-lay-a, An-đet, Coóc-đi-e,...
- Hiện tượng đứt gãy
+ Tại những khu vực cấu tạo bởi đá cứng, vận động kiến tạo làm các lớp đá của vỏ Trái Đất bị nứt vỡ, hình thành các vết nứt hoặc đứt gãy kéo dài.
+ Hai bên đứt gãy có bộ phận được nâng lên (tạo thành dãy núi, khối núi,...) và có bộ phận hạ thấp (tạo thành thung lũng).
+ Các đứt gãy lớn đã tạo điều kiện để hình thành nhiều thung lũng sông trên bề mặt Trái Đất.
+ Dọc theo đứt gãy có thể hình thành biển hoặc các hồ tự nhiên, ví dụ như Biển Đỏ và các hồ ở khu vực phía đông lục địa Phi.
Câu 2. Hãy nêu ví dụ về địa hình được tạo thành chủ yếu do nội lực mà em biết ở nước ta.
Trả lời:
- Học sinh tìm hiểu kiến thức qua sách, báo hoặc internet.
- Địa hình được tạo thành chủ yếu do nội lực ở nước ta là dãy núi Hoàng Liên Sơn, một số dãy núi dọc biên giới, Tam Đảo,…
- Cao nguyên ba-dan ở Tây nguyên nước ta hình thành do dọc theo các đứt gãy, hoạt động núi lửa phun trào mac-ma trên diện rộng.
- Miền núi Tây Bắc Việt Nam do hiện tượng uốn nếp, cường độ uốn nếp mạnh tạo thành.
- Kết thúc nội dung soạn địa 10 Cánh diều bài 5-
-/-
Trên đây là toàn bộ nội dung Soạn địa 10 Cánh diều bài 5: Thạch quyển. Nội lực và tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất. Chúc các em học tốt.