Soạn Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử

Xuất bản: 06/07/2023 - Cập nhật: 07/07/2023 - Tác giả:

Soạn Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) bao gồm: trả lời câu hỏi SGk trang 28-32 Ngữ văn 8 KNTT, viết bài tham khảo

Từ việc tham khảo Sách giáo viên Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức, Đọc tài liệu sẽ giúp các em Soạn văn 8 Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử, văn hóa chính xác nhất.

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử, văn hóa trang 28-32 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 KNTT chi tiết, đầy đủ.

Trong thực tế, hẳn em đã từng được tham gia những chuyến đi do nhà trường hoặc gia đình tổ chức. Đó có thể là chuyến tham quan một di tích lịch sử, văn hóa gần với một sự kiện quan trọng trong quá khứ của dân tộc hoặc một danh nhân mà mọi người đều ngưỡng vọng. Ở phần Viết của bài học này, em sẽ thuật lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử, văn hóa để lại cho em ấn tượng sâu sắc, khó quên.

Bài học bao gồm các phần:

I. Yêu cầu

- Giới thiệu được lí do, mục đích của chuyến tham quan một di tích lịch sử, văn hóa.

- Kể được diễn biến chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi…).

- Nêu được ấn tượng về những đặc điểm nổi bật của di tích (phong cảnh, con người, công trình kiến trúc…).

- Thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ về chuyến đi.

- Sử dụng được yếu tố miêu tả, biểu cảm trong bài viết.

II. Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản tham khảo “Chuyến tham quan khu lưu niệm Nguyễn Du

1. Nêu mục đích chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

Giúp học sinh biết yêu mến, tự hào về những địa chỉ văn hóa dân tộc.

2. Kể lại diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động nổi bật trong chuyến đi…).

- Ba chiếc xe khách chở hơn 100 học sinh khối 8 xuất phát, trên xe cô giáo phụ trách giới thiệu những vùng đất xe qua, không khác gì một hướng dẫn viên du lịch.

- Đi hơn chục cây số đã đến đươc khu di tích: Di tích quốc gia đặc biệt – Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du.

3. Đan xen giữa kể chuyện với trình bày các thông tin chính và ấn tượng về những nét nổi bật của địa điểm tham quan.

- Thuyết minh về các hạng mục chính của di tích.

- Chụp ảnh lưu niệm và quay trở về.

4. Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

- Trên đường về, dường như ai cũng trầm lắng hơn.

- Những cảnh vật được ngắm nhìn hôm nay bỗng lại hiện ra rõ mồn một trong tâm trí tôi, như một cuốn phim quay chậm.

III. Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Em liệt kê một số chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa mà mình từng tham gia, sau đó, chọn một chuyến đi đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất để lại.

b. Tìm ý

Ví dụ: Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) đáng nhớ nhất.

Sau khi lựa chọn được chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa làm đề tài cho bài viết, hãy tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

- Chuyến đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa nào? Do ai tổ chức? Mục đích của chuyến tham quan là gì?

- Chuyến đi diễn ra như thế nào? (trên đường đi, lúc bắt đầu đến điểm tham quan, các hoạt động chính tiếp theo,…).

- Khung cảnh của chuyến tham quan có gì nổi bật? (cảnh thiên nhiên, các công trình kiến trúc, những hiện vật được trưng bày ở khu di tích,…).

- Em có cảm xúc, suy nghĩ gì về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa đó? (Nêu ấn tượng về chuyến đi; hiểu biết mới về văn hóa, lịch sử của đất nước; tình cảm với quê hương…).

c. Lập dàn ý

Sắp xếp các ý dã tìm được vào từng phần để thành dàn ý

- Mở bài:

+ Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

+ Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi.

- Thân bài:

+ Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…).

+ Thuyết minh, miêu tả và nêu ấn tượng của em về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hóa (thiên nhiên, con người, công trình kiến thúc,…).

- Kết bài:

Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

2. Viết bài

Bám sát dàn ý để viết bài. Trong qua trình viết, em cần lưu ý:

- Các ý của bài viết đảm bảo phản ánh đúng trình tự thời gian của chuyến tham quan, ứng với từng điểm không gian khu di tích.

- Nêu được những hoạt động nổi bật khiến chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa để lại ấn tượng, cảm xúc sâu đậm cho em.

- Ngôn ngữ bài viết cần sinh động, vừa kể chi tiết, cụ thể vừa thể hiện được cảm xúc; sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, điệp ngữ, các yếu tố miêu tả, biểu cảm,… để tăng sức hấp dẫn cho bài viết.

3. Chỉnh sửa bài viết

Sau khi hoàn thành bài viết, rà soát và chỉnh sửa theo gợi ý sau:

- Nếu bài viết chưa giới thiệu rõ về chuyến tham quan, cần viết cụ thể hơn.

- Nếu bài viết nêu chưa đầy đủ các hoạt động chính theo trình tự thời gian thì bổ sung và sắp xếp lại.

- Nếu việc kể, tả chưa làm nổi bật được đặc điểm của khu di tích và ấn tượng của người viết thì hình dung lại để viết thêm.

- Nếu bài viết chưa nêu rõ suy nghĩ, cảm xúc về chuyến đi thì bổ sung.

IV. Bài viết tham khảo

Thông thường, sau những ngày tháng học tập và lao động mệt mỏi, con người thường tìm đến những chuyến du lịch để tìm lại sự cân bằng, thư thái. Đối với em, chuyến du lịch với bạn bè lớp 6A là những kỷ niệm và hành trang đáng nhớ. Đến tận bây giờ, em vẫn không thể nào quên được chuyến du lịch vui vẻ và bổ ích ấy.

Nhân ngày nghỉ Tết dương lịch, lớp em đã tổ chức một chuyến đi du lịch ở khu K9 và Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội. Cả lớp và cô giáo chủ nhiệm ai cũng vui bởi vì sau kỳ thi căng thẳng chúng em sẽ có những giây phút vui chơi và nô đùa cùng nhau. Tất cả lịch trình và địa điểm em chúng em đều đã nắm rõ, chắc hẳn chuyến du lịch sẽ rất vui và bổ ích.

Buổi tối hôm ấy, em đã rất hồi hộp và chờ đợi chuyến du lịch ngày hôm sau. Những thực phẩm và dụng cụ cần thiết em đã chuẩn bị rất kĩ. Hôm sau, em thức dậy vào lúc 5 giờ để vệ sinh cá nhân, mọi thứ đã sẵn sàng. Đúng 5:30, chúng em bắt đầu đến trường tập trung, chiếc xe du lịch đã đến đón chúng em, cuộc hành trình đã bắt đầu.

Ngồi trên xe, chúng em trò chuyện với nhau rất vui và dự đoán về chuyến du lịch sắp tới. Hướng dẫn viên du lịch của chúng em là chú Minh – một người rất vui tính và thân thiện. Chú đang nói cho chúng em nghe rất nhiều câu chuyện về địa điểm du lịch của lớp, bên cạnh đó, chúng em còn được thư giãn bằng một trò chơi mà chú Minh đã đưa ra, đó chính là “Lắng nghe và ghi nhớ” . Khi nghe chú thuyết trình về địa điểm du lịch, chúng em phải ghi nhớ, những ý chính, rồi khi được chú hỏi lại, bạn nào trả lời đúng sẽ được nhận quà. Em thấy đây là một trò chơi rất bổ ích, giúp chúng em ghi nhớ và có thêm nhiều hiểu biết về những địa điểm du lịch mà chú đã hướng dẫn.

Cuối cùng cũng đến nơi, khung cảnh ở đây thật tuyệt làm sao! Những đồi núi hùng vĩ, cây cối trên núi thì xanh tươi mượt mà, những làn gió lướt nhẹ làm cho chúng đung đưa như đang rì rầm trò chuyện. Chúng em được ghé thăm khu di tích lịch sử K9, ở đó có rất nhiều binh sĩ, các chú trông rất oai phong và trang trọng. Cô giáo chủ nhiệm lớp và chú Minh đã dẫn chúng em đến tham quan ngôi nhà xưa của Bác Hồ, ngôi nhà thật đẹp và đã được sửa sang lại. Sau khi tham quan các khu di tích lịch sử, tất cả các bạn trong lớp đều cảm thấy đói nên chúng em được đi ăn trưa và nghỉ ngơi. Chúng em được dẫn đến nhà hàng “Quê Hương” để ăn trưa, đồ ăn ở đây rất ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng. Sau khi ăn trưa, cả lớp được chú Minh dẫn đến một địa điểm để mua quà lưu niệm và các món đồ ăn vặt, em đã mua một vài món quà xinh xinh để mang về tặng cho gia đình. Sau khi ăn nhẹ và mua quà, chúng em trở về khách sạn đã được thuê để nghỉ trưa kết thúc một buổi sáng thật vui và ý nghĩa.

Một buổi chiều đẹp trời lại đến, lớp chúng em lại được tham quan một địa điểm nữa đó chính là “ Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Vừa đến nơi, chúng em đã được chụp một bức ảnh kỉ niệm. Vào tham quan tháp Chăm, Đền Cổ và một số ngôi nhà của người dân tộc khác. Đi một vòng quanh khu di tích, chúng em đã dừng chân ở một bãi cỏ trống rất xanh và rộng, trên bãi cỏ đó có những đồ dùng cần thiết để cho chúng em chơi – thì ra là cô giáo và chú Minh đã chuẩn bị. Mỗi tổ sẽ tham gia một trò chơi, đội nào thắng cuộc sẽ giành được những món quà. Mọi người ai cũng chơi thật hào hứng và vui vẻ.

Chẳng mấy mà đã kết thúc một ngày, chúng em phải trở về nhà. Trước khi lên xe, chú Minh đã chào tạm biệt chúng em và chúc lớp có thật nhiều thành tích cao trong học tập. Thế là một chuyến du lịch bổ ích đã khép lại, hôm ấy, phải rất muộn em mới về đến nhà. Em đã kể cho mọi người nghe về chuyến du lịch rất vui của mình cùng với các bạn, qua đây em cảm thấy mình trưởng thành và có thêm được nhiều những kiến thức bổ ích. Hi vọng rằng trong tương lai em sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch như vậy cùng với các bạn trong lớp.

Chuyến đi đó đã giúp chúng em của mở rộng tầm hiểu biết của mình, thêm nữa còn tăng thêm tình đoàn kết giữa các bạn trong lớp với nhau. Tất cả sẽ mãi là một kỉ niệm đẹp in dấu trong tâm trí của mỗi thành viên trong lớp. Đối với bản thân em, đây là một chuyến hành trình cũng như một lần trải nghiệm đáng nhớ nhớ mà không bao giờ em quên.

(Bài làm của học sinh)

-/-

Hi vọng với phần nội dung hướng dẫn Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) mà Đọc tài liệu cung cấp, các em sẽ chuẩn bị bài thật tốt trước khi tới lớp. Xem thêm các bài soạn khác của lớp 8 tại: Soạn văn 8 Kết nối tri thức cùng Đọc nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM