Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch vai trò và đặc điểm gì? Sự phát triển và phân bố chịu ảnh hưởng của các nhân tố nào? Tình hình phát triển và phân bố của thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch ra sao?
Cùng Đọc tài liệu đi vào trả lời các câu hỏi thuộc Soạn địa 10 Cánh diều bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch. Nội dung này chắc chắn sẽ giúp các em chuẩn bị bài học trước khi đến lớp tốt nhất.
Hướng dẫn soạn địa 10 Cánh diều bài 28
Tài liệu giải bài tập địa lí 10 bài 28 Cánh diều chi tiết:
I. Thương mại
1. Vai trò, đặc điểm các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố thương mại
* Vai trò
Câu hỏi: Đọc thông tin và quan sát hình 28.1, hãy nêu ví dụ cụ thể về vai trò của ngành thương mại.
Trả lời:
- Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua.
=> Ví dụ: Việc mua bán, trao đổi hàng hóa sử dụng hằng ngày như gạo, thực phẩm ở chợ, siêu thị,...
- Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
=> Ví dụ: Ở nước ta trong những năm gần đây, mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề bao gồm cả thương nghiệp, nhà hàng ăn uống, dịch vụ, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên cả nước.
- Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thố trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế của mỗi nước là một bộ phận khắng khít của nền kinh tế thế giới.
=> Ví dụ: Việt Nam giao lưu với các nước để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa -> Nhật Bản nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.
- Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
=> Ví dụ: Xu hướng chi tiêu và sở thích mua sắm trong bối cảnh dịch Covid đã thay đổi, từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến.
* Đặc điểm
Câu hỏi: Quan sát hình 28.2, hãy trình bày và nêu ví dụ cụ thể về một trong ba đặc điểm của thương mại.
Trả lời:
- Đặc điểm của thương mại
+ Hoạt động theo quy luật cung, cầu; gắn liền với giá cả, thị trường và xu hướng trong cung, cầu của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.
+ Không gian hoạt động ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia (nội thương) mà còn mở rộng ra thế giới, mang tính toàn cầu (ngoại thương).
+ Hoạt động chủ yếu có hai nhóm là mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.
- Ví dụ: Khi người mua có nhu cầu lớn về một mặt hàng, sản phẩm (điện thoại Iphone, xe điện,…) thì nhà sản xuất, kinh doanh sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm đó và ngược lại.
* Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy lựa chọn và phân tích một hoặc hai nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành thương mại. Lấy ví dụ cụ thể.
Trả lời:
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành thương mại, chủ yếu là các nhân tố sau:
- Trình độ phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất vật chất tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu trong nước, cung cấp nhiều mặt hàng xuất khẩu.
- Đặc điểm dân số, trong đó số dân và nguồn lao động, cơ cấu dân số, sự phân bố dân cư và mạng lưới điểm quần cư, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng,... ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nội thương, đến việc tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cần nhiều lao động.
- Khoa học - công nghệ và chính sách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ cấu thương mại, mở rộng hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, hình thành nhiều loại hình và phương thức hoạt động mới như thương mại điện tử, các siêu thị và trung tâm thương mại.
- Nhân tố khác: Các nhân tố cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn,... ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và phân bố của thương mại.
2. Tình hình phát triển và phân bố
Câu 1: Đọc thông tin, hãy trình bày tình hình phát triển và phân bố ngành nội thương.
Trả lời:
- Tình hình phát triển
+ Nội thương là hoạt động thương mại diễn ra bên trong phạm vi của một quốc gia.
+ Hoạt động nội thương là điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, tạo ra thị trường thống nhất trong nước và đẩy mạnh phân công lao động giữa các vùng.
+ Nội thương đáp ứng mọi nhu cầu của sản xuất và đời sống, lưu thông hàng hoá và dịch vụ trong nước được thông suốt.
+ Trong hoạt động nội thương, chỉ tiêu Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được coi là thước đo quan trọng.
- Phân bố
+ Việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thường diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại.
+ Hệ thống bán buôn, bán lẻ phát triển nhanh trên toàn thế giới, nhiều tập đoàn thương mại và siêu thị lớn đã có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
+ Xã hội văn minh, hiện đại, con người có xu hướng mua sắm hàng hoá ở các siêu thị, trung tâm thương mại và mua bán online.
Câu 2: Đọc thông tin, hãy trình bày tình hình phát triển và phân bố ngành ngoại thương.
Trả lời:
- Tình hình phát triển
+ Ngoại thương là hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ.
+ Hoạt động ngoại thương gắn liền với xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.
+ Quan hệ so sánh giữa trị giá hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với trị giá hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu gọi là cán cân xuất nhập khẩu.
+ Xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập làm cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động và gia tăng nhanh chóng.
+ Cơ cấu hàng xuất khẩu trên thế giới có những thay đổi rõ rệt.
- Phân bố
+ Các khu vực có đóng góp lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá là Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á,...
+ Các quốc gia có trị giá xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc,...
+ Những nước xuất siêu là Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc,...; những nước nhập siêu là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản,...
II. Tài chính ngân hàng: Soạn Địa 10 Cánh diều bài 28
1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố tài chính ngân hàng.
* Vai trò
Câu hỏi: Đọc thông tin và quan sát hình 28.4, hãy nêu ví dụ cụ thể về vai trò của ngành tài chính ngân hàng.
Trả lời:
Vai trò của ngành tài chính ngân hàng và ví dụ:
- Là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu khác nhau của sản xuất và đời sống.
=> Ví dụ: Các dịch vụ tài chính như: Bảo hiểm, Nhận tiền gửi, cho vay, chứng khoán,…
- Tạo cơ hội cho nhà sản xuất và người dân thanh khoản trên thị trường, duy trì nguồn cung tài chính thông qua việc hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ.
=> Ví dụ: Ngày nay, các chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như vay vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Các khoản vay sẽ giúp hỗ trợ các nhu cầu về vốn một cách nhanh chóng, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm thời gian, tiếp cận nhiều cơ hội mới và phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- Điều tiết và ổn định nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế.
=> Ví dụ: Kinh tế trong nước năm 2021 đối mặt với những khó khăn chưa từng có do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lên đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa ra các quyết sách hỗ trợ nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với sứ mệnh điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì vốn cho sản xuất, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. -> bảo đảm thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ các TCTD đẩy mạnh tín dụng, ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của TCTD giảm,…
- Góp phần hình thành quan hệ tích luỹ và tiêu dùng hợp lí.
=> Ví dụ: Có các chính sách cho vay hợp lí.
* Đặc điểm
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy trình bày và nêu ví dụ cụ thể về đặc điểm của ngành tài chính ngân hàng.
Trả lời:
Đặc điểm của ngành tài chính ngân hàng:
- Gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng.
=> Ví dụ:
+ Các công ty tài chính: giúp huy động vốn cho vay, đầu tư, cung ứng dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ nhưng nguyên tắc không được làm dịch vụ thanh toán và không được nhận tiền gửi dưới một năm.
+ Các ngân hàng thương mại: kinh doanh cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
- Các tổ chức tài chính và các ngân hàng có quy mô khác nhau dựa trên tài sản, doanh thu và đôi tượng phục vụ.
=> Ví dụ: Các ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu,… Các công ty tài chính như Công ty tài chính cổ phần Điện Lực, Công ty tài chính TNHH MTV Bưu điện,..
- Tính thuận tiện, nhanh chóng, lãi suất, phi dịch vụ quyết định tới việc lựa chọn các tổ chức tài chính và các ngân hàng của người tiêu dùng.
=> Ví dụ: Những ngân hàng có dịch vụ thanh toán nhanh, lãi suất vay thấp sẽ nhận được nhiều sự lựa chọn hơn.
* Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy và phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến sự phát triển và phân bố ngành tài chính ngân hàng.
Trả lời:
Tài chính ngân hàng hoạt động được là nhờ sự lưu thông và vận hành tiền tệ thống qua ngân hàng, chịu ảnh hưởng của các nhân tố chủ yếu sau:
- Sự phát triển của nền kinh tế: kinh tế càng phát triển sẽ tạo ra nhiều tổng sản phẩm xã hội, cơ sở để tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu hoặc tích luỹ tiền tệ của mọi chủ thể trong xã hội.
- Khoa học - công nghệ, mức thu nhập của dân cư,... cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của tài chính ngân hàng.
- Chính sách tài chính ảnh hưởng đến sự phát triển và hiệu quả của ngành.
2. Tình hình phát triển và phân bố
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy cho biết các trung tâm tài chính ngân hàng lớn trên thế giới.
Trả lời:
Các trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay là Niu Y-oóc, Luân-đôn, Tô-ky-ô, Thượng Hải, Bắc Kinh, Xin-ga-po, Phran-phuốc, Zu-rich,....
III. Du lịch: Soạn Địa 10 Cánh diều bài 28
1. Vai trò, đặc điểm các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố du lịch
* Vai trò
Câu hỏi: Đọc thông tin và quan sát hình 28.6, hãy nêu ví dụ về vai trò của ngành du lịch.
Trả lời:
Vai trò của ngành du lịch:
- Kích thích sự phát triển của nhiều ngành kinh tế; mang lại nguồn thu ngoại tệ, tăng nguồn thu ngân sách cho quốc gia và địa phương.
=> Ví dụ: Tại Việt Nam du lịch được đánh giá là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn được nhà nước chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, không ngừng phát triển và đóng góp rất lớn và nền kinh tế đất nước.
- Tạo nhiều việc làm, giảm nghèo; phục hồi sức khoẻ; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia.
=> Ví dụ: Ngành du lịch giúp tạo cơ hội việc làm lớn cho lao động, đặc biệt là lao động nữ. Ở các vùng cao, ngành du lịch tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân nông thôn, tạo ra những chuyển biến tích cực xã hội, nâng cao mức sống.
- Góp phần khai thác, sử dụng hợp lí và hiệu quả tài nguyên; bảo vệ, khôi phục và tôn tạo môi trường (tự nhiên và nhân văn).
=> Ví dụ: Các khu bảo tồn thiên nhiên như Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Bà Nà Núi Chúa, Pù Luông,..
* Đặc điểm
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy trình bày đặc điểm của ngành du lịch.
Trả lời:
Du lịch là hoạt động của con người nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá tài nguyên du lịch,... có những đặc điểm nổi bật sau:
- Hoạt động du lịch thường gắn với tài nguyên du lịch, khách du lịch phải đến nơi có tài nguyên du lịch nhờ các dịch vụ du lịch để thoả mãn nhu cầu của mình.
- Nhu cầu của khách du lịch rất đa dạng và phong phú, thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào thu nhập, nghề nghiệp, độ tuổi,..
- Hoạt động du lịch thường có tính mùa vụ.
* Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy chọn và phân tích 1 - 2 ảnh hưởng của các nhân tố đến sự phát triển và phân bố du lịch.
Trả lời:
- Tài nguyên du lịch là điều kiện cần thiết để phát triển và phân bố du lịch, là nhân tố cơ bản tạo nên các sản phẩm du lịch, thoả mãn nhu cầu của khách du lịch.
- Thị trường khách du lịch ảnh hưởng tới việc hình thành và phát triển du lịch, tới cơ cấu các sản phẩm du lịch và doanh thu của ngành du lịch. Thị trường khách du lịch nội địa hay quốc tế có nhu cầu du lịch khác nhau, mức chi tiêu khác nhau.
- Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thông tin liên lạc,...) và cơ sở vật chất kĩ thuật ngành du lịch (cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí, cơ sở dịch vụ,...) ảnh hưởng tới hoạt động du lịch, tới khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
- Các nhân tố khác: các nhân tố kinh tế - xã hội khác như khoa học công nghệ, chính sách phát triển du lịch, điều kiện chính trị và an toàn xã hội,... ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố du lịch.
2. Tình hình phát triển và phân bố du lịch
Câu hỏi: Đọc thông tin, hãy trình bày tình hình phát triển ngành du lịch.
Trả lời:
Tình hình phát triển ngành du lịch
- Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” và có đóng góp quan trọng vào GDP của nhiều quốc gia.
- Bước sang thế kỉ XXI, lượng khách du lịch quốc tế tăng lên không ngừng.
- Doanh thu từ du lịch cũng ngày càng lớn.
- Các hình thức du lịch ngày càng phong phú, từ truyền thống (du lịch biển, nghỉ dưỡng vùng núi, mạo hiểm,...) đến các hình thức mới (du lịch hội thảo, hội nghị, sự kiện, mua sắm,...).
- Các tuyến, tour và sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng.
- Những nước đứng hàng đầu thế giới về số lượt khách và doanh thu du lịch là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Pháp, I-ta-li-a, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,…
Luyện tập và vận dụng trang 112: Soạn Địa 10 Cánh diều bài 28
Câu 1. Cho bảng số liệu sau:
Bảng 28. Trị giá xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá của các châu lục năm 2019*
(Đơn vị: tỉ USD)
Châu lục | Trị giá xuất khẩu | Trị giá nhập khẩu |
---|---|---|
Châu Âu | 7541,1 | 7316,7 |
Châu Mỹ | 3148 | 4114,6 |
Châu Á | 6252,3 | 6053,5 |
Châu Phi | 462,2 | 569,1 |
Châu Đại Dương (Ô-xtrây-li-a và Niu Di-len) | 311,1 | 263,8 |
Tổng | 17714,7 | 18317,7 |
* Chỉ tính các nước WTO
a) Hãy vẽ biểu đồ tròn thể hiện tỉ trọng trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hoá của các châu lục so với tổng trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu của WTO năm 2019.
b) Nhận xét về cơ cấu trị giá xuất khẩu, nhập khẩu theo châu lục và khu vực trên thế giới.
Trả lời:
a) Vẽ biểu đồ
- Tính tỉ trọng
Tỉ trọng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá của các châu lục năm 2019
(Đơn vị: %)
Châu lục | Trị giá xuất khẩu | Trị giá nhập khẩu |
---|---|---|
Châu Âu | 42,6 | 39,9 |
Châu Mỹ | 17,8 | 22,5 |
Châu Á | 35,3 | 33 |
Châu Phi | 2,6 | 3,1 |
Châu Đại Dương (Ô-xtrây-li-a và Niu Di-len) | 1,7 | 1,5 |
Tổng | 100 | 100 |
Biểu đồ:
b) Nhận xét về cơ cấu trị giá xuất khẩu, nhập khẩu theo châu lục và khu vực trên thế giới
- Tỉ trọng xuất nhập khẩu theo khu vực và châu lục trên thế giới khác nhau.
- Tỉ trọng giá trị xuất khẩu: Châu Âu lớn nhất (42,6%), tiếp đến là châu Á (35,3%), châu Mỹ (17,8%), chiếm tỉ trọng thấp nhất là châu Đại Dương (1,7%).
- Tỉ trọng giá trị nhập khẩu: Châu Âu lớn nhất (39,9%), tiếp đến là châu Á (33,0%), châu Mỹ (22,5%), chiếm tỉ trọng thấp nhất là châu Đại Dương (1,5%).
-> Châu Âu và châu Á có tỉ trọng xuất, nhập khẩu lớn nhất, châu Đại Dương nhỏ nhất.
Câu 2. Hãy thu thập tài liệu, viết báo cáo tìm hiểu về địa phương cho một trong các nội dung sau:
- Một ngành giao thông vận tải.
- Tài nguyên du lịch hoặc một điểm du lịch.
- Một siêu thị hoặc trung tâm thương mại.
Trả lời:
- Học sinh tìm hiểu thông tin qua sách, báo, internet và viết báo cáo.
- Ví dụ: Động Phong Nha: Khám phá vẻ đẹp kỳ quan đệ nhất động
1. Vị trí Động Phong Nha
Động Phong Nha nằm trong vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới về phía Tây Bắc khoảng 45km.
Trong các hang động thì Phong Nha thật sự nổi bật nhất với chiều dài khảo sát lên tới gần 8km, có nhiều hang động đẹp, thạch nhũ bắt mắt. Tất cả làm nên vẻ đẹp hùng vĩ, mang tới cảm giác lý thú, thư thái và dễ chịu cho du khách tới đây tham quan.
2. Giới thiệu về Động Phong Nha
2.1. Về tên gọi của Động Phong Nha
Động Phong Nha có cái tên đầy thi vị mang ý nghĩa “gió luồn qua kẽ rằng” vì sở hữu những măng đá rũ xuống ở cửa hang, tạo nên hình ảnh biểu tượng đúng với cái tên Phong Nha. Tuy thường được gọi là động Phong Nha Kẻ Bàng nhưng thực chất động Phong Nha chỉ là một trong số rất nhiều hang động khác thuộc vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng mà thôi. Nơi đây còn được mệnh danh là “Thiên Nam đệ nhất động” khi trở thành điểm đầu tiên được đưa vào khai thác phục vụ du lịch tại Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình.
2.2. Về đặc điểm cấu tạo của Động Phong Quảng Bình
Động dài 7.729 m, cửa động rộng 20-25m, cao 10m, sâu 83m, gồm 12 hang chính và khá nhiều nhánh hang phụ nối liền nhau. Đặc trưng của nơi đây là sở hữu nhiều thạch nhũ với nhiều hình dáng đẹp, bắt mắt với không khí mát mẻ, dễ chịu, rất được du khách yêu thích.
3. Khám phá 7 cái nhất của Phong Nha - Kẻ Bàng khiến du khách say lòng
3.1. Là động có hang nước dài nhất - 28 km
Du lịch Phong Nha Kẻ Bàng, bạn sẽ phải ấn tượng với Hang Vòm - hang nước dài nhất với chiều dài lên tới 28km. Trong khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, hệ thống hang Vòm có quy mô khá đáng kể, bắt đầu từ hang Rục Cà Roòng nằm ở độ cao trên mực biển khoảng 360m, trải dài từ Nam lên Bắc.
3.2. Động có cửa hang cao, rộng nhất hiện nay
Cửa hang có chiều rộng lên tới 20-25m và chiều cao 10m, trông giống như một cái bát tô úp trên mặt nước, giúp thuyền bè dễ dàng đi qua. Đây cũng là nút giao của ánh sáng khi con thuyền lênh đênh trên mặt sông trong veo và phẳng lặng như mặt gương, dần dần đi vào bóng tối và khám phá những điều huyền bí.
3.3. Động chứa bãi cát và bãi đá ngầm rộng, đẹp nhất
Những khối đá ngầm trong động được thiên nhiên tạo nên hình hài như sư tử, kỳ lân, tượng phật, cung đình, vô chầu... là một trong những nét độc đáo, khiến du khách tò mò nhất để dự đoán đúng hình dạng tự nhiên và tên gọi của chúng.
3.4. Động có hồ ngầm đẹp nhất
Hồ nước ngầm với sắc nước xanh thăm thẳm, chiều dài lên tới 13.969m là một điểm quyến rũ khi du lịch động Phong Nha. Tại đây, du khách có thẻ trải nghiệm chèo thuyền khám phá để thong dong ngắm nhìn thế giới thần tiên trước mắt.
3.5. Hệ thống thạch nhũ trong động đẹp, hùng vĩ với nhiều hình thú nhất
Không chỉ sở hữu những bãi đá ngầm, hồ ngầm tuyệt đẹp, nơi đây còn khiến bao du khách choáng ngợp bởi cảnh tượng tráng lệ, huyền ảo của hệ thống thạch nhũ đồ sộ. Bàn tay kỳ diệu của tự nhiên cũng tô vẽ nên nhiều kiệt tác với vô số hình ảnh kỳ lạ và hấp dẫn.
3.6. Động sở hữu sông ngầm dài nhất nước ta 1.500 mét
Dòng sông ngầm trong lòng động có độ dài lên tới 1.500m, là hành trình mà du khách sẽ được khám phá những vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ, tận mắt chứng kiến quang cảnh kỳ diệu khi mà ánh sáng lung linh kỳ ảo hòa quyện cùng bóng tối.
3.7. Động có hang khô rộng và đẹp nhất
Thăm thú động Thiên Đường với chiều dài 31.4m, bạn có thể dọc theo hành lang gỗ được bố trí sẵn tại điểm nghỉ để chiêm ngưỡng hệ thống thạch nhũ kỳ vĩ nơi đây. Càng đi sâu vào bên trong, những tín đồ phiêu lưu mạo hiểm càng có cơ hội được đích thân khám phá thế nào là tuyệt tác của tự nhiên, nhìn từng măng đá, vú đá với đa dạng kiểu dáng và lấp lánh những sắc màu riêng. Để có thể trải nghiệm trọn vẹn từng khoảnh khắc, không bỏ qua bất cứ hoạt động khám phá thú vị nào tại Phong Nha Kẻ Bàng, du khách nên dành ra khoảng 1 ngày tham quan trong thư thả và thoải mái.
4. Giá trị văn hóa của Phong Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa tại đây
Giá trị về thiên nhiên: Động Phong Nha mở ra trước mắt mọi người một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là giá trị tuyệt vời mà không một bàn tay nào có thể làm nên.
Giá trị về lịch sử: Suốt nhiều năm khai thác, động vẫn giữ được vẻ đẹp trường tồn với thời gian, ghi lại dấu ấn đậm sâu và vẹn nguyên sức hấp dẫn trong lòng mỗi du khách.
Giá trị về du lịch: Thông qua việc bảo tồn và khai thác giá trị thiên nhiên của động Phong Nha, nơi đây đã góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch của cả khu vực, đón hàng triệu khách từ khắp mọi miền Tổ Quốc cũng như trên khắp thế giới tới đây khám phá mỗi năm, giúp người dân Quảng Bình có thêm nhiều cơ hội phát triển hơn.
5. Hướng dẫn cách di chuyển khi du lịch Động Phong Nha
Để du lịch Phong Nha Kẻ Bàng, trước tiên, tùy vào vị trí xuất phát, bạn có thể lựa chọn giữa các phương tiện như là máy bay (dành cho team ở các thành phố lớn có khoảng cách xa, hoặc yêu cầu tiết kiệm thời gian), hoặc xe khách, xe tự lái… để di chuyển tới thành phố Đồng Hới. Sau đó, bạn có thể thuê taxi, đi dọc theo QL 16 khoảng 45km về phía Tây Bắc để tới sông Son, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
- Kết thúc nội dung soạn địa lí 10 Cánh diều bài 28-
-/-
Trên đây là toàn bộ nội dung Soạn địa 10 Cánh diều bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch. Chúc các em học tốt.