Chuẩn bị đọc
Câu hỏi: Em hiểu thế nào là danh lam thắng cảnh? Theo em, để một khu rừng trở thành danh lam thắng cảnh thì cần có những yếu tố nào?
Trả lời:
- Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.
Ví dụ một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam: Vịnh Hạ Long, Đảo Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mĩ Sơn, Đỉnh Fansipan, Vườn Quốc gia Tràm Chim,…
- Theo em, để một khu rừng trở thành danh lam thắng cảnh cần có những yếu tố như:
+ Có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu.
+ Có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.
Trải nghiệm cùng văn bản
1, Suy luận: Mục đích của đoạn văn này là gì?
Trả lời:
- Mục đích: Giới thiệu khái quát về Vườn Quốc gia Cúc Phương.
2, Tóm tắt: Tóm tắt nội dung của đoạn văn này.
Trả lời:
- Nhiều hang động ở Rừng Cúc Phương còn lưu giữ những di chỉ khảo cổ có giá trị.
Suy ngẫm và phản hồi
Nội dung chính: Văn bản đã giới thiệu, cung cấp thông tin về di tích lịch sử Vườn Quốc gia Cúc Phương. Giúp người đọc nắm được điểm độc đáo về quần thể động, thực vật; đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá.
Câu 1: Các đặc điểm của kiểu văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh được thể hiện như thế nào trong văn bản Vườn Quốc gia Cúc Phương?
Trả lời:
Các đặc điểm:
a) Về cấu trúc, văn bản này gồm 3 phần:
– Phần mở đầu: “Cách thủ đô Hà Nội 120km … bỏ lại sau lưng cuộc sống đời thường ồn ã”: Giới thiệu khái quát về Vườn Quốc gia Cúc Phương.
– Phần nội dung: “Quần thể động, thực vật … Đó là những nếp nhà sàn, trang phục, phong
tục tập quán, lễ hội cồng chiêng, điệu hò,... mang đậm sắc thái văn hoá dân tộc Mường.”: Giới thiệu hệ thống những phương diện khác nhau (quần thể động, thực vật; cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá) làm nên sức hấp dẫn, thú vị của rừng Cúc Phương.
– Phần kết thúc: “Nếu đến Cúc Phương vào buổi chiều, du khách sẽ chứng kiến cảnh rừng
núi lung linh huyền hoặc đến say lòng ... vẫn còn lưu luyến, nhớ thương và hẹn mùa sau trở lại!”: Nhận xét khái quát về giá trị của rừng Quốc gia Cúc Phương; qua đó bày tỏ tình cảm, thái độ của người viết dành cho khu rừng
b) Về đặc điểm hình thức của VB:
VB sử dụng:
– Hệ thống hai đề mục (Quần thể động, thực vật; Cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá) để làm nổi bật thông tin;
– Từ ngữ chuyên ngành sinh học (ví dụ: quần thể động thực vật, tầng rừng, cây gỗ tán, cây bụi, thảm tươi, dây leo thân gỗ, kí sinh, bì sinh, chò xanh, chò chỉ, sấu,…), khảo cổ (ví dụ: di chỉ, di cốt), văn hoá (ví dụ: người Mường, nhà sàn, lễ hội cồng chiêng, phong tục, tập quán,…).
– Từ ngữ giàu giá trị miêu tả, biểu cảm: nổi tiếng, hấp dẫn, khoáng đạt, bao la, kì vĩ, phong
phú, quái dị, khổng lồ, đa dạng, tưng bừng, lấp lánh, lung linh, huyền hoặc, xào xạc, dập dìu,…
– Hình ảnh minh hoạ.
Câu 2: Văn bản đã trình bày (những) thông tin cơ bản nào? Nhan đề Vườn Quốc gia Cúc Phương đã làm nổi bật và khái quát được nội dung của toàn văn bản chưa? Vì sao?
Trả lời:
Về cách trình bày thông tin của VB:
VB sử dụng phối hợp nhiều cách trình bày thông tin:
– Trình bày thông tin theo quan hệ nhân quả: Phần mở đầu, người viết khẳng định vườn Quốc gia Cúc Phương là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn với những ai say mê khám phá và du lịch vì có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá lịch sử. Tiếp theo, ở phần nội dung, người viết triển khai lí giải cụ thể về sức hấp dẫn của rừng Cúc Phương bằng việc giới thiệu những giá trị của khu rừng như: đa dạng sinh học với quần thể động, thực vật phong phú, đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá. Từ đó, ở phần kết thúc, tác giả khẳng định vẻ đẹp huyền hoặc đến say lòng của cảnh rừng núi Cúc Phương khiến Cúc Phương luôn là điểm đến thu hút du khách, níu giữ lòng người.
– Trình bày thông tin theo cách phân loại đối tượng: trình bày sự phong phú, đa dạng về hệ thực vật và động vật của Vườn Quốc gia Cúc Phương
Câu 3: Xác định cách trình bày thông tin của phần văn bản: “Vườn Quốc gia Cúc Phương có quần thể động vật, thực vật vô cùng phong phú và đa dạng… dệt nên tấm thảm hoa đủ màu hay tạo thành một bức tranh thiên nhiên hoa lá, động vật kì ảo”. Cách trình bày ấy có vai trò như thế nào đối với việc thực hiện mục đích của văn bản?
Trả lời:
a. Phần VB “Vườn Quốc gia Cúc Phương có quần thể động, thực vật vô cùng phong phú
và đa dạng … hay tạo thành một bức tranh thiên nhiên hoa lá, động vật kì ảo” trình bày thông tin theo cách phân loại đối tượng.
Dấu hiệu nhận biết:
+ Trước tiên, đoạn trích giới thiệu khái quát về đặc điểm quần thể động, thực vật của Vườn
Quốc gia Cúc Phương: “Vườn Quốc gia Cúc Phương có quần thể động, thực vật vô cùng phong phú và đa dạng.”.
+ Sau đó, phần còn lại đi vào giới thiệu chi tiết để làm rõ hai biểu hiện cụ thể của sự phong
phú, đa dạng ấy ở rừng Cúc Phương: về thực vật, về động vật.
b. Vai trò:
+ Cung cấp rõ những biểu hiện cụ thể về sự đa dạng, phong phú của hai hệ thống cơ bản, quan trọng (thực vật, động vật) làm nên quần thể động thực vật của một khu rừng.
+ Thông tin cơ bản của phần VB (Quần thể động, thực vật) được trình bày đầy đủ, thuyết phục và góp phần thực hiện mục đích của VB (cung cấp thông tin về một đặc điểm cụ thể làm nên sức hấp dẫn của Vườn Quốc gia Cúc Phương).
Câu 4: Tìm một số yếu tố miêu tả trong văn bản. Việc sử dụng yếu tố miêu tả có ảnh hưởng đến mục đích cung cấp thông tin chính xác về thắng cảnh không? Vì sao?
Trả lời:
- Một số đoạn trích có yếu tố miêu tả:
+ Thiên nhiên ở Cúc Phương cũng thật kì thú .…trên đỉnh núi cao còn có loài cây gỗ kim giao rất quý hiếm.
+ Cúc Phương còn là nơi cư trú của nhiều loài chim nhiệt đới … một bức tranh thiên nhiên hoa lá, động vật,…
- Tác dụng: Việc sử dụng yếu tố miêu tả trong VB trên không làm ảnh hưởng đến mục đích cung cấp thông tin chính xác về danh lam thắng cảnh mà người viết muốn giới thiệu. Ngược lại, các yếu tố miêu tả ấy còn giúp người đọc hình dung thông tin một cách sinh động, hấp dẫn, cụ thể hơn và giúp người viết thể hiện được tình cảm của mình dành cho danh lam thắng cảnh.
Câu 5: Khi giới thiệu về quần thể động, thực vật của Vườn Quốc gia Cúc Phương, các tác giả đã đề cập chi tiết loài voọc mông trắng được chọn làm biểu tượng của vườn. Nhận xét về vai trò của chi tiết ấy trong toàn văn bản.
Trả lời:
- Loài voọc mông trắng vốn không còn tồn tại ở nơi nào khác trên thế giới, ngoài Vườn Quốc gia Cúc Phương. Điều này cho thấy môi trường sinh thái của Cúc Phương còn rất hoang sơ, cung cấp điều kiện sống và sinh trưởng an toàn, tốt nhất cho các loài động thực vật, đặc biệt với cả những loài tưởng chừng đã tuyệt chủng như voọc mông trắng.
- Khi giới thiệu về đặc điểm quần thể động, thực vật của Vườn Quốc gia Cúc Phương, tác giả đề cập chi tiết loài vọoc mông trắng được chọn làm biểu tượng ở nơi này vì đó là chi tiết quan trọng, đắt giá, góp phần làm rõ giá trị về quần thể động vật và môi trường sinh thái của khu rừng, cung cấp thông tin rất quan trọng về biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương (phân biệt Cúc Phương với những vườn Quốc gia khác). Hơn nữa, chi tiết còn là minh chứng rõ ràng, thuyết phục cho việc khẳng định Cúc Phương xứng đáng là một khu vườn Quốc gia, điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.
Câu 6: Thiết kế một poster hoặc inforgraphic để giới thiệu về vẻ đẹp của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Trả lời:
Học sinh tự thực hiện theo cá nhân hoặc nhóm của mình.