Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học lớp 8 CTST

Xuất bản: 14/10/2023 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học lớp 8, trả lời các câu hỏi hướng dẫn viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 - 42 SGK Ngữ văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Tài liệu cung cấp nội dung hướng dẫn chi tiết soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học lớp 8, tham khảo cách trả lời các câu hỏi gợi ý cách viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 - 42 SGK Ngữ văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học lớp 8 CTST

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Trả lời các câu hỏi trang 39 SGK Ngữ văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo - Văn bản Phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam)

Câu 1: Bài văn phân tích tác phẩm văn học nào?

Trả lời:

Bài văn phân tích tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam

Câu 2: Phần mở bài nêu những nội dung gì?

Trả lời:

Nội dung phần mở bài gồm có:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học

- Khái quát đặc sắc về chủ đề nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học.

Câu 3: Phần thân bài có mấy luận điểm? Người viết đã sử dụng những lí lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ các luận điểm đó?

Trả lời:

Phần thân bài có 2 luận điểm:

- Luận điểm 1: Chủ đề truyện

+ Tình người thể hiện trong cảnh những đứa trẻ chơi đùa vui vẻ, không phân biệt hoàn cảnh giàu nghèo.

- Luận điểm 2: Đặc sắc nghệ thuật

+ Cốt truyện và tình huống truyện: Sự việc hai đứa trẻ nhà khá giả động lòng thương, mang cho một người bạn khó khăn chiếc áo mùa rét rất bình dị, tự nhiên, không phải là những xung đột gay gắt, hay sự việc lì kì.

+ Miêu tả nội tâm nhân vật: Sơn cảm nhận được những biến chuyển nhỏ nhất của thiên nhiên: “chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như ở gần”. Tấm lòng nhân hậu giúp Sơn nhận ra những đứa trẻ nhà nghèo hôm nay “môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi”…

+ Chi tiết đặc sắc: Lời nói của người mẹ ở cuối truyện “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta mà không sợ mẹ mắng ư”.

Câu 4: Phần kết bài có mấy ý?

Trả lời:

Phần kết có 2 ý:

- Ý kiến về chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc nghệ thuật.

- Cảm xúc của cá nhân mình về tác phẩm.

Câu 5: Người viết đã sử dụng các phương diện liên kết nào để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận của bài viết?

Trả lời:

Người viết đã sử dụng các luận điểm, luận cứ, lí lẽ và các dẫn chứng cụ thể để người đọc có thể dễ dàng nhận ra mạch lập luận của bài viết.

Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài: Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.

- Tìm đọc các truyện đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, Ngữ văn 7.

- Xác định truyện mà em yêu thích nhất, lí do thích (giúp em có những thay đổi về cách nhìn cuộc sống, con người...)

- Xác định mục đích viết bài, đối tượng người đọc mà bài viết hướng đến

- Thu thập thêm tư liệu về thể loại, tác giả, tác phẩm qua các nguồn báo chí uy tín.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý cho bài phân tích

- Chọn những ý tiêu biểu, sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

Bước 3: Viết bài

- Triển khai bài viết dựa trên dàn ý:

+ Nêu luận điểm, lí lẽ kết hợp với bằng chứng.

+ Tách đoạn hợp lí.

+ Sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.

Mẫu bài văn phân tích:

“Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng là tập hồi kí viết về những tháng ngày tuổi thơ cay đắng và khắc nghiệt của chính tác giả - một tuổi thơ mồ côi, chịu bao nhiêu tủi cực, thiếu thốn. Và có lẽ, trong tác phẩm, làm cho người đọc cảm động nhất chính là đoạn trích “Trong lòng mẹ”. Đoạn trích đã cho ta hiểu được tình cảnh đáng thương cùng nỗi đau tinh thần bấy lâu của bé Hồng đồng thời là khát khao tình mẫu tử của bé.

Đoạn đầu của đoạn trích khi nhân vật “tôi” kể về chuyện chiếc khăn tang và tin tức về mẹ của mình ta hiểu phần nào về hoàn cảnh của bé Hồng khi ấy. Cha mất, mẹ đi tha hương cầu thực, bé phải sống với họ hàng trong sự ghẻ lạnh. Bà cô bé Hồng, vốn không phải là một người cô hiền lành, một hôm gọi bé Hồng đến gợi chuyện về mẹ bé hỏi bé có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ hay không.

Vốn là một đứa trẻ nhạy cảm, Hồng như nhận ra ngay ác ý trong lời nói và nụ cười giả dối rất “kịch” của bà cô. Gia đình họ nội của bé Hồng vốn không ưa gì mẹ bé Hồng, luôn tìm cách để nói xấu mẹ bé Hồng để khiến cho bé ghét mẹ của mình. Có điều, dù họ có tiêm nhiễm vào đầu bé Hồng bao nhiêu điều xấu về mẹ đi nữa thì trong tâm trí bé Hồng, hình ảnh của mẹ bé Hồng liên hiện lên với “vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ”. Là một cậu bé vô cùng yêu mẹ và thông minh, Hồng tự nhủ với lòng mình “đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến....”.

Nên bé Hồng đã trả lời là không muốn vào đồng thời bé đưa ra niềm tin về chuyện mẹ nhất định sẽ về. Chỉ một câu nói, ta hiểu rằng bé Hồng không chỉ là một cậu bé thông minh, can đảm mà còn rất yêu mẹ, ra sức bảo vệ mẹ trước những cay nghiệt của nhà nội.

Khi bà cô nói mẹ bé Hồng có “em bé”, những lời nói của bà cô mà bé Hồng đau đớn “Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ” và khi bà cô kể cho bé nghe về chuyện có người nhìn thấy mẹ bé Hồng “ngồi cho con bú ở một bên rổ bóng đèn”, “ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi”, nỗi đau của bé lại càng như thắt lại: “Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Cách so sánh liên tưởng độc đáo đã làm nổi bật sự căm tức ghê gớm của bé Hồng đối với những cổ tục đã đày đọa mẹ bé, bé chỉ muốn làm sao bóp nát nó để những đau khổ mà mẹ bé phải chịu sẽ mãi mãi biến mất.

Người đọc còn xúc động hơn nữa khi thấy tình cảm hai mẹ con bé Hồng gặp nhau. Khi mới thấy thoáng bóng ai giống mẹ, bé Hồng đã không kìm được lòng mà chạy gọi theo dù biết nếu đó là nhầm lẫn sẽ là một trò cười xấu hổ nhưng tình yêu thương mẹ của bé khi dậy đã lôi bé đi, không sao kìm lại được.

Vậy là hai mẹ con bé Hồng gặp nhau trong niềm hạnh phúc. Khi này bé Hồng thấy mẹ mình không hề xơ xác như những gì bà cô tả mà “Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong, và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”, người mẹ ấy trông tươi đẹp như vậy có lẽ là vì: “Sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc”. Được nhìn thấy con, ôm con trong vòng tay, người mẹ như quên hết mọi cực nhọc, đau khổ và cả khuôn mặt đều ánh lên hạnh phúc.

Trong lúc nằm trong lòng mẹ, Hồng thấy “Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường” đồng thời có sự liên tưởng kì lạ “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Đó chính là tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý vô ngần!

Đọc đoạn trích “Trong lòng mẹ” ta thấy xót xa cho tình cảnh đáng thương của bé Hồng và đồng thời cũng đọc xúc động biết bao trước tình mẫu tử thiêng liêng cao quý.

-/-

Các bạn vừa tham khảo xong nội dung chi tiết soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học lớp 8 CTST. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi hướng dẫn cuối bài các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản về bài học một cách dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM