Nội dung soạn bài Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ) gồm có phần tóm tắt kiến thức về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và bài tập cuối bài học (SGK trang 73). Hi vọng bài soạn sẽ là một nguồn học liệu hữu ích cho các em trong quá trình tìm hiểu tác phẩm Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn là một cách để nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.
Cùng tham khảo...
Soạn bài Xin lập khoa luật ngắn gọn
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn bài Xin lập khoa luật ngắn gọn trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1.
Câu 1 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Theo Nguyễn Trường Tộ, luật bao gồm những lĩnh vực nào ? Ông đã giới thiệu việc thực hành luật pháp ở các nước phương Tây ra sao?
Trả lời:
- Theo Nguyễn Trường Tộ, nội dung của luật bao gồm: kỉ cương, uy quyền, chính lệnh (chính sách và luật pháp) của quốc gia.
- Tác giả đề cao luật, đề cao những người hiểu biết luật và có khả năng dùng luật để điều khiển công việc quốc gia.
Câu 2 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Tác giả chủ trương vua, quan và dân phải có thái độ như thế nào trước pháp luật? Vì sao ông lại chủ trương như vậy ?
Trả lời:
Theo Nguyễn Trường Tộ, kỉ cương, uy quyền, chính kệnh để duy trì sự tồn tại của đất nước. Vì vậy, tác giả khẳng định: “Bất luận quan hay dân mọi người đều phải học luật nước”. Luật đã giao thì làm sao giữ được kỉ cương phép nước. Từ quan cho đến thứ dân đều phải hiểu và làm theo luật.
Câu 3 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Theo Nguyễn Trường Tộ, Nho học truyền thống có tôn trọng luật pháp không?
Trả lời:
Theo tác giả, Nho học không có truyền thống tôn trọng luật pháp. Bởi: “Biết rằng đạo làm người không gì bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách Nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng bị ai phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng. Bởi vậy xưa nay học đã nhiều mà mấy ai đổi được tâm tính, sửa được lỗi lầm?”. Hơn nữa, “Từ xưa đến nay các vua chúa nắm quyền thống trị cứu nước giúp đời đều nhờ hiểu luật, còn các sách cũng chỉ là phụ thuộc. Nếu trong nước không có luật thì dù có vạn quyển sách cũng không thể trị dân được”.
Câu 4 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Tác giả quan niệm như thế nào về mối quan hệ giữa đạo đức và luật pháp ?
Trả lời:
Dù lời văn của tác giả tỏ ra đề cao luật pháp, nhưng theo ông, luật pháp và đạo đức gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo tác giả, luật còn là đạo đức, đạo làm người “trái luật là có tội, giữ đúng luật là đạo đức” và “có đạo đức nào lớn hơn chí công vô tư” (Quan hệ giữa đạo đức và luật pháp là ở chỗ thống nhất giữa đúng luật và đạo đức. Công bằng, luật pháp là đạo đức. Đạo đức lớn nhất là chí công vô tư. Trái luật cũng đồng nghĩa với trái đạo đức).
Câu 5 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Việc nhắc đến Khổng Tử và các khái niệm đạo đức, văn chương có tác dụng gì đối với nghệ thuật biện luận trong đoạn trích?
Trả lời:
- Việc nhắc đến Khổng Tử và khái niệm đạo đức, văn chương là để tăng thêm sức thuyết phục cho bài viết. Cách lập luận của tác giả chặt chẽ, dẫn chứng xác thực, có sức thuyết phục cao.
Hướng dẫn soạn bài Xin lập khoa luật chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn bài Xin lập khoa luật chi tiết, đầy đủ trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1.
Bài 1 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Theo Nguyễn Trường Tộ, luật bao gồm những lĩnh vực nào ? Ông đã giới thiệu việc thực hành luật pháp ở các nước phương Tây ra sao?
Trả lời:
Theo Nguyễn Trường Tộ, nội dung của luật bao gồm: kỉ cương, uy quyền, chính lệnh (chính sách và luật pháp) của quốc gia. Đất nước muốn tồn tại phải có kỷ cương, nhà nước muốn cai trị được dân phải có uy quyền nhưng đồng thời cũng phải có chính lệnh (chính sách và pháp luật). Đây là mối quan hệ của luật đối với mọi người. Vì vậy Nguyễn Trường Tộ nói: Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước. Như vậy, luật bao trùm lên tất cả.
Nguyễn Trường Tộ đặt vấn đề một cách trực tiếp, thẳng thắn, ngắn gọn, trực tiếp và thẳng thắn là nét riêng trong văn điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Vấn đề ông đặt ra là: “Bất luận quân hay dân, mọi người đều phải học luật nước" và dĩ nhiên, để thuyết phục vua Tự Đức bấy giờ, ông nêu thêm phải học những luật mới bổ sung thêm từ hồi Gia Long đến nay. Tác dụng của lối vào đề kiểu này vừa ngắn gọn, vừa làm người nghe hiểu ngay vấn đề mà người viết đặt ra.
Nguyễn Trường Tộ khẳng định: "Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật" và ông dẫn chứng giới thiệu: "Ở các nước phương Tây, phạt những ai đã nhập ngạch bộ Hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao giờ bị phiếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc". Từ việc dẫn này có thể thấy tác giả rất đề cao luật, đề cao những người hiểu biết luật và có khả năng dùng luật để điều khiển công việc quốc gia.
Bài 2 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Tác giả chủ trương vua, quan và dân phải có thái độ như thế nào trước pháp luật? Vì sao ông lại chủ trương như vậy ?
Trả lời:
Theo Nguyễn Trường Tộ, kỉ cương, uy quyền, chính lệnh để duy trì sự tồn tại của đất nước. Vì vậy, tác giả khẳng định: “Bất luận quan hay dân mọi người đều phải học luật nước”. Luật đã bao trùm lên tất cả. Nếu đất nước không có các bộ luật thì làm sao giữ được kỉ cương phép nước. Từ quan cho đến thứ dân đều phải hiểu và làm theo luật. Xưa đã đúng, nay càng thấy đúng và thấm thía hơn.
Nguyễn Trường Tộ nói đến vai trò và vị trí của luật đối với đời sống xã hội. Ông e nhà vua sẽ hiểu lệch, cho rằng luật chỉ tốt cho việc cai trị, nên tự đặt ra sự phản bác và giải đáp: luật là đức, là cái đức lớn nhất chí công vô tư, đấy là đức trời, mà đức trời là đạo làm người, bất tất phải đi tìm cái gì khác, cũng có nghĩa là cần phải học luật. Như vậy, ông đã chủ trương vua quan đều phải có ý thức trước luật pháp. Chủ trương ấy chính là do luật có vai trò quan trọng đối với con người và xã hội: Luật không chỉ có tác dụng cai trị xã hội, mà còn là đạo đức hành vi, đạo làm người.
Bài 3 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Theo Nguyễn Trường Tộ, Nho học truyền thống có tôn trọng luật pháp không?
Trả lời:
Theo tác giả, Nho học không có truyền thống tôn trọng luật pháp vì Nho giáo nói suông, không có tác dụng bằng pháp luật. Bởi: "Biết rằng đạo làm người không gì bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách Nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng bị ai phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng. Bởi vậy xưa nay học đã nhiều mà mấy ai đổi được tâm tính, sửa được lỗi lầm?". Hơn thế, "từ xưa đến nay các vua chúa nắm quyền thống trị cứu nước giúp đời đều nhờ hiểu luật, còn các sách vở khác cũng chỉ là phụ thuộc. Nếu trong nước không có luật thì dù có vạn quyển sách cũng không thể trị dân được". Tác giả cũng dẫn lời Khổng Tử: "Chép những lời nói suông chẳng bằng thân hành ra làm việc", mà muốn làm được việc thì phải có luật.
Bài 4 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Tác giả quan niệm như thế nào về mối quan hệ giữa đạo đức và luật pháp ?
Trả lời:
Dù lời văn của tác giả tỏ ra đề cao luật pháp, nhưng theo ông, luật pháp và đạo đức gắn bó chặt chẽ với nhau. Tác giả khẳng định: "Nếu bảo luật chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lõi công bằng trong luật mà xử thì mọi quyền, pháp trong luật đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không?...". Như thế, theo Nguyễn Trường Tộ, cái đức của pháp luật ấy chính là cái lẽ công bằng. Chí công vô tư đó chính là cái gốc của đức trong luật vậy.
Bài 5 trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Việc nhắc đến Khổng Tử và các khái niệm đạo đức, văn chương có tác dụng gì đối với nghệ thuật biện luận trong đoạn trích?
Trả lời:
- Để tăng thêm sức thuyết phục với nhà vua, Nguyễn Trường Tộ đưa ra quan niệm luật của đạo Nho: “Từ tam cương ngũ thường cho đến việc hành chính của sáu bộ đều đầy đủ” (tam cương chỉ mối quan hệ của vua - tôi, cha - con, vợ - chồng. Ngũ thường gồm nhân, trí, tín, lễ, nghĩa). Tam cương ngũ thường là luật bao trùm toàn bộ xã hội và gia đình dưới chế độ phong kiến. Nó là trụ cột để giữ kỉ cương của chế độ phong kiến. Lục bộ là sáu bộ. Đó là cơ quan đầu não của nhà nước phong kiến, lí lẽ ấy chắc Tự Đức không thể chối từ. Tác giả phê phán đạo Nho ớ tính chất vô tích sự, nói suông không có tác dụng, “Biết rằng đạo làm người không gì lớn bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách Nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng ai bị phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng”. Vì vậy phải có luật và luật phải gắn với thực tiễn hành động của con người. Đó là làm theo pháp luật. Tác giả lấy ngay lời của Khổng Tử “Ta chưa hề thấy ai nhận được lỗi mình mà biết tự trách phạt”. Đúng là chiêu thức “gậy ông đập lưng ông”.
- Phê phán các loại sách ra đời ở thời phong kiến: “Sách vở chỉ chép nào là sự tích chính sự thời xưa của cổ nhân, nào là những bài luận hay ho của người xưa để lại, nào là những áng văn chương trau chuốt của chư tử (học giả thời cổ đại), nào những tiểu thuyết dã sử của những người hiếu sự đặt bày. Trong đó hay có, dở có, người nói này, người nói khác, xét kĩ những thứ sách vở đó chỉ làm rối chí thêm chẳng được tích sự gì”. Tác giả lại lấy lời của Khổng Tử để phủ nhận: “Chép những lời nói suông chẳng bằng thân hành ra làm việc”. Cũng là biện pháp lập luận “gậy ông đập lưng ông”. Tác giả đưa ra dẫn chứng “Thử xem có những nhà nho suốt đời đọc sách đáng lẽ cử chỉ của họ phải làm khuôn thước cho đời, vậy mà tại sao có nhiều người cuộc đời của họ và ứng xử của họ còn tệ hơn những người quê mùa chất phác”.
Lời lẽ ấy như đặt ra câu hỏi: Vì sao lại có tình trạng như vậy? Chỉ có thể trả lời vì họ không được học luật. Vì thế mới cần có luật vậy. Cách lập luận của Nguyễn Trường Tộ vừa sắc sảo vừa chặt chẽ, văn ngắn gọn, kiệm lời, tính chiến đấu mạnh mẽ, hùng hồn.
Kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm
I. Tác giả Nguyễn Trường Tộ
- Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871) người làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là người có học vấn uyên bác, thông thạo cả Hán học và Tây học.
- Với tầm nhìn xa trông rộng, tri thức rộng rãi hơn nhiều trí thức nho sĩ đương thời, ông nhiều lần gửi các bản điều trần lên triều đình nhà Nguyễn đề nghị các giải pháp cải cách, phát triển đất nước để có thể đối phó với thực dân phương Tây. Những bản điều trần này không chỉ thể hiện kiến thức sâu sắc, uyên bác, mới mẻ về tình hình Việt Nam và thế giới khi ấy mà còn thấm đượm tinh thần yêu nước của tác giả, được viết bằng một văn phong sáng rõ, chặt chẽ.
- Hiện nay, giới nghiên cứu đã sưu tầm được gần 60 bản di thảo của Nguyễn Trường Tộ. Nhiều đề xuất quan trọng của ông được ghi trong Tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp).
II. Tác phẩm Xin lập khoa luật
- “Xin lập khoa luật” trích từ bản điều trần số 27: “Tế cấp bát điều”
- Là một trong những văn bản quan trọng của Nguyễn Trường Tộ bàn về sự cần thiết của luật pháp đối với xã hội nhằm mục đích thuyết phục triều đình cho mở khoa Luật.
- Thể loại: Điều trần (văn nghị luận chính trị - xã hội) trình bày vấn đề theo từng điều, từng mục.
- Nội dung chính: Bàn về sự cần thiết của luật pháp đối với xã hội, qua đó nhằm thuyết phục triều đình cho mở khoa luật.
- Bố cục: có thể chia làm 3 phần
+ Phần 1 (từ đầu đến "quốc dân giết"): Vai trò và trách nhiệm của luật pháp đối với xã hội.
+ Phần 2 (từ "Biết rằng" đến "chất phác"): Mối quan hệ giữa luật pháp với đạo Nho, văn chương nghệ thuật
+ Phần 3 (còn lại): Mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức
Tổng kết
- Xin lập khoa luật là một trong rất nhiều điều đề nghị của Nguyễn Trường Tộ để canh tân đất nước - để đưa xã hội Việt Nam vào luật pháp, đưa con người sống trong luật pháp nhằm góp phần làm cho Việt Nam thoát khỏi lạc hậu và hiểm họa mất nước.
- Bản điều trần số 27 biểu hiện tấm lòng yêu nước của một trí thức theo đạo Thiên Chúa đi trước thời đại, tiếp cận tư tưởng nhà nước pháp quyền, khát khao muốn đưa đất nước đi lên theo hướng hiện đại, tiên tiến như các nước phương Tây khi đó.
-/-
// Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết bài soạn văn Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ do Đọc Tài Liệu biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn bài Xin lập khoa luật này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.