Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 26/11/2021 - Cập nhật: 30/11/2021 - Tác giả:

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ sách Ngữ Văn 6 tập 2 (Chân trời sáng tạo) với hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 37 để em có thể soạn văn 6 tại nhà.

Chủ đề: Soạn văn 6 Chân trời sáng tạo

Hướng dẫn soạn văn 6 bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ thuộc bài 7 SGK Ngữ Văn 6 tập 2 bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục.

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Chân trời sáng tạo

Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức của đoạn văn

- Trình bày cảm xúc về một bài thơ.

- Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.

- Các câu trong đoạn văn cần được liên kết với nhau chặt chẽ để tạo sự mạch lạc cho đoạn văn.

- Cấu trúc gồm có ba phần:

  • Mở đoạn: Giới thiệu nhan đề, tác giả, cảm xúc chung về bài thơ
  • Thân đoạn: trình bày cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Nêu dẫn chứng dể làm rõ cảm xúc
  • Kết đoạn: Khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và nêu ý nghĩa của nó với bản thân.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Thông qua việc trả lời câu hỏi trang 37 phân tích kiểu văn bản của đoạn văn mẫu Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm sẽ giúp các em hiểu rõ hơn cách trình bày cảm xúc về một bài thơ.

- Tìm những từ thể hiện cảm xúc của người viết về bài thơ?

  • Những từ thể hiện cảm xúc của người viết về bài thơ: "nhiều cảm xúc"

- Tác giả đoạn văn đã sử dụng ngôi thứ mấy để chia sẻ cảm xúc?

  • Tác giả dùng ngôi thứ nhất (xưng tôi)

- Những câu nào thuộc về phần mở đoạn? Vì sao em biết?

  • Câu "Những cánh buồm của Hoàng trung Thông là một trong những bài thơ để lại cho tôi nhiều cảm xúc" thuộc phần mở đoạn
  • Vì câu văn đã giới thiệu nhan đề bài thơ, tác giả bài thơ và cảm xúc chung của người viết về bài thơ

- Những câu nào thuộc về phần thân đoạn? Phần này trình bày nội dung gì?

  • Những câu thuộc về phần thân đoạn là những câu từ "Tác phẩm viết về tình cha con thiêng liêng" đến "những chân trời mới lạ"
  • Phần thân đoạn trình bày những cảm xúc, nghĩ suy của tác giả về tình cảm người cha dành con, người con dành cho cha mình trong bài thơ Những cánh buồm, với những dẫn chứng cụ thể trích từ bài thơ.

- Hãy chỉ ra câu kết của đoạn văn và cho biết nội dung của nó.

  • Câu kết của đoạn văn từ "Qua bài thơ" đến hết
  • Nội dung: khẳng định lại cảm xúc, ý nghĩa của bài thơ đối với người viết; bài học rút ra được sau khi đọc bài thơ

- Tìm những từ ngữ được dùng theo kiểu lặp lại hoặc thay thế những từ ngữ tương đương ở những câu trước đó. Nêu tác dụng của những từ ngữ đó.

  • Từ ngữ được dùng thay thế từ ngữ tương đương ở câu trước: Tác phẩm, bài thơ (thay thế Những cánh buồm); tình cảm ấy (thay thế cho tình cha con thắm thiết)
  • Tác dụng: liên kết các câu trong đoạn văn.

Đề bài

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm xúc về một bài thơ

Trên đây là hướng dẫn viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Chân trời sáng tạo, cùng tham khảo một số mẫu đoạn văn sau:

Top 3 đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ

Đoạn văn mẫu 1 - Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Chân trời sáng tạo

“Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từ chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Với em bé, được ở bên mẹ, cùng chơi những trò chơi do em tự nghĩ ra còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bế bờ kì diệu, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Qua đó, giúp tôi cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt; giúp tôi hiểu được tình cảm mà mẹ dành cho tôi. Tôi thầm nhắc nhở mình dù sau này đi tới đâu, làm gì tôi cũng sẽ dành thời gian của mình để được ở bên  tâm tình, chăm sóc mẹ.

Đoạn văn mẫu 2 - Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ

Bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Trước hết, hình ảnh người cha “dắt con đi” được lặp lại nhiều lần cho thấy tình yêu thương, sự che chở dẫn dắt của người cha trên hành trình cùng con đi đến đến tương lai. Tiếp đến hình ảnh đứa con thể hiện sự tin tưởng, yêu thương dành cho cha. Con đề nghị “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi”. Những cánh buồm đã gửi gắm ước mơ của con. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá của người con, hay cũng chính là cha thuở trước. Người cha cảm thấy tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Qua giọng thơ chân thành giản dị mà tác giả sử dụng trong tác phẩm, tôi nhận thấy được sự ngợi ca ước mơ được khám cuộc sống của trẻ thơ. Tôi tự nhủ mình cũng có ước mơ, có khát vọng, và tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt để thực hiện ước mơ của mình.

Đoạn văn mẫu 3 - Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Chân trời sáng tạo

"Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm giúp người đọc có được cái nhìn nhiều khía cạnh, đầy đủ và trọn vẹn nhất về đất nước. Trước tiên, đất nước hiện lên trong chiều dài của thời gian. Bên cạnh “thời gian đằng đẵng” là “không gian mênh mông”. Có không gian gắn với sự sinh tồn của cả cộng đồng: “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”, gắn với cuộc đời riêng tư của mỗi cá nhân; “Đất là nơi anh đến trường - Nước là nơi em tắm”... Đất nước còn hiện lên trong bề sâu văn hóa - phong tục mang đậm bản sắc Việt Nam. Từ một nét phong tục: “Tóc mẹ thì bới sau đầu” cho đến nghi thức thiêng liêng của ngày giỗ Tổ. Lịch sử của đất nước được tác giả nhấn mạnh là lịch sử của hàng nghìn lớp người “không ai nhớ mặt đặt tên - Nhưng họ đã làm ra đất nước”. Cũng chính nhân dân là người đã sáng lập, giữ gìn dòng chảy văn hóa của đất nước: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng - Họ truyền lửa.. - Họ truyền giọng điệu... - Họ gánh theo tên xã, tên làng...”. Ngay cả đối với những vật tưởng rất mực bé nhỏ như “hạt gạo” thì tác giả vẫn có sự cảm nhận thật sâu sắc từ những thời điểm cụ thể: “một nắng hai sương” - “xay” - “giã” - “giần” - “sàng”. Những vần thơ sâu lắng đi vào lòng người của "Đất nước" để lại trong lòng tôi những bồi hồi, xao xuyến. Thế hệ trẻ chúng ta cần phải học tập và phát huy, cống hiến cho Tổ quốc để xứng đáng với thế hệ ông cha.

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Chân trời sáng tạo

~/~

Vậy là trên đây Đọc tài liệu đã hướng dẫn các em hoàn thiện phần soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Chân trời sáng tạo trang 36-37 Ngữ văn 6 tập 2. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM