Cùng Đọc Tài Liệu đi vào chi tiết nội dung soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc thông qua việc thực hiện các yêu cầu trong phần hướng dẫn phân tích kiểu văn bản và hướng dẫn quy trình viết, từ trang 89 - 94 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo.
Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc SGK Chân trời
Tóm tắt tri thức về kiểu văn bản
- Khái niệm về kiểu văn bản: Bài văn biểu cảm về con người, sự việc là kiểu văn bản có mục đích trình bày cảm xúc của người viết về một đối tượng (con người, sự việc...)
- Yêu cầu đối với kiểu bài biểu cảm về con người, sự việc:
+ Tình cảm thể hiện trong bài văn phải chân thực, trong sáng.
+ Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.
+ Kết hợp biểu cảm với miêu tả và tự sự nhằm hỗ trợ cho việc biểu lộ cảm xúc của người viết
+ Bố cục bài viết có đầy đủ ba phần: mở bài, thân bài, kết bài
- Chi tiết nội dung chính từng phần của bố cục:
+ Mở bài: giới thiệu đối tượng biểu cảm, biểu đạt cảm xúc chung về đối tượng.
+ Thân bài: Biểu lộ cảm xúc, suy nghĩ cụ thể một cách sâu sắc về đối tượng như đặc điểm, tính cách, kỉ niệm gắn với người đó.. (đối với bài văn biểu cảm về con người), hay biểu lộ cảm xúc theo trình tự diễn tiến của sự việc (đối với bài văn biểu cảm về sự việc).
+ Kết bài: Khẳng định lại tình cảm, cảm xúc của mình với đối tượng; rút ra điều đáng nhớ đối với bản thân.
Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản
Đọc bài viết Cảm nhận về lễ đón giao thừa quê tôi trang 90 SGK Ngữ văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo và xác định các đặc điểm của kiểu bài văn bản biểu cảm về sự việc bằng cách trả lời các câu hỏi.
Câu 1. Bài văn trên được viết để bộc lộ cảm xúc về điều gì?
Trả lời:
Bài văn trên được viết để bộc lộ cảm xúc của người viết về lễ đón giao thừa trên quê hương mình.
Câu 2: Tìm trong đoạn mở bài câu giới thiệu sự việc, câu văn thể hiện cảm xúc của người viết đối với sự việc.
Trả lời:
Đọc kĩ phần mở bài của văn bản, ta xác định được:
- Câu văn giới thiệu sự việc của văn bản là: “Thời gian làm nhòa nhiều thứ, nhưng không sao xóa đi mảnh kí ức đặc biệt trong tôi, về một lần cách đây nhiều năm trước, tôi đã đón cái Tết ở Cần Thơ - mảnh đất cha tôi sinh ra, cũng nơi gieo cho tôi bao nhớ thương”
- Câu văn thể hiện cảm xúc của người viết đối với sự việc là: “Thành phố phồn hoa biết mấy, thế mà tôi lại nặng tình tha thiết với quê hương”.
Câu 3: Ở phần thân bài, người viết đã biểu lộ cảm xúc như thế nào về sự việc? Để làm rõ những cảm xúc ấy, người viết đã sử dụng những yếu tố hỗ trợ nào?
Trả lời:
Ở phần thân bài, cảm xúc mà người viết đã biểu lộ đó là sự xúc động, bồi hồi, xao xuyến khi nhớ về quê hương cùng những kí ức sum vầy, đoàn tụ với gia đình giây phút giao thừa; cảm xúc yên bình, thanh thản và tận hưởng mùa xuân đến.
Người viết đã kết hợp thêm yếu tố miêu tả và tự sự trong bài văn của mình để hỗ trợ cho việc làm rõ những cảm xúc ấy, giúp bài văn giàu hình ảnh, chân thành, có sức hấp dẫn hơn, dễ chạm đến trái tim người đọc.
Câu 4: Ở đoạn kết bài, người viết đã trình bày nội dung ra sao?
Trả lời:
Ở đoạn kết bài, người viết đã trình bày cảm xúc thương nhớ của mình về kỉ niệm đón giao thừa ở quê hương Cần Thơ. Bằng việc lặp từ "nhớ" và câu cảm thán ở cuối đoạn, người viết đã bộc lộ cảm xúc nhớ thương da diết của mình khi không thể về quê ăn Tết.
Câu 5: Từ bài viết trên, em rút ra được những lưu ý gì về cách viết bài văn biểu cảm về sự việc?
Trả lời:
Thông qua bài văn Cảm nhận về lễ đón giao thừa quê tôi, em rút ra được những lưu ý về cách viết bài văn biểu cảm về sự việc như sau:
- Giới thiệu được cảm xúc của mình khi viết về một sự việc, cảm xúc đó phải thật chân thực, trong sáng, giản dị
- Kết hợp với các yếu tố miêu tả, tự sự để lí giải cảm xúc và biểu lộ cảm xúc đó vào trong bài.
- Khẳng định được tình cảm, cảm xúc về sự việc đó (sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc)
- Nội dung bài văn gồm đầy đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
Hướng dẫn quy trình viết
Đề bài: Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
- Xác định đề tài: Cảm xúc về một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc (lễ khai giảng, lễ đón giao thừa, kỉ niệm đáng nhớ với người thân, bạn bè,...)
- Thu thập tư liệu: có thể từ sách báo, quan sát thực tế của bản thân về sự việc hoặc được nghe kể lại từ người khác...
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
- Mở bài: Giới thiệu sự việc và biểu lộ cảm xúc sâu sắc của người viết về sự việc.
- Thân bài:
+ Lần lượt thể hiện những tình cảm, cảm xúc sâu sắc, chân thực của người viết thông qua việc miêu tả, kể lại các ấn tượng
+ Biểu lộ cảm xúc, lí giải vì sao có cảm xúc đó.
- Kết bài: Khẳng định lại tình cảm, cảm xúc dành cho sự việc, rút ra điều đáng nhớ đối với bản thân.
Bước 3: Viết bài
Tham khảo một số bài văn biểu cảm hay bày tỏ cảm xúc về một sự việc làm em ấn tượng dưới đây:
Mẫu 1
Ngày đầu tiên khai trường, đó là cái ngày mà chắc hẳn không ai trong chúng ta có thể quên được. Cái ngày ấy đã đánh dấu sự kiện mỗi chúng ta bước vào con đường học tập. Năm nay tôi đã lên lớp 7, đã quá quen với không khí học đường, nhưng nhìn lại chiếc cặp chú tôi tặng tuần trước làm tôi thêm bồi hồi, xao xuyến và nhớ lại những kỉ niệm ngây thơ, bé bỏng của một cậu bé chập chững bước vào cổng trường trong bàn tay gầy guộc nhưng đầy tình thương của bà tôi.
Đó là cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên. Hôm ấy, trời thu se se lạnh, mây bồng bềnh trôi, đó cũng là biểu hiện của một ngày khai trường đang đến, một năm học mới bắt đầu. Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng ngây thơ với tâm trạng một đứa trẻ sắp đối diện với một sự kiện quan trọng. Thực ra lúc đó còn bé, chưa cảm nhận được mấy về ngày khai trường và cũng chẳng biết đó là ngày gì, nhưng thấy sự quan tâm, bận rộn của người lớn phần nào tôi cũng đã nhận ra có cái gì đó quan trọng. Hôm nay bà sẽ là người đưa tôi đến trường, bố mẹ tôi công tác xa nên không thể đưa tôi đi được, nhưng nghe bà tôi nói bố mẹ tôi cũng háo hức cái ngày này lắm. Vùng quê tôi không phải ở thành thị, cũng chẳng phải một nơi nào giàu có, đó là một vùng sông nước mang đầy nét thôn quê và sự dân dã. Trên đường đi học, bà cháu tôi phải đi qua một con sông. Bác lái đò đã chờ sẵn chúng tôi ở đó. Tôi thấy nét mặt của bác tươi hơn mọi ngày, phải chăng đó cũng vì cái ngày hôm nay, cái ngày mà mọi người gọi là “ngày tựu trường” – trong đầu tôi nghĩ vậy. Trên đò có rất nhiều các bạn học sinh cùng các bậc phụ huynh. Tôi để ý thấy từng nét mặt lo lắng trên mặt bọn trẻ, trong đó có cả mấy đứa thường đi thả diều với tôi, cùng với sự chu đáo của người lớn giống như bà tôi vậy. Điều đó càng làm tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của ngày này, nhưng cũng chính vì đó mà khiến tôi càng thêm bận tâm. Tâm hồn tôi bấy giờ nặng trĩu nhưng rồi lại nhẹ nhàng như những cánh hoa tươi rực rỡ trong nắng mai cùng những giọt sương sớm bởi bà tôi đang bên cạnh cùng những dập dềnh của sóng nước. Đang mải mê suy nghĩ, chợt tiếng bác lái đò gọi to làm tôi giật mình: “Các cháu xuống nào, chúc các cháu vui vẻ nhé” Câu nói ấy thật quen thuộc bởi mỗi lần tôi đi đò của bác đều được nghe nhưng hôm nay sao câu nói ấy lại in sâu vào tâm trí tôi như vậy. Nó như động lực giúp tôi mạnh mẽ thêm trong tâm trạng như hiện giờ. Tôi mạnh dạn chủ động nắm tay bà bước xuống đò. Làn gió nhè nhẹ thổi qua, xoa đi cái nóng nực khi ngồi đò và cái bồi hồi của tâm trạng.
Trước mặt tôi là một cái cổng trường to lớn. Xung quanh đó là hàng trăm các bạn học sinh khác cùng với biết bao tâm trạng, suy nghĩ. Bạn thì níu chân mẹ, người thì mếu máo. Chợt có tiếng khóc òa sau lưng tôi, tôi liền chạy lại úp mặt vào bà và cũng nghẹn ngào khó tả. Nước mắt tôi đã dưng dưng đến tận cổ họng. Nhưng nhớ tới những lời mà bố mẹ tôi vẫn hay nựng nịu cùng với sự dỗ dành của bà. Tôi lại can đảm lau nhẹ nước mắt và mồ hôi, đứng thẳng người. Cùng lúc đó, có một cô giáo đi lại phía tôi. Tôi ngơ ngác nhìn thì cô nhẹ nhàng cất tiếng nói: “Bà cho cháu vào lớp đi. Đó là lớp của cháu” Giọng nói ấm ấm, thanh thanh mà ngọt ngào của cô đã khiến tôi nhớ đến mẹ. Tôi không còn cảm giác sợ hãi nữa. Cô nhẹ nhàng nắm tay tôi dắt vào lớp, tôi đi theo sau cô và cảm nhận mùi thơm từ tà áo dài của cô.
Với tôi, nếu không có ngày khai trường đầu tiên đi học chữ – phút đầu tiên được “thưa cô giáo”, lần đầu tiên nghe tiếng trống trường và đứng dưới lá cờ tổ quốc hát quốc ca ấy… tôi sẽ có gì sâu sắc với mái trường và tuổi thơ nhỉ? Những kỷ niệm đẹp đẽ trong ngày khai trường đầu tiên ấy đã góp phần bồi đắp nên tâm hồn thơ của tôi đấy thơ ơi!
Mẫu 2:
Trong tâm trí mỗi học sinh, thầy cô giáo bao giờ cũng là những người tốt đẹp, giỏi giang, đáng kính nhất. Nhưng thực tế, bên cạnh những người thầy đáng kính còn có những người thầy chưa được tốt. Cô giáo dạy tôi hồi lớp 4, lớp 5 không phải là xấu nhưng cũng đủ để tôi bị dằn vặt một thời gian.
Tôi vẫn nhớ như in ngày ấy, ngày mà cô đến lớp 3B đón chúng tôi vào lớp 4B do cô làm chủ nhiệm. Ấn tượng đầu tiên của tôi: cô không phải là một phụ nữ xinh đẹp. Dáng người cô nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Nước da cô trắng hồng. Khuôn mặt cô gầy, hai gò má xương xương. Đôi mắt cô màu nâu, sâu, toát lên vẻ buồn bã. Cũng phải, cô không buồn sao được khi người chồng thân yêu của cô đang bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ. Biết điều này, tôi thực sự đau xót và cảm phục cô. Một mình cô với đồng lương ít ỏi, bươn chải trong cuộc sống để nuôi hai cậu con trai nhỏ cùng người chồng đau yếu thật không dễ dàng gì. Cô quả là người phụ nữ có nghị lực.
Cô là một giáo viên giỏi. Ai cũng bảo lớp tôi may mắn được cô chủ nhiệm. Cô dạy rất hay, đặc biệt là môn Toán. Cô kèm cặp chúng tôi rất kĩ nên lớp học ngày càng tiến bộ. Cô cũng là người tâm lí, luôn chia sẻ với chúng tôi nhiều chuyện trong cuộc sống. Cả lớp chúng tôi đều yêu quý cô.
Tôi nhớ, dịp ấy cả trường tôi đang chuẩn bị cho cuộc thi “Hội vui học tập”. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp một đến lớp năm. Muốn được tham dự cuộc thi phải vượt qua vòng sơ loại. Cô đã ôn luyện cho chúng tôi rất kĩ. Cuối cùng, tôi đã vượt qua vòng thi này với số điểm 16/20. Tất cả chỉ còn chờ ngày thi diễn ra. Hôm đó, chúng tôi vô cùng háo hức trước những tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của các cổ động viên. Cuộc thi diễn ra trong không khí hồi hộp và căng thẳng.
Tôi đã vượt qua quá nửa câu hỏi của cuộc thi. Đến câu hỏi về lịch sử, vì không chắc đáp án nên tôi ghi liều, may sao lại đúng đáp án của chương trình. Trả lời xong câu hỏi, tự nhiên, tôi thấy Hải – cậu bạn thân – đi xuống băng ghế của các bạn bị loại. Tôi hơi ngạc nhiên vì Hải rất đam mê lịch sử và có trí nhớ rất tốt, làm sao bạn có thể trả lời sai được? Tôi đi tiếp được hai câu hỏi nữa thì phải dừng cuộc chơi vì quá căng thẳng. Kết thúc cuộc thi, tôi đang ngồi ủ rũ thất vọng thì được cô giáo gọi lên nhận giải. Tôi vỡ oà trong niềm vui miên man. Lên nhận giải mà chân tay run lẩy bẩy, tim chỉ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đây thực sự là một vinh hạnh, một kết quả ngoài sự mong đợi của tôi.
Khệ nệ bê thùng quà về lớp, tôi cứ tưởng mình sẽ nhận được sự chúc mừng của mọi người nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như tôi nghĩ. Một bạn nói với tôi: câu trả lời của Hải đúng, đáp án của trường sai. Nhiều bạn bất bình, một bạn trực tính đến trước mặt tôi nói toáng lên:
– Đã trả lời sai lại còn được đi tiếp, còn được thùng quà to thế kia đem về nữa. Vinh hạnh nhỉ? Chẳng qua là mày ăn may thôi chứ không xứng đáng nhận phần thưởng này.
Tôi thật sự choáng váng và tủi thân khi ngày càng nhiều bạn xúm lại chì chiết tôi. Tôi oà khóc, cổ họng nghẹn lại. Lúc ấy, cô giáo tôi cũng biết. Tôi hi vọng cô sẽ giúp tôi làm rõ mọi chuyện nhưng cô chỉ nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, vô cảm rồi lẳng lặng quay gót đi.
Vài ngày sau, cô mang đến lớp một thùng vở. Cô bảo cả lớp:
– Đây là phần thưởng dành cho những em không đạt giải để động viên các em cố gắng trong học tập. Các em không đạt giải là do trường. Các bạn đạt giải vừa rồi không xứng đáng, chỉ là may mắn thôi.
Câu nói của cô làm tôi rất đau lòng. Những ngày qua, tôi đã tự dằn vặt bản thân, khổ sở biết bao nhiêu để quên chuyện ấy đi. Thế mà… cô đã không an ủi tôi lại còn dùng những lời lẽ không mấy dễ chịu. Liệu đó có phải là hành động đúng đắn của một nhà giáo? Lỗi do nhà trường đưa đáp án không chính xác, tôi cũng chỉ là một thí sinh, nào tôi có muốn sự nhầm lẫn ấy xảy ra. Tôi có tội tình gì mà mọi người nhiếc móc tôi mãi thế? Phải nói thật, tôi thấy ghét cô ghê gớm.
Thời gian qua đi, chuyện ấy rồi cũng rơi vào quên lãng. Các bạn đã hiểu, tôi không có lỗi. Chúng tôi lại thân thiết như xưa. Tôi cũng không còn ghét cô nữa. Sau khi lên cấp THCS, hằng năm, vào dịp lễ hội, tôi và các bạn đều về thăm lại cô. Tôi nghĩ, chuyện gì đã qua thì hãy để cho qua, đừng giữ lại mà thêm khổ sở.
Mẫu 3:
Một mùa hè nữa lại trôi qua, sau những ngày nghỉ, chúng em quay lại trường để tiếp tục học hành. Một năm học mới lại bắt đầu. Ngày đầu tiên đi học để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc.
Vài ngày trước, em cùng bố mẹ đi hiệu sách sắm sửa sách vở cẩn thận, chu đáo. Từng quyển sách, quyển vở được em bao bọc và dán nhãn thật đẹp đẽ. Em hồi hộp đếm từng ngày được gặp lại bạn bè và mái trường thân yêu. Không biết trong những tháng ngày qua các bạn đã thay đổi như thế nào; những cái cây bé xíu trong trường đã lớn thêm nhiều chưa;… bao nhiêu câu hỏi vây quanh em vừa làm em háo hức, hồi hộp lại thêm trằn trọc khó ngủ.
Sáng ngày tựu trường em dậy sớm và được mẹ đưa đến trường. Trước cánh cổng rộng lớn đang mở ra trước mắt mình, em vẫy tay chào mẹ rồi bước vội vào trong. Hiện ra trước mắt em là một sân trường đông đúc, rộn rã tiếng cười đùa, trò chuyện của các bạn học sinh sau bao ngày gặp lại. Những hàng cây như lớn hẳn lên, chững chạc, cứng cáp hơn trước rất nhiều. Thoang thoảng là mùi sơn mới của những bức tường, những bộ bàn ghế lâu ngày không sử dụng được nhà trường tân trang lại.
Em từ từ bước đi, hít thở bầu không khí ở trường học đã lâu không được tận hưởng thì chợt có một cánh tay vỗ vào vai em. Hóa ra đó là cô bạn thân cùng lớp của em. Chà! Cậu lớn hơn nhiều đấy nhỉ. Chúng em cùng nhau trò chuyện tíu tít và bước đi đến lớp học của mình - cái cảm giác mà lâu lắm rồi mới có lại được vô cùng dễ chịu. Bước chân vào lớp học, các bạn tươi cười chào em; bạn nào cũng lớn hơn, đáng yêu hơn và vui vẻ hơn. Vì là ngày đầu tiên nên chúng em chưa phải học gì nhiều chỉ nghe cô giáo dặn dò và chuẩn bị cho buổi khai giảng ngày mai. Cô giáo từ từ bước vào lớp, trên tay cầm quyển sổ ghi chép tươi cười nhìn chúng em. Cô mặc chiếc áo dài trắng, khuôn mặt hiền từ, giọng nói nhẹ nhàng và có nụ cười tươi. Cô phổ biến chúng em về nội quy của lớp học và công tác chuẩn bị cho năm học mới. Chính sự tập trung và say mê của cô làm cho chúng em đắm chìm mà quên mất đi sự trôi chảy của thời gian.
Sau khi phổ biến xong nội quy lớp học và nội dung chương trình, cô trò chuyện cùng chúng em để hiểu nhau hơn. Buổi dặn dò kết thúc trong niềm hân hoan của cả cô và trò. Trở về nhà trong tâm trạng vui vẻ, em hi vọng đây sẽ là một năm học đầy may mắn và hứng khởi.
-/-
Các bạn vừa tham khảo xong chi tiết nội dung soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc SGK Chân trời sáng tạo. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi đọc hiểu trong bài các em sẽ nắm được kiến thức về cách làm một bài văn biểu cảm về con người, sự việc một cách dễ dàng hơn.
Xem thêm bài soạn liên quan: